BlackPink, Hallyu và thị trường nhạc Việt
Nhóm nhạc nữ Hàn Quốc BlackPink dự kiến có hai đêm diễn hoành tráng tại sân Vận động Mỹ Đình, Hà Nội vào cuối tháng 7/2023 là thông tin nóng nhất trên các diễn đàn mạng xã hội những ngày gần đây. Có thể nói, sức ảnh hưởng của “làn sóng văn hóa đại chúng Hàn Quốc” (Hallyu) chưa bao giờ hạ nhiệt. “Nhìn bạn lại ngẫm đến ta”, rất khó để có thể “điểm danh” một liveshow hoành tráng nào của nghệ sĩ Việt tại nước ngoài.
Black Pink và sự chuyển dịch của làn sóng Hallyu
Với các bạn trẻ, không chỉ Việt Nam mà trên khắp thế giới, hiếm người không biết đến BlackPink, dù nhóm nhạc nữ này mới hoạt động từ năm 2016. “Born Pink World Tour” là tour lưu diễn thứ ba của nhóm, sau “BlackPink Arena Tour” ở Nhật Bản năm 2018 và “In Your Area” toàn cầu năm 2018 - 2020. “Born Pink World Tour” bắt đầu từ tháng 10/2022, kéo dài từ Mỹ qua châu Âu, châu Á, Australia và dự kiến kết thúc cuối năm 2023.
Tour lưu diễn “Born Pink” càng “hot” khi truyền thông dự tính khoản doanh thu khổng lồ mà chương trình mang lại. Mặc dù tour lưu diễn chưa kết thúc, nhưng BlackPink có thể đã thu được 78 triệu USD. Diễn đủ 40 đêm theo kế hoạch, BlackPink sẽ đạt doanh thu khoảng 163,8 triệu USD, hơn 900 nghìn vé tiêu thụ. Trung bình mỗi đêm diễn, nhóm nhạc thu 4 triệu USD với gần 23 nghìn khán giả.
Tại Việt Nam, nếu khai thác hết sức chứa 30 nghìn chỗ của sân vận động Mỹ Đình, Hà Nội, với giá vé cao nhất là 9,8 triệu đồng và thấp nhất là 1,2 triệu đồng, Ban Tổ chức sẽ thu về khoảng 6,1 triệu USD (143 tỷ đồng), tương tự như show diễn gần đây tại Thái Lan. “Born Pink World Tour” chắc chắn sẽ đạt doanh thu cao nhất của một nhóm nhạc nữ trong lịch sử, vượt qua các “đàn chị huyền thoại” như Spice Girls (78,2 triệu USD), TLC (72,8 triệu USD), Destiny’s Child (70,8 triệu USD).
Không chỉ có BlackPink, sự xuất hiện của các thần tượng âm nhạc Hàn Quốc luôn được chào đón rất nhiệt tình ở Việt Nam. Đồng thời, Kpop (thuật ngữ dùng để chỉ thị trường nhạc trẻ Hàn Quốc) cũng rất quan tâm đến thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Trước đó, vào giữa tháng 6/2023, ca sĩ Teayang (nhóm BigBang) đã đến Việt Nam biểu diễn tại Hội An, Quảng Nam. Tháng 3/2023, Show diễn “Super Junior World Tour – Super Show 9: Road” được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh cũng gây được tiếng vang lớn khi thu hút hơn 15 nghìn khán giả. Ngoài ra, rất nhiều thông tin lan truyền, một số nghệ sĩ đình đám Hàn Quốc sẽ có mặt tại Việt Nam vào cuối năm nay như: hai thành viên V, Suga (nhóm BTS), SM Concert, NewJeans, Aespa, G-Dragon, D&E (nhóm nhỏ của Super Junior)...
Có thể khẳng định, làn sóng Hallyu vẫn chưa hạ nhiệt và tiếp tục có những ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều thế hệ ở Việt Nam và trên thế giới. Những năm cuối thập niên 90 thế kỷ trước, đầu những năm 2000, làn sóng Hàn Quốc tập trung mạnh ở mảng phim ảnh, đặc biệt là truyền hình. Tôi cho rằng, sở dĩ Hallyu chọn hướng đi qua phim truyền hình bởi đây là cách cụ thể, sinh động nhất để thể hiện rõ con người, hình ảnh đất nước Hàn Quốc đến bạn bè trên khắp thế giới.
Những bộ phim gắn liền với thế hệ 7X, 8X như “Mối tình đầu”, “Trái tim mùa thu”, “Bản tình ca mùa đông”, “Hương mùa hè”, “Truyện tình Havard”… đã rất thành công ở thị trường châu Á và lập tức gây nên “cơn sốt” mang tên “Hàn Quốc”. Diễn viên Hàn Quốc, cách trang điểm Hàn Quốc, thời trang Hàn Quốc, tiếng Hàn Quốc, du lịch Hàn Quốc trở thành xu hướng, hình mẫu theo đuổi của giới trẻ.
Sự cạnh tranh khốc liệt từ các phương tiện giải trí hiện đại cũng như các thị trường phim châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Philippines, phim Hàn Quốc thoái trào và mất dần vị thế. Làn sóng Hàn Quốc có sự chuyển dịch mạnh sang thị trường âm nhạc. Các nhóm nhạc Kpop được xây dựng theo kiểu nghệ sĩ thần tượng luôn dẫn đầu xu thế, tiếp tục “gánh vác sứ mệnh” lan tỏa làn sóng văn hóa Hàn Quốc ra thế giới.
Vpop bao giờ có World Tour?
Từ câu chuyện của “Born Pink World Tour”, có lẽ rất nhiều người sẽ đặt câu hỏi, có nghệ sĩ, nhóm nhạc Việt Nam nào tổ chức được những tour diễn vòng quanh thế giới hay tổ chức liveshow ở nước ngoài hay chưa? Có thể thấy rằng, nghệ sĩ Việt đi diễn ở nước ngoài không ít và có tổ chức show ở nước ngoài nhưng phần lớn đó là show nhỏ, diễn tại các cộng đồng người Việt hoặc mini show trong khuôn khổ chương trình hợp tác hữu nghị mà nghệ sĩ là gương mặt đại diện.
Đáng chú ý nhất là liveshow “First Love” của Mỹ Tâm, tổ chức hồi tháng 10/2018 tại sân vận động Jangchung, Seoul, Hàn Quốc. Đây là liveshow hiếm hoi của nghệ sĩ Việt được tổ chức tại sân vận động với số lượng khán giả khoảng 8 nghìn người. Live concert do toàn bộ ekip Hàn Quốc thực hiện, đã nhận được sự quan tâm, đánh giá tốt của truyền thông, trong đó có truyền thông Hàn Quốc. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, số lượng khán giả Việt đang sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc đến xem chương trình vẫn chiếm số lượng lớn.
Nói như vậy không có nghĩa rằng, Vpop không có sức ảnh hưởng với thị trường âm nhạc quốc tế. Một số ca khúc của nghệ sĩ Việt gây bão trên các cộng đồng mạng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Thái Lan… Gần đây nhất, ca khúc “See Tình” của Hoàng Thùy Linh tạo “hot trend”, thậm chí được gọi là “ca khúc quốc dân” khi rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng cover (hát lại) trên mạng xã hội, thậm chí là cả trên sân khấu. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những ảnh hưởng nhỏ mang tính nhất thời, chưa thể tạo ra hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ và có chiều sâu.
Trở lại câu chuyện về làn sóng văn hóa đại chúng Hàn Quốc. Tôi cho rằng, thành công trước tiên nằm ở sự nhận thức sâu sắc sức mạnh của văn hóa nghệ thuật và một chiến lược đúng đắn với những bước đi phù hợp. Văn hóa là sức mạnh mềm và theo sau làn sóng văn hóa là những giá trị rất lớn từ kinh tế, thúc đẩy sự phát triển nhiều mặt của xã hội.
Hallyu là một làn sóng và làn sóng đó luôn được tiếp nối, liên tục điều chỉnh cho phù hợp với sự phát triển của xã hội. Bên cạnh đó, muốn tạo được những con sóng lớn, có sự ảnh hưởng, lan tỏa mạnh mẽ phải luôn tiên phong, tạo ra những giá trị mới dẫn đầu xu thế. Các phần trình diễn, âm nhạc, vũ đạo của các nhóm nhạc Hàn Quốc luôn có sự sáng tạo mới mẻ, tạo ra xu hướng để thu hút khán giả.
Ngay cả sự phát triển mạnh của các nhóm nhạc Hàn Quốc cũng có vẻ như “đi ngược xu hướng”, bởi hiện nay, không chỉ ở Việt Nam, hoạt động của các nhóm nhạc luôn bị đánh giá là khó khăn và rơi vào thoái trào. Mô hình hoạt động của các nhóm nhạc Hàn rất linh hoạt, song hành hoạt động của các nhóm nhạc lớn, đông người là các nhóm nhỏ, hoạt động solo của các nghệ sĩ (trong nhóm nhạc lớn). Để có được những nhóm nhạc thần tượng trên sân khấu, đằng sau là cả một bộ máy vận hành, từ tuyển chọn, huấn luyện, đào tạo, PR… cực kỳ bài bản, chuyên nghiệp, thậm chí là khắc nghiệt.
Ước tính, ngành công nghiệp Kpop tạo ra khoảng 10 tỷ USD cho Hàn Quốc mỗi năm và con số này dự đoán tăng lên 20 tỷ USD vào năm 2031. Rõ ràng, văn hóa không chỉ tạo ra các giá trị tinh thần mà bản thân nó cũng có thể tạo ra các giá trị kinh tế. Hàn Quốc đang có một nền công nghiệp văn hóa phát triển. Từ câu chuyện của Hàn Quốc, Việt Nam rất cần học tập để xây dựng một nền công nghiệp văn hóa đúng nghĩa. Điều này, có lẽ phải bắt đầu bằng một chiến lược dài hơi, cụ thể, chắc chắn trên từng lĩnh vực của văn hóa nghệ thuật.