Điện ảnh Việt nửa đầu năm 2022: Phim nhiều, lãi chẳng bao nhiêu

Thứ Năm, 04/08/2022, 14:22

Nửa đầu năm 2022, thị trường điện ảnh Việt ghi dấu cuộc “đổ bộ” ra rạp của một loạt bộ phim. Nhiều phim có mức đầu tư lớn, đề tài đa dạng, cùng sự góp mặt của “ngôi sao phòng vé”... nhưng vẫn không có được doanh thu như kỳ vọng.

Những tháng đầu năm 2022 là khoảng thời gian đặc biệt của thị trường điện ảnh trong nước khi có sự mở cửa trở lại của hệ thống rạp chiếu sau gần 2 năm “án binh bất động” vì dịch bệnh COVID - 19. Tính từ đợt phim Tết đến nay, đã có khoảng hơn 20 bộ phim Việt ra mắt khán giả với đủ thể loại từ tâm lý, hành động, kinh dị đến hài hước.

Bất chấp sự cạnh tranh khốc liệt giữa các phim trong nước với nhau và với phim bom tấn nước ngoài. Những người yêu nghệ thuật thứ Bảy đều biết cụm từ “Câu lạc bộ trăm tỷ” là để chỉ tập hợp những bộ phim có doanh thu từ 100 tỷ trở lên. Đây cũng “ngầm” coi là một tiêu chí đánh dấu sự thành công của tác phẩm điện ảnh ở phương diện phòng vé.

untitled-4.jpg -0
Phim “Kẻ thứ ba” của Lý Nhã Kỳ vẫn thua lỗ dù có sự xuất hiện của nam tài tử Hàn Quốc.

Cách đây hơn một năm, khi bộ phim “Bố già” mang về doanh thu hơn 400 tỷ đồng cho nhà sản xuất thực sự là một đỉnh cao mà khó phim nào có thể vượt qua. Tuy nhiên, sau đỉnh cao mà phim “Bố già” tạo ra, một loạt phim Việt ra rạp nửa năm 2022 vừa qua lại khá yên ắng. May mắn gần đây, duy nhất có “Em và Trịnh” đạt ngưỡng trăm tỷ. Còn trước đó, những bộ phim như “Bẫy ngọt ngào”, “Nghề siêu dễ”, “Chìa khóa trăm tỷ”… được đánh giá là khá nhất trong những bộ phim ra rạp cũng chỉ dừng lại ở vài chục tỷ. Số còn lại khá hẩm hiu với doanh thu không đủ chi. Đây là một thực tế ít ai lường đến vì cứ nghĩ điện ảnh Việt sẽ sôi động trở lại sau khoảng thời gian đóng băng vì dịch bệnh.

Trong số hơn 20 phim ra rạp, số phim có được doanh thu tạm ổn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ví như “Bẫy ngọt ngào”, bộ phim đầu tay về đề tài bạo lực trong hôn nhân của đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư có doanh thu 83 tỷ đồng. “Nghề siêu dễ” với doanh thu 68,8 tỷ đồng là kết quả của chiến dịch truyền thông độc đáo, ấn tượng cùng dàn diễn viên hài nổi tiếng như Thu Trang, Tiến Luật.

“Chìa khóa trăm tỷ” cũng là bộ phim remake và được thực hiện bởi cặp đôi ăn ý Kiều Minh Tuấn  - Thu Trang. Là thể loại phim hài - hành động, lại ra mắt vào dịp Tết Nguyên đán nên “Chìa khóa trăm tỷ” may mắn có được sự hút phòng vé đáng kể… Như vậy, ra mắt vào dịp Tết Nguyên đán chính là lợi thế giúp một số phim thu hồi vốn. Tuy nhiên, số tiền thu về không phải là cao. Còn như phim “Nhà không bán” chỉ có doanh thu 30 tỷ đồng dù có khá nhiều gương mặt ngôi sao như Việt Hương, Nam Em…

Điều đáng nói là những bộ phim có doanh thu ổn chỉ tập trung vào những bộ phim ra mắt vào dịp đầu năm. Càng về sau, doanh thu của các phim càng thấp. Thậm chí, có những phim doanh thu rớt thảm hại. Bộ phim “1990” với sự hội tụ của 3 mỹ nhân đình đám làng giải trí như Ninh Dương Lan Ngọc, Diễm My, Nhã Phương, được quảng cáo rầm rộ nhưng cuối cùng, sau nhiều lần hoãn chiếu và lùm xùm, bộ phim ra mắt nhưng không nhận được sự hưởng ứng của khán giả.

Bộ phim “Người tình” ra rạp sau 5 năm thực hiện, có sự tham gia của người mẫu Minh Tú cũng chỉ thu về 1,3 tỷ đồng. Dẫu rằng, tên phim hấp dẫn, diễn viên chính là siêu mẫu nhưng phim vẫn không thu hút được khán giả vì nội dung nhạt, cách kể chuyện kém hấp dẫn. Bộ phim “578: Phát đạn của kẻ điên” (đạo diễn Lương Đình Dũng) cũng là một trường hợp đáng tiếc. Khai thác đề tài vừa khó nhằn vừa nhạy cảm là nạn xâm hại tình dục trẻ em nhưng cách làm phim thiếu bứt phá, thông điệp không rõ ràng khiến phim chưa thành công như kỳ vọng. Bộ phim có lẽ mang đến nhiều trải nghiệm khi đạo diễn tâm huyết, mức chi phí lên tới 60 tỷ đồng, có hoa hậu HHen Niê đảm nhận vai đả nữ nhưng chỉ thu về vài tỷ đồng.

Một bộ phim cũng có đầu tư lớn nhưng lỗ nặng là “Kẻ thứ ba” do Lý Nhã Kỳ vừa sản xuất vừa đóng vai chính. Phim còn có sự tham gia của nam tài tử Hàn Quốc Han Jae Suk cùng ê kíp Hàn uy tín nhưng doanh thu nhận về chỉ vỏn vẹn gần 1 tỷ đồng. Vì số lượng người xem quá ít nên phim chỉ trụ rạp vẻn vẹn hơn mười ngày. Những khán giả xem phim đều đồng tình với nhận định phim “đầu voi đuôi chuột”, diễn viên đảm nhận vai chính diễn xuất cứng, gượng gạo.

“Maika: Cô bé đến từ hành tinh khác” là phim thiếu nhi Việt Nam hiếm hoi ra rạp trong dịp hè. Mặc dù vậy, phim không thể cạnh tranh được với những phim bom tấn nước ngoài làm mưa làm gió ở các cụm rạp thời điểm đó như “Doraemon: Nobita và cuộc chiến vũ trụ tí hon”. Cuối cùng, phim chỉ thu về gần 5 tỷ đồng. Đây là bài học về việc phim ra mắt không đúng thời điểm gây thiệt thòi lớn.

Ngoài ra, một loạt bộ phim khác cũng gặp thất bại phòng vé như “Mến gái miền Tây” (8 tỷ đồng), “Người lắng nghe” (2,5 tỷ đồng), “Người tình” (1,2 tỷ đồng), “Mưu kế thượng lưu” (1 tỷ đồng), “Mỹ nhân thần sách” (168 triệu đồng)… Lâu nay, kinh phí để sản xuất một bộ phim chỉ thường ở mức 10 - 20 tỷ đồng. Gần đây, chi phí này ngày càng tăng, gấp đôi, gấp rưỡi trước đó. Những bộ phim có kinh phí sản xuất ở mức trên 30 tỷ ngày càng nhiều. Đặc biệt có phim lên tới 50, 60 tỷ. Đầu tư lớn thì áp lực thu hồi vốn với nhà sản xuất càng cao. Kể từ khi có nhiều phim Việt đứng vào danh sách “Câu lạc bộ trăm tỷ” thì mức doanh thu này là đích đến, là giấc mơ nhưng cũng là “ám ảnh” với không ít nhà làm phim.

untitled-5.jpg -0
Phim “Nghề siêu dễ” có mức doanh thu top 2.

Sự thất bại về mặt doanh thu của một loạt phim Việt nửa đầu năm 2022 đã minh chứng cho thấy không phải theo công thức cứ có ngôi sao hay “gương mặt phòng vé” là đảm bảo cho sự thành công của phim. Các mỹ nhân Ninh Dương Lan Ngọc, Diễm My, Nhã Phương không cứu được phim “1990” thoát khỏi vị thế thua cuộc khi ra rạp. Những nghệ sĩ hài tên tuổi như Thu Trang, Kiều Minh Tuấn vốn được coi là “át chủ bài” của dòng phim hài thì với 2 bộ phim “Chìa khóa trăm tỷ” và “Nghề siêu dễ” cũng chưa thực sự tạo được đột phá. Một số gương mặt mới như Hoa hậu HHen Nie, ca sĩ Bảo Anh... mới chỉ góp phần làm phong phú màn ảnh thôi chứ diễn xuất chưa tạo được dấu ấn.

Ra rạp ồ ạt nhưng lại không có nhiều phim tạo được “cơn sốt phòng vé”, doanh thu thấp đó là thực tế ít vui của điện ảnh Việt nửa đầu năm 2022. Không thể phủ nhận một nguyên nhân khách quan là 2 năm dịch bệnh COVID - 19 hoành hành đủ để nhiều khán giả tìm cho mình những phương thức giải trí phù hợp khác. Những hình thức giải trí tại nhà này ngày càng được nâng cấp thuận tiện và đa dạng hơn.

Ngoài ra, các rạp chiếu ở Hà Nội, nơi có lượng khán giả xem đông nhất nhì cả nước chỉ thực sự mở cửa từ đầu tháng 4. Điều này cũng ảnh hưởng khá nhiều đến doanh thu phim Việt. Chưa kể tới việc, khi rạp chiếu mở cửa trở lại cũng là lúc một loạt phim “bom tấn” của thế giới cũng xếp hàng ra mắt. Phim Việt ở trong tương quan “đối đầu” với khá nhiều phim. Và lâu nay, chuyện phim Việt “thua trên sân nhà” cũng vẫn thường xảy ra.

Có thể nói, những bộ phim chưa có được thành công ở phòng vé đều có mẫu số chung là kịch bản chưa hay, cách làm phim chưa cuốn hút và diễn viên đóng chưa đạt. Hoặc, có những phim thất bại còn bởi cách quảng bá, PR phim chưa phù hợp. Quảng cáo phim quá lố, chất lượng của phim cách quá xa so với những lời tung hô của nhà sản xuất. Đã từng có khán giả đi xem theo những lời quảng cáo có cánh như “Phim ma thật người thật”, “Phim kinh dị rùng rợn nhất”, “Phim đầu tiên có bối cảnh khủng”... nhưng xem xong là cảm giác thất vọng.

Rõ ràng, việc PR quá lên có thể thu hút một số khán giả tới rạp xem phim. Nhưng khi thực tế phim không như quảng cáo thì với sức mạnh của mạng xã hội như hiện nay lại thành “gậy ông đập lưng ông”. Sự thành công của phim đến từ nhiều yếu tố. Vì thế, dù kinh phí sản xuất phim lớn, trang phục, kỹ xảo tốt nhưng đường dây kịch bản bất hợp lý, thiếu logic, diễn xuất không chân thực thì khó có thể chạm tới trái tim khán giả. Hy vọng rằng, những bộ phim ra rạp thời gian tới sẽ tránh được câu chuyện lỗ vốn để mang đến thị trường điện ảnh sự sôi động và khởi sắc

Khánh Thảo
.
.