Cuộc chiến chống COVID-19 trên màn ảnh

Thứ Bảy, 18/09/2021, 07:54

Cuộc chiến chống COVID-19 thực sự là một mối bận tâm lớn của nhân loại trong suốt hơn một năm qua. Đã từng có nhiều siêu phẩm điện ảnh về thiên tai và chiến tranh thì tại sao lại không có những thước phim rung động về đại dịch toàn cầu? Nghệ thuật đã và đang triển khai một cuộc chiến chống COVID-19 trên màn ảnh.

Virus corona được phát hiện đầu tiên ở Vũ Hán - Trung Quốc. Vì vậy, cuộc chiến chống COVID-19 ở đô thị này cũng nhanh chóng được làm phim. Bộ phim "Chinese Doctors" phát hành đầu năm 2021 đã mang lại cho những nhà làm phim con số lợi nhuận khá lớn. Bộ phim "Chinese Doctors" lấy bối cảnh các bệnh viện ở Vũ Hán từ khi COVID-19 bùng phát tới khi được khống chế. Tác phẩm tái hiện số phận con người cũng như cuộc chiến giành giật sự sống của đội ngũ y, bác sĩ. Bộ phim "Chinese Doctors" có sự tham gia của nhiều ngôi sao như Trương Hàm Dữ, Viên Tuyền, Chu Á Văn, Lý Thần, Dịch Dương Thiên Tỉ… nên thu hút được sự chú ý của công chúng không chỉ tại Trung Quốc.

1 kieu anh trong ngay mai binh yen.png -0
Diễn viên Kiều Anh trong bộ phim "Ngày mai bình yên".

Bên cạnh bộ phim "Chinese Doctors" và một số phim tài liệu công phu thì cuộc chiến chống COVID-19 ở Trung Quốc còn được thể hiện trong sê-ri phim truyền hình "Sát cánh bên nhau". Có dung lượng 20 tập, bộ phim truyền hình "Sát cánh bên nhau" phản ánh 10 câu chuyện riêng biệt. Dành hai tập với thời gian 120 phút để kể một câu chuyện có thật, bộ phim "Sát cánh bên nhau" thực sự lấy được nước mắt khán giả.

Với cách làm mỗi câu chuyện do một biên kịch và một đạo diễn thực hiên, bộ phim "Sát cánh bên nhau" gồm các phần "Bước ngoặt cuộc đời", "Người đưa đò", "Người cứu hộ", "Đồng nghiệp", "Quyết chiến Hỏa Thần Sơn", "Tìm kiếm 24h", "Người Vũ Hán", "Bệnh viện Phương Thương", "Tôi là Đại Liên", "Khẩu trang". Nhiều đạo diễn nổi tiếng đã tham gia vào dự án "Sát cánh bên nhau" như Trương Lê, An Kiến, Thẩm Nghiêm, Uông Tuấn...

Từ người thật, việc thật để chuyển thành phim, "Sát cánh bên nhau" giống như những trang sử sống động về giai đoạn căng thẳng vì COVID-19 ở Vũ Hán. Sở dĩ "Sát cánh bên nhau" lôi cuốn người xem là nhờ kỹ thuật "tiêu hóa" sự kiện rất nhanh của những nhà làm phim chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, không thể không thừa nhận tài năng diễn xuất của những diễn viên thượng thặng như Lôi Giai Âm, Mai Đình, Chu Á Văn, Lý Tiểu Nhiễm, Đàm Trác, Nghê Ni, Đổng Tuyền, Hải Thanh...

Xem sê-ri "Sát cánh bên nhau", khán giả dễ dàng nhận ra cuộc sống của người dân Vũ Hán trong giai đoạn dịch bệnh. Đó là những câu chuyện khó quên như y tá đạp xe hàng trăm cây số tới Vũ Hán phục vụ bệnh nhân, shipper vượt qua sợ hãi để giao hàng tới ổ dịch, người phụ nữ chuyển dạ trong bối cảnh các bệnh viện thiếu giường trầm trọng, bác sĩ hoang mang khi không phán đoán được nguồn gốc bệnh… Một trong những người tham gia vào dự án "Sát cánh bên nhau" là nhà biên kịch Nhậm Bảo Như chia sẻ về những nhân vật trong đời được đưa lên màn ảnh: "Họ nói họ vẫn làm việc như bình thường. Trong hoàn cảnh nhiều mối lo như thế, họ dặn bản thân bảo vệ tốt cho mình, tránh lây nhiễm chéo. Tôi thấy sự dũng cảm toát lên từ những người bình thường như thế".

phim covid.jpg -0
Bộ phim "Chinese Doctors" đạt doanh thu khá ấn tượng tại Trung Quốc.

Còn diễn viên Trương Manh đóng vai chính trong câu chuyện "Người Vũ Hán" nói về giá trị của bộ phim truyền hình "Sát cánh bên nhau" khi công chiếu: "Chúng tôi không kén chọn nhân vật, chẳng bận tâm việc không được lộ mặt vì luôn đeo khẩu trang. Nhưng chỉ cần được đóng phim này đã là vinh dự cho một diễn viên. Có nhiều cảnh quay, tôi không cầm được nước mắt".

Nếu như những nhà làm phim Trung Quốc chọn chính bối cảnh Vũ Hán để sáng tạo thì những nhà làm phim Mỹ lại đi theo con đường khác. Một trong những bộ phim được sản xuất với tốc độ chóng mặt ở Hollywood về COVID-19 là "Songbird" (tạm dịch "Giữa tâm dịch"). Nhà sản xuất Michael Bay và đạo diễn Adam Mason đã bắt tay để đưa bộ phim "Giữa tâm dịch" ra mắt cuối năm 2020 tại Mỹ và sau đó được giới thiệu ở một số nước châu Âu tạm yên ổn sau khi đẩy lùi virus corona.

Bộ phim "Giữa tâm dịch" lấy bối cảnh giả tưởng năm 2024, khi nước Mỹ bước vào năm đại dịch thứ tư kể từ năm 2020 lịch sử. Tại đây, mọi phương pháp chống dịch đều thất bại. Biện pháp phong tỏa và cách ly hoàn toàn xã hội được áp dụng. Chỉ 0.1% dân sỗ miễn nhiễm với Covid-19 được phép ra khỏi nhà. Tuy nhiên, khi bị phát hiện nhiễm bệnh, bệnh nhân sẽ bị đưa vào các trại cách ly hà khắc mà không nhận được sự chăm sóc y tế. Họ chỉ có 2 sự lựa chọn: hoặc là tự khỏi bệnh, hoặc là chết.

Nhân vật chính của phim là chàng shipper điển trai Nico - một người từng sống sót sau khi nhiễm COVID-19 năm 2020, nay miễn nhiễm với chủng virus mới và được tự do đi lại. Trong khi đó, người yêu của anh - Sarah (Sofia Carson) thì sống cách ly tại nhà riêng. Nhưng một ngày, trong khu dân cư của Sarah có người nhiễm bệnh khiến cô "tai bay vạ gió" nằm trong danh sách bị đưa vào trại tập trung hà khắc. Lo sợ bạn gái bị lây nhiễm chéo và không thể sống sót, Nico quyết định đưa người mình yêu tới một nơi khác, biệt lập và an toàn hơn.

Bên cạnh nam diễn viên K.J Apa từng lừng lẫy qua các bộ phim "I Still Believe" (2020), "A Dog's Purpose" (2017) và series phim truyền hình "Riverdale" thì bộ phim "Giữa tâm dịch" còn quy tụ các ngôi sao đình đám như Demi Moore, Bradley Whitford, Lia McHugh, Alexandra Daddario. Tuy nhiên, ngay sau khi phát hành, bộ phim "Giữa tâm dịch" đã bị chính khán giả Mỹ chỉ trích vì mô tả lực lượng y tế như những kẻ phản diện đáng sợ và ca ngợi một đôi tình nhân coi thường tính mạng cộng đồng.

Riêng tại Việt Nam chúng ta thì điện ảnh tham gia chống dịch như thế nào? Có lẽ còn lâu chúng ta mới có những bộ phim chiếu rạp lấy đề tài COVID-19. Năm ngoái, VTV sản xuất bộ phim "Những ngày không quên", và năm nay lại có thêm bộ phim "Ngày mai bình yên". Nếu như "Những ngày không quên" là sự bỡ ngỡ về dịch thì "Ngày mai bình yên" là sự ứng phó với dịch.

Bộ phim "Ngày mai bình yên" là câu chuyện xảy ra trong bối cảnh toàn xã hội gặp nhiều biến động do ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài. Gia đình nhà ông Phát (Nghệ sỹ Nhân dân Trung Hiếu) cũng không ngoại lệ, mỗi thành viên đều có những vấn đề riêng. Bản thân ông Phát - chủ một doanh nghiệp xây dựng vừa phải chật vật, căng mình để duy trì hoạt động công ty, tìm cách lo liệu trả lương cho nhân viên, vừa làm quen với "trạng thái bình thường mới"...

Trà, con gái cả của ông Phát mất việc ở công ty du lịch, trong khi Mai Khôi - đứa con út ở độ tuổi mới lớn cũng không thể đến trường, ở nhà học online. Từ khi sống gần như cả ngày cùng vợ con ở nhà, ông Phát mới thấy cuộc sống quá ồn ào, phức tạp, liên tiếp phát hiện ra nhiều bất đồng quan điểm, khoảng cách thế hệ và những bí mật lâu nay bị che giấu. Bà Trúc, vợ ông Phát luôn cố gắng tìm mọi cách để kết nối, giúp không khí trong gia đình bớt căng thẳng nhưng chính lúc này, dì Mai - cô em gái mãi không chịu lớn của Trúc lại liên tiếp gây chuyện bằng những dự án "khởi nghiệp" mùa dịch.

Mọi chuyện trong gia đình càng trở nên rắc rối hơn khi bố và em trai ông Phát từ quê lên chơi và bị "mắc kẹt" bởi quy định giãn cách xã hội. Biết bao tình huống dở khóc dở cười xảy ra, thế nhưng chính trong khó khăn của dịch bệnh, ông Phát lại cảm nhận sâu sắc hơn về sự sẻ chia, thấu hiểu. Đó cũng là dịp để mọi người trong gia đình cùng cảm nhận đầy đủ về tình thân và đồng bào.

 Bộ phim "Ngày mai bình yên" dàn dựng nhiều hình ảnh xúc động như câu chuyện những người phụ nữ chung tay nấu suất ăn thiện nguyện mang tới cho lực lượng chống dịch tuyến đầu; những người công nhân tình nguyện giảm lương, chậm lương để giúp công ty đang bên bờ vực phá sản; sự giúp đỡ chân tình của những người hàng xóm trong khu phố…  Trong quãng thời gian khó khăn, nhiều người bị ảnh hưởng nặng nề, các thành viên trong gia đình ông Phát đã mở lòng với nhau hơn, nhìn thấu được tình cảm của nhau, nhận ra giá trị của tình yêu, của tình người ấm áp.

Gia Quan
.
.