Chăm lo xây dựng “ngôi nhà tinh thần” trong CAND

Thứ Năm, 12/05/2022, 15:36

Ngày 6/5 vừa qua, Học viện Chính trị Công an Nhân dân (CAND) phối hợp với Chi hội Nhà văn Công an đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học với chủ đề "Cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn văn hóa Công an nhân dân" với sự tham dự của nhiều nhà nghiên cứu lý luận - văn hóa, nhà văn, nhà báo...

Những chia sẻ, tham luận của khách mời tham dự buổi tọa đàm đã cho thấy, việc xây dựng văn hóa, việc chăm lo cho "ngôi nhà tinh thần" trong lực lượng Công an luôn rất được quan tâm. Bởi vì văn hóa có vai trò quan trọng, làm nên “sức mạnh mềm” trong việc góp phần bảo vệ an ninh nội bộ, bảo vệ Tổ quốc và sự bình yên của nhân dân.

Buổi tọa đàm khoa học với chủ đề "Cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn văn hóa Công an nhân dân" có sự tham dự của những nhà nghiên cứu văn hóa, lý luận phê bình có uy tín như: Tiến sĩ Nhị Lê - nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí  Cộng sản; GS. Tiến sĩ Đinh Xuân Dũng - nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận TƯ; Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện khoa học chiến lược Bộ Công an; Trung tướng Trần Vi Dân - Giám đốc Học viện Chính trị CAND; Trung tướng, nhà văn Nguyễn Hữu Ước - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục chính trị CAND, Tổng Biên tập Báo CAND, Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công an; Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái - nguyên Tổng biên tập Tạp chí CAND… cùng đông đảo lực lượng sáng tác trong và ngoài lực lượng CAND.

Chăm lo xây dựng “ngôi nhà tinh thần” trong CAND -0
Các đại biểu, diễn giả, nhà nghiên cứu tham dự tọa đàm khoa học “Cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn văn hóa CAND”.

Tại buổi tọa đàm, Tiến sĩ Nhị Lê - nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản khẳng định: "Bản thân văn hóa là một sức mạnh để xây dựng nên nhân cách con người. Chủ đề hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" là một trong những chủ đề bao quát nhất trong toàn bộ hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật của lực lượng Công an và làm nên đặc trưng riêng, sức mạnh riêng. Mọi hoạt động văn hóa, văn nghệ của lực lượng Công an đều phải đi đến cái đích cuối cùng là sản xuất ra những giá trị tinh thần, góp phần kiến tạo nên nhân cách con người Công an nhân dân và gắn chặt với 6 điều Bác Hồ dạy CAND. Sự phát triển của văn hóa, văn học nghệ thuật CAND đang trên đà thuận lợi với nhiều hoạt động trên các lĩnh vực văn học, sân khấu, xuất bản, âm nhạc, bảo tàng thu hút sự quan tâm của công chúng. Đó là những tín hiệu rất đáng mừng!".

Có thể khẳng định rằng, văn hóa đã trở thành một thành tố quan trọng, không thể thiếu trong đời sống, trong mọi đơn vị, tổ chức, đặc biệt là trong lực lượng Công an. Hơn 76 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng CAND đã viết nên những trang sử truyền thống về tinh thần Việt Nam, khắc tạc nên hình ảnh người chiến sĩ CAND "vì nước quên thân, vì dân phục vụ"; kiên quyết, mưu trí, dũng cảm trong đấu tranh phòng chống tội phạm và các thế lực thù địch; nhân văn trong ứng xử. Đó chính là những biểu hiện hết sức sinh động của văn hóa CAND - một thứ văn hóa đặc biệt được hình thành trong dòng chảy của lịch sử gắn với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trên cơ sở đó, buổi tọa đàm khoa học "Cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn văn hóa Công an nhân dân" đã trao đổi những vấn đề học thuật liên quan đến văn hóa CAND như: nội hàm văn hóa CAND, các đặc trưng, yếu tố cấu thành hệ giá trị và biểu hiện của văn hóa CAND; vai trò của văn hóa, văn học nghệ thuật trong tổ chức, hoạt động, xây dựng lực lượng CAND... Những vấn đề liên quan đến thực tiễn của những hoạt động này đã được các diễn giả bàn thảo sâu, đó chính là tổng kết thực tiễn xây dựng và phát triển văn hóa CAND, kết quả xây dựng hình tượng người chiến sĩ CAND thông qua tác phẩm văn học nghệ thuật. Ngoài ra, tại buổi tọa đàm, các ý kiến cũng đã đưa ra những đề xuất liên quan đến một số nội dung, định hướng chương trình hành động nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng - văn hóa, văn học nghệ thuật trong CAND nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Chăm lo xây dựng “ngôi nhà tinh thần” trong CAND -0
Trung tướng, nhà văn Hữu Ước - Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công an và Trung tướng Trần Vi Dân - Giám đốc Học viện chính trị CAND tại buổi tọa đàm.

Đề cao vai trò của văn hóa, văn học nghệ thuật đối với đời sống, thực tiễn công tác của lực lượng CAND, đồng chí Thiếu tướng, GS.TS Bùi Quảng Bạ - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, chuyên gia cao cấp của Học viện Chính trị Công an nhân dân bày tỏ:

"Văn hóa, văn học nghệ thuật làm mềm hóa, phong phú thêm và góp phần xây dựng nền tảng tinh thần trong CAND, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả công tác. Chúng ta phải làm thế nào xây dựng một đời sống văn hóa xứng tầm, đáp ứng kịp thời những yêu cầu công tác, chiến đấu trong bối cảnh quốc tế mới, góp phần xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Muốn vậy phải tăng cường hoạt động, nâng cao năng lực sáng tạo về văn học nghệ thuật trong CAND thông qua Chi hội Nhà văn, Chi hội Nhạc sĩ, Chi hội Sân khấu điện ảnh của ngành, để đáp ứng nhu cầu trong tình hình mới.

Bên cạnh đó, cần có sự đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ những người hoạt động văn hóa nghệ thuật không chuyên trong lực lượng, đưa vào giảng dạy một số nội dung liên quan đến văn hóa, văn học nghệ thuật trong chương trình đào tạo của Học viện chính trị CAND. Đồng thời xây dựng văn hóa giao tiếp để làm sao hình ảnh người chiến sĩ Công an nhân dân trở nên gần gũi, sâu đậm trong lòng nhân dân…".

Bằng những kinh nghiệm sâu sắc về thực tiễn hoạt động sáng tác của mình, Trung tướng Nguyễn Hữu Ước - nguyên Tổng Biên tập Báo Công an nhân dân, Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công an chia sẻ:

"Các nhà văn Công an là  những người hoạt động văn hóa thực tiễn bằng các tác phẩm văn học nghệ thuật gắn với hơn 75 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của lực lượng CAND. Họ đã có hàng trăm tác phẩm văn học nghệ thuật đủ các thể loại như tiểu thuyết, ký, truyện ngắn, kịch bản sân khấu và điện ảnh… góp phần xây dựng nên hình tượng người chiến sĩ CAND đi suốt với chiều dài lịch sử của lực lượng.

Bên cạnh các sáng tác của các nhà văn Công an qua các thời kỳ với số lượng tác phẩm đồ sộ, thì đề tài về người chiến sĩ Công an cũng được những người hoạt động văn hóa nghệ thuật nói chung của cả nước quan tâm. Để có được tác phẩm văn hóa nghệ thuật xây dựng hình tượng người chiến sĩ Công an thành công thì các nhân vật điển hình trong tác phẩm đều bắt đầu từ suy nghĩ, lối sống, hành động của con người có văn hóa, có nhân nghĩa.

Tôi là một nhà báo, một nhà văn có hơn 50 năm tuổi nghề. Bằng các tác phẩm báo chí, văn học nghệ thuật của mình trên một số lĩnh vực, nếu có tác phẩm nào thành công, thì tôi khẳng định rằng: việc đầu tiên, viên gạch đầu tiên để làm nên tác phẩm là tôi ý thức về văn hóa, coi trọng yếu tố văn hóa trong việc xây dựng nên nhân cách, tính cách và hành động ứng xử văn hóa, nhân nghĩa của nhân vật. Văn hóa bao giờ cũng là gốc rễ của mọi thành công…".

Trong những đóng góp của văn học nghệ thuật đối với sự nghiệp "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" đồng thời xây dựng văn hóa CAND, xây dựng "ngôi nhà tinh thần" trong đời sống của cán bộ chiến sĩ trong lực lượng công an, không thể không kể đến những đóng góp quan trọng bậc nhất của văn học.

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái - nguyên Tổng biên tập Tạp chí Công an nhân dân tỏ ra rất lạc quan: "Thật khó có thể kể hết những tác phẩm văn học có giá trị cả về nội dung và nghệ thuật viết về lực lượng CAND trong 2 cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Những áng văn chương ấy có sức mạnh to lớn động viên, khích lệ toàn lực lượng Công an chiến đấu hi sinh, thôi thúc những chiến sĩ trẻ phấn đấu thành con người cách mạng mà còn hấp dẫn người đọc, nối gần khoảng cách thân thiện giữa người chiến sĩ Công an với những người dân. Giá trị thẩm mĩ từ sức mạnh của các con chữ, từ hình tượng người chiến sĩ Công an vừa dũng cảm và nhân văn, vừa gần gũi và chân thật đã khêu gợi, lan tỏa, trở thành động lực để người dân tự giác giúp đỡ lực lượng Công an, thúc đẩy phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đó chính là "sức mạnh mềm" của văn hóa, là "ngôi nhà tinh thần" mà văn hóa, văn học nghệ thuật đem lại, góp phần cùng lực lượng CAND hoàn thành nhiệm vụ mà Tổ quốc và nhân dân giao phó!".

Nguyệt Hà
.
.