Điện ảnh đừng thành "điện ẩu"

Thứ Năm, 01/09/2022, 16:32

"Từ nay tới cuối năm 2022, phim Việt ra rạp đại đa số là phim ma với kinh dị", một nhà sản xuất điện ảnh uy tín đã tiết lộ như thế trong một buổi trà dư tửu hậu giữa những người làm phim với nhau. Và, anh không quên nhận xét thêm một câu "Và đa số những phim ấy toàn là phim 'đểu' với chất lượng tệ hại".

Khi nghe ý kiến ấy, có những người đã khá ngạc nhiên với khái niệm phim "đểu". Thế nào là phim "đểu"? Chưa ai từng nghe khái niệm này bao giờ. Nhưng với những gì đang diễn ra ngày hôm nay trong làng điện ảnh, dường như khái niệm này sẽ trở nên quen thuộc dần.

Cách đây chưa lâu, một tờ báo cũng đã lên tiếng về chất lượng phim ra rạp năm 2022 và cho rằng nhiều phim không đủ xứng tầm phim điện ảnh. Điển hình là các phim "Duyên ma", "Mến gái miền Tây", "Là mây trên bầu trời của ai đó"… Và một điểm khá chung giữa những phim này chính là ban đầu chúng vốn là một dự án webdrama (một dạng nội dung video dài kỳ phát trên các nền tảng Internet) nhưng được đội ngũ sản xuất cắt dựng gọn lại thành bản chiếu rạp với độ dài khoảng 90 đến 100 phút.

Bản chất của các webdrama là không quá cầu kỳ về chất lượng hình ảnh và âm thanh. Góc máy, ánh sáng, bố cục hình ảnh của chúng cũng không cần quá chỉn chu. Nhưng với phim điện ảnh để chiếu rạp thì hoàn toàn khác. Khuôn hình được xem là "chữ ký" của đạo diễn và chính vì thế, các đạo diễn luôn kỹ lưỡng trước khi đưa phim ra phát hành bởi chỉ cần một khuôn hình xấu thôi là đủ ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của người đạo diễn. Và nếu xem các phim bị chê thậm tệ gần đây về chất lượng hình ảnh và âm thanh, chúng ta sẽ nhận ra rằng đa số chúng được thực hiện bởi các đạo diễn "mới toanh" trong làng điện ảnh. Tuy nhiên, họ lại không hề mới toanh trong giới làm webdrama hoặc các nội dung giải trí trên Youtube.

Sự cẩu thả này đến từ quan điểm coi webdrama là sản phẩm chính và phim điện ảnh dựng lại từ dữ liệu thu hình webdrama kia chỉ là sản phẩm phái sinh mang lại giá trị tăng thêm. Do đó, các phim cẩu thả ấy kiếm được thêm đồng nào từ phòng vé càng tốt đồng ấy. Điều này thực sự tạo ra bất công với những phim điện ảnh được đầu tư kỹ lưỡng, với chi phí lên tới hàng chục tỷ. Khi những phim đàng hoàng phải chia sẻ suất chiếu với các phim cẩu thả, không chỉ những nhà làm phim tử tế hay khán giả bị ảnh hưởng tiêu cực mà bản thân ngành công nghiệp điện ảnh non trẻ của nước nhà cũng bị ảnh hưởng trầm trọng.

Tất nhiên, sẽ có những ý kiến cho rằng tạo ra một phim dở tệ và mang đi chiếu là quyền của nhà làm phim, nếu cụm rạp chấp nhận chiếu thì điều đó cũng đồng nghĩa là các phim ấy vẫn có chỗ đứng trong ngành. Chuyện chúng được chiếu bao lâu là do khán giả quyết định và báo chí, dư luận vẫn có quyền phê bình, chê trách chất lượng phim. Tuy nhiên, điều cần suy ngẫm chính là tại sao các sản phẩm chưa đủ tầm vóc tương xứng với đòi hỏi tối thiểu của điện ảnh lại được duyệt cho ra rạp một cách dễ dàng vậy? Trách nhiệm của hội đồng duyệt phim đối với nền điện ảnh là tới đâu?

Hội đồng duyệt phim lẽ ra cần phải cân nhắc ngay từ đầu để những hạt sạn như thế không làm hỏng bữa tiệc điện ảnh hàng tuần của khán giả. Và nói không ngoa, chính sự dễ dãi của họ đã góp một phần không nhỏ để nền điện ảnh đang dần trở thành một nền "điện ẩu" đúng nghĩa khi càng ngày càng nhiều đơn vị làm phim theo dạng còn tệ hơn mì ăn liền kiểu này.

Văn Đoàn
.
.