Đi tìm chân dung nhà văn Công an nhân dân

Thứ Sáu, 03/09/2021, 10:10

Ngày nay, khi đã có nhiều tác phẩm viết về cuộc chiến đấu của lực lượng Công an nhân dân (CAND) với các đối tượng đủ loại tại các địa bàn khác nhau được nhiều người tìm đọc, thì việc tìm hiểu về những người viết ra các truyện ngắn và tiểu thuyết ấy, cũng trở thành một công việc của các nhà nghiên cứu, quản lí, một sở nguyện của công chúng.

 

Phác thảo ban đầu

Nhà văn CAND là một tập hợp, chưa thật đông đảo như nhà văn Quân đội. Cả hai đội ngũ văn nhân này có sự tương đồng ở ý nghĩ - tư tưởng nhân sinh và quan điểm sáng tác, mục đích sáng tác; các sĩ quan cầm bút này cũng có nhiều điểm đồng cảm đồng điệu với cuộc đời nói chung, với gia đình và quê hương, nói riêng.

Sự đồng nhất cơ bản ấy trên thực tế, đã là ngọn nguồn trực tiếp tạo ra cảm hứng để nhà văn CAND, nhà văn quân đội cất bút với khát vọng thật âm thầm và mãnh liệt mô tả cho đúng như mình từng biết và hiểu, như mình từng nghĩ và hy vọng cuộc sống trong lao động mỗi ngày. Và đặc biệt, là cuộc chiến đấu đã dài lâu và dường như còn tiếp diễn của quân và dân ta nhằm diệt trừ cái ác, cái bất công, qua đó, góp phần tạo lập một đời sống yên bình, lương thiện, văn minh.

Sự ra đời của đội ngũ nhà văn quân đội được đánh dấu từ sự có mặt của các nhà thơ vệ quốc quân như Thôi Hữu (1914 - 1950), Thâm Tâm (1917 - 1950), Hoàng Lộc (1920 - 1949)… ngay từ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp 1946.

screen shot 2021-09-03 at 10.11.53.jpg -0
Các tác giả đoạt giải thưởng Cây bút vàng lần thứ 4 (2018-2020).

Sự hình thành đội ngũ nhà văn CAND có muộn hơn dăm năm, và như có phần hơi ly kỳ. Chuyện kể rằng:

Giữa năm 1951, từ chiến khu Việt Bắc, các chiến sĩ và một số đồng bào ta được đọc một tập sách, in truyện “Chiếc va ly”, kể lại có chiến sĩ Công an ta tên là Nguyễn Thị Lợi được cài vào hàng ngũ quân Pháp. Bà đã mưu trí bỏ vào va ly của mình một lượng thuốc nổ rồi điềm nhiên bước lên cầu tàu, đến làm khách trên chiến hạm Aminô Đanhvin. Đêm 26-12-1950, chiến hạm này bị nổ tung, bốc cháy dữ dội trên biển Sầm Sơn, Thanh Hóa. Từ tác phẩm “Chiếc va ly”, bà Nguyễn Thị Lợi trở thành một hình tượng về sự dũng cảm, sự hy sinh tuyệt vời vì Tổ quốc của CAND Việt Nam, của dân tộc Việt Nam.

Người sáng tác ra thiên truyện ấy là nhà văn mới chuyển vào ngành Công an ở Ty Công an Hà Nội, tên ông là Nguyễn Đình Lạp (1913 - 1952). Trước cách mạng Nguyễn Đình Lạp là chú bé học trò được chú ruột là nhà cách mạng Nguyễn Phong Sắc nuôi dạy trong nhà. Năm 20 tuổi chú bắt đầu làm báo, năm 28 tuổi đã nổi tiếng là một nhà văn hiện thực phê phán với các tiểu thuyết như “Ngoại ô” và “Ngõ hẻm”.

Đây là một cuộc khai sinh không hẳn là tình cờ, nhưng chắc chắn là bi tráng, hào hùng và có nhiều ý nghĩa.

Những năm kháng chiến chống Pháp, CAND ta lập nhiều chiến công oanh liệt trên mặt trận diệt ác trừ gian, nhưng hầu như chưa có một nhà văn nào ghi ngay lại được.

Cũng phải 10, 20 năm sau, khi các sĩ quan Công an và Công an vũ trang như Lê Tri Kỷ, Lương Sĩ Cầm, Văn Phan, Trần Hữu Tòng viết ra một loạt tác phẩm như: “Thủ phạm vụ án Ôn Như Hầu”, “Cây đa xanh”, “Ánh lửa”, “Đất rừng lau”, “Núi rừng Ba Tơ”, “Nhóm rắn lục”, “Đội công an số 6”, “Trung với Đảng - hiếu với dân”, “Bên dòng Păng Pơi”, “Bầy cọp núi”… thì dòng văn học Công an nhân dân, đội ngũ nhà văn CAND mới thực sự có bước xác lập và phát triển.

Vào những năm 1960, 1970 ấy, các nhà văn CAND thường viết/ kể nhiều về những cuộc chiến đấu chống biệt kích Mỹ - ngụy (Việt Nam cộng hòa) xâm nhập ra miền Bắc quấy rối, phá hoại… Tác phẩm của số ít nhà văn CAND lúc này cũng cố gắng xây dựng hình ảnh người CAND dũng cảm trong chiến đấu và tận tụy khi cùng đồng bào giáo dục người lầm lỗi.

Từ cuối những năm 1980, sang thời kì thực sự đổi mới, trên cơ sở chất lượng sáng tác đã được nâng lên, nhiều cây viết trong ngành CAND đã được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, như: Ngôn Vĩnh, Trương Nam Hương, Tôn Ái Nhân, Phùng Thiên Tân, Nguyễn Ngọc Mộc, Trần Tử Văn, Hữu Ước, Đinh Quang Tốn, Phạm Khải, Trần Diễn, Lê Hoài Nguyên, Từ Kế Tường, Nguyễn Như Phong, Khổng Minh Dụ, Đặng Vương Hưng…

Sang những năm đầu của thế kỉ XXI đội ngũ nhà văn CAND được bổ sung thêm nhiều nhà văn đã có thành công mới như Trần Thanh Hà, Như Bình, Nguyễn Thế Hùng, Bạch Lê Vân Nguyên, Vũ Xuân Tửu, Phạm Văn Ba, Nguyễn Hồng Thái, Bình Nguyên Trang, Lê Va, Chu Thanh Hương, Hoàng Anh Tuấn, Trần Hoàng Thiên Kim, Hoàng Huệ Thu, Phan Đình Minh, Đào Trung Hiếu…

Đặc biệt, một số nhà văn ở ngoài lực lượng Công an, do có những tác phẩm thành công về đề tài CAND, cũng có mặt trong đội ngũ này như Ma Văn Kháng, Hồ Phương, Hữu Mai, Nguyễn Khải, Phong Điệp, Tống Ngọc Hân, Đoàn Hữu Nam, Nguyễn Xuân Thủy, Nguyễn Văn Học, Phùng Nguyên…

Đến lúc này, nhà văn CAND đã thực sự là một đội ngũ quy củ, sung sức, trong Chi hội Nhà văn CAND thuộc Hội Nhà văn Việt Nam. Họ đang có mặt ở nhiều lĩnh vực, viết về nhiều vấn đề… đặc biệt, trong đội ngũ này có khoảng 50% là những nhà văn đã có đột phá về nghệ thuật sáng tác, được nhận giải thưởng của Bộ Công an, của Hội Nhà văn Việt Nam…

Một vài đặc sắc của đội ngũ nhà văn Công an nhân dân

1/ Đồng hành “phi thế hệ”

Có câu chuyện vui vui là: Thỉnh thoảng có cuộc gặp gỡ hay hội nghị, anh em thường thấy một số nhà văn cao tuổi như Nguyễn Xuân Hải, Nguyễn Đăng An vui vẻ ngồi cạnh các nhà văn trẻ trung như Chu Thanh Hương, Trần Hoàng Thiên Kim…, là vì: Họ đều cùng lứa sáng tác rồi thành danh trong thời đổi mới bây giờ. Dẫu đã cao niên, thâm niên, sáng tác của các “bậc bề trên” này sau vẻ trầm tư ngẫm ngợi, vẫn chan chứa nỗi đời thời đương đại; do có công phu khảo cứu, trang văn của những nhà văn trẻ như Chu Thanh Hương, Tống Ngọc Hân, Như Bình… cũng đượm tình quê, tình đồng bào, mà lịch duyệt như người đã trải lắm gian truân.

Tôi được biết là trong sự đồng hành ấy, một số nhà văn CAND đã nhắc đến một thế mạnh, như một truyền thống riêng của đội ngũ, là tiếp tục viết về những gương sáng trong lực lượng CAND - Người kể, người viết, người chấp bút… bút ký hay tản văn, công phu hơn, thì thành truyện ngắn hoặc tiểu thuyết. Mấy chục năm trước đã có loạt truyện về các nhà tình báo như Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Ngọc Thảo… năm kia đây có tác phẩm viết tiếp loạt này là cuốn viết về Nguyễn Đình Ngọc, toàn chuyện người thật việc thật, rất hấp dẫn. Cạnh đó, Ngôn Vĩnh sáng tác tiểu thuyết “Bên kia cổng trời” và “Fulro”, Nguyên Hùng viết “Người Bình Xuyên” và “Nguyễn Bình - Huyền thoại và sự thật”… cũng có thể coi là những tác phẩm thành công trong cố gắng khắc họa hình tượng người cán bộ chiến sĩ CAND trong các trận chiến bảo vệ và xây dựng cuộc sống mới an lành cho nhân dân.

Đây là một hướng phát triển rất khả quan, bởi đã có tiền lệ tốt, bởi quanh ta bây giờ, cũng có nhiều anh hùng trên mặt trận trị an như Vũ Hùng Vương, Trần Anh Tuấn, Đỗ Văn Hoành, Mai Hoàng, Lê Hồng Thắng… và Hữu Ước, trên lĩnh vực văn hóa - tư tưởng… Những anh hùng này không chỉ là nguồn cảm hứng cho sáng tác, mà còn là nguyên mẫu để trở thành những hình tượng văn học.

Sự đồng hành “phi tuổi tác” dựa vào tình thân ái quý trọng thật lòng giữa/ của những nhà văn có chung niềm lo toan về nghề và nghiệp… này tự nhiên, đã có sự lan tỏa và cuốn hút các nhà sáng tác không ở trong lực lượng CAND (như trên vừa lược thuật). Theo đó, uy tín và vị thế của nhà văn CAND dần dần cũng rõ.

2/ Rồi đi tìm chỗ đứng mà bước tiếp, phát triển hơn

Giờ đây, trên cơ sở của một sự tiến triển, người ta đã có thể bàn đến một số vấn đề khái quát hơn về đội ngũ nhà văn CAND. Chẳng hạn: Khả năng bao chứa và tổng hợp - khái quát các mảng hiện thực của ngành trong các hình tượng, từ cảnh sát giao thông, khu vực, từ phòng cháy cứu hộ… đến đặc nhiệm, trinh sát, điều tra… từ giáo dục, trại giam… đến nghiên cứu khoa học, kĩ thuật cao.

Do đã hiểu kĩ đặc thù hoạt động của ngành, như hay phải điều tra, xét hỏi, quản lí phạm nhân… là cần phải am tường tâm lý và hoàn cảnh, điều kiện hoạt động cụ thể của đối tác, đối tượng, nên nhà văn CAND có lợi thế và thành công rõ ở các trang dựng đối thoại, tả vẻ ngoài để “nói” diễn biến bên trong của nhân vật. Điểm mạnh này rất nên phát huy.

Trên hành trình sáng tạo, dẫu mỗi người đang bám trụ một nơi, đang theo đuổi một vấn đề cụ thể, nhưng từ trang viết của từng nhà văn CAND đang hiển hiện dần những hình tượng đẹp, có sức cổ vũ cán bộ, chiến sĩ trong ngành và đông đảo bạn đọc.

Chúng ta cũng còn phải làm nhiều việc hỗ trợ lực lượng sáng tác - chiến đấu đặc biệt này. Chẳng hạn: Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cho các Giải “Cây bút vàng”, các đợt “Vận động sáng tác theo chủ để Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”…

15-8-2021

Nguyên An
.
.