Bi hài chuyện đặt tên phim
Doanh thu bết bát của “Trên bàn nhậu, dưới bàn mưu” ra rạp mới đây đến từ kịch bản lỏng lẻo, phi lý, chọc cười nhảm. Không ít khán giả đắc ý khi đoán trúng phóc số phận bộ phim này ngay từ lúc nhà sản xuất mới “nhá hàng” chỉ nhờ... tên phim!
Đau đầu đặt tên phim
Làm nên thành - bại của một bộ phim có rất nhiều yếu tố. Trong đó, yếu tố đầu tiên phải kể đến tên phim. Chưa biết nội dung phim ra sao, thuộc thể loại gì, đạo diễn và diễn viên là ai…, chỉ cần nghe qua tên phim, khán giả đã có thể cân nhắc nên ra rạp hay không. Nhan đề không khác gì lời quảng cáo ngắn gọn, súc tích về bộ phim đó. Chính vì vậy ở dòng phim thương mại, việc đặt tên phim trở thành cuộc chiến cân não.
Hiện nay, việc đặt tên phim được chăm chút tỉ mỉ và bài bản để tạo hiệu ứng trong khâu quảng bá, truyền thông. Công thức đặt tên phim theo kiểu chơi chữ lắt léo được dịp nở rộ: “Con Nhót mót chồng”, “Hồn pa pa, da con gái”, “Siêu lừa gặp siêu lầy”, “Trên bàn nhậu, dưới bàn mưu”… Nhan đề có vẻ trái khoáy gợi sự tò mò thì có “Chàng vợ của em”, “Gái già lắm chiêu”, “Cưới vợ cho bà”, “Tết ở làng Địa ngục”, “Em là bà nội của anh”… Theo đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, nhan đề phải nêu bật được tinh thần, thông điệp tác phẩm, vừa có sức gợi, gây tò mò cho người xem. Nó càng gần gũi, dễ hiểu với công chúng càng tốt.
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho biết: “Khi remake phim “Miss Granny” của Hàn Quốc, chúng tôi chọn tên Việt hóa “Em là bà nội của anh”. Lúc đầu ekip đưa ra nhiều cái tên như “Trở lại tuổi thanh xuân”, “Trở lại tuổi 20”… Nhưng như vậy thì nhạt quá. Riêng tôi, tựa phim còn phải thể hiện cá tính và chiều sâu. “Em là bà nội của anh” là một tựa phim thuần Việt bởi sự thú vị trong ngôn ngữ: chỉ có tiếng Việt mới có được một cái tựa tạo nên sự đa nghĩa và dễ thương như vậy. Trên hết, cốt truyện kể về một bà lão 70 tuổi biến thành cô gái trẻ 20 tuổi, gặp lại đứa cháu trai của mình và bị nó bắt phải gọi bằng "anh". Dĩ nhiên bà ấy thầm nghĩ "Em là bà nội của anh đó", vậy thì tựa phim "Em là bà nội của anh" chẳng phải thể hiện chính xác nội dung ấy hay sao?”.
Không chỉ “vò đầu bứt tai” nghĩ ra nhan đề, nhiều nhà sản xuất còn mở chiến dịch bầu chọn tên phim. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho biết, mới đầu “Tháng năm rực rỡ” mang tên “Ngựa hoang”. Nhưng khảo sát ý kiến trên mạng xã hội, khán giả cho rằng cái tên đó dễ khiến người ta tưởng phim thế giới động vật! Hàng loạt cái tên được cộng đồng mê điện ảnh đưa ra, và cuối cùng “Tháng năm rực rỡ” được chọn vì tràn ngập tinh thần lạc quan, hoài niệm tuổi trẻ. Tương tự, trước khi chọn “Tiệc trăng máu”, ekip và đạo diễn Phan Gia Nhật Linh tranh cãi dữ dội giữa danh sách gồm hàng loạt nhan đề như “Trò chơi chết người”, “Điện thoại giết người”, “Hộp đen cuộc đời”, “Bữa tiệc lật mặt”… Sau cùng, nghĩ đến câu thoại sâu cay "Bản chất con người giống như nguyệt thực, có thể bị che đi tạm thời nhưng rồi cũng sẽ hiện ra thôi" trong khi bối cảnh cũng chính là bữa tiệc ngắm nguyệt thực, đạo diễn muốn lấy tên liên quan đến ánh trăng. Mở chiến dịch bầu chọn, khán giả đều bỏ phiếu cho “Tiệc trăng máu” bất chấp cái tên này dễ gây lầm tưởng đây là một bộ phim kinh dị chứ không phải phim hài.
“Chết” vì cái tên
Được bàn luận nhiều nhất trên các diễn đàn điện ảnh hiện nay chính là “Trên bàn nhậu, dưới bàn mưu” ra rạp cuối năm 2023. Ngay từ lúc phim mới quảng bá, không đánh giá, bình phẩm gì nhiều, một số “chủ thớt” chốt hạ: “Nghe tên phim, biết ngay siêu nhảm. Khỏi xem phí tiền”. Phim hài thường có tựa cà rỡn, xốc nổi nhưng những phim có tên không mấy “đàng hoàng” thì tỉ lệ thuộc nhóm hài nhảm rất cao.
Dù quy tụ dàn diễn viên đình đám như Kiều Minh Tuấn, Diệu Nhi, Khả Như, nhưng nhan đề tạo cảm giác phim ra đời cách đây một thập niên - giai đoạn thể loại hài nhảm thống trị phòng vé. Thể loại này bị công chúng bây giờ quay lưng nhường chỗ cho các phim có mảng miếng hài nhẹ nhàng, chân thực và gần gũi đời thường. So với “Kẻ ăn hồn”, “Quỷ cẩu” ra rạp cùng thời điểm, doanh thu của “Trên bàn nhậu, dưới bàn mưu” lẹt đẹt theo sau. Mảng miếng hài lố bịch và ồn ào lấn át khiến phim thiếu chiều sâu.
Trước đây, số phim “chết” vì kiểu đặt tên ỡm ờ, lấp lửng thậm chí thô vụng nhiều vô số kể. “Biết chết liền”, “Hy sinh đời trai”, “Ê ông già yêu ha”… là ví dụ điển hình. Lần đầu bắt tay làm phim điện ảnh, ca sĩ Thủy Tiên đã khiến khán giả choáng váng với cái tên: “Điệp vụ 3 lờ”. Dân tình đang phản ứng dữ dội, cô lại “đổ thêm dầu vào lửa” bằng cách nhắn nhủ fan “Cấm nghĩ bậy”. Cuối cùng, để xoa dịu dư luận, bà xã cầu thủ Công Vinh đành chọn lại một cái tên an toàn hơn: “Vợ ơi, em ở đâu?”. Song động thái này không cứu vớt được số phận hẩm hiu của bộ phim bởi cái tên thảm họa ban đầu đã chỉ đích danh độ thảm họa nội dung. Bởi vậy giới làm nghề mới có câu: “Đặt tên phim cho thấy sự nhạy bén về kinh tế, sự khôn ngoan trong kinh doanh, sự tinh tế về tâm lý và là sự đẳng cấp về văn hóa”.
Ngoài “chết” vì nhan đề gây sốc, thì nhan đề rối rắm, đánh đố khán giả cũng khiến phim Việt mất điểm. Bị “gạch đá” nhiều nhất phải kể đến “Hoán đổi thân xác”. Cú ngã ngựa đau điếng của phim này không có gì ngạc nhiên khi ngày công bố dự án, đạo diễn Nhất Trung khiến công chúng té ngửa với tên phim siêu dị hợm: “Siêu sĩ, ca mẫu, nhà con học và khoa chó”. “1735 km” của hãng Kỳ Đồng nhanh chóng bị khai tử bởi khán giả không nhớ nổi tên phim thì làm sao mà mua vé! Cũng chọn con số để đặt tên, “578: Phát đạn của kẻ điên” chỉ thu về hơn 3 tỷ đồng. Có người đùa rằng tác phẩm hành động của đạo diễn Lương Đình Dũng “chết yểu” là do 578 - tức “năm thất bát”.
Ở số phim trên, chính cái tên phơi bày hết cái sự dở của bộ phim. Song có những bộ phim hay, thú vị nhưng cái tựa quá khô khan, khuôn mẫu. Dòng phim nhà nước hay vấp phải thực trạng này. Một nhà sản xuất cho biết nếu “Sống trong sợ hãi”, “Ký ức Điện Biên”, “Sống cùng lịch sử”… chọn cái tên khác ấn tượng hơn thì biết đâu chúng đều trở thành tác phẩm ăn khách. Đây kỳ tích mà đạo diễn Lê Hoàng đã làm được cho “Gái nhảy” - một bộ phim nhà nước đặt hàng. Lúc ban đầu phim có cái tên rất chán: “Trường hợp của Hạnh”. Để nguyên như thế mà ra rạp thì ngày xếp xó không xa. Tên đơn giản nhưng muốn phim hút khách thì chỉ còn cách PR, quảng bá phải cực khéo léo và rầm rộ như series “Lật mặt” của Lý Hải hay “Bố già”, “Nhà bà Nữ” của Trấn Thành.
Một thời nhà sản xuất rất kỵ những từ “số phận”, “định mệnh”, “chết chóc”… trong tựa phim. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chia sẻ: “Hồi chọn cái tên “Nụ hôn thần chết”, các nhà đầu tư giãy nảy kêu tại sao phim Tết mà lại có từ “thần chết”. Họ sợ bộ phim cũng “tiêu” luôn theo tên. Thật ra tôi không cố tình gây sốc mà tên phim sao thì nội dung vậy. Nếu bắt sửa thì tôi không biết sửa sao. Mồng Một phim bị ế vì khán giả e ngại thật. Nhưng sau khi vài người xem xong, thấy phim hài hước, dễ thương, tiếng lành đồn xa nên những ngày sau bán vé rất chạy”. Quả thật, cái tên chỉ là vỏ bao bì bắt mắt mời gọi khán giả phút đầu. Còn để giữ chân họ đến phút cuối và tạo hiệu ứng truyền miệng hay không thì phụ thuộc hoàn toàn vào chất lượng bộ phim. Một cái tên rất “kêu”, nhưng nội dung “kêu… trời” thì chẳng có gì cứu vớt nổi.