Diễn đàn văn học - nghệ thuật Âm nhạc dân tộc có lạc lõng trong cuộc sống hiện đại?

Thứ Năm, 22/09/2022, 14:39

Âm nhạc cổ truyền từ lâu đã là một món ăn tinh thần trong đời sống của người dân Việt, đó là những tinh túy của ông cha được chắt lọc, truyền nối từ nhiều đời, tạo nên bản sắc văn hóa Việt.

Làm gì để bảo vệ nhạc dân tộc trong xu thế hội nhập hiện nay?

Âm nhạc cổ truyền từ lâu đã là một món ăn tinh thần trong đời sống của người dân Việt, đó là những tinh túy của ông cha được chắt lọc, truyền nối từ nhiều đời, tạo nên bản sắc văn hóa Việt. Kho tàng âm nhạc cổ truyền phong phú và đa dạng với nhiều loại hình độc đáo trải dài trên dải đất hình chữ S: Tuồng, chèo, cải lương, nhã nhạc cung đình, hát xoan, hát dân ca, (dân ca quan họ, dân ca Nghệ Tĩnh, dân ca Nam trung bộ…) đàn ca tài tử, ca trù, văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên…

Nhưng trong cuộc sống hiện đại ngày nay, khán giả liệu còn có mặn mà với âm nhạc truyền thống? Âm nhạc truyền thống hiện nay ra sao trong sự cạnh tranh của nhiều loại hình nghệ thuật giải trí khác. Trong thị trường âm nhạc hỗn loạn như hiện nay, âm nhạc truyền thống còn có chỗ đứng hay sống phận dật dờ lay lắt?! GS Trần Văn Khê đã từng nói: “Nếu để mất âm nhạc truyền thống thì ngàn vàng cũng không thể mua lại được, mọi hành động quay lưng với văn hóa là có tội với tổ tiên”.

Diễn đàn văn học - nghệ thuật Âm nhạc dân tộc có lạc lõng trong cuộc sống hiện đại? -0
Biểu diễn âm nhạc truyền thống trong sinh hoạt văn hóa của Đình làng Việt.

Thị trường âm nhạc nhiều năm trở lại đây trở nên sôi động lạ thường, từ Pop, Rock, Rap, nhạc trẻ, nhạc mới, nhạc Hàn, nhạc Anh… tạo nên một thị trường vô cùng phong phú và đa dạng, điều đó đồng nghĩa với việc khán giả có quá nhiều sự lựa chọn. Sự phát triển của khoa học kỹ thuật cũng tạo nên cho đời sống âm nhạc thêm nhiều màu sắc, từ những clip được đầu tư hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng, công phu trong cách dàn dựng, những phòng thu đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, và các cuộc thi âm nhạc dành cho giới trẻ rầm rộ trên sóng truyền hình… Tất cả điều đó tạo nên những tên tuổi mới nổi, thần tượng của giới trẻ, hay những ngôi sao ca nhạc, nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc âm nhạc cổ truyền phần nào bị lép vế.

Nhiều cuộc hội thảo được tổ chức để tìm con đường cho âm nhạc cổ truyền, nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc đau đáu khôn nguôi khi thấy thế hệ con cháu mình say sưa với những màn vũ đạo nảy lửa, hừng hực cháy của các mùa Rap Việt, hay kéo đến chật kín sân khấu ngoài trời khi có những đêm biểu diễn nhạc Tây, hay chương trình liveshow của một ngôi sao ca nhạc đang lên… Âm nhạc cổ truyền trôi trong đời sống một cách âm thầm, lặng lẽ, không có fan cuồng, không có những buổi biểu diễn kín rạp…

Khán giả đến với âm nhạc cổ truyền dân tộc vì tò mò hay vì yêu thích thực thụ?! Nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc chua xót nhận ra rằng, hiện nay khán giả trẻ đến với âm nhạc cổ truyền vì tò mò bởi vì để yêu thích thì cần phải hiểu nó, nhưng không hiểu, không gắn bó thì làm sao có thể yêu thích được?!.

Người ta đến Huế đi thuyền trên sông Hương để nghe Ca Huế, hay dịp đầu năm đi Hội Lim để nghe Quan họ, vào miền Nam để nghe Cải lương. Các trích đoạn chèo được diễn ở sân khấu khu phố cổ dành cho du khách nước ngoài, người nghệ sĩ biểu diễn hát văn trên phố đi bộ ở khu phổ cổ Hà Nội, dăm ba quán trà đạo trên khu phố cổ Hội An mời nghệ sĩ chơi âm nhạc dân tộc vào mỗi tối… đa phần âm nhạc cổ truyền đang được gắn với du lịch.

Nhưng sự thực nếu gắn âm nhạc cổ truyền với du lịch thì công việc này còn có những hạn chế gì? Sự quảng bá, bảo tồn âm nhạc cổ truyền như thế đã đủ và đúng chưa? Những kì liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tuồng, chèo, cải lương, có còn níu chân khán giả? Các đoàn nghệ thuật mang đến vở diễn trình làng là những vở cổ hay đã cách tân, diễn theo lối hiện đại? Trong điều kiện một nền công nghiệp hóa và kết nối toàn cầu hiện nay, liệu âm nhạc truyền thống dân tộc sẽ đi về đâu và nếu rơi rụng thì người ta phải tìm giải pháp nào để khôi phục? 

GS Hoàng Chương: Cách tân, cải tiến âm nhạc dân tộc làm biến chất, biến dạng các loại hình âm nhạc dân gian

Diễn đàn văn học - nghệ thuật Âm nhạc dân tộc có lạc lõng trong cuộc sống hiện đại? -0

Các loại hình đặc sắc như nhã nhạc cung đình Huế, cồng chiêng Tây Nguyên, quan họ, ca trù, hát xoan, đờn ca tài tử Nam bộ, dân ca Ví giặm đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Chúng ta còn nhiều loại hình âm nhạc dân tộc cổ truyền như tiếng hát ru, đồng dao, các câu hò Huế, các thể loại sân khấu như tuồng, chèo, cải lương đã từng có thời kì rất phát triển, nhưng nay lay lắt vì ít người xem. Còn muốn có người xem thì nhạc cổ truyền cách tân quá mức, tức là hát có micro, có nhạc đệm, đàn organ hiện đại. Xu hướng cách tân, cải tiến âm nhạc dân tộc đang làm biến chất, biến dạng các loại hình âm nhạc dân gian đặc sắc do hàng trăm thế hệ nghệ nhân sáng tạo trong nhiều thế kỷ qua.

Trải qua thời gian, ta thấy các nghệ nhân được gọi là báu vật sống của các loại hình âm nhạc dân tộc lần lượt ra đi để lại một khoảng trống lớn. Hiện nay, người ta cũng chưa đưa nhạc cổ truyền vào trong giáo trình học, mặc dù học sinh đi học cũng có bộ môn âm nhạc ngoại khóa. Chúng ta cần tiếp cận âm nhạc cổ truyền này đến với giới trẻ, khơi dậy tình yêu âm nhạc để thế hệ trẻ hiểu, yêu thích giá trị tinh tuý của ông cha.

Đồng thời chúng ta cũng phải chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của các nghệ nhân, đủ điều kiện kinh tế để họ có thể an tâm trao truyền nghề, gắn bó với nghề. Đây chính là người giữ lửa, giữ nghề, để mất họ có nghĩa là nhạc cổ truyền bị tàn lụi theo. Đây là một vấn đề lớn mà không phải một vài nhà nghiên cứu, một vài trung tâm bảo tồn có thể làm được mà cần có sự chung sức, đồng lòng của cả một bộ máy nhà nước, sự hợp tác của tất cả các bên có liên quan, từ văn hóa, giáo dục từ Trung ương đến địa phương.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ: Muốn phục hồi và lưu giữ phải có kinh phí

Diễn đàn văn học - nghệ thuật Âm nhạc dân tộc có lạc lõng trong cuộc sống hiện đại? -0

- Sự so sánh nào cũng là khập khiễng, nhưng mà sự thực một giọng hát bình thường của một ca sĩ nổi tiếng trên mạng hát một bài hát nhạc trẻ có catse cao gấp 100 lần so với một giọng ca được đào tạo bài bản hát một bài hát nhạc truyền thống. Người ta nghĩ đi theo âm nhạc dân tộc sẽ nghèo nên phải dũng khí lắm thì người ta mới dám theo…

+ Đã từ rất lâu Khoa Kịch hát dân tộc của Trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội không chiêu sinh được, khi tôi sang ngồi với NSND Lê Tiến Thọ, anh Xuân Yến (Tuồng) thì anh Yến mới kêu: “Tình hình này không chiêu sinh được Khoa Kịch hát dân tộc tuồng, chèo, cải lương. Hỏi thầy có sáng kiến gì không?”. Tôi nói: “Giờ các anh lập kế hoạch đi các trường cao đẳng nghệ thuật ở các tỉnh xung quanh miền Bắc chọn những em giỏi nhất năm thứ 2 hoặc thứ 3 rồi đưa về trường đào tạo''. Chính nghệ sĩ chèo Tự Long là cũng lấy theo diện này. Đích thân tôi về Trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Bắc để lấy Tự Long lên, dưới này các anh ấy đi chiêu sinh kiểu đó thì được lớp Kịch hát dân tộc.

Kịch bản tuồng, chèo, cải lương bây giờ không ai viết cả, mà kịch bản là cái cần đầu tiên, bởi vì viết ra cũng vắng khán giả, không ăn khách, nên chả ai tha thiết muốn viết. Tính thị hiếu đang thay đổi thì âm nhạc dân tộc trong đó có dân ca, có kịch hát dân tộc, có nhạc cụ dân tộc, âm nhạc truyền thống không cạnh tranh nổi với các loại hình âm nhạc hiện đại ngày nay.

- Vâng, vậy thì làm sao để chúng ta bảo tồn, khuyếch trương âm nhạc truyền thống, chứ chẳng nhẽ lại để dần biến mất, hoặc không biến mất thì bị co cụm lại như thế này hay sao? Là một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, hẳn ông cũng sẽ đau đáu về điều đó chứ?

+ Về vấn đề bảo tồn nhiều người phát biểu: “của dân để dân làm”, dân làm thì họ trách nhiệm đến đâu? Tôi chưa thấy từ khi chiếm hữu nô lệ đến giờ mà bảo của dân để dân làm cả. Thời phong kiến ít nhất phải Lý trưởng đứng ra tổ chức. Lý trưởng là người của chính thể chứ. Bây giờ qua thời phong kiến rồi, sang thời nay Nhà nước phải có trách nhiệm để làm công tác bảo tồn những di sản quý báu của ông cha, nhưng ý thức điều đó thì chính thể của ta hơi yếu, không có cách làm. Họ đã đầu tư rất nhiều vào đào tạo, hầu hết các trường nhạc có Khoa Âm nhạc dân tộc, những giáo viên đó là thiết chế. Chuyên viên nghiên cứu đó là thiết chế. Đào tạo đạo diễn, đào tạo sáng tác là thiết chế. Tổ chức từ Trung ương đến địa phương cấp xã đó là thiết chế, nhưng thiết chế đó vận hành như thế nào nhiều khi nó không tương hợp.

Ví dụ như chúng ta chi một kinh phí cho âm nhạc dân tộc thì ngay lập tức là sự gì xảy ra?! Tỉnh nào cũng xin một ít. Quen biết xin một ít. Ông ở trường cũng xin một tí. Câu lạc bộ kia xin một tí. Đoàn kia xin một tí, sau tan hết. Có một khoản đầu tư cho âm nhạc di sản, đấy là đầu tư bằng gì bạn biết không?! Đấy là đầu tư bằng trang thiết bị, mua một bộ loa 20 triệu chở từ Lạng Sơn về khai thành 40 triệu mà được 1 năm là nó tan. Người ta đầu tư bằng nhạc cụ. Mà nhạc cụ thì người ta sang chợ Lạng Sơn mua ở Trung Quốc về cái thì cong, cái thì vênh, đánh ba bữa vứt. Mà nhạc cụ dân tộc thì ngay cả những người làm đàn cũng nói hay hay không là nhờ trời. Người ta xác suất cho cây đàn, đàn dân tộc khác chứ không phải như piano chuẩn. Thế là xong, mặc kệ cây đàn đó.

Các cụ ngày xưa khôn lắm, bảo tồn là đi vào đời sống của người dân. Bắt đầu từ năm 2.000 cả viện Hán Nôm chú ý đến cái bia cửa đình. Người ta phát hiện trên 100 cái bia cửa đình, gọi là đình môn ca. Đình môn ca chính là hát cửa đình. Trên cái bia cửa đình đấy có ghi cấp ruộng cho giáo phường. Cho nên bia đó ghi là ban ruộng nào ở đâu? Bao nhiêu mét? Và ở bên dưới ghi là phải hát những ngày lễ hội nào. Giáo phường hát vào các ngày giỗ nhà quan, ngày nhà đình, ngày lễ hội. Chính anh làm ruộng thì ruộng tồn tại muôn đời. Nhà tôi hát cho ông quan kia nhưng con gái đi lấy chồng xa, con trai đi làm bỏ đàn, giáo phường không hát được nữa thì làng mới họp lại đấu thầu việc hát này. Mỗi nhóm lại ra cửa đình, nhóm nào hát hay nhất sẽ thắng thầu, sẽ có được ruộng đấy. Điều đấy lan tỏa toàn bộ dân gian. Tại sao Quan họ lại lan tỏa, nhóm này thích hát, nhóm kia thích hát nhưng ruộng vẫn còn.

Còn hiện nay một sào ruộng ở vùng quê là 360 triệu vậy, các bà (nghệ nhân) có một khoản 360 triệu gửi tín dụng thì sao? Vậy thì mỗi năm có khoản vài triệu là tổ chức tốt còn có thể gặp nhau giao lưu. Tại sao chúng ta không học người xưa làm như vậy? Tôi tính một tỉnh như Nghệ An chẳng hạn, bây giờ bỏ 20 tỷ cho Sở Văn hóa, vậy 20 tỷ là được 100 triệu/ 1 tháng. Tiền này vẫn là ngân hàng Nhà nước kinh doanh. Nhưng 1 tháng có được 100 triệu thế thì 100 triệu có tổ chức được 4 cuộc ví dặm không? Thừa sức rồi. Các câu lạc bộ về giao lưu nhau, giao lưu ca Huế, Quan họ, thích thì trong tháng đấy người ta vẫn làm được chứ, nhưng tiền gốc vẫn trong đó không bị mất đi...

Nhà Nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền: Nghệ nhân mất đi thì giá trị âm nhạc dân tộc cũng ra đi theo

Diễn đàn văn học - nghệ thuật Âm nhạc dân tộc có lạc lõng trong cuộc sống hiện đại? -0

- Là một người gắn bó cả đời với âm nhạc truyền thống dân tộc và có nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực này, anh thấy âm nhạc truyền thống dân tộc hiện nay ra sao?

+ Mỗi thời mỗi khác, ngày xưa ông cha ta thưởng thức là nhạc cổ truyền, còn ngày nay trải qua một thời kì dài phát triển hiện đại hóa thì tâm thức con người thay đổi, thẩm mỹ con người cũng thay đổi, người ta có nhiều sự lựa chọn hơn. Trải qua nửa cuối thế kỉ 20, chúng ta đã bị đứt đoạn thưởng thức âm nhạc truyền thống. Sau năm 1954, người ta cho rằng những giá trị cổ đó không phù hợp với thời đại, người ta lấy triết lý thời đại mới thì phải có những giá trị nghệ thuật mới. Người ta giương cao ngọn cờ xây dựng một nền chèo, tuồng mới.

Bây giờ chúng ta nhìn lại thì thật hài hước buồn cười, với tâm thức đó thì người ta bỏ hết hơn 50 vở chèo cổ của các nghệ nhân tứ chiếng xung quanh Thăng Long ngày xưa (ở quanh Hà Nội hình thành 4 chiếng chèo người ta gọi là tứ chiếng Đông, Tây, Nam, Bắc), mà mỗi một vùng có giá trị đặc sắc riêng. Theo thống kê của các nhà nghiên cứu, nghệ nhân gạo cội thì chúng ta có khoảng hơn 50 vở chèo cổ, nhưng vì chúng ta không lưu trữ hết, chúng ta mất rất nhiều, hiện nay chỉ còn lại dăm ba vở chèo cổ.

 Giai đoạn này Việt Nam sinh ra một thứ âm nhạc dân tộc gọi là âm nhạc dân tộc cải biên, tức là trên cơ sở hiện đại hóa các di sản của cha ông thì người ta cải biên hết, cải biên từ nhạc cụ cho đến âm nhạc. Thế nên chúng ta thấy quan họ có nhạc đệm sập xình, chúng ta sẽ thấy các sáng tác chèo mới gọi là cải biên. Sau năm 1954, miền Bắc xây dựng Chủ nghĩa xã hội, Nhạc viện Hà Nội (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) thành lập, tại đây học sinh được học sáng tác những tác phẩm mới cho nhạc cụ dân tộc, phím đàn và tất cả các hệ âm sáng tác theo nguyên lý của nhạc châu Âu và chỉ dựa theo xu hướng nhạc dân tộc. Chúng tôi gọi đấy là nhạc dân tộc cải biên để phân biệt rõ giá trị di sản với nhạc dân tộc cổ truyền. Cho đến giờ những cái đấy đều là truyền thống, một cái là truyền thống cũ thì gọi là cổ truyền, một cái mới thì gọi là âm nhạc dân tộc cải biên.

Lớp trẻ nửa cuối thế kỉ 20 rất ít cơ hội tiếp xúc với giá trị âm nhạc cổ truyền mà chủ yếu là nghe âm nhạc dân tộc cải biên, những gì còn lại là cổ truyền thì chúng ta chỉ nghe được trên làn sóng đài phát thanh hay truyền hình thi thoảng mới có.

- Vậy là đa phần những thứ chúng ta đang nghe âm nhạc dân tộc mà ta tưởng là cổ truyền thì thực chất nó được gọi là âm nhạc dân tộc cải biên. Ngay kể cả các bạn trẻ học trong trường lớp Khoa kịch hát dân tộc hay nhạc cụ dân tộc cũng là âm nhạc dân tộc cải biên? Vậy âm nhạc cổ truyền dân tộc đang hiện hữu ở đâu?

+ Đúng vậy, trong nhạc viện, trong trường đại học nghệ thuật có một số bài chèo, một số bài ca Huế, một số bài cải lương thì người ta kí âm ra thành nốt nhạc, xong người ta từ năm này qua năm khác, hàng chục năm vẫn đánh một bài chèo, cải lương như thế, đánh nghìn lần như một. Trong khi các nghệ nhân dân gian một bài như thế người ta đánh một nghìn lần khác nhau cả một nghìn lần. Nghệ nhân có khả năng ngẫu hứng sáng tạo, đấy là đặc biệt của nhạc cổ truyền Việt Nam. Còn ở nhạc viện, các bạn ấy đánh nhạc thì chỉ được gọi là nhạc công. Những nhạc công chủ yếu đánh âm nhạc dân tộc cải biên và sau đó về các đoàn âm nhạc dân tộc tồn tại cho đến tận bây giờ. Cho nên cơ hội tiếp xúc thưởng thức, lưu truyền những giá trị cổ truyền đích thực thì còn rất ít, chỉ còn co lại trong nhóm những nghệ nhân.

Bản thân tôi là người nghiên cứu, tôi cũng đi chắp nhặt từng mảnh vỡ, cố gắng xếp lại để tìm hiểu, để nghiên cứu về cha ông. Nhạc cổ truyền không tồn tại trên văn bản mà sống cùng với đời sống của người nghệ nhân và biết rằng có nhiều tác phẩm cổ truyền tinh hoa vĩnh viễn ra đi theo cái chết của lớp nghệ nhân già cuối cùng. Nghệ nhân còn biểu diễn còn lưu truyền, còn dậy cho học trò thì giá trị đó còn, nhưng nếu người nghệ nhân đấy dậy không có ai học, người nghệ nhân đó chết đi thì giá trị của nhạc dân tộc vĩnh viễn ra đi theo cái chết của họ, đấy là điều rất đau xót.

- Để sinh tồn cần phải có nhiều cách, ví dụ như kết hợp âm nhạc với du lịch thì nhiều nơi vẫn đang làm: ban đêm đi nghe ca Huế trên sông Hương, hay về Bắc Ninh nghe Quan họ, hoặc những nơi chợ đêm bao giờ cũng có mặt của những làn điệu quê hương: ca trù, xẩm, chèo… Như thế cũng tốt đúng không, vì ít ra người ta còn công nhận sự hiện hữu của các loại hình dân tộc này. Và nó còn có đất để sống, vừa bảo tồn và người nghệ sĩ cũng thêm được chút ít thu nhập, anh thấy đúng không?

+ Vấn đề quảng bá du lịch giới thiệu sản phẩm của mình còn quá kém, hiện nay trên địa bàn Hà Nội chỉ có Nhà hát Múa rối nước là mạnh. Chúng ta chưa làm được với những giá trị âm nhạc cổ truyền khác, một số âm nhạc dân tộc thả nổi trên phố cổ khá lay lắt như ca trù một thời gian xong vắng khách rồi thôi, còn lại mấy chiếu xẩm hay hát chèo, hát văn…. Chúng ta có rất nhiều giá trị tinh hoa để có thể làm được du lịch, một mặt cũng nhìn nhận khi du lịch hóa thì sản phẩm âm nhạc cổ truyền đó dần dần cũng bị biến tướng, bóp méo rất nhiều. Hát văn là nhạc nghi lễ dâng Thánh hầu đồng, môi trường ở trong đền phủ thì cũng bầy ra vỉa hè để câu khách. Mọi thứ khá lộn xộn manh mún, chưa thành một hệ thống quy chuẩn. Hay ngoài vỉa hè dựng cái rạp thì cũng chỉ diễn được một trích đoạn chèo thôi. Đại khái sẽ mỗi thứ một tí mà đúng ra là phục vụ du lịch chứ nghệ thuật đích thực thì khác. Xây dựng Nhà hát để thu hút khách đến với các Nhà hát là một bài toán mà mấy chục năm nay giải chưa ra được.

Tôi đến các Nhà hát thấy nhiệm vụ của Nhà nước giao mỗi Nhà hát hằng năm là phải dựng vở mới. Anh em nghệ sĩ trong Nhà hát cố gắng đôn đáo tìm, dựng vở mới để đủ tiêu chuẩn chứ họ không có nhiệm vụ dựng lại toàn bộ di sản của ông cha. Và thực sự cho đến giờ phút này, cho tiền họ cũng khó có thể dựng lại được. Giá trị cổ truyền đích thực của chúng ta mất quá nhiều rồi. Cả cuộc đời tôi cho đến giờ hơn 30 năm làm nghiên cứu về âm nhạc dân tộc cổ truyền, bản thân tôi cũng chỉ được xem trích đoạn tuồng cổ chứ chưa bao giờ được xem một vở tuồng cổ hoàn chỉnh. Giương cao ngọn cờ hiện đại hóa, khoa học hóa, âm nhạc của cha ông cải biên cải tiến dần dần, các giá trị cổ truyền mai một, tan vỡ rất nhiều và ngày nay đến đầu thế kỷ 21, khi người ta muốn phục hồi lại, người ta muốn tìm về giá trị đích thực là rất khó.

Trần Mỹ Hiền (thực hiện)
.
.