Biên kịch Vương Huyền Cơ: Sân khấu đang lạc hậu với thời cuộc!

Chủ Nhật, 27/08/2023, 21:03

Là một biên kịch sân khấu khá nổi, tác giả Vương Huyền Cơ có nhiều kịch bản đoạt nhiều giải thưởng danh giá. Mấy năm gần đây, kịch bản "Thành phố tình yêu" của chị đoạt giải B tại Cuộc vận động sáng tác Chủ đề "Mãi mãi một tình yêu" do UBND TP Hồ Chí Minh, Sở Văn hóa Thông tin phối hợp cùng Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP Hồ Chí Minh tổ chức năm 2020.

Vở kịch này còn mang về Huy chương Vàng cho Nhà hát Kịch Thành Phố Hồ Chí Minh tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2021, tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tác giả Vương Huyền Cơ đã chia sẻ nhiều suy tư về nghề biên kịch và sân khấu cùng Văn nghệ Công an.

Biên kịch Vương Huyền Cơ: Sân khấu đang lạc hậu với thời cuộc! -0
Nhà biên kịch Vương Huyền Cơ.

- Giờ đây đã là một tác giả có tên tuổi, nhiều tác phẩm được dựng và đoạt giải, thu hút khán giả, chị có thể chia sẻ con đường đến với nghề viết kịch của chị ra sao? Quan điểm của chị về viết kịch và sứ mệnh nghệ thuật như thế nào?

+ Con đường dẫn đến viết kịch với tôi đó là định mệnh. Ước mơ của tôi lúc đầu là trở thành nhà văn nhưng lại thành tác giả biên kịch. Tôi yêu thích Kịch nên tham gia cuộc thi Kịch bản khởi đầu từ Văn nghệ quần chúng, rồi tới Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh với tâm niệm nếu thành công thì sẽ tiếp tục. Kết cuộc thành công nên tôi có động lực đi tiếp. Tôi, chỉ có mong muốn chuyển tải được những gì tốt đẹp nhất của cuộc sống, châm biếm, phê phán những mặt trái xấu xa của xã hội qua kịch bản.

- Có thể nói, kịch nói Việt Nam giờ nhạt nhòa và không còn phản ánh (kịp) các vấn đề nóng bỏng nhức nhối của xã hội đương thời, dù cuộc sống có nhiều vấn đề lớn và quan trọng đã và đang xảy ra. Chị nghĩ sao trước thực trạng này?

+ Sân khấu hiện nay đang thoái trào đó cũng là quy luật tất yếu khi có bao loại hình giải trí hấp dẫn, miễn phí trên mạng xã hội trong khi sân khấu chẳng có gì thay đổi. Sân khấu lạc hậu với thời cuộc vì không dám (hay không thể) phản ảnh hiện thực cuộc sống với bao điều ngổn ngang từ chính trị xã hội sang văn hóa đạo đức. Các nhà lãnh đạo cao cấp, các nhà quản lý của Nhà nước, đặc biệt là ở lĩnh vực văn hóa- nghệ thuật, đều nói văn hóa nghệ thuật cần mang hơi thở thời đại, phải dám đả phá vào nạn tham nhũng, suy thóai cán bộ… nhưng thực tế lại khác. Trong thực tế, không có nhiều tác phẩm nghệ thuật hay, xứng tầm, phản ánh đủ, toàn diện và tầm cỡ, sâu sắc, về các hiện tượng xã hội hiện thời.

Các Nhà hát thì một năm dựng vài vở cũ, miễn đúng định hướng, phê phán một chút về những vấn đề đã qua... Một số vở diễn tham gia Liên hoan, có Huy chương, báo chí ngợi khen, diễn phục vụ xong thì cất kho.

Các sân khấu xã hội hóa tự chi tự thu thì dựng những vở tâm lý, hài… phù hợp thị hiếu khán giả để bảo đảm doanh thu, chuyện phản ảnh hiện thực xã hội để sân khấu… Nhà nước lo. Đâu đó vẫn còn tình trạng Giám đốc Nhà hát Nhà nước thì chỉ cần làm đúng kế hoạch, hoàn thành chỉ tiêu, an toàn cho hết nhiệm kỳ, không muốn mạo hiểm để tự chuốc rắc rối. Ông bà Bầu làm sân khấu để thoả mãn đam mê, bảo đảm doanh thu. Khi sân khấu Nhà nước không làm thì mắc mớ gì tư nhân làm cái chuyện hiện thực phê phán. Chỉ cần nghe phong phanh kịch bản có vấn đề hay tác giả có vấn đề là họ ngoảnh mặt. Cho dù tác giả có tâm huyết cỡ nào, đau đáu với thực trạng xã hội cỡ nào nhưng không có nơi dàn dựng thì tác phẩm cũng không có đất sống. Nhiều tác giả chọn con đường an toàn bằng phẳng dễ đi để có thể tồn tại với nghề. Họ viết theo định hướng nhưng tụng ca sáo rỗng, câu chuyện cũ kỹ nhạt nhẽo miễn vừa ý những nhà quản lý.

Có một nghịch lý là nhiều loại hình liên quan sân khấu (Kịch nói, Tuồng, Chèo, Cải lương) rất nhiều Huy chương được phát ra, rất nhiều danh hiệu được trao tặng, nhưng mấy năm nay ít thấy có vở diễn đi vào lòng khán giả, gây tiếng vang và được khán giả yêu thích, quan tâm, bàn luận.

- Vì sao có hiện trạng đó? Có phải do đội ngũ biên kịch sân khấu yếu tay nghề, thiếu bản lĩnh hay do đâu? Theo chị thì cần tháo gỡ điều đó ra sao?

+ Muốn cho sân khấu không chỉ tồn tại mà còn phải phát triển vững mạnh, thì điều kiện bắt buộc là sân khấu phải là loại hình nghệ thuật yêu thích của đại bộ phận công chúng. Để làm được vậy thì cơ quan quản lý văn hóa phải cho sân khấu làm được những điều mà các loại hình giải trí khác không thể làm. Trong đó có một yếu tố, điều kiện là: Chỉ có đến sân khấu khán giả mới thấy được hiện thực đời sống bước ra thật sống động như đời, để khán giả cảm nhận được những thông điệp chứa đựng ý nghĩa cao đẹp nhất của cuộc sống, đánh thức lương tri của con người! Từ đó, sân khấu mới có sức hút với công chúng, mang lại ý nghĩa giáo dục nhân văn, tạo ra các giá trị cao đẹp cho con người và xã hội.

- Từng tham gia các trại sáng tác sân khấu chị có suy nghĩ gì về nó? Cách tổ chức đó có còn hợp thời và tạo ra chất lượng cho các tác phẩm kịch nói khi nghệ sĩ tham gia trại viết?

+ Trại sáng tác là cơ hội để cho các nghệ sĩ được chuyên tâm đến để sáng tác. Điều đó rất tuyệt vời. Chỉ có một nhược điểm vẫn còn tồn tại ở một số trại là chất lượng người viết, các nhà biên kịch tham gia không đồng đều về trình độ, năng lực. Một phần cũng là do chỉ tiêu của trại đặt ra. Trại Trung ương thì phải mời góp mặt cho đủ vùng miền nhưng đâu phải vùng nào cũng có tác giả tài danh. Trại Thành phố, địa phương phải "so bó đũa chọn cột cờ". Nói chung thì tự mỗi tác giả phải có ý thức và tự trọng vì ngòi bút sáng tác của mình. Bản thân thấy ngòi bút cạn kiệt thì không nên tham dự để tránh khó xử cho Ban Tổ chức.

Biên kịch Vương Huyền Cơ: Sân khấu đang lạc hậu với thời cuộc! -0
 Cảnh trong vở kịch "Thành phố tình yêu" của tác giả Vương Huyền Cơ.

- Từng thành công với thể loại hài kịch và cả kịch tâm lý xã hội. Giữa hai thể loại đó, chị thích viết thể loại nào hơn?

+ Tôi luôn đan xen giữa tâm lý xã hội và hài hước châm biếm. Hài giúp cho những điều ta muốn nói trở nên nhẹ nhàng và thú vị. Kịch hài, nếu biết khai thác cũng mang lại nhiều giá trị nghệ thuật, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc.

- Nhiều năm làm nghề biên kịch đã cho chị những bài học gì về nghề và về cuộc sống? 

+ Tôi cầm bút hơn 20 năm, điều tôi chắt lọc được từ cuộc sống để hỗ trợ cho công việc của mình đó là cái đầu phải biết tư duy, trái tim phải nhiều cảm xúc. Người sáng tác, nghệ sĩ phải có cách nghĩ khác về mọi vấn đề và biết phản biện trước mọi vấn đề. Ta suy nghĩ đồng thuận như mọi người thì rất khó viết ra tác phẩm. Vì nếu trơ ra trước mọi việc, thì không thể có lý do thúc đẩy họ viết ra đề tài, tác phẩm đó.

- Theo chị, yếu tố nào giúp một biên kịch thành công?

+ Muốn được là một tác giả thành công, bạn phải có ngọn lửa trong tim để làm bùng cháy mọi cảm xúc. Khi không có cảm xúc thật sự bạn lấy thứ gì đưa vào kịch bản. Thiếu cảm xúc thì kịch bản chỉ là những trang giấy vô hồn được hình thành từ thợ viết. Trái tim lạnh lùng khó có thể sáng tạo nghệ thuật được.

- Nếu được chọn lựa lại chị có chọn nghề biên kịch?

+ Nếu được chọn lựa thì tuỳ duyên vì nếu có một cuộc đời khác không biết ta có sống và suy nghĩ như bây giờ. Mong muốn là một chuyện nhưng đôi khi số phận lại đẩy ta sang hướng khác. Chỉ biết hiện tại tôi rất hạnh phúc (dù có khi đau lòng) vì công việc sáng tác này dày vò tôi và nghiêm khắc đòi hỏi tôi rất nhiều. Nhiều khi ta lâm vào tình trạng không biết viết gì bởi không biết tư duy khác biệt và phản biện trước mọi vấn đề. Nhưng được làm người sáng tác với tôi là một thử thách thú vị cho bản thân.

- Cảm ơn chị!

Nguyễn Thịnh (thực hiện)
.
.