Cải lương cho gen Z

Thứ Sáu, 12/07/2024, 08:58

Để cải lương gần gũi hơn với giới trẻ, nhất là thế hệ gen Z, nhiều hình thức đổi mới ráo riết được khởi xướng. Bắt tay vào hành trình này có cả những nghệ sĩ gạo cội lẫn người trẻ yêu nghệ thuật truyền thống. Tuy vậy, không phải sự cách tân nào cũng được đón nhận, thậm chí còn gây hiệu ứng ngược.

NSND Bạch Tuyết được coi là bậc trưởng lão tâm huyết và bền bỉ trong việc đưa cải lương đến gần với gen Z. Những bài hát ăn khách như “Nơi này có anh” (Sơn Tùng M-TP), “Đem tiền về cho mẹ” (Đen Vâu). “Người lạ ơi” (Orange)… lần lượt được bà thể hiện lại dưới hình thức vọng cổ, cải lương khiến khán giả trẻ vô cùng thích thú.

Việc “cải lương hóa” nhạc trẻ còn được NSND Bạch Tuyết bắt tay hợp tác với Hoàng Dũng và rapper Wowy để cho ra đời MV “Về nghe mẹ ru” và “Tia sáng cuối cùng”. “Về nghe mẹ ru” lan tỏa khắp mạng xã hội và đoạt giải thưởng “Sự kết hợp xuất sắc” tại “Làn sóng xanh” 2022.

Thành công bước đầu của NSND Bạch Tuyết khiến các nghệ sĩ cải lương khác mạnh dạn hơn khi hợp tác với ca sĩ trẻ. Có thể kể đến NSƯT Thoại Mỹ và H-Kray trong “Phấn hoa màu son”, NSƯT Kim Tử Long với Phương Mỹ Chi trong “Chiếc lược ngà”.

Cải lương cho gen Z -0
Một số ca từ trong trích đoạn "Thế giới ảo" bị khán giả cho là dung tục, thô thiển.

Gương mặt trẻ nổi bật trong đội ngũ soạn giả hiện nay có Lê Nguyễn Ngọc Lâm, sinh năm 2000. Bén duyên với sân khấu cải lương từ khi còn là một cậu học sinh cấp ba, đến nay Ngọc Lâm trở thành soạn giả quen thuộc của nhiều gánh hát như Đoàn tuồng cổ Trường Giang, Gánh ca - diễn Phụng Hoàng Ban…

Lâm mang sự trẻ trung của thế hệ mình vào những vở cải lương tuồng cổ, thổi luồng sinh khí mới cho những nhân vật lịch sử bất hủ. Anh tâm sự: “Tôi luôn cố gắng tạo ra cho cải lương những diện mạo mới với phong cách phù hợp xu thế. Đó là “mặc” cho cải lương một lớp áo mới về tư duy và nội dung, bằng việc cập nhật những tư duy mới từ kiến thức mà tôi tiếp cận được rồi đưa vào từng câu thoại, lời ca trong những tác phẩm của mình”.

Vở “Đợi Kiều” của TS Đào Lê Na và các cộng sự trẻ tuổi là cuộc thử nghiệm khi kết hợp nhạc cụ truyền thống cùng dàn nhạc phương Tây, hình thức độc diễn lẫn vũ đạo đương đại. Các hình thức đổi mới vẫn được nhiều đoàn cải lương áp dụng. Chẳng hạn vở “Nàng Xê Đa” của sân khấu Đại Việt mang dáng dấp của một vở nhạc kịch pha trộn với cải lương. “Cây gậy thần”, “Ngạ quỷ”… pha trộn xiếc, hát bội… Một số vở diễn ứng dụng công nghệ hiện đại như màn hình led, màn hình gauze… tạo nên không gian huyễn hoặc và chuyển cảnh linh hoạt như vở “Bên dòng Long Khốt”, “Vương quyền”…

Cách đưa cải lương tiếp cận gen Z như trên ít nhiều nhận được sự ủng hộ của giới chuyên môn lẫn công chúng. Riêng gameshow “Học viện cải lương” vừa khép lại mới đây, những tranh cãi ầm ĩ vẫn chưa có hồi kết. Sự ầm ĩ phần nào cho thấy sức hút từ định dạng mới mẻ, phá cách táo bạo của chương trình truyền hình thực tế này.

Các thí sinh gen Z lần lượt trải qua quy trình đào tạo, tập luyện và trình diễn. Những kỹ năng trang điểm, catwalk, chụp ảnh… đều được đào tạo tỉ mỉ để thí sinh tăng thêm sự tự tin khi xuất hiện trước công chúng. Gây ngạc nhiên nhất chính là đêm chung kết. Ngoài trình diễn trích đoạn như thường lệ, các thí sinh còn thi ứng xử bằng tiếng Anh. Ban tổ chức cho biết tiếng Anh giúp thí sinh tự tin giao lưu và thể hiện mình với bạn bè quốc tế, từ đó quảng bá nghệ thuật cải lương.

Loạt đổi mới trên đều do chủ ý của NSND Bạch Tuyết - người khởi xướng “Học viện cải lương” với mong muốn tạo ra “các đào, kép của thời kỳ 4.0, hát cải lương cho gen Z coi”. Cụm từ “cải lương cho gen Z” được NSND Bạch Tuyết nhấn mạnh nhiều lần phần nào cho thấy tâm huyết của bà. Do vậy, không chỉ riêng format gameshow, mà từ nội dung đến hình thức ca diễn đều có nhiều phá cách, mang hơi thở thời đại.

Tuy nhiên, nỗ lực chạy theo cái mới trở thành con dao hai lưỡi khiến “Học viện cải lương” liên tiếp “đứt tay”. Khán giả tỏ ra khó chịu khi câu vọng cổ lại chêm vài câu tiếng Anh như trong tiểu phẩm “Mất kết nối”. Nó khiến người không rành ngoại ngữ không hiểu nội dung, câu ca lại không được mùi mẫn, tự nhiên. Việc đưa câu cửa miệng hay từ lóng của giới trẻ như “bóc phốt”, “post lên mạng”… cũng khiến câu vọng cổ bỗng kém duyên. Thí sinh Tuấn Kiệt dù được ban giám khảo khen ngợi cách ca vọng cổ pha opera nhưng nhiều khán giả cho hay họ không thể nào cảm được kiểu ca đó.

Đỉnh điểm khiến công chúng bức xúc chính là trích đoạn “Thế giới ảo”. Khi đôi nam nữ oán trách nhau chuyện mang thai ngoài ý muốn, thí sinh nữ cất giọng ca: “Sao anh không sử dụng bao cao su, để giờ đây sự việc mới tầy huầy?”. Ngay sau đó, thí sinh nam ca đáp trả: "Sao em không quyết liệt ngăn lại, hoặc là em phải siêng uống thuốc ngừa thai để cho mọi thứ an bài". Không ít khán giả cho rằng lời ca như thế là thô thiển, dung tục, không phù hợp với sân khấu cải lương vốn giàu tính văn học và ước lệ.

Cải lương cho gen Z -1
Để cải lương gần hơn với gen Z, nhiều vở tuồng cổ được dựng với  cách nhìn của thời đại hôm nay. (Ảnh mang tính chất minh họa)

Hồi đáp cơn thịnh nộ của dư luận, nhà sản xuất giải thích: “Các nhân vật rơi vào trạng thái bối rối, căng thẳng, phản ánh hiện thực của cuộc sống. Vì thế, tác giả Dunal Trần chọn cách thể hiện trực diện, không né tránh. Điều này phù hợp với diễn biến tâm lý thật của con người. Vì thế, ngôn ngữ cũng cần mang tính hiện thực. Hơn nữa, trong việc giáo dục giới tính, nhất là vấn đề sức khỏe sinh sản của người vị thành niên, thành niên thì cần gọi tên đúng các hình thức, biện pháp, nhân tố… để mọi người có thể nắm, hiểu rõ”.

Nhiều khán giả không chấp nhận lời lý giải này. Khán giả Nguyễn Hoàng Minh nêu quan điểm: “Đâu phải thể loại văn hóa nào cũng mang tính tuyên truyền trực diện mạnh được. Nó sẽ làm phô, làm nghệ thuật giảm chất lượng, có khi khiến người thưởng thức sốc. Tại sao không chọn cách nói ẩn dụ, văn vẻ đúng với tính chất cải lương”.

Giới chuyên môn cho rằng để xảy ra tình trạng trên là do soạn giả không biết chắt lọc hay nghệ thuật hóa chất liệu từ thực tế. Đụng đâu là họ bê nguyên xi vào lời ca. Theo NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh, việc xuất hiện những từ nhạy cảm, thậm chí dung tục trong vở cải lương là điều bình thường. Vấn đề ở chỗ cách khai thác, đặt để chúng ra sao để không gây khó chịu cho khán giả và nâng tầm nội dung. Đó là cái tài tình của người làm nghệ thuật. Cải lương là ca kịch, ở trích đoạn trên, nếu tác giả để những từ nhạy cảm xuất hiện ở lời thoại chứ không phải lời ca, hay xuất hiện trong tình huống khác nặng tính tuyên truyền, giáo dục thì sẽ hợp lý hơn.

Đổi mới để cải lương đồng hành với nhịp sống đương đại, nhất là gần gũi với thế hệ gen Z trở thành nỗi trăn trở, thậm chí thành nỗi ám ảnh thường trực của người làm nghề. Với họ, cải lương chỉ đứng trước hai lựa chọn: đổi mới hay là chết? Chính vì ám ảnh này mà việc cách tân cải lương đôi khi diễn ra nóng vội, tùy tiện đem đủ thứ nhồi nhét vào cải lương hay cố làm khác người khiến loại hình này bị biến dạng.

Có người thì cho rằng, cải lương đâu cũ mà phải làm mới. Việc cần làm là để môn nghệ thuật này phát huy hết nội lực, tự nó sẽ diễn tiến phù hợp với thời đại mới vì bản chất cải lương vốn dĩ là môn nghệ thuật có tính dung nạp cao. NSND Trần Ngọc Giàu cho hay ông chỉ cố gắng làm cho vở diễn thật hay chứ không quan tâm đến việc làm mới. Những gì mà người ta gọi là mới như cách bài trí sân khấu, âm nhạc, phục trang, công nghệ hay sử dụng Facebook, TikTok để quảng bá, phát hành vở diễn… chỉ là để phù hợp với mỗi thời điểm.

Đồng quan điểm, NSƯT Kim Tử Long cho hay: “Quan trọng là chúng ta phải làm sao có nhiều kịch bản hay, gần gũi với khán giả, dựng vở làm sao cho thật chỉn chu, cuốn hút, thẩm mỹ thì khán giả trẻ sẽ không bao giờ quay lưng”. Nếu đổi mới, việc đổi mới cũng phải ứng với mỗi thể loại cải lương khác nhau cho phù hợp. Không thể cố trẻ hóa hay thổi những cái thời thượng, bắt trend (xu hướng) trong các vở lịch sử, cổ trang rồi gọi là cách tân, sáng tạo. Điều cốt lõi là dù cách tân, đổi mới thế nào, phải giữ được cái chất của cải lương. Cải lương phải là chính nó, chứ không thể na ná loại hình nghệ thuật này, na ná loại hình nghệ thuật kia. Đừng để cải lương vốn “thật và đẹp” trở thành “thật và thô” chỉ vì mong muốn “gen Z hóa”.

Mai Quỳnh Nga
.
.