NSƯT Vũ Hà: Miệt mài và đam mê

Thứ Năm, 28/07/2022, 16:56

Nói đến cố NSƯT Vũ Hà (Hà đầu bạc), giới sân khấu không xa lạ. Chẳng phải ông là ngôi sao trên sàn diễn, cũng không phải tạo nên những cơn sốt vé bởi một kịch bản nào hoặc là đạo diễn của những vở kịch đình đám.

Ông chỉ khiêm tốn là một nhà sân khấu truyền thanh (SKTT) tức tạo nên tiết mục sân khấu cho công chúng nghe qua làn sóng chứ không phải là xem trên sân khấu. Công việc hàng ngày của ông gồm mấy hoạt động: Một là đi tìm kiếm những vở diễn hay rồi thu thanh, đưa lên làn sóng. Hai là mời các diễn viên đến studio đối thoại theo các kịch bản đã có sẵn. Lúc này, ông là đạo diễn kịch truyền thanh. Và ba là tự tay viết nên những kịch bản loại này.

image001.png -0
Nghệ sĩ ưu tú Vũ Hà (1944 - 2010).

Trước khi Vũ Hà làm SKTT ở Đài Tiếng nói Việt Nam và sau khi ông qua đời, đương nhiên là có nhiều người cũng làm việc này. Nhưng bạn nghề thường nhớ đến Vũ Hà. Có lẽ trước nhất bởi thời gian ông làm việc này là rất lâu (35 năm) - hầu như gần cả đời công chức. Sau là ông vừa viết kịch bản, vừa đạo diễn SKTT tới hàng trăm vở, trong đó có nhiều vở gây được ấn tượng tốt cho công chúng.

Có một thời, khi vô tuyến truyền hình còn hiếm, Đài phát thanh là phương tiện chiếm ưu thế trong việc đem lại sự phong phú cho đời sống tinh thần quảng đại quần chúng. SKTT và Kể chuyện cảnh giác được phát vào các tối thứ 7 hàng tuần có lẽ là hai tiết mục khiến nhiều công chúng đón chờ nhất trên Đài Tiếng nói Việt Nam.

Cần thấy rằng chỉ một lượng công chúng nhất định ở Thủ đô và các thành phố lớn mới có cơ hội xem sân khấu trên sàn diễn. Còn lại phần đông hơn ở các tỉnh và các vùng nông thôn, miền núi thì không thể tiếp cận với loại hình nghệ thuật hấp dẫn này. Vậy nên SKTT là rất cần thiết. Vũ Hà đã góp công không nhỏ trong việc hoàn chỉnh và phát triển thể loại này.

Năm 1996, trong một lần tham dự Liên hoan Kịch truyền thanh thế giới tổ chức tại Mockva, vở kịch "Cái chết của nữ tài tử dạy hổ" của Vũ Hà được giải cao. Sau đó, ông được bạn bè quốc tế tặng danh hiệu "Kiện tướng kịch truyền thanh quốc tế".

Nhớ lần đầu tiên tiếp xúc với Vũ Hà, tôi giữ được ấn tượng thật đặc biệt về ông. Có một thời gian khá dài, tôi như người làm việc ở Đài Tiếng nói Việt Nam do thường xuyên có mặt ở cơ quan này vì cộng tác với rất nhiều chương trình, chủ yếu là nói và đọc. Một lần, tôi đang thu thanh trong phòng, nhìn qua ô kính thấy một người còn trẻ mà mái tóc đã bạc như cước cứ chăm chú lắng nghe. Đến lúc thu xong, người đó tiến lại bắt tay, làm quen với tôi và tự giới thiệu: "Xin chào anh Nguyễn Đình San. Tôi là Vũ Hà làm chương trình SKTT phát vào các tối thứ 7 hàng tuần. Không biết anh có để ý?". "Thi thoảng tôi có theo dõi. Nhiều vở rất hay, chẳng kém mấy xem trên sân khấu".

Rồi Vũ Hà kéo tôi ra quán nước. Ông khen tôi có giọng nói hay, đài từ tốt và ngỏ ý muốn mời tôi cộng tác lâu dài với SKTT trong vai trò dẫn chuyện là chính, khi nào có vai phù hợp thì sắm luôn. Thế là từ đó, tôi và ông trở thành bạn và thường xuyên được ông mời tham gia nhiều vở kịch truyền thanh.

Vũ Hà là người dễ chơi. Ông có phong cách xuề xòa, luôn xởi lởi với mọi người. Gặp ông lúc nào cũng thấy nụ cười luôn thường trực trên môi. Ông sống chân thành, tự nhiên, đầy thú vị chứ không phải nụ cười kiểu "trang trí". Lại cũng hay bông phèng, tếu táo. Cuộc gặp gỡ nào mà có Vũ Hà thì vui hơn hẳn khi vắng ông. Ông biết cách làm cho các diễn viên đến phòng thu luôn hào hứng làm việc hết mình mặc dù thù lao (nhuận miệng) rất khiêm tốn và không phải kịch bản nào cũng hay. Thường thì mỗi khi gặp một kịch bản kém chất lượng, các diễn viên rất oải.

Một lần vào dịp kỷ niệm lớn, Vũ Hà đã lựa chọn một vở rất có ý nghĩa nhưng chất lượng nghệ thuật chưa cao, các nhân vật trong vở không sinh động. Diễn viên diễn rời rạc vì không có hứng. Vũ Hà đã "dỗ" họ như dỗ trẻ con: "Thôi nào, chất lượng nghệ thuật có phần non yếu nhưng rất cần xuất hiện trên sóng trong dịp kỷ niệm lớn sắp tới. Các chiến hữu cố diễn cho hay để kết thúc sớm, xong còn xuống chợ Đuổi thăm công ty LOLOTICA. Hôm nay Vũ Hà sẽ chiêu đãi".

NSƯT Vũ Hà: Miệt mài và đam mê -0
Bìa một cuốn sách của Vũ Hà và những công việc hàng ngày của ông.

Mọi người ai cũng hiểu là sẽ đi ăn lòng lợn, tiết canh ở chợ Đuổi (chợ ở cuối phố Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng khi ấy có quán bán thứ này rất nổi tiếng, bây giờ không còn). Quả là các diễn viên vui vẻ hẳn, diễn có hồn hơn trước. Làm việc xong, tất cả xuống chợ Đuổi như đã hẹn, liên hoan túy lúy. Ăn xong, mọi người có ý đóng góp chứ không để Vũ Hà phải trả tiền. Ông không nghe, nói: "Mình vừa lĩnh được khoản nhuận bút có thể được mấy bữa như thế này. Các bạn cứ yên tâm".

Vui vẻ, xuề xòa, rất dễ tính với mọi người nhưng trong công việc, ông lại rất nghiêm túc và khó tính. Không ít diễn viên đã nổi tiếng trên sân khấu mà lúc thoại trong phòng thu vẫn bị ông yêu cầu diễn đi diễn lại. Ông nói với một nữ diễn viên quen biết trên cả sân khấu lẫn màn bạc khi cô có vẻ chưa thật nhập vai: "Ở trên sân khấu, vì em quá xinh đẹp nên khán giả chỉ mải nhìn mà sao nhãng nghe em nói. Nhưng ở đây, chỉ còn duy nhất giọng nói của nhân vật nên mọi nhược điểm của giọng sẽ lộ ra. Em thể hiện sâu sắc hơn chút nữa đi". Cách góp ý của Vũ Hà như vậy khó có thể khiến cô nàng tự ái.

Tôi cũng bị ông bắt diễn đi diễn lại một đoạn đối thoại dài. Lần ấy, tôi được phân sắm vai Giám đốc một nông trường. Ông phàn nàn: "Nhân vật Giám đốc này vốn là bộ đội chuyển ngành, trình độ văn hóa mới cấp 2. Ông ta miệng nói, tay làm, sống rất bình dân. Ông hãy nói dung dị hơn. Giọng ông sang trọng quá, chưa hợp. Ông hãy nâng tông lên một chút và nhớ là không điệu, không trầm, lốp bốp một chút càng hiệu quả". Tôi phải thu đến lần thứ 3 mới được đoạn ông Giám đốc này phát biểu trong một cuộc họp.

Vũ Hà không có dịp được học qua trường đại học nào, càng không được đào tạo ở trường sân khấu. Ông sinh năm 1944 ở Khoái Châu, Hưng Yên, có một tuổi thơ nhọc nhằn, khốn khó. Còn bé xíu, đã phải theo mẹ đi khắp các chợ ở quê nhà để kiếm sống. Đến năm 1946, lên 2 tuổi, cùng bố mẹ lên Hà Nội sinh nhai. Cả nhà ở nhờ một người bà con. Mẹ bán hàng xáo, bố đi làm mướn, gặp ai thuê việc gì cũng làm miễn có tiền. Cậu bé Hà khi ấy cứ học xong là lại đi bán báo, đánh giầy, bán kem dạo ở khắp các ngõ, ngách Hà Nội. Sau này, khi đã là một đạo diễn SKTT, cứ gặp các chú bán báo hay đánh giày ở đâu là ông lại nhớ về ký ức tuổi thơ của mình. Ông sẵn sàng moi tiền mua báo hoặc đánh giày mà không lấy tiền trả lại.

Do hoàn cảnh bố mẹ quá khó khăn, học hết lớp 9, Vũ Hà xin vào một đoàn địa chất lên miền núi thăm dò khoáng sản. Vậy là mới 17 tuổi, ông đã đặt chân đến được nhiều nơi ở các vùng hẻo lánh, xa xôi. Hồi học phổ thông, ông có thiên hướng về môn văn và thích xem kịch. Thấy có cuộc thi sáng tác kịch bản do Hội Nghệ sĩ sân khấu tổ chức, tại tỉnh Bắc Kạn - nơi đang thăm dò địa chất - Vũ Hà mạnh dạn viết một vở gửi dự thi và đoạt giải B. Thời gian này, ông xin đi học tại chức ngành Văn ở Trường Đại học Tổng hợp. Có bằng cử nhân văn học, năm 1970, ông xin chuyển về Đài Tiếng nói Việt Nam và làm ở Phòng Sân khấu cho mãi tới lúc nghỉ hưu (2005).

Vào đầu thế kỷ 21, đời sống nhiều người dân ở Hà Nội đã được nâng cao. Khắp nơi, người ta làm nhà nhiều tầng, mua xe máy. Nhưng Vũ Hà vẫn "thủy chung" với chiếc xe đạp cà tàng, căn hộ tập thể chật hẹp ở tầng 2 khu tập thể Nguyễn Công Trứ luôn thiếu ánh sáng. Và ông cũng rất thủy chung với nghề đạo diễn SKTT ở Đài Tiếng nói Việt Nam suốt 35 năm tuy không ít lần có cơ hội chuyển công tác sang cơ quan khác có mức lương và nhiều chế độ cao hơn.

Đã hoạt động văn nghệ thì ai cũng yêu nghề. Nhưng Vũ Hà có niềm say mê đặc biệt hơn người. Điều này đã khiến ông vượt qua rất nhiều khó khăn để đến với văn học, với sân khấu. Không đơn giản khi đang là một công nhân địa chất nay đây mai đó mà ông vẫn tìm cách học để hoàn thành chương trình lớp 10 phổ thông và sau đó là học tại chức để có được bằng cử nhân văn học.

Với những đóng góp đáng kể trong lĩnh vực SKTT, Vũ Hà được phong danh hiệu NSƯT. Ông ra đi ngày 12/3/2010, khi mới ở tuổi 66 - cái tuổi thời nay được coi là chưa già, để lại cho bạn bè, đồng nghiệp niềm thương tiếc lớn.

Nguyễn Đình San
.
.