Dòng chảy lặng lẽ của NSƯT Tố Nga

Thứ Năm, 06/10/2022, 10:12

Tố Nga nói, cuộc đời chị như một dòng sông, lúc yên ả, lúc dữ dội, lên thác xuống ghềnh. Và dòng sông ấy, dù lúc vơi lúc đầy thì cũng thành máu thịt của chị rồi. Chị sẽ kể cho khán giả nghe câu chuyện dòng sông của đời mình trong liveshow đáng nhớ kỷ niệm 30 năm ca hát, chuyện về một “Dòng sông đa tình”.

1. 30 năm là một dấu mốc đáng nhớ của cuộc đời nghệ sĩ. Tôi hỏi Tố Nga, sao chị không làm liveshow từ 20 năm hay 25 năm, đang độ chín của tài năng và sự nổi tiếng. Tố Nga cười, cuộc đời chị không kiếm tìm sự nổi tiếng hay danh vọng bằng giọng hát. Vì thế, mọi thứ đến với chị cứ chậm một nhịp. Chị cho rằng, vạn sự hữu duyên, đến duyên mà thành. Âm nhạc, với Tố Nga, chính là cuộc đời, đã chia sẻ với chị những hạnh ngộ, buồn vui, khổ đau.

Tố Nga kể “Dòng sông đa tình” cũng là tên một bài hát có rất nhiều kỷ niệm với nhạc sĩ An Thuyên. Đó là năm 1999, chị theo học ở trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Thầy An Thuyên rất yêu quý cô học trò nhỏ. Một hôm, thấy mắt học trò sưng húp lên, thầy hỏi vì sao? Tố Nga chân thành: “Con giận nhau với người yêu, nó cứ ghen con”. Thầy nói rằng: “Con gái Hà Tĩnh không đa tình gì đâu mà tại dòng sông, bến nước, con đò đẹp quá nên nó thế đấy, mắt la mày lém”. Câu chuyện chỉ bâng quơ thế thôi. Nhưng mấy ngày sau, thầy gọi Tố Nga lên bảo có bài mới đây, con hát đi. “Ngày đó còn trẻ và non, mình tiếp nhận bài hát nhưng chưa thu ngay được. Phải đến mấy năm sau, tôi mới ngấm và hát bài hát này, thầy như viết cho mình vậy”. Tố Nga kể lại.

Dòng chảy lăng lẽ của NSƯT Tố Nga -0

Với “Dòng sông đa tình”, Tố Nga sẽ hát cho khán giả nghe ở Chương 1 là những bài hát đã ghi dấu tên tuổi của chị, những bài dân ca, đặc biệt là dân ca xứ Nghệ, những “Về xứ Nghệ cùng em”, “Neo đậu bến quê”, “Quê hương em là núi Hồng, sông La”... Chương 2 là những gấp khúc cuộc đời mà chị trải qua, đó sẽ là những bài hát mang màu sắc tự sự và những đột phá mới mẻ và lạ lẫm, để thấy một Tố Nga của hiện tại, đi qua bão giông vẫn chính là ta. “Ta say trong nỗi buồn, ta cười trong câu hát”, những màu sắc âm nhạc hơi khác so với một bản ngã của Tố Nga bị đóng đinh trong lòng khán giả. Chương 3 sẽ là một Tố Nga đa dạng hơn, với niềm tin, sự lạc quan, mở ra một chương mới trong cuộc đời.

Tố Nga nói, câu chuyện liveshow cũng chính là câu chuyện cuộc đời, chị muốn kể cho khán giả nghe chuyện về một dòng sông sâu sắc, nhiều chiêm nghiệm, không dùng công nghệ và kỹ xảo mà ở đó, tôn vinh sự chín muồi của giọng hát.

30 năm, một hành trình với đủ hỷ nộ ái ố. Tố Nga vẫn lặng lẽ đi và chung thủy với con đường chị theo đuổi, với một xác tín, cứ đi sẽ tới đường. Chị trân trọng mọi nhân duyên trong cuộc đời, bởi với chị, cuộc sống là một hành trình. Vì thế, không bao giờ Tố Nga đặt ra cho mình những mục tiêu hay kỳ vọng gì cho bản thân. Liveshow này cũng vậy, những người Tố Nga chọn không phải vì tên tuổi của họ mà vì đó là những người đã đồng hành cùng chị trong nhiều năm qua.

Chị chia sẻ: “Tôi hạnh phúc khi trong cuộc đời âm nhạc của mình có những mối nhân duyên rất lớn suốt 30 năm qua. NSND Quang Vinh, làm tổng đạo diễn, là người anh hiểu cuộc đời, hiểu giọng hát, hiểu sự nghiệp và những gấp khúc trong cuộc đời Tố Nga, trong 30 năm qua, tôi quyết định chọn anh. Cách đây 10 năm, tôi định làm liveshow kỷ niệm 20 năm ca hát, nhưng ngày đó, nụ cười trên môi của tôi còn ít lắm, phải chờ đến tận bây giờ, mới đủ duyên”.

Vì thế, dù những bước đi luôn chậm hơn bạn bè nhưng Tố Nga không buồn. Những dự án đến với chị rất tự nhiên, không có một ê kíp nào hay bất cứ ai định hướng, kể cả những dự án lớn như “Cúc ơi”, “Gửi vào thương nhớ” đã ghi dấu với khán giả. Nhưng khi đã quyết định làm thì Tố Nga quyết liệt và cầu toàn. Chị quan niệm, đi chậm rãi mà chắc chắn bởi dòng nhạc chị lựa chọn cần sự bền bỉ, như mưa dầm thấm lâu. “Tôi thích chứng kiến mình trên chặng đường đi hơn là đích đến. Tôi thích những trải nghiệm, những cảm xúc mình trải qua hơn là cầm sản phẩm trên tay. Khi có thành quả rồi, mọi người đánh giá thế nào tôi không còn quan tâm nữa”.

Dòng chảy lăng lẽ của NSƯT Tố Nga -0

2. Thế hệ chị, vẫn chung thủy với con đường của mình, không bị tác động bởi xu hướng, thời trang. Vì thế, 30 năm ca hát, Tố Nga vẫn bền bỉ cho ra đời 14 album chất lượng cao và những MV, dù xã hội đang bị xâm lấn bởi công nghệ và nền tảng số. Mấy năm nay, chị còn làm thêm định dạng đĩa than với những bản giới hạn (limited) cho giới high end. Làm vì chị thích, không theo trào lưu hay chiều chuộng thị hiếu của khán giả. Chị quan niệm, phải làm cái mình thích, bởi mình thích mới làm hay được. Khi chạm được cảm xúc của mình mới chạm được cảm xúc người khác.

Tôi hỏi Tố Nga, có bao giờ chị cảm thấy mình bị lạc lõng và chậm lại trong guồng quay như vũ bão của đời sống âm nhạc hôm nay. Chị trả lời tôi, chị thấy mình chậm đi, nhưng sự chậm đó không phải vì lạc hậu mà do thế hệ, do dòng nhạc. Lứa tuổi của chị cũng đã ở tâm thế khác rồi, đứng để quan sát các bạn trẻ, theo dõi, ngắm nhìn xu hướng để hiểu thêm thời cuộc thôi, chứ không chạy theo thời cuộc đó.

Và Tố Nga tin, không phải những giá trị đã qua rồi sẽ bị lạc hậu và những xu hướng mới sẽ làm phai nhạt các giá trị nền tảng. Chị tin, âm nhạc, dù có bất cứ phá cách, sáng tạo, màu mè hình thức nào, đích đến cuối cùng cũng phải chạm tới cảm xúc người nghe. Có thời điểm, người người bolero, nhà nhà bolero, nhưng Tố Nga vẫn không hát vì sợ bị nhàm. Sau này, khi cơn sốt bolero lắng xuống, chị nghe thử thấy nhiều bài hay, lại lựa chọn, phối mới và làm một album bolero.

Dường như sự nghiệp âm nhạc của Tố Nga không liên quan gì mấy đến xã hội, nó là dòng chảy của chính chị, bình lặng và thanh thản. Cô bé Tố Nga ngày nào trốn mẹ ra Hà Nội, nuôi giấc mơ âm nhạc cho riêng mình, giờ đã là một Tố Nga thành công và an yên. Ngày đó, nhà nghèo, mẹ chỉ muốn Tố Nga yên phận với vị trí của một công chức ở Sở Văn hóa Hà Tĩnh. Nhưng trong tâm hồn cô bé ngày đó đã ươm mầm những giấc mộng tưởng về một thế giới rộng lớn hơn. Chị muốn ra Hà Nội học nhạc, mở rộng tầm mắt của mình.

Ngày đi học, đêm đêm cũng chạy show ở các quán nhạc kiếm tiền trang trải sinh hoạt. Cuộc sống chật vật, gian khó, bầm dập nắng mưa. Có lẽ, vì thế, giọng chị đằm hơn, sâu lắng hơn vì nó mang vị mặn của đời. Nhiều người bảo, nghe Tố Nga để mà thốt lên hay quá thì không có, nhưng nếu chê thì không chê được. Và nếu ai đã nghe rồi sẽ bị ngấm, như người nghiện nước chè, đến giờ sẽ bị thèm, bị nhớ.

Tố Nga không bao giờ muốn bị đóng khung mình trong một dòng nhạc hay một cách hát. Con người nghệ sĩ trong chị luôn cựa đạp, sáng tạo để tìm ra những hướng đi mới. Chị nói, chị nuôi dưỡng cảm xúc cho liveshow lần này từ album “Ta”, phát hành năm 2021 trong dịch bệnh.

Đó là một TA của hiện tại, được yêu thương, được nương náu và tìm thấy chốn an trú trong cuộc đời. Chị hát những bản tình ca ít người hát của Trầm Tử Thiêng, của Quốc Dũng, Hoàng Thi Thơ, say và nồng. Đó là một Tố Nga đa tài, nhiều sắc màu trong âm nhạc và đang ở độ chín của cảm xúc, những cảm xúc được chưng cất từ cuộc đời nhiều vị mặn của chị.

Tố Nga đã chinh phục được cả những tai nghe khó tính của giới high end ở Hà Nội khi cho ra album định dạng đĩa than. Có thể nói, Tố Nga là nghệ sĩ nhạc truyền thống đầu tiên của miền Bắc ra định dạng đĩa than và bước một chân vào giới high end Việt Nam.

Nhưng có lẽ, gia tài lớn nhất của Tố Nga không phải là những album, những MV đình đám mà chính là khán giả. Chị nói: “Gia tài lớn nhất của tôi chính là khán giả, có những khán giả chỉ nghe Tố Nga hát thôi và mong ước được gặp một lần ngoài đời như thế nào. Có người gặp bỗng ôm chầm lấy tôi xúc động, chị nghe em hát bao nhiêu năm rồi, giờ mới gặp. Có những khán giả nhắn tin từ những nơi xa xứ, những bài hát về quê hương của tôi đã xoa dịu cho họ nỗi nhớ quê nhà... Đó là động lực giúp tôi tiếp tục hành trình âm nhạc của mình. Có những khán giả chung thủy đến mức, họ không rời bỏ mình bất cứ bài hát nào”.

Giờ nụ cười đã nở trên môi Tố Nga, tình yêu đã gõ cửa và người đàn bà hát ấy càng đằm thắm hơn, trọn vẹn hơn cho tiếng hát của mình. Đi qua giông bão, chị đã tìm lại bình yên. Và vì thế, tiếng hát của Tố Nga càng say, càng nồng.

V.Hà
.
.