Cá Hồi Hoang tan rã và chuyện buồn nhóm nhạc Việt

Chủ Nhật, 16/07/2023, 09:55

Sau Lộn Xộn, Cá Hồi Hoang là nhóm nhạc tiếp theo nói lời từ biệt công chúng. Sự ra đi của hai nhóm nhạc này khiến người hâm mộ không khỏi tiếc nuối khi họ đem lại chất nhạc đầy suy nghiệm, đậm đặc thanh âm của người trẻ Việt hiện đại, khác biệt và nổi bật giữa những nhóm học đòi xứ người.

Kết thúc chuyến lưu diễn "Chúng ta đều muốn một tour" đầu tháng 7, nhóm Cá Hồi Hoang chính thức đường ai nấy đi như thông báo trước đó. Vậy là sau 10 năm hoạt động, hai thành viên còn lại buông tay sau bao phen thay đổi thành viên và bám trụ giữa đời sống âm nhạc nhiều biến động. Mười năm qua, họ đã đưa chất nhạc lạ lẫm của mình đến với đông đảo người yêu nhạc, nhất là những người yêu vẻ đẹp nội tâm, yêu tiếng nói của người trẻ Sài Thành. Chọn thể loại alternative rock, bài hát của Cá Hồi Hoang xoay quanh cuộc sống và góc khuất nội tâm của những người trẻ hiện đại. "Cánh đồng", "Nơi bắt đầu", "Nhà 9A", “Tầng thượng 102”, “Tự do”, “5AM”... lạ tai, ấn tượng ngay từ lần đầu nghe qua. Nhưng phải nghe đi nghe lại nhiều lần, cái triết lý nho nhỏ, hay nỗi lòng, nỗi buồn tuổi trẻ mới thấm dần thấm dần đầy xốn xang.

1 ca hoi hoang.jpg -0
Nhóm Cá Hồi Hoang tan rã sau 10 năm hoạt động.

Cá Hồi Hoang được xem là đối trọng với nhóm Ngọt xứ Bắc. Cả hai nhóm đều mang chủ nghĩa hiện sinh đậm đặc trong mỗi MV, ca khúc tưởng chừng đơn giản. Nhưng nếu Ngọt là hiện thân của trai Hà Thành có gì đó lãng đãng và thâm sâu thì Cá Hồi Hoang mang cái phong trần, đời thường của người trẻ phố thị phương Nam. Chất đời thường ấy không phải ai cũng viết ra được thành nhạc để người nghe phải lặng mình ưu tư sau phút rộn ràng cùng giai điệu. Từ một nhóm nhạc indie/ underground, sản phẩm của Cá Hồi Hoang dần được mọi người biết tới. Họ nổi lên và thành công với hàng loạt show diễn “cháy vé”, đĩa nhạc bán chạy cùng các giải thưởng danh giá. Hồi 2021, album “Ngày ấy và sau này” chưa kịp phát hành đã bán hết veo. Vậy mà buồn thay, nhóm không thể tiếp tục.

Không may mắn tồn tại đến một thập kỷ như Cá Hồi Hoang, nhóm Lộn Xộn chỉ hoạt động vỏn vẹn được bốn năm. Thành lập năm 2016, lên ngôi quán quân chương trình “Sing my song” 2018, nhóm được biết đến với thương hiệu âm nhạc trào phúng, châm biếm xã hội sâu cay, thâm thúy như “Người yêu tôi không có gì để mặc”, “Nổi tiếng dễ không”, “Khoan cho anh ngủ”... Nhóm đắt show hơn và gặt hái không ít giải thưởng danh giá. Những tưởng Lộn Xộn sẽ “trở thành nhóm nhạc hàng đầu Việt Nam” như mong ước của họ nhưng hai năm sau, ba thành viên chia tay để theo đuổi con đường riêng.

Sự tan rã của Cá Hồi Hoang và Lộn Xộn không chỉ để lại nỗi tiếc nuối, hụt hẫng cho làng nhạc Việt mà còn nối dài câu chuyện buồn về số phận mong manh của các nhóm nhạc. Nhìn lại thị trường nhạc Việt hiện nay sẽ dễ dàng nhận thấy nghịch lý: nhóm nhạc dần biến mất trong khi ca sĩ solo liên tiếp chào sân và nhanh chóng nổi tiếng. Điển hình như những tên tuổi mới nổi gần đây gồm: Tăng Duy Tân, Mono, Evan Wren, Mỹ Anh... Trong khi đó, nếu hỏi nhóm nhạc nào đang làm mưa làm gió trên thị trường, câu trả lời đi vào bế tắc. Hầu hết nhóm nhạc ở nước ta đều hoạt động theo kiểu cầm chừng và chỉ xuất hiện trong các chương trình vừa và nhỏ. Số nhóm nay ra mắt, mai giải tán nhiều không kể xiết. Loạt cái tên như SGO48, Lip B, CZB, Uni5, The Air… chưa kịp khiến khán giả nhớ mặt biết tên đã lặn mất tăm. Thảm hại nhất có lẽ là nhóm T.A.S và D1Verse. Hai nhóm tan rã khi mới phát hành được một MV. Dễ hiểu khi những nhóm nhạc tạo dựng được danh tiếng như Cá Hồi Hoang hay Lộn Xộn mà còn bị khai tử thì các nhóm thiếu bản sắc, ít dấu ấn nhanh chóng mất tích sau ngày ra mắt là điều đương nhiên.

Nhạc sĩ Trần Vương Thạch thừa nhận, đời sống nhạc Việt hiện nay không ưu ái nhóm hay ban nhạc. Nạn hát nhép, thù lao không tương xứng với công sức hay khát vọng riêng của mỗi thành viên khiến sự tồn tại của nhóm nhạc “made in Việt Nam” như hoa phù dung sớm nở tối tàn. Ca sĩ Thúy Nga, thành viên nhóm Mắt Ngọc cho biết, nếu hát solo, thù lao ca sĩ được hưởng trọn vẹn thì nhóm nhạc cũng chỉ được hưởng mức tương đương nhưng phải chia đều cho các thành viên. Nhóm càng nhiều thành viên thì số tiền càng bị chia nhỏ dù công sức tập luyện ca hát, vũ đạo đòi hỏi nhiều hơn ca sĩ đơn. Ngoài kinh phí duy trì nhóm khá chật vật thì sự gắn kết, thấu hiểu giữa các thành viên cũng là một thử thách. Bởi nhiều thành viên vẫn chỉ xem nhóm nhạc là bước đệm đầu tiên để họ tách ra hát solo.

Riêng phía bầu show, họ không ưu ái nhóm nhạc vì khán giả không mấy mặn mà. Âm nhạc của Cá Hồi Hoang, Ngọt, Lộn Xộn hay các nhóm indie, underground khác dù thú vị, mang dấu ấn riêng nhưng chỉ được lòng một bộ phận công chúng. Ngay như Thành Luke, trưởng nhóm Cá Hồi Hoang thừa nhận “Âm nhạc của chúng tôi khó nghe và khó hiểu”. Hầu hết, khán giả ưa thứ nhạc dễ nghe, dễ cảm và chạy theo mốt thời thượng. Họ không thích bị nhức óc với thứ âm nhạc giàu chiều sâu khoác vẻ ngoài bình dị, đơn giản. Có khán giả để lại lời bình luận dưới một MV của Cá Hồi Hoang rằng, mình yêu nhạc của nhóm nhưng khi giới thiệu với bạn bè thì họ chỉ nghe qua vài câu là tắt.

2 lon xon band.jpg -0
Sau 4 năm tồn tại, ba thành viên nhóm Lộn Xộn đường ai nấy đi.

Khai tử sớm nhất là những nhóm học đòi theo mô hình K-pop. Âm nhạc Hàn Quốc thành công với mô hình nhóm nhạc nhưng khi áp dụng vào thị trường Việt Nam thì thất bại nặng nề. Dù có công ty quản lý nâng đỡ, quảng bá rùm beng rồi đưa sang tận xứ kim chi đào tạo bài bản nhưng loạt nhóm như YounQ, Lip B, Lime, Monstar, D1Verse, Zero9... không gây bất cứ dấu ấn gì ở quê nhà. Khán giả chỉ thấy hình ảnh nhóm nhạc K-pop thần tượng trong phiên bản Việt hóa, nhưng đó lại là một phiên bản lỗi. Từ cách tạo hình, trang phục, vũ đạo, bài hát… đều đậm chất Hàn như khả năng thanh nhạc, vũ đạo chỉ “thường thường bậc trung”. Khán giả Việt không cần những thứ đó khi họ quá đã tai, đã mắt với các thần tượng K-pop chính hiệu. Chẳng phải vậy mà đến giờ, giá vé show diễn tại Việt Nam của nhóm Black Pink đội lên gần 10 triệu/vé nhưng vẫn khiến fan giành nhau mua bằng được. Càng buồn hơn khi cơn sốt Black Pink tại Việt Nam trùng với thời điểm Cá Hồi Hoang tan rã.

Ngoài nhóm indie/underground, nhóm theo mô hình K-pop, dạng thứ ba là các nhóm nhạc đầu những năm 2000 còn tồn tại đến bây giờ. Đó là Mây Trắng, Mắt Ngọc, MTV, Bức Tường… Nhưng danh tiếng của họ không còn như thời kỳ hoàng kim. Hoạt động của họ cũng không còn sôi nổi mà lác đác với show diễn nhỏ hoặc chỉ tái hợp trong các chương trình ôn lại kỷ niệm một thời.

Cuối năm ngoái, nhiều người kỳ vọng Liên hoan Ban nhạc - Nhóm ca TP Hồ Chí Minh sẽ tìm ra những nhân tố mới, bổ sung cho sự thiếu hụt nhóm nhạc trầm trọng. Nhưng kỳ vọng vẫn chỉ là kỳ vọng. Nhóm nhạc cũ tiếp tục mất đi trong khi nhóm nhạc mới chưa xuất hiện. Nhạc sĩ Hoài Sa thú thật, dù liên hoan khuyến khích các nhóm nhạc tự quản của giới học sinh, sinh viên, giới công chức… tham gia với các sáng tác mới chứ không bó hẹp với các ban nhạc, nhóm ca của nhà văn hóa các cấp (chủ yếu tập dượt để đi thi) nhưng việc duy trì và phát triển những nhóm nhạc tự quản này rất khó vì thị trường âm nhạc rất khắc nghiệt.

Dù ông Lê Cao Đạt, Giám đốc Trung tâm Văn hóa TP Hồ Chí Minh hứa hẹn rằng những nhóm nhạc đoạt giải cao tại Liên hoan sẽ được Trung tâm tạo điều kiện biểu diễn thường xuyên ở các sự kiện văn hóa, lễ hội lớn của thành phố nhưng đến nay, các nhóm này gần như im hơi lặng tiếng. “Đầu ra” không có, nhóm nhạc tiềm năng đành “tự bơi”, để rồi nhanh chóng tan đàn xẻ nghé. “Tồn tại được bao lâu” trở thành câu hỏi ám ảnh bao nhóm nhạc Việt. Nhóm Da LAB thừa nhận: “Điều chúng tôi chú trọng vẫn là chuyên môn để đi đường dài. Dù đã có nhiều sản phẩm âm nhạc được công chúng yêu mến nhưng làm sao để tiếp cận khán giả dễ dàng và được họ đón nhận luôn là bài toán khó với chúng tôi”.

Phan Thi Uyên
.
.