Cần quay lưng với rác âm nhạc

Thứ Năm, 20/10/2022, 16:17

Cả một thời gian dài những sản phẩm âm nhạc mang tính chất thách thức người nghe bằng những lời lẽ phản cảm, dung tục vấp phải một làn sóng tẩy chay mạnh mẽ của cộng đồng. Tuy nhiên, càng bị “ném đá” lại càng gây hiệu ứng tò mò nên những sản phẩm xấu ấy lại luôn có lượng truy cập lớn với số view khủng.

Mặc dù vào tháng 10 năm 2021, Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã có văn bản gửi đến thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch để xử lý những rapper đã phát hành sản phẩm có nội dung không phù hợp, vi phạm chuẩn mực đạo đức xã hội, truyền thống văn hóa, vi phạm pháp luật trên mạng xã hội. Nhưng xem ra, việc xử lý vi phạm này chưa thực sự triệt để nên ngày càng có nhiều ca sĩ bất chấp dư luận...

_nhóm _rap nhà làm_ đến giáo hội pgvn xin lỗi vì ca từ xúc phạm đến đức phật.png -0
Nhóm Rap Nhà Làm đến trụ sở Trung ương Giáo Hội Phật giáo Việt Nam xin lỗi vì ca từ xúc phạm đến Đức Phật.

Thời đại 4.0, bạn có thể không cần đến Nhà hát để xem ca sĩ trình diễn trên sân khấu với ánh đèn nhấp nháy, bạn cũng không cần phải ngồi gần một cái rađiô để bắt sóng hay túc trực bên ti vi màn hình phẳng để hóng chương trình ca nhạc. Vâng, chỉ bằng một cái điện thoại bé tí xíu có kết nối mạng, bạn có thể ở bất kì đâu cũng có thể xem được, nghe được tất tần tật những ca khúc xưa và nay, đặc biệt những bản hit mới ra của một ngôi sao ca nhạc đang lên nào đó.

Thời của công nghệ, ca sĩ, nhạc sĩ cũng không cần phải nhờ đến đài truyền hình để xếp hàng mong chờ lên ti vi cho khán giả quen mặt, chỉ cần tự quay, tự up lên các trang mạng TikTok, YouTube, nếu may mắn họ sẽ nổi như cồn sau một đêm, hệt như một chiếc đũa thần kì, như chỉ xảy ra trong câu chuyện cổ tích và đã có nhiều hotboy, hotgirl nổi lên như cồn nhờ hiện tượng mạng.

Sự nổi tiếng đến một cách quá dễ dàng cũng khiến cho những người mang danh nghệ thuật chẳng cần học hành bài bản, chỉ cần biết vận hành vài nốt nhạc ra sản phẩm. Hàng loạt sản phẩm đầu voi đuôi chuột, ngôn từ dị hợm, nhưng được lấp bởi hình ảnh với màn vũ đạo bóng bảy, hiện đại vẫn tăng tốc bởi lượng truy cập. Hoặc ngay cả những nghệ sĩ có chút tên tuổi cũng không tránh khỏi dùng ca từ hoặc hình ảnh gây sốc với khán giả. Và có vẻ như các rapper lại là những người thích dùng những ngôn từ chẳng mấy hay ho này nên không ít người bị làn sóng tẩy chay mạnh mẽ trong cộng đồng mạng. Nhiều gia đình có con nhỏ e ngại bọn trẻ sẽ bị ảnh hưởng tâm lý bởi không thể kiểm soát được những thứ tràn làn trên mạng Internet.

Tuổi trẻ thường xốc nổi, phớt đời, chính vì lẽ đó nhiều rapper trẻ ngông nghênh, ngạo nghễ khi cho ra thứ sản phẩm mang tính chất chơi trội. Đó là những hình ảnh, ngôn ngữ xấu, không an toàn cho người nghe, sự dung tục đến từ những người trẻ khi chân ướt chân ráo vào đời và làm mọi cách để mong có tấm vé nổi tiếng.

Năm 2018, Đinh Thanh Tùng vẫn là một cái tên xa lạ với khán giả, chỉ được biết đến trong phạm vi nho nhỏ trong cộng đồng hip-hop/ underground. Ca khúc Censored của tác giả được nhiều người tò mò tìm kiếm, ca khúc này có nhiều từ dung tục nói về mối quan hệ loạn luân giữa bố chồng - con dâu. Ngoài việc các rapper khi vào nghề bỏ tên tiếng Việt để lấy nghệ danh nghe cho thật kêu, thật vang với những tên nước ngoài, nghe cho nó Tây thật Tây.

Cùng với đó là sáng tác vượt tầm không gian ngôn từ dữ dội MV Cypher nhà làm do Low G, TeddieJ, Chí, ResQ. MV “Cắm sừng ai đừng cắm sừng em” của Phí Phương Anh. Cổ xúy quan hệ tình dục bừa bãi của Rapper Bình Gold với MV “Lái máy bay”. MV “Hâm nóng” của Emily. Hay sáng tác cổ suý lối sống lệch lạc việc hút cần, Chill Hút cần không homie.

Không chỉ rapper mà ngay cả mới đây, Chi Pu một hotgirl có tiếng trên mạng đã ra ca khúc cổ xúy việc ngoại tình chốn công sở mang về nhiều ý kiến trái chiều trong MV "Black Hickey". Sau khi MV "Black Hickey" bị tháo gỡ vì hình ảnh phản cảm thì ca khúc “Sashimi” cũng của ca sĩ này phát hành ít ngày sau đó còn có nhiều phân cảnh “nóng” hơn cả “Black Hickey”.

“Sashimi kimochi” được sử dụng lặp đi lặp lại nhiều lần như một từ khóa trong MV của Chi Pu. “Sashimi kimochi/ Đồ ăn phải ngon thì anh mới thèm/ Phải thật tươi thì anh mới quay lại/ Cũng như tình yêu phải luôn giữ gìn cho tươi và ngon cả ngày thêm rượu mơ là anh chết ngay…”. “Kimochi” là từ không thể thiếu trong các phim gắn mác 18+ về tình dục của Nhật Bản.

chi pu trở lại với. sashimi. cán mốc 1 triệu lượt xem trên youtube sau 2 ngày ra mắt.jpg -0
Chi Pu trở lại với “Sashimi” cán mốc 1 triệu lượt xem trên YouTube sau 2 ngày ra mắt.

Hết nhố nhăng dung tục trong ca từ cổ suý tình dục, một số rapper không ngần ngại sáng tác với nội dung báng bổ Phật pháp. Tháng 6 năm 2021, nhóm Rap Nhà Làm đã chia sẻ bản nhạc có tên "Thích Ca Mâu Ni Chí" với những lời lẽ, hình ảnh xúc phạm đến Đức Phật. Hình ảnh Đức Phật bị lồng ghép với chân dung của nam rapper, đeo chiếc xích vàng và đồng hồ vàng cực kì phản cảm. Ca từ trong ca khúc với lời lẽ khiếm nhã, tục tĩu, sau khi sản phẩm này ra mắt, cộng đồng Phật tử Việt Nam vô cùng bức xúc. Sau 4 tháng khi ca khúc phát hành bị lên án mạnh mẽ, nhóm Rap Nhà Làm đã phải đến Văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (chùa Quán Sứ, Hà Nội) để xin lỗi Giáo hội, toàn thể tăng ni, Phật tử và cộng đồng Phật giáo.

Những hình ảnh tiêu cực, cổ suý lối sống buông thả trong cộng đồng rapper lan toả chóng mặt trên mạng, những chú “gà chọi” rapper này còn liên tiếp sản xuất ra “các sáng tác” chửi nhau và xem đấy là thú vui thời thượng. Trước đây việc một ca khúc ra mắt công chúng để được phát hành phải qua nhiều khâu, nghệ sĩ phải nộp hồ sơ lên hội đồng xét duyệt, cấp giấy phép, rồi mới được phổ biến đến công chúng. Ngày nay, chỉ cần cá nhân tự thu âm, ghi hình, tự phát hành trên các nền tảng TikTok, YouTube, Facebook. Sự không được kiểm duyệt này khiến cho môi trường sáng tác thêm nhiều sản phẩm âm nhạc lố lăng, dị hợm.

Nhận thấy liên tiếp có nhiều sai phạm trong sáng tác ca khúc của giới trẻ, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã có văn bản đề nghị Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, xử lý vi phạm của những rapper đã phát hành sản phẩm có nội dung không phù hợp, vi phạm chuẩn mực đạo đức xã hội, lời lẽ ngôn từ dung tục, hình ảnh phản cảm. Cục Nghệ thuật Biểu diễn cũng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét xử lý với những kênh đã đăng tải sản phẩm vi phạm, đề nghị gỡ bỏ các nội dung vi phạm.

Theo Nghị định 38/2021/NĐ-CP Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo. Mức phạt cao nhất với hành vi lưu hành bản ghi âm, ghi hình “xúc phạm tôn giáo, tín ngưỡng” là 50 triệu đồng. Sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khoẻ cộng đồng và tâm lý xã hội là 40 triệu đồng. Xử phạt như thế chưa đủ mạnh và chưa đủ mang tính răn đe, chưa nói đến việc sáng tác mà cả người nghe ngay trong một khu dân cư lớn giới trẻ bật loa to hết cỡ để cổ xúy cho việc hút cần dựa trên nền nhạc Phật. Vậy thì người nghe có bị xử phạt hay không? Nhiều lỗ hổng trong việc xử phạt khiến cho các rapper cứ ngang nhiên thách thức dư luận.

Giới trẻ thường phá cách, táo bạo, nhưng nếu không có tài năng, không có nhận thức đúng đắn, cùng với sự tạo nên hiệu ứng “trend” bằng mọi giá sẽ tạo nên những sản phẩm lệch lạc, cổ xúy tình dục bừa bãi, loạn luân, lối sống buông tuồng, cổ vũ bạo lực, coi thường gia đình… Hiện tượng nhạc rác trong những năm gần đây mặc dù bị phê phán nhưng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Phải chăng sự phát hành quá dễ dàng, tự do trên các trang mạng, lỗ hổng quản lý, và công chúng cũng quá nương tay là những điều kiện để cho thứ sản phẩm dị hợm này có đất xuất hiện. Tuy nhiên, những gì là vàng thì trường tồn với thời gian, còn là rác thì sẽ bay màu, chỉ có điều đợi khi chúng bay màu thì ít nhiều cũng làm ô uế, đen đục không khí của môi trường.

Trần Mỹ Hiền
.
.