Biên đạo múa, Nghệ sĩ Nhân dân Đỗ Hiền: Hành trình đi tìm ngôn ngữ múa cho chính mình
NSND Đỗ Hiền bình dị, mộc mạc và khá kín tiếng trong đời thường. Nhưng, khi nói đến múa, những ngón tay, cơ thể anh như chuyển động theo từng câu chuyện. Anh yêu múa như hơi thở của mình, và cũng từ múa, anh chạm đến đỉnh cao vinh quang.
NSND Đỗ Hiền là người khá kín tiếng trong giới truyền thông. Anh ngại tiếp xúc với báo chí, cũng hiếm khi nói về mình. Nhưng, Hiền nổi tiếng trong giới làm nghề với những tác phẩm múa đương đại mang màu sắc văn hóa truyền thống. Khi nói về công việc, vẫn cái chất giản dị, có phần thô mộc ấy, Hiền kể về hành trình với múa thật ấn tượng.
Đỗ Hiền sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở huyện Đông Anh, Hà Nội. Bố mất sớm, một mình mẹ tần tảo nuôi 4 con ăn học. Anh trai Hiền, NSND Quốc Hưng đã theo nghiệp chèo ngày đó - bây giờ là NSND, Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia - đã định hướng cho em trai học múa. Thế là, một tuần 4 buổi, mẹ Hiền còng lưng trên chiếc xe đạp chở anh từ Đông Anh sang Mai Dịch học lớp tạo nguồn. Một năm sau, Hiền đỗ vào hệ chính thức và học tập trung ở trường. 11 tuổi, Đỗ Hiền đã sống xa nhà, chỉ cuối tuần hai anh em lại đạp xe chở nhau về thăm mẹ. 7 năm miệt mài ở trường múa, tốt nghiệp, anh về công tác tại Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam và sau đó sang Pháp du học.
Có thể nói, bước ngoặt lớn nhất giúp NSND Đỗ Hiền thay đổi tư duy về múa là quãng thời gian anh sang Pháp du học về múa đương đại. Dù được đào tạo bài bản về múa cổ điển, nhưng trong sâu thẳm Hiền vẫn chưa tìm ra ngôn ngữ múa cho chính mình. Khi chạm vào sự phóng khoáng, tự do và đầy ngẫu hứng của múa đương đại, Hiền ngộ ra, đó chính là thứ mình thuộc về. Anh được chơi với cơ thể của mình, hấp dẫn khi anh chuyển động từ làn da hay cơ bắp.
Nhóm múa +84 của Hiền ra đời từ khát vọng của những nghệ sĩ trẻ với ngôn ngữ múa mới lạ ở Việt Nam thời đó, múa đương đại. Mỗi năm, nhóm của anh cố gắng xin tài trợ để dựng 2 vở múa, chật vật, khó khăn từ tài chính đến nguồn nhân lực. Không có tiền, không có khán giả (những năm đầu 2000, múa đương đại còn xa lạ với khán giả Việt Nam), anh và các cộng sự phải kiêm nhiệm nhiều vai cùng lúc, vừa làm biên đạo, vừa làm diễn viên, kiêm thiết kế sân khấu, phục trang để tiết kiệm. Nguồn tài trợ duy nhất là quỹ văn hóa của các đại sứ quán.
Vở “Tam nguyên” là một dấu mốc của nhóm, tác phẩm giành Giải Nhất của Liên hoan múa Đan Mạch. NSND Đỗ Hiền chia sẻ: “Lúc đó chỉ làm vì đam mê, tôi muốn một ngôn ngữ múa mới được biết đến ở Việt Nam. Không tính toán, không cân đo, đong đếm. Cực nhưng vui. Đó cũng là nền tảng để sau này tôi tiếp tục đi con đường múa”. Tiếp đó, những tác phẩm như “Vừng ơi”, “+84, là thế” của nhóm lần lượt ra đời, được giới chuyên môn và công chúng đánh giá cao bởi sự sáng tạo mới mẻ, đặc sắc, mang đậm bản sắc Việt.
NSND Đỗ Hiền nói, là người tự do và ưa xê dịch, vì thế anh xin ra khỏi biên chế của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch để đi con đường của chính mình. Năm 2009, anh được mời làm biên đạo múa cho Nhà hát Dân gian Việt Bắc. Cú chạm đầu tiên với một kho tàng văn hóa Tây Bắc khiến anh ngỡ ngàng và bị hút hồn vào đó. Vở “Tiếng vọng núi rừng” lấy cảm hứng từ câu chuyện tình Khâu Vai và văn hóa dân tộc Mông ngay khi ra mắt đã giành Giải Nhất Liên hoan Múa toàn quốc năm 2009. “Tôi nhìn thấy sự giao cảm giữa múa đương đại và tinh thần tự do, đầy ngẫu hứng, không khuôn mẫu của văn hóa dân tộc thiểu số. Mỗi đồng bào có một câu chuyện, một màu sắc khác nhau. Tôi kết hợp vào theo ngôn ngữ múa của tôi để tạo nên một thế giới múa của Đỗ Hiền”, anh tâm sự.
Thỉnh thoảng, anh lại mất hút lên núi vài tháng, lang thang ở khắp các bản làng, vùng sâu, vùng xa để tìm kiếm chất liệu. Với anh, đó phải là những chất liệu nguyên sơ, mộc mạc nhất chứ không phải là những thứ văn hóa dân tộc đang được mang ra trình diễn. Bước chân Hiền đã có mặt ở hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung, Tây Nguyên. Nơi nào có người dân tộc và những chất liệu mới, độc đáo, Hiền có mặt.
“Mỗi chuyến đi là cả một sự kỳ công, tôi thường lên núi lúc 10h, chờ mọi người đi làm đồng về để ăn cơm trưa và uống rượu cùng họ, nghe họ kể về những điệu múa của dân tộc. Có những điệu múa, bài hát được già làng lưu lại từ trong gia phả của dòng họ. Chén rượu vào, họ có thể hát và múa, những vẻ đẹp nguyên sơ nhất mà tôi cần tìm là ở đó chứ không phải ở các trung tâm văn hóa của xã”, Hiền kể. Những chuyến điền dã cả tháng, thậm chí vài tháng để nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa dân tộc ấy đã mang đến cho ngôn ngữ múa của Đồ Hiền chất mộng mị, nguyên sơ và say đắm.“Đó là đồng bào của riêng tôi, tôi muốn tạo ra một đồng bào của tôi”.
NSND Đỗ Hiền dùng hai chữ “đồng bào”, thật gần gũi và thân thương để nói về những người dân tộc thiểu số. Với anh, đó là cái đẹp của sự xù xì, nguyên bản, nhưng không phải là sự sao chép, mang văn hóa của người bản địa lên sân khấu (anh nói, đó là công việc của những người làm bảo tồn văn hóa). Còn, với Đỗ Hiền, anh tạo dựng một không gian múa, một thế giới của mình từ chính chất liệu của văn hóa bản địa bằng những sáng tạo mới.
Và, chính từ những tác phẩm ấy, văn hóa dân tộc hiện lên bằng một ngôn ngữ mới, đương đại và hấp dẫn. Đó là những câu chuyện tình trên núi cao, những điệu Then, những tiếng kèn lá, kèn môi, những điệu múa dân gian được hồi sinh trong một hình thái khác. Tất cả đều trở nên đẹp mộng mị, nguyên sơ trong những tác phẩm của Đỗ Hiền. Anh liên tục giành được nhiều giải thưởng tại các liên hoan múa chuyên nghiệp toàn quốc. Năm 2018, tiết mục “Hồn đất” do anh dàn dựng được các nghệ sĩ Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Kon Tum thể hiện giành Huy chương Vàng tại Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc. 3 năm sau, anh tiếp tục giành Giải Biên đạo múa xuất sắc nhất tại liên hoan với tiết mục “Gọi non ngàn thức giấc” và nhiều giải thưởng khác.
NSND Đỗ Hiền bây giờ đã là một thương hiệu trong làng múa với con đường khai thác chất liệu dân gian đưa vào ngôn ngữ múa đương đại. Với nguyên tắc và triết lý làm nghề, phải tạo dựng được những tác phẩm khiến mình “sướng nơi tim”, nên Hiền rất kỹ lưỡng và trau chuốt cho từng đứa con tinh thần của mình. Thực tế, làm việc với các nghệ sĩ ở các đoàn nghệ thuật của tỉnh là một bài toán nan giải khi diễn viên múa quá già, đôi khi họ bị thứ văn hóa trình diễn, điêu luyện làm mất đi sự hồn nhiên, ngây thơ của một nghệ sĩ. Việc của Đỗ Hiền không chỉ đi tìm chìa khóa cho từng tác phẩm mà còn phải bắt tay vào công việc “đào tạo lại” diễn viên. Một việc khó như “bắc thang lên giời”, thế mà anh làm được. Không chỉ làm được mà còn làm hay, mang lại nhiều cảm hứng cho nghệ sĩ và giải thưởng cho họ.
NSND Đỗ Hiền vẫn nhớ, khoảnh khắc khi anh được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu cao quý NSND năm 2023 trong lĩnh vực múa, có lẽ mẹ anh là người hạnh phúc nhất. Bởi, nếu không có sự hy sinh, tần tảo của mẹ, anh sẽ không có ngày hôm nay. Trong ký ức, anh không bao giờ quên được hình ảnh mẹ đạp xe chở cậu bé Hiền từ Đông Anh sang Mai Dịch học múa, ngày nắng cũng như ngày mưa.
Rồi anh kể cho tôi nghe về hình ảnh một cái cây bé nhỏ bên cầu Long Biên trong ký ức tuổi thơ của anh, bây giờ đã trở thành cây cao người ôm không xuể. Năm tháng - thời gian - đời người. Bóng người mẹ già vẫn ở đó, hạnh phúc khi con trai đã chạm tới đỉnh vinh quang. Còn với NSND Đỗ Hiền, đó là một hành trình dài của tình yêu, nỗ lực, như bóng cây kia, đến một ngày vững chãi, tỏa bóng mát xuống xung quanh...