Bóng ai soi bến cầu Rồng

Thứ Năm, 07/09/2023, 11:21

Về tới xã Hải Anh (Hải Hậu-Nam Định) tôi lên ngay cầu Ngói ngồi nghỉ. Cô lái đò quay sào hẹn đón khi lễ hội trăng tan. Tôi ngồi trên hàng ghế gỗ ngắm những đứa trẻ đang thả diều bên sông Hoành. Mấy bà đi chợ vội vã đi qua cầu. Đó là những gánh lụa đủ màu nhịp nhàng đi về cuối chợ Lương.

Tôi bỗng nhớ tới câu thơ của Vũ Quần Phương: "Anh đứng trên cầu đợi em/ Đứng một ngày đất lạ thành quen". Đây là quê hương nhà thơ, nơi có "Chùa Lương, cầu Ngói. Đẹp như bài thơ".

Quê lụa Quần Anh

Xã Hải Anh có tên gốc là Quần Anh và sau đó Quần Phương. Chính vì thế mà nhà thơ Vũ Quần Phương (tên thật là Vũ Ngọc Chúc - sinh năm 1940) đã lấy tên quê để làm bút danh. Nhà thơ đã từng có những câu thơ họa lai lịch của mình rằng: "Tên Quần Phương, thân tha phương/ Tôi lấy tên quê làm độ đường/ Sáu tuổi tiễn cha về với đất/ Nấm mộ ven đường hóa cố hương".

Làng cổ Quần Anh nổi tiếng nghề chăn tằm dệt lụa. Phiên chợ Lương (xã Hải Anh) nào cũng ngập hàng tơ. Từ lâu lụa ở chợ Lương nổi tiếng khắp vùng vì nét mịn màng bền chắc. Trong dân gian vùng Hải Hậu đã lưu truyền khắp thành Nam: "Quần Anh có tiếng từ xưa/ Biển đình Phong Lạc, bia chùa Phúc Lâm/ Khách về khách vẫn hỏi thăm/ Nước chè cầu Ngói, tơ tằm chợ Lương".

Nghề trồng dâu nuôi tằm, kéo kén dệt lụa ở Quần Anh sinh ra từ công cuộc khai hoang 500 năm trước của người dân vùng biển này. Bao đời nay họ đã cải tạo vùng đất sình lầy lau lách, ngăn đê chắn biển mà thành. Bia đá vẫn còn khắc ghi "Tứ tổ khai sáng - Cửu tộc khai cơ" tại đình Hải Anh ngày nay.

5-lễ hội chùa lương.jpg -1
Lễ hội chùa Lương.

Hải Anh gối đầu lên sông Ninh Cơ. Đây là con sông được hình thành từ hạ nguồn sông Hồng trước khi đổ ra biển Đông. Phù sa sông Ninh Cơ bồi đắp nên những thôn ấp dọc hai bên bờ. Quê nhà thơ Trần Mạnh Hảo cũng ở bên sông Ninh Cơ thuộc Nghĩa Hưng. Ông đã có những lần viết trong hồi ức thơ: "Hến sông Đáy, rạm Ninh Cơ yêu dấu/ Những con hến xưa to bằng mắt em/ Anh nhớ Nghĩa Hưng, Trực Ninh, Hải Hậu/ Mu rạm Ninh Cơ gạch đỏ hơn đèn" (Con rạm con hến nuôi anh).

Đồng thời nhiều phụ lưu sông Ninh Cơ hình thành những con sông lớn, nhỏ như sông Đối, sông Múc, sông Chẽ, sông Hoành.... Riêng sông Đối lớn hơn cả chạy dọc xã Hải Anh tới dăm cây số tạo nhiều bến bãi chợ quê. Còn chợ Lương và cầu Ngói được hình thành bên dòng sông Hoành giao lưu với ngã ba sông Đối. Nước triều dâng làm sông Hoành rộng và trở nên kiều diễm. Mặt nước long lanh dưới chân cầu Ngói dịu dàng với những thanh âm róc rách.

Cây cầu Ngói cong như hình Rồng cuộn bay với những áng mây trôi in bóng dưới lòng sông. Dọc sông Hoành xã Quần Anh xưa có tới "Thập giáp" tựa như các thôn tiếp nối kề bên nhau. Mỗi giáp có một cây cầu đá bắc qua sông. Riêng giáp thứ mười ở gần chợ và chùa Lương lại là nơi hội ngộ của kẻ chợ tứ xứ nên được dựng bằng gỗ lim rộng hơn 2 mét. Cầu dáng hình cong và lợp mái ngói ta tạo hình "Thượng gia hạ trì" (Trên nhà dưới sông) rất uyển chuyển.

Hàng trăm năm qua cầu Ngói chín gian nổi tiếng của cả trấn Sơn Nam Hạ với sấm truyền: "Cầu Nam - Chùa Bắc - Đình Đoài". Hành lang và băng ghế cầu nhẵn bóng theo thời gian vì ngày nào dân kẻ chợ cũng ngồi lại nghỉ ngơi. Bốn chữ ghi trên cuốn thư ở đầu cầu "Quần Phương xã kiều" (cầu xã Quần Phương) như một niềm tự hào của người dân nơi đây. Lời câu đối khắc trên cầu như một tổ khúc trong làn chầu văn hát rằng: "Trên đường gió mát nhiều khách qua đây lưu lại những vần thơ/ Đi trên cầu trong đêm vắng như có nhận được sách tiên". Quả là dòng sông Hoành và cầu Ngói càng nên thơ với những cảm xúc dạt dào: "Đợi em. Em đến? Em không đến?/ Nắng tắt còn anh đứng mãi đây" (Đợi - Vũ Quần Phương).

Bản hùng ca vang dội bên sông Đối

Cầu Ngói nên thơ luôn gắn với chùa Lương trong quần thể di tích văn hóa lịch sử của Hải Anh. Chùa Lương được xây dựng sớm từ thời vua Lê Hồng Thuận (1509-1515) trên một diện tích rộng 1ha. Hiện chùa vẫn còn giữ được 79 bức tượng phật cổ cùng những di vật quý hiếm hơn 500 năm qua. Lịch sử chống thực dân Pháp xâm lược của Hải Anh được ghi nhận tại ngôi chùa này. Từ năm 1887, cụ Trần Khắc Khoan đã tập hợp nghĩa quân tại chùa đứng lên khởi sự và tập luyện để đánh giặc xâm lược.

Sau này tới 19/12/1946, hưởng ứng lời kêu gọi "Toàn quốc kháng chiến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chùa có 6 nhà sư trẻ đã làm lễ mặc áo chiến sĩ lên đường chiến đấu. Trong số đó, ba nhà sư đã hy sinh sau chiến thắng. Số còn lại đều là thương bệnh binh, trở lại chùa tiếp tục tu hành. Chùa Lương còn mang danh chùa "Phúc Lâm" tựa với ý nghĩa nơi đây là đất Phật luôn đem lại phúc lớn như rừng biển tới muôn người. Hiện chùa có tới 100 gian với nhiều hạng mục hoạt động lễ hội tâm linh quanh năm. Đặc biệt chùa còn giữ được hai giếng cổ được ví là mắt rồng. Thật đúng nghĩa: "Trăm gian chùa Phật thiện Lương/ Người người hướng tới tìm đường nhân duyên/ Cầu mong làm những con thuyền/ Đưa mẹ đi hóa buồn phiền chùa vui" (Trích bài hát Văn lễ tại chùa).

1-cầu ngói ở xã hải anh.jpg -0
Cầu Ngói ở xã Hải Anh.

Cùng với bên xã Nghĩa Hưng (Hải Hậu) có gương nữ anh hùng Vũ Thị Thanh Nhâm nổi tiếng dũng cảm phá bom trên sông Ninh Cơ thời chống Mỹ; thì bên sông Đối, Hải Anh cũng tự hào có anh hùng lực lượng vũ trang Vũ Văn Hiếu (1907-1943) thời chống Pháp. Ông tham gia kháng chiến tại Quảng Ninh và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản năm 1930. Cuộc đời hoạt động cách mạng của ông Hiếu thật gian nan.

Năm 1931 ông bị bắt và đi đầy ở Côn Đảo với mức án 20 năm tù khổ sai. Khi đó ông làm Bí thư Đặc khu ủy Khu mỏ Quảng Ninh. Nhưng do biến đổi thế sự tại nước Pháp, thực dân phải thả tù nhân chính trị (1936). Ông ra tù cùng với các đồng chí Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn, Lê Thanh Nghị và Hoàng Quốc Việt. Nhưng trớ trêu thay bốn năm sau ông Hiếu lại bị bắt khi đang làm nhiệm vụ thư ký cho Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ. Những người bị bắt giam và đưa ra Côn Đảo lần này cùng ông còn có các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Tạo và Lê Duẩn…

Sau bao đòn tra tấn dã man của kẻ địch, sức khỏe ông Hiếu bị sa sút. Cộng thêm những di chấn của lần tù trước ông đã bị mắc bệnh lao nặng. Lực lượng cách mạng bên ngoài đã tìm cách gửi một chiếc áo vào cho ông mặc mỗi khi trời trở lạnh vì gió biển. Nhưng rồi sức cùng lực kiệt, ông Hiếu đã trao chiếc áo lại cho đồng chí Lê Duẩn trước khi từ giã cõi đời (1943). Hiện ngôi nhà lưu niệm anh hùng Vũ Văn Hiếu được dựng tại nơi ở của ông bên sông Đối cùng với nhiều kỷ vật từ thời hoạt động cách mạng ở Quảng Ninh.

Xuân về lễ hội Quần Anh

Lễ hội chùa Lương ở Hải Anh có tiếng rộng khắp cả huyện vì nơi đây thờ tổ khai sinh ra vùng đất huyện Hải Hậu. Biểu tượng "Tứ tinh - Cửu tộc" luôn được các hội làng tôn vinh. Những hình ảnh tổ tiên được các nghệ nhân ngợi ca qua những làn điệu văn bay bổng. Cùng với lễ rước kiệu dọc suốt mấy làng là đội nhạc kèn đồng tưng bừng vang dội âm thanh. Trong khi đó giọng hát trong vắt vang lên từ cây cầu Ngói ấm áp tình người: "Tôi mơ làm một cây cầu/ Cho người qua lại hai đầu đường xa/ Và xin làm mái hiên nhà/ Chở che lũ trẻ không cha mẹ nghèo". Tiếng đàn nguyệt réo rắt như sợi dây vô hình níu chặt lấy chân người.

Lại một góc khác bên sông Hoành, bài hát văn về quê hương thêm phần quyến luyến yêu thương: "Sông Ninh, sông Đáy, sông Đào/ Phù sa lớp lớp nao nao sóng dồn/ Về đây em cấy anh trồng/ Đồng ngô bãi lạc nương bông nảy mầm…". Thế rồi tiếng trống hội thúc giục những chàng trai cô gái vào sân chèo giữa chợ Lương. Nghe ai đó cất lời hát điệu Lới Lơ làm mọi người sững sờ dừng chân: "Yêu nhau đứng ở đằng xa/ Con mắt ngó lại bằng ba đứng gần". Cứ thế hội rước rồng rắn cả ngày dài hàng cây số vây chặt làng Hải Anh. Phía xa sóng biển cuồn cuộn trắng xóa hòa lẫn với trời mây xanh trong.

Vương Tâm
.
.