Dòng phim Nhà nước: Đợi ngày trở lại mạnh mẽ

Thứ Sáu, 02/09/2022, 16:45

Được đánh giá là một trong những dòng chủ lưu của điện ảnh Việt nhưng dòng phim Nhà nước (hay còn được gọi là dòng phim chính thống) ngày càng thưa thớt, hiếm hoi. Điều này khiến không chỉ những người làm nghề mà cả công chúng yêu điện ảnh Việt không khỏi băn khoăn...

Tại đợt phim kỷ niệm 77 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 năm nay (diễn ra từ ngày 19/8 đến ngày 5/9), các phim được chọn bao gồm: Phim truyện "Anh thầy ngôi sao", phim tài liệu: "Vững tin trên con đường đã chọn", "Nguyễn Tất Thành - Những dấu ấn lịch sử", và phim hoạt hình "Đại hành Hoàng đế". Trong số đó, ở thể loại phim truyện, "Anh thầy ngôi sao" (đạo diễn Đỗ Đức Thịnh) mang tới câu chuyện đầy cảm xúc về hành trình thực hiện ước mơ của những người trẻ.

đề tài chiến tranh cách mạng luôn được các phim nhà nước khai thác.jpg -0
Đề tài chiến tranh cách mạng thường được các phim Nhà nước khai thác.

Phim kể về Hoàng, sau giấc mơ trở thành ngôi sao ca nhạc không thành, Hoàng buộc phải kiếm sống bằng cách làm thầy giáo dạy nhạc ở một hòn đảo xa đất liền. Cuộc sống thiếu thốn với nhiều phiền toái trên đảo nhiều khi khiến Hoàng muốn bỏ về nhưng bọn trẻ và tình cảm của người dân nơi đây đã giữ anh lại… Mặc dù là "Anh thầy ngôi sao" khá phù hợp để chọn chiếu trong Tuần phim này tuy nhiên bộ phim được sản xuất khá lâu, từ năm 2019.

Không thể phủ nhận, từ năm 2020 đến nay, Điện ảnh Việt gặp không ít khó khăn vì dịch bệnh COVID 19 nhưng thực tế, lượng phim sản xuất trong năm không ít hơn nhiều so với trước đó. Việc thiếu vắng phim mới để chiếu trong dịp kỷ niệm không chỉ diễn ra ở năm nay. Vài năm trở lại đây, vào những ngày lễ lớn của đất nước, trên truyền hình và các rạp thường chiếu lại những bộ phim liên quan tới chủ đề lịch sử cách mạng. Tuy nhiên, các phim lại khá quen thuộc vì được chiếu quanh đi quẩn lại. Cơ quan chức năng cũng thừa nhận, việc thiếu phim Nhà nước đặt hàng đã dẫn đến tình trạng này. Phim tư nhân được sản xuất nhiều nhưng chủ yếu mang tính giải trí, không phù hợp với nhiệm vụ tuyên truyền.

Theo ước tính, mỗi năm Điện ảnh Việt ghi nhận sự ra rạp của gần 50 bộ phim. Trong đó, sẽ có 3 phim được Nhà nước đầu tư kinh phí sản xuất còn lại là phim tư nhân. Con số đó cho thấy, số lượng phim Nhà nước sản xuất vô cùng ít ỏi. Thậm chí, tại LHP Việt Nam lần thứ 20 (năm 2017), phim Nhà nước hoàn toàn vắng bóng. Đây là một thực trạng đáng buồn khiến nhiều người trong giới điện ảnh không khỏi lo lắng, băn khoăn. Bởi từ trước đến nay, phim Nhà nước luôn giữ một vị trí quan trọng. Trong lịch sử điện ảnh Việt Nam, không ít bộ phim đã góp phần làm nên diện mạo điện ảnh Việt, tạo dấu ấn với bạn bè quốc tế và phản ánh rõ bức tranh xã hội qua từng thời kỳ. Gần đây, điện ảnh được đánh giá là lĩnh vực sôi động, nhanh nhạy trong việc nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của khán giả. Ngày càng có nhiều bộ phim tạo được "cơn sốt phòng vé mang về doanh thu trăm tỷ cho nhà sản xuất. Nhưng đáng tiếc, hầu hết đều thuộc về những bộ phim giải trí của các nhà sản xuất tư nhân. Phía sau sự sôi động, náo nhiệt tưng bừng ấy lại là một khoảng trống lớn cần khắc phục.

Trong báo cáo của Hội Điện ảnh Việt Nam tại Đại hội Đại biểu toàn quốc (nhiệm kỳ 2020 - 2025), cũng đã chỉ rõ một trong những vấn đề của Điện ảnh Việt Nam là dòng phim thị trường, thương mại do tư nhân sản xuất đang chiếm vai trò chủ đạo. Vì bài toán kinh tế, các nhà sản xuất tư nhân tập trung chủ yếu khai thác những đề tài thuần giải trí, đậm tính thương mại, chủ yếu phục vụ thanh, thiếu niên đô thị. Hiếm nhà sản xuất tư nhân đầu tư cho những đề tài lịch sử, kháng chiến, cách mạng, hiện thực xã hội, nhân sinh… Từ đó dẫn đến, nền điện ảnh đang thiếu những bộ phim giáo dục lòng yêu nước, tinh thần dân tộc và xây dựng giá trị tư tưởng thẩm mỹ cho công chúng, đặc biệt là tuổi trẻ.

Ngoài ra, một trong những bất cập còn tồn tại ở Điện ảnh Việt Nam là nguy cơ bị nghiệp dư hóa, số lượng phim điện ảnh về đề tài chính luận còn hạn chế. Thị trường sản xuất phim giờ đang là sân chơi của các đơn vị tư nhân. Câu chuyện lỗ - lãi, thu hồi vốn luôn được họ đặt lên hàng đầu nên các nhà làm phim tư nhân chủ yếu tập trung vào làm phim giải trí đơn thuần để tránh tốn kém, thu hồi vốn nhanh. Vì thế, không khó để thấy đề tài mà những nhà sản xuất phim này hướng đến là dòng giải trí như hài, kinh dị, tâm lý xã hội… Thiếu vắng kịch bản trong nước thì họ tìm tới những kịch bản nước ngoài để chuyển thể. Nên, ngay cả khi rạp chiếu tưng bừng với các bộ phim có doanh thu trăm tỉ thì đó cũng chưa thực sự là niềm tự hào của điện ảnh Việt.

Ngoài ra, khi điện ảnh được xã hội hóa, các hãng phim nhà nước chuyển sang cổ phần hóa thì dòng phim chính thống ngày càng ít ỏi. Do dần mất đi sự hỗ trợ của nhà nước, dòng chảy điện ảnh có lúc đứt gãy bởi sự thiếu vắng mảng phim đề tài lịch sử, kháng chiến, cách mạng, hay phim phản ánh các vấn đề lớn của xã hội… Với nguồn kinh phí được cấp làm phim phục vụ nhiệm vụ chính trị gần 150 tỷ/ năm cũng không đủ hấp dẫn các nhà làm phim. Bởi sự khan hiếm kịch bản hay, nhiều thủ tục từ khâu kịch bản đến khâu phát hành có lẽ cũng góp phần khiến các nhà làm phim không mặn mà.

bobanhi_fotor.jpg -0
“Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác” là bộ phim gần đây có sự kết hợp giữa Nhà nước và tư nhân.

Lâu nay, có một thực tế là đề tài của dòng phim chính thống thường tập trung khai thác là chiến tranh cách mạng, tôn vinh truyền thống văn hóa dân tộc hay phản ánh những vấn đề nổi cộm của thời đại. Mảng đề tài này lại không dễ hấp dẫn khán giả trẻ tuổi. Trong khi, đây mới chính là nhóm đối tượng khán giả mà điện ảnh cần nhắm đến. Chỉ khi những người trẻ hiểu và yêu những giá trị văn hóa chân thiện mỹ gửi gắm trong mỗi bộ phim thì cũng có nghĩa những giá trị ấy sẽ được gìn giữ, tiếp nối.

"Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" là một trong số ít phim do Nhà nước đặt hàng đã đạt được cả yếu tố nghệ thuật và doanh thu cũng như kéo được khán giả ở nhiều lứa tuổi tới rạp. Sau đó, đến khoảng thời gian năm 2018 - 2019, dòng phim chính thống mới xuất hiện trở lại với 4 tác phẩm là "Truyền thuyết về Quán Tiên", "Thạch Thảo", "Nơi ta không thuộc về" và "Hợp đồng bán mình". Mặc dù những người làm phim đã rất tâm huyết, nỗ lực nhưng chưa có được thành công như mong muốn. Gần đây nhất, bộ phim "Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác" (đạo diễn Hàm Trần) là dự án hiếm hoi hợp tác giữa nhà nước và tư nhân, được Viện Sundance lựa chọn trình chiếu tại LHP Sundance (LHP lớn nhất thế giới cho thể loại phim tư nhân và độc lập).

Có lẽ những người yêu điện ảnh Việt sẽ rất đồng tình với ý kiến trên báo chí của bà Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam cho rằng dòng phim chính thống trong những thập niên trước là dòng chủ lưu của điện ảnh Việt Nam. Điện ảnh phát triển theo xu hướng xã hội hóa rộng rãi như hiện nay là đúng theo quy luật phát triển của xã hội, nhưng không thể thiếu dòng phim do nhà nước đặt hàng. Điện ảnh phát triển hài hòa, vững vàng là phải như kiềng ba chân: dòng phim chính thống được Nhà nước đặt hàng, dòng phim giải trí ăn khách và dòng phim nghệ thuật. Tuy nhiên, làm thế nào để có được những bộ phim đạt hiệu quả cả về nội dung nghệ thuật lẫn doanh thu là bài toán không dễ dàng.

Những bộ phim do Nhà nước đặt hàng với đề tài riêng mang sứ mệnh rõ ràng là chủ yếu phục vụ nhân dân vào những ngày Lễ, Tết, kỷ niệm. Nhưng, điều đó không đồng nghĩa với sản xuất ra chỉ để… cất kho. Doanh thu chính là thước đo sự tiếp cận của bộ phim tới công chúng. Chỉ khi nào phim có được lượng người xem đông đảo thì ý nghĩa, thông điệp phim truyền tải mới được lan tỏa rộng rãi, mang lại hiệu quả xã hội mạnh mẽ.

Đạo diễn Đặng Thái Huyền, một trong số ít nữ đạo diễn trẻ luôn tâm huyết với đề tài chiến tranh cách mạng cho rằng, dù là phim gì thì đích đến đều phải hướng tới khán giả. Và để phim Nhà nước có thể trở lại mạnh mẽ cần thay đổi mọi khâu từ kịch bản, sản xuất tới phát hành. Cần khuyến khích các hãng phim tư nhân chung tay chia sẻ, cập nhật công nghệ sản xuất mới. Còn để có thể chinh phục được khán giả trẻ cần phải mở rộng biên độ sáng tạo cho nghệ sĩ, hướng tới những gương mặt trẻ và những cách làm mới. Chỉ như vậy, khán giả hy vọng điện ảnh Việt có những tác phẩm hấp dẫn, mang tầm vóc thời đại, tương xứng với những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Khánh Thảo
.
.