Biên đạo múa Tuyết Minh: Làm nhạc kịch về Bác Hồ phải đậm chất Việt Nam

Thứ Năm, 21/04/2022, 11:43

Sau thành công của vở "Ballet Kiều", biên đạo múa Tuyết Minh tiếp tục với một dự án lớn trong cuộc đời, vở nhạc kịch “Người cầm lái”, dựng lại những lát cắt trong hành trình 30 năm tìm đường cứu nước của Bác Hồ. Mượn thể loại nhạc kịch của phương Tây, nhưng chị quan niệm, làm nhạc kịch về Bác Hồ phải đậm chất Việt Nam. 

- Có vẻ như đây là thời điểm sung sức nhất của chị khi Tuyết Minh liên tục cho ra đời những dự án lớn, “Ballet Kiều”, “Tổ khúc ánh sáng” và bây giờ là vở nhạc kịch “Người cầm lái”. Tôi biết chị đã ấp ủ ý tưởng này từ lâu, nhưng vì sao chị lại chọn thể loại khó như nhạc kịch?

+ Sau vở “Ballet Kiều” tôi đã hoàn thiện kịch bản vở nhạc kịch “Người cầm lái”. Vở diễn là những lát cắt trong hành trình 30 năm tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nếu không có biến cố của đại dịch có lẽ thời điểm này vở diễn cũng đã được ra mắt công chúng. Chinh phục Kiều của đại thi hào Nguyễn Du đã khó, nhưng với việc xây dựng hình ảnh toát lên phong cách và trí tuệ của Bác Hồ lại càng khó hơn. Múa như thế nào để đặc tả được hình tượng vị lãnh tụ luôn là ước mơ trong sự nghiệp của tôi. “Người cầm lái” là một tác phẩm lớn mà tôi tin rằng sẽ mang lại nhiều cảm xúc, nhiều góc nhìn mới qua cách kể chuyện bằng ngôn ngữ múa.

Biên đạo múa Tuyết Minh: Làm nhạc kịch về Bác Hồ phải đậm chất Việt Nam -0
Cảnh trong vở “Người cầm lái”.

- Đây là vở nhạc kịch đầu tiên về Bác Hồ và chị lại dàn dựng cho Nhà hát CAND vốn không có sở trường về nhạc kịch. Chị có bị áp lực?

+ Khi nhận lời mời của NSND Thúy Hiền - Giám đốc Nhà hát CAND, tôi muốn dựng cho nhà hát một vở diễn để kỷ niệm 40 năm thành lập, cũng như đón khai trương địa điểm mới. Tôi nghĩ ngay đến “Người cầm lái”. Tất nhiên ý tưởng làm một vở nhạc kịch về Bác Hồ nằm trong đầu tôi từ rất lâu rồi, tôi đã viết kịch bản và ca từ, đầu tư thời gian nghiên cứu rất kỹ nhiều năm qua. Khi quyết tâm làm thì mọi khó khăn đều vượt qua và trên tinh thần cống hiến chứ không phải là một tác phẩm đặt hàng nữa.

Với Nhà hát CAND, khó khăn rất nhiều, dàn nhạc chỉ có những cây solo chính, nhưng cả một dàn nhạc thì không có biên chế. Ca sĩ, các nghệ sĩ nhà hát chỉ quen hát ca khúc ngắn, vào những trường đoạn và đóng nhân vật cần sự trường sức, họ rất vất vả, nhưng chí khí, tinh thần của anh chị em rất đáng nể. Hàng ngày các nghệ sĩ miệt mài luyện tập, họ tập say mê, vượt qua cả đợt cao điểm của đại dịch COVID-19, có thời điểm nhà hát có tới 40 người là F0. Đây là vở nhạc kịch đầu tiên về Bác Hồ nên Ban Lãnh đạo nhà hát bằng nội lực của đoàn Công an đã cố gắng khắc phục mọi khó khăn. Tôi cũng muốn tạo cơ hội cho các nghệ sĩ trẻ, như Hoàng Huy, một nghệ sĩ được đào tạo trong nước nhưng có tư duy âm nhạc rất hiện đại, chịu trách nhiệm viết nhạc cho vở diễn. Có những ngày tôi chỉ ngủ 2 tiếng để làm việc và chúng tôi đã vượt qua.

- Đã có nhiều tác phẩm lớn về Bác Hồ, vậy với “Người cầm lái”, chị chọn những lát cắt nào để dựng lên hình tượng của Người, một lãnh tụ vĩ đại của dân tộc nhưng vẫn gần gụi, giản dị?

+ Đó chính là mong muốn của tôi, hình tượng Bác Hồ trong “Người cầm lái” rất gần gụi, đời thường. Bác trước hết là một Con Người. Điểm nhấn và cũng là thách thức của vở nhạc kịch là chuyển tải hình tượng Bác Hồ ở nhiều khoảng không gian, thời gian khác nhau: Nguyễn Sinh Côn lúc 5 tuổi cùng cha mẹ và anh cả Khiêm từ Nam Đàn vào kinh thành Huế, Nguyễn Sinh Côn với nỗi đau đầu đời và tuổi thơ đầy sóng gió khi mẹ Hoàng Thị Loan và em Nguyễn Sinh Sin lâm trọng bệnh mất. Rồi Nguyễn Tất Thành tuổi đôi mươi đã lập chí lớn ra đi tìm đường cứu nước.

Tác phẩm được chia làm 3 hồi. Hồi 1 có chủ đề “Quê hương”: Làng Trù quê mẹ và làng Sen quê cha là chốn thi thư, nơi kết tinh những giá trị văn hóa giàu truyền thống.

Hồi 2: “Tiếng vọng non sông” là lịch sử dân tộc gắn với lịch sử đấu tranh chinh phục thiên nhiên và chống giặc ngọai xâm. Tư tưởng của Người là sự kết tinh của dân tộc và thời đại, lòng yêu nước được hun đúc trong các cuộc đối thoại với tiền nhân như Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, đặc biệt sự hội tụ các dòng văn hóa phương Đông kết tinh nên bản sắc văn hóa dân tộc Việt qua đối thoại tư tưởng với Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Trong những cuộc đối thoại bằng tư tưởng ấy, Nguyễn Tất Thành thấu hiểu chân lý cao cả mà Phật Hoàng Trần Nhân Tông truyền lại về sự thật cuộc sống khổ đau của con người, mở ra con đường đi tìm chân lý cho Người.

Hồi 3: “Con tàu định mệnh”: Văn Ba đứng trước con tàu định mệnh, có hai tiếng nói đối thoại với nhau rõ ràng, mạch lạc, một là tiếng nói của Nguyễn Tất Thành đọng lại những tình cảm sâu lắng, những ký ức vẹn nguyên thuở thiếu niên, nỗi gian truân của gia đình, với tình nghĩa đồng bào, bà con lối xóm. Còn bên kia là tiếng chất vấn của Văn Ba, một thanh niên đang sống trong lòng một xã hội với những đặc quyền của người Pháp, Tất Thành quyết bước lên con tàu định mệnh, bôn ba năm châu bốn biển để tìm đường giải phóng cho dân tộc.

Biên đạo múa Tuyết Minh: Làm nhạc kịch về Bác Hồ phải đậm chất Việt Nam -0
Biên đạo múa Tuyết Minh.
- Nhạc kịch ở Việt Nam đang lên ngôi, nhưng thực tế, theo đánh giá của giới chuyên môn, có những tác phẩm chưa ra được chất nhạc kịch. Vậy “Người cầm lái” có gì đặc sắc trong sáng tạo, dàn dựng để giữ đúng chất nhạc kịch?

+ Bất kỳ nghệ sĩ nào cũng muốn sáng tạo, mỗi ê kíp đều có sự lựa chọn khác nhau, phụ thuộc vào tem âm nhạc và câu chuyện mà tác phẩm đó hướng đến. Khó so sánh phong cách nào hay hơn hay kém hơn. Có những vở nhạc kịch của chúng ta dàn dựng lại những tác phẩm kinh điển thế giới phải tuân thủ các chuẩn mực của họ. Như vở “Sóng” mới ra mắt khán giả lại đưa đến một cách cảm nhận trẻ trung, họ đưa nhạc jazz và broadway vào, nó có tem âm nhạc sẵn rồi, chỉ biên lời hát vào thôi. Còn “Người cầm lái” là sáng tác hoàn toàn mới từ tem âm nhạc cho đến câu chuyện, lời hát, ca khúc đều mới, dành riêng cho câu chuyện về Bác Hồ, bản thân nó đã là một tác phẩm âm nhạc riêng biệt của Việt Nam chứ không phải dựa vào tem âm nhạc của nước nào đó để làm. Sự khác biệt chính là như vậy. Mong muốn của tôi là những đối thoại đều nằm trong tác phẩm âm nhạc, kết nối bằng âm nhạc, tự bản thân ca từ, âm thanh vang lên bằng những giai điệu.

- Chị sử dụng khá nhiều chất liệu âm nhạc truyền thống trong tác phẩm này. Vậy với quy chuẩn của một tác phẩm nhạc kịch, cuộc đối thoại của nhạc cụ truyền thống và hiện đại sẽ như thế nào?

+ Ngay trong kịch bản tôi muốn tôn vinh các giá trị văn hóa bản địa, kho âm thanh và những nhạc cụ độc đáo của các cây đàn dân tộc Việt Nam. Dàn nhạc giao hưởng giữ vai trò tạo ra không gian âm nhạc, trên nền đó có những cây đàn độc tấu, song tấu, tam tấu nổi lên những âm thanh, sinh khí của sắc thái Việt Nam. Khi dựng những nhân vật Việt Nam, tôi luôn tâm niệm trong kỹ thuật phương Tây ấy, tôi muốn quay trở về phát huy nghệ thuật truyền thống của mình, trân trọng các giá trị di sản của Việt Nam. Đây là vở nhạc kịch Việt Nam, tôi học tập Tây chứ không hoàn toàn sử dụng để đưa tâm hồn Việt vào vở diễn.

Vở nhạc kịch “Người cầm lái” được xây dựng theo hình thức giao hưởng đại hợp xướng của nghệ thuật hàn lâm, phát huy di sản truyền thống của sân khấu kịch hát dân tộc, thể hiện sự trân trọng và tôn vinh bản sắc văn hóa Việt qua thanh âm của những nhạc cụ dân tộc, chất liệu, ngôn ngữ múa dân gian đương đại kết tinh từ tâm hồn, bản sắc truyền thống Việt.

Thượng tá, NSND Nguyễn Thị Thúy Hiền - Giám đốc Nhà hát CAND

Thời gian qua, chúng tôi đã dành tất cả thời gian và tâm huyết của mình cho vở nhạc kịch “Người cầm lái”. Thực tế, các tác phẩm về Bác Hồ có nhiều rồi, vậy phải dàn dựng như thế nào để nhà hát có một tác phẩm mới lạ, độc đáo và chuyển tải được tư tưởng, nhân cách của một lãnh tụ vĩ đại như Bác Hồ. Đó là một áp lực với chúng tôi. Và gánh nặng đó đặt lên vai các nghệ sĩ. Họ rất vất vả vì lần đầu tiên thể hiện một tác phẩm vốn không phải là sở trường của nhà hát, nhạc kịch. Tôi trân trọng sức lao động của các nghệ sĩ nhà hát. Các nghệ sĩ đã vượt lên tất cả, có những người F0 vẫn đến, ngồi riêng một chỗ, đeo 2 khẩu trang theo dõi đồng nghiệp tập để ngấm. Các nghệ sĩ say mê, nỗ lực vô cùng bởi được thể hiện làm việc, ngợi ca về Bác Hồ là một tình cảm đặc biệt. Đây cũng là một cơ hội để nhà hát và các nghệ sĩ trưởng thành hơn. Chúng tôi hướng tới việc không chỉ thực hiện các nhiệm vụ chính trị mà muốn tiếp cận đông đảo công chúng hơn, có nhiều tác phẩm chất lượng hơn nữa trong thời gian tới.

V. Hà (thực hiện)
.
.