Biên kịch Trần Kim Khôi: Người bén duyên với đề tài người lính

Thứ Năm, 09/02/2023, 15:50

Khi nghe tôi hỏi: “Không phải là chiến sĩ Công an sao Khôi lại viết nhiều kịch bản về Công an nhỉ?”. Nhà biên kịch Trần Kim Khôi trả lời luôn: “Vì đó là đề tài mà em rất thích”. Rồi Trần Kim Khôi nói thêm: “Và cả đề tài về các chiến sĩ Quân đội nữa”.

Câu chuyện say sưa khi Nhà biên kịch Trần Kim Khôi kể cho tôi nghe về lần anh được dự Trại sáng tác “Về hình tượng người chiến sĩ Công an” năm 2016 ở Sầm Sơn, Thanh Hóa. Đó là lần đầu một chàng trai trẻ vốn quê ở thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam được “gần gũi” với các văn nghệ sĩ Công an. Anh cho biết: “Ban đầu em cũng thấy ngài ngại nhưng qua tiếp xúc lại thấy mấy ảnh cũng vui cũng nhộn”.

3.jpg -0
Nhà biên kịch Trần Kim Khôi tham dự Trại sáng tác của Bộ Công an năm 2016 (ngoài cùng bên phải).

Trần Kim Khôi quê ở Xứ Quảng Nam chưa mưa đã thấm, anh còn cho biết thêm mảnh đất Gò Nổi, với hình tượng Anh hùng Trần Thị Lý - “Người con gái Việt Nam”, cũng chính là nơi anh sinh ra và lớn lên. Bấy giờ tôi mới chợt hiểu ra vì sao nhà biên kịch trẻ này lại “yêu” bộ đội và “yêu” Công an đến thế. Có lẽ ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ, Trần Kim Khôi đã được bà, được mẹ thủ thỉ kể cho nghe những câu chuyện về bao tấm gương anh dũng chiến đấu và hy sinh quả cảm. Có lẽ tình cảm ấy là “nguồn lực” để Trần Kim Khôi cầm lấy cây bút và viết về những chị những anh đang ngày đêm cầm súng canh giữ biển trời Tổ quốc và giữ gìn cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Và Trần Kim Khôi đã lựa chọn cho mình một cách đi thích hợp. Năm 2005, anh thi vào Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP Hồ Chí Minh. Anh học Khoa Đạo diễn sân khấu. Tốt nghiệp và ra trường, Trần Kim Khôi “trụ” lại ở TP đầy năng động này để lập nghiệp. Anh cho biết: “Vì TP Hồ Chí Minh có môi trường tốt để sân khấu nói riêng và VHNT nói chung phát triển”.

Nhưng Trần Kim Khôi lại không “hành nghề” đạo diễn mà mình đã học. Anh quyết định chọn viết kịch bản cho sân khấu và kịch bản cho truyền hình. Thấy tôi hơi có vẻ ngạc nhiên nên Trần Kim Khôi nói luôn: “Em học đạo diễn để viết kịch bản cho nó gần với việc dàn dựng - Thấy tôi vẫn phân vân nên anh nói tiếp - Viết kịch bản bằng tư duy của đạo diễn sẽ khắc phục được sự chưa hiểu nhau giữa tác giả kịch bản và đạo diễn”.

Nghe Trần Kim Khôi nói vậy tôi thầm nghĩ: “Cậu này đáo để ghê. Đạo diễn nào “sờ” vào kịch bản của hắn chắc phải “cứng tay” lắm”. Nghĩ thầm vậy thôi chứ tôi không dám khẳng định điều vừa nghĩ, tôi bèn hỏi thêm: “Ra trường đã hơn mười năm, đến nay Khôi đã có bao nhiêu kịch bản được dàn dựng và công diễn rồi?”. Nhà biên kịch Trần Kim Khôi ngồi im vài giây kiểu như người đang ngồi nhẩm tính vậy. Lát sau anh cho biết: “Em đã có 12 kịch bản sân khấu, loại gọi là vở dài ấy, được dàn dựng và diễn trên sân khấu. Thú thực với anh kịch bản nào được dàn dựng em vẫn thấy run anh ạ”. Tôi hiểu đối với một nhà biên kịch trẻ thì kịch bản nào cũng là kịch bản đầu tiên. Bởi như người ta đã nói: “Hãy quên đi những cái đã viết để có được cái mới viết tốt hơn”.

Nói rồi Trần Kim Khôi kể lại cho tôi nghe về vở “Cây bàng vuông”, vở kịch này anh viết sau chuyến đi thực tế ở quần đảo Trường Sa tháng 4 năm 2014 về. Trần Kim Khôi cho hay, khi nhận được tin mình có tên trong Đoàn công tác Trường Sa anh cứ thao thức mãi, anh cứ trăn trở mãi. Vở này đã được anh thai nghén ngay từ khi tàu chưa khởi hành ra đảo. Và cũng vì đã trăn trở, đã nghĩ suy nên khi hành trình của đoàn công tác trở về đất liền chừng ít ngày là Trần Kim Khôi đã “trình” kịch bản này cho Sân khấu 5B Võ Văn Tần thuộc Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh. Rất vui là kịch bản cũng nhanh chóng được dàn dựng và công diễn.

Vở “Cây bàng vuông” với câu chuyện kể về những người lính Hải quân đang canh giữ ngoài đảo xa đã gần như ngay lập tức “lĩnh giải”. Đầu tiên là Giải Nhất của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trao. Tiếp đến là Giải B do Ban Tuyên giáo Trung ương trao trong “Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương Hồ Chí Minh” năm 2015. Cũng năm đó vở kịch “Cây bàng vuông” nhận thêm Giải B của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam.

1.jpg -0
Tác giả bài viết (bên phải) hỏi chuyện nhà biên kịch Trần Kim Khôi.

Đang đà nói về giải thưởng nên tôi đề nghị Trần Kim Khôi: “Bữa nay mình chỉ nói về giải thưởng thôi nhé”. Nhà biên kịch Trần Kim Khôi hơi ngại ngùng xong thấy ánh mắt của tôi đang khích lệ nên anh cho hay: “Năm 2015, em có kịch bản vở “Bông hồng vàng” được Sân khấu Thế giới trẻ của Trường Đại học Sân khấu điện ảnh TP Hồ Chí Minh dàn dựng và tham dự Hội diễn hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân lần thứ 3 tại Hà Nội. Vở diễn được trao 2 HCV và 2 HCB anh ạ. Vở này có đề tài chiến sĩ Công an thành phố trong cuộc chiến phòng chống tội phạm ma túy”. Nói xong Trần Kim Khôi có vẻ chưa hài lòng, hỏi thêm được biết những giải thưởng vừa nói mới chỉ dành cho diễn viên thôi chứ tác giả kịch bản chưa được gì. Tôi động viên: “Thì diễn viên cũng đã thể hiện thành công những gì mà tác giả kịch bản đặt ra trong kịch bản. Như vậy là mình cũng vui rồi”.

Chắc là do thành công của những kịch bản về đề tài người chiến sĩ Công an nhân dân, nên năm 2019 nhà biên kịch Trần Kim Khôi lại được Bộ Công an mời đi dự trại sáng tác kịch bản sân khấu về đề tài người chiến sĩ Công an. Trại này “hơi đặc biệt” là ở chỗ Trại có thời gian dài và lại không chỉ ở một địa điểm. Trần Kim Khôi trầm ngâm nhớ lại quãng thời gian ở trại. Rất vui và rất có cảm hứng. Anh cho biết: “Trại ban đầu mở tại Hà Nội sau đó cứ lần lượt di chuyển dần về phía Nam để cuối cùng là Đà Lạt. Đi đến đâu cũng được các anh Công an ở các địa phương đó đón tiếp niềm nở và khơi mở nhiều ý tưởng hay, nhiều đề tài mới mẻ”.

Thực ra kịch bản của Trần Kim Khôi đã bén duyên với Công an từ nhiều năm trước đó, ví dụ như kịch bản vở “Con Mõ” của anh đã đoạt Giải Nhất cuộc thi viết về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc năm 2008”. Vở “Vùng tối” được giải năm 2010. Tôi nói vui: “Vậy thì Khôi cũng có nhiều giải thưởng cho kịch bản đấy thôi”. Nhà biên kịch Trần Kim Khôi giờ mới “bẽn lẽn” thú thực rằng: “Về kịch bản em cũng nhận được nhiều giải thưởng anh ạ”.

Đó là phải kể đến những kịch bản như: Giải A cho vở “Con Mõ” năm 2008 và vở “Toàn đàn ông” năm 2012. Rồi vở “Chảy về đâu” năm 2017 nhân giải A do Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao, kịch bản này còn nhận thêm Giải A Liên hoan Phát thanh toàn quốc năm 2018. Trần Kim Khôi nói thêm: “Các đạo diễn Lê Nghiêm và Cao Ngọc ở Đài Tiếng nói Việt Nam được xem kịch bản thấy hay nên đã dàn dựng và đi Liên hoan. Rất may là ở Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần ấy người ta đã “chấm” cho kịch bản của em. Tất cả cũng nhờ các đạo diễn đã để mắt tới”.

Câu chuyện giữa hai chúng tôi càng nói càng vui, càng nói càng thêm gần gũi. Nhà biên kịch Trần Kim Khôi cảm thấy như được mở lòng nên anh đứng dậy và cầm lấy cây đàn ghita. Được biết Trần Kim Khôi chơi ghita cũng được, anh thường những lúc cảm thấy vui vui hay những khi chưa hài lòng với những gì mình vừa viết thì anh cầm đàn lên và chơi. Lúc này có lẽ Trần Kim Khôi đang vui vui nên anh chơi đàn. Tiếng đàn ghi ta của Khôi cứ rủ rỉ kéo tôi vào những tâm sự của anh. Lát sau Trần Kim Khôi dừng đàn, tôi bèn hỏi: “Khôi có sáng tác nhạc không?”. Nhà biên kịch Trần Kim Khôi gật đầu: “Em có bài hát “Em trăng bên thềm” được Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh tổ chức dàn dựng và phát sóng đấy”. Tôi khích lệ: “Đúng là chàng trai có nhiều tài lẻ”. Nhà biên kịch Trần Kim Khôi cười ngượng ngùng: “Tài lẻ gì đâu anh. Em thích thì em viết thôi”.

Nói xong Trần Kim Khôi lại chơi đàn, lần này thì anh khe khẽ hát: “Nắng qua thềm nắng buồn trong mắt/ Mây qua thềm mây nhuộm màu da/ Hoa bên thềm nhà hoa ngơ ngẩn/ Em bên thềm ngắm trời tương tư”. Lời hát nghe xao xuyến, có gì đấy như một tâm trạng làm người nghe cũng cảm xúc lây. Tôi ngồi thừ ra để yên cho Trần Kim Khôi chơi xong bản nhạc. Về sau tôi còn được biết Trần Kim Khôi còn sáng tác cả vọng cổ nữa. Bài vọng cổ “Từ Nhà giàn DK1 nhớ lời Cha dạy”. Bài vọng cổ này được HTV dàn dựng những ba lần để phát sóng. Trần Kim Khôi kể rằng: “Em đã dựa vào câu nói của Bác Hồ là “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có trời, có biển”.

Chuyện trò cũng đã lâu lâu, tôi bắt tay Trần Kim Khôi thật chặt như thay cho câu chúc nhà biên kịch trẻ này mỗi ngày mỗi vui. Mỗi ngày thêm một điều hay, điều mới để anh thể hiện qua con chữ thành những kịch bản và lời hát chân thành. Chúc anh gắn bó hơn nữa với các chiến sĩ Công an như anh đã gắn bó.

Nguyễn Trọng Văn
.
.