Văn học thiếu nhi cần thêm những "cú hích"

Thứ Sáu, 30/10/2020, 16:26
Trong thị phần sách trên thị trường hiện nay, sách dành cho thiếu nhi chiếm một tỉ lệ khá cao. Tuy nhiên, có thể thấy một điều, số lượng các đầu sách dành cho thiếu nhi vẫn chủ yếu là sách dịch. Các đầu sách do tác giả Việt viết cho thiếu nhi Việt khá khiêm tốn, đơn lẻ.

 

Có nhiều nhà văn từng có tác phẩm viết cho thiếu nhi, nhưng dường như đa số người viết vẫn coi văn học thiếu nhi là một cuộc "dạo chơi" vào một miền đất mới hoặc là cách để họ thay đổi không khí văn chương của mình, chứ người viết chuyên tâm cho thiếu nhi vẫn khá hiếm hoi. 

Cho đến nay, Nguyễn Nhật Ánh vẫn được coi là nhà văn chuyên nghiệp hàng đầu về viết cho thiếu nhi và tuổi mới lớn. Suốt hơn 40 năm nay, ông vẫn giữ được phong độ ra sách đều đặn hằng năm và cũng được coi là nhà văn duy nhất của Việt Nam "sống khỏe" nhờ viết văn. 

Với những đầu sách nhiều kỷ lục như "Kính vạn hoa", "Ngồi khóc trên cây", "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", "Mắt biếc", "Bồ câu không đưa thư"..., tên tuổi Nguyễn Nhật Ánh dường như đã gắn liền với thế giới tuổi thơ và trở thành nhà văn có lượng độc giả đông đảo nhất với tổng số lượng bản in sách đã bán chưa có tác giả nào vượt qua được.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nhận giải thưởng “Hiệp sĩ Dế mèn” - giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn do TTXVN tổ chức.

Lịch sử văn học Việt Nam hiện đại từng ghi dấu ấn với nhiều cái tên và những tác phẩm đồng hành với tuổi thơ như Tô Hoài với "Dế Mèn phiêu lưu ký", Sơn Tùng với "Búp sen xanh", Nguyễn Huy Tưởng với "Lá cờ thêu sáu chữ vàng", Võ Quảng với "Quê nội", Phùng Quán với "Tuổi thơ dữ dội", Đoàn Giỏi với "Đất rừng phương Nam", Xuân Sách với "Đội thiếu niên du kích Đình Bảng", Vũ Tú Nam với "Cuộc phiêu lưu của Văn Ngan tướng công", Xuân Quỳnh với "Bầu trời trong quả trứng", Trần Đăng Khoa với "Góc sân và khoảng trời"... 

Cho đến nay, đây vẫn là những tác phẩm văn học thiếu nhi tiêu biểu, có số lần tái bản nhiều nhất. Những năm gần đây, các nhà văn nổi tiếng như Trần Đức Tiến, Trần Hoài Dương, Bình Ca, Nguyễn Ngọc Thuần, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Ngọc Tư, Văn Thành Lê, Nguyễn Thị Kim Hòa... cũng đã có những tác phẩm viết cho thiếu nhi gây chú ý của dư luận và bạn đọc. Tuy nhiên, một cảm nhận khá rõ nét đó là, số lượng tác giả - tác phẩm viết cho thiếu nhi vẫn thưa vắng so với nhu cầu của đối tượng bạn đọc là các em thiếu nhi.

Vừa qua, trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà văn Tô Hoài, 12 ấn bản của "Dế Mèn phiêu lưu ký" - tác phẩm viết cho thiếu nhi nổi tiếng nhất của nhà văn Tô Hoài đã được xuất bản, tái bản và nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của độc giả. 

Sức sống mãnh liệt của một tác phẩm văn học suốt 80 năm qua kể từ khi ra đời, đã khiến "Dế Mèn phiêu lưu ký" trở thành một tác phẩm văn học đặc biệt trong đời sống tinh thần của nhiều thế hệ độc giả Việt Nam. Nó cũng là minh chứng rõ rệt nhất cho nhận định cho rằng, việc chăm chút, bồi dưỡng cho tâm hồn trẻ thơ bằng văn học là việc cần được làm thường xuyên, liên tục và phải nằm trong chiến lược giáo dục lâu dài của một quốc gia.

Hình tượng Dế Mèn cũng đã chính thức trở thành tên một giải thưởng thiếu nhi được phát động lần đầu tiên vào tháng 5-2020 do Báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) tổ chức. Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn đã trở thành giải thưởng phi lợi nhuận sẽ được trao hằng năm cho các sáng tác, trình diễn nghệ thuật - giải trí xuất sắc của thiếu nhi kể từ năm nay. 

Sau hơn 3 tháng Ban tổ chức đã nhận được 110 sáng tác, trình diễn nghệ thuật của thiếu nhi cả nước ra đời từ 1-1-2020 đến hết 7-9. Từ gần 40 tác phẩm vào chung khảo. Ngày 29-9, Ban tổ chức đã trao 1 Giải thưởng Lớn mang tên "Hiệp sĩ Dế Mèn" cho nhà văn Nguyễn Nhật Ánh với tác phẩm "Làm bạn với bầu trời" và 4 giải thưởng mang tên "Khát vọng Dế Mèn". 

Một tín hiệu vui đối với văn chương là trong số 4 "Khát vọng Dế Mèn" đã có 2 tác phẩm là sáng tác văn học thiếu nhi đó là: "Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi Rơm" (bản thảo truyện dài của Cao Khải An - 12 tuổi, con trai nhà văn Nguyễn Ngọc Tư) và "Mộng giang hồ" (bản thảo tập truyện ngắn của Nguyễn Chí Ngoan). Điều đó cũng cho thấy, các cuộc thi sẽ luôn là những "bà đỡ" mát tay cho những tác phẩm văn học. 

Việc ra đời Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn với tính chất thường niên, không chỉ khẳng định sức sống mãnh liệt của hình tượng chú Dế Mèn mà còn là nguồn động viên, khích lệ đáng kể đối với các sáng tạo văn học nghệ thuật của thiếu nhi, dành cho thiếu nhi. Các giải thưởng thiếu nhi như Giải thưởng Dế Mèn được kỳ vọng sẽ có vai trò như những "cú hích", tạo đà, ươm mầm cho sự ra đời của những tác phẩm văn học sau này.

Quan tâm đến văn học thiếu nhi cũng chính là quan tâm đến đời sống tinh thần, sự phát triển của thế hệ tương lai của đất nước. Bên cạnh sự tôn vinh xứng đáng đối với các tác phẩm văn học viết cho thiếu nhi, cần có thêm những cuộc thi, các đợt bồi dưỡng sáng tác - phê bình về văn học thiếu nhi. 

Việc thành lập các quỹ sáng tác văn học thiếu nhi có lẽ cũng là phương án cần tính toán. Ngoài ra, việc tạo ra các "sân chơi văn học" để thiếu nhi có cơ hội viết về mình và bạn bè mình là một "công đoạn" quan trọng để tạo ra lực lượng sáng tác trẻ tuổi kế cận có tính chất lâu dài.

Nguyệt Hà

Nhà văn Văn Thành Lê: Người viết yêu trẻ vẫn lầm lũi viết

- Xin chào nhà văn Văn Thành Lê! Anh có thể chia sẻ đôi điều về cuốn sách thiếu nhi tiếp theo của mình "Bên suối, bịt tai nghe gió" - vừa phát hành? Nó có điều gì khác biệt với cuốn "Trên đồi, mở mắt và mơ" của anh trước đó?

+ "Bên suối, bịt tai nghe gió" là mạch đập tiếp nối của "Trên đồi, mở mắt và mơ". Vẫn là cậu bé Thành yêu tiếng Việt, lần này có thêm em Bống cùng các cô bé, cậu bé đồng trang lứa trải qua mùa Hè cuối cấp tiểu học với những câu chuyện sống động, tràn ngập tiếng cười và lấp lánh cả những hạt nước mắt. Ở đó thế giới trẻ thơ tiếp tục được phơi tỏa, như cách tôi muốn hướng đến, là tinh khôi đến tinh khiết, tinh nghịch đến tinh quái...

- Từ lúc nào anh bắt đầu quan tâm đến mảng sáng tác dành cho thiếu nhi? Có phải là từ khi anh "đầu quân" về làm người của NXB Kim Đồng?

+ "Bên suối, bịt tai nghe gió" là cuốn sách thứ 14 của tôi, nhưng ngay từ cuốn sách thứ hai - "Ông mặt trời và mùi hương của mẹ", đã là sáng tác tôi dành cho thiếu nhi. Sau đó tôi có thêm tác phẩm văn học thiếu nhi khác nữa, là "Nam, Nhi, Đại, Trượng, Phu". Nhưng từ khi về NXB Kim Đồng, làm việc trong môi trường sách dành cho các em nhỏ, có cơ hội tương tác nhiều với độc giả nhỏ tuổi, thì nhu cầu và đường hướng viết nhiều hơn cho các em trở nên rõ ràng và thường trực hơn trong tôi.

- Là cây bút từng viết cho nhiều lứa tuổi: tuổi trưởng thành, tuổi mới lớn, tuổi thiếu nhi, anh cảm thấy viết cho lứa tuổi nào khó nhất? Anh đã khắc phục những khó khăn ấy bằng cách nào?

+ Để có tác phẩm hay thì viết cho lứa tuổi nào cũng khó. Tuy nhiên, viết cho thiếu nhi có lẽ là không dễ dàng với nhiều người. Dẫu bất cứ người lớn nào cũng có một cô bé/cậu bé trong người mình. Nhưng không phải ai cũng "đánh thức" cô cậu ấy thành công. Bằng chứng là nhiều người viết thành danh khi thử sức chơi với các em lại lấm lưng trắng bụng, lầm đường lạc lối, vì mang não mình nhét vào miệng các em!

Sáng tác cho thiếu nhi là viết trên nền tâm lý ấu thơ đã xa hay là tâm lý không phải của mình ở hiện tại. Tôi tự thấy may mắn khi nhìn ra cậu bé trong người mình rất rõ, dù tóc đã có sợi bạc. Có khi già mà không lớn cũng là lợi thế chăng? Thêm nữa, làm việc tại NXB Kim Đồng, tiếp xúc thường xuyên với các em nhỏ, là thuận lợi để cậu bé trong tôi giao thoa,  gặp gỡ các cô bé, cậu bé hiện nay, để những câu chuyện nảy sinh, tiếp nối và đi vào những trang viết cả mình.

- Anh có suy nghĩ gì về lực lượng tác giả viết cho thiếu nhi hiện nay? Anh có đồng ý với nhận định cho rằng, từng có khoảng thời gian khá dài văn học thiếu nhi bị "lãng quên" và gần đây đã có sự khởi sắc trở lại?

+ Lâu lâu tôi vẫn thấy có người la toáng lên, là văn học thiếu nhi thiếu và yếu. Tôi từng có lần hỏi thẳng, là anh có thể kể vài tác phẩm thiếu nhi gần đây anh đã đọc không, thì ú ớ, chịu. Thật ra đa số vẫn la lên theo quán tính. Không đọc và vẫn phán như đúng rồi!

Tôi không nghĩ văn học thiếu nhi bị "lãng quên". Người viết yêu trẻ vẫn lầm lũi viết. Sự "lãng quên" nếu có, là từ đa số người sáng tác văn chương người lớn đến các tổ chức có trách nhiệm vẫn ngấm ngầm xem văn học thiếu nhi ở "chiếu dưới", xem đó là trò… trẻ con, dù chúng ta có oang oang với nhau, rằng cái gì tốt nhất thì dành cho trẻ con, thiếu nhi là mầm non tương lai đất nước, trẻ em hôm nay thế giới ngày mai… Chúng ta thiếu người đọc văn học thiếu nhi một cách chuyên tâm, nghiêm cẩn, có nghề, mà thừa người đọc, người phán kiểu "nghe hơi nồi chõ" và hẹp bụng.

Vài năm gần đây, ngoài những tác giả quen thuộc vẫn viết cho thiếu nhi thì có lực lượng nhà văn thành danh viết cho con, viết cho cháu, vui nhất lực lượng tác giả trẻ viết cho các em ngày càng nhiều hơn, có dấu ấn qua những tác phẩm rõ ràng, chịu được qua "bộ lọc" của chính các em nhỏ. Cần nhất hiện nay là một đơn vị đủ uy tín để trao cho những cuốn sách hay một danh phận, để tác phẩm trội hơn không rơi vào cảnh "cá mè một lứa", lẫn vào các sáng tác khác. Đã qua rồi thời hữu xạ tự nhiên hương!

- Xin cảm ơn nhà văn Văn Thành Lê!

Hà Anh (thực hiện)

Nhà báo Dương Thanh Hoàn - Báo Sức khỏe & Đời sống: Quan tâm hơn đến việc đọc trong nhà trường

Theo quan sát của tôi, hiện nay nhiều phụ huynh dành quá nhiều thời gian cho việc học Toán - Văn - Ngoại ngữ, vốn được coi là các "môn chính", cho nên coi nhẹ hoặc không đủ thời gian chăm chút cho việc đọc sách của con. 

Đọc sách chính là sự chăm chút đến đời sống tinh thần cho đứa trẻ, xây dựng một thế giới nội tâm phong phú, cảm xúc cho con của mình. Điều này cần được dần thay đổi. 

Các cuộc thi viết về các cuốn sách mà con trẻ đã đọc qua như cách NXB Kim Đồng đang làm, theo tôi là rất bổ ích, hiệu quả, thiết thực. Đó chính là 1 kênh quan trọng để kiểm tra chất lượng, đo lường kết quả việc đọc của các con.

Trong nhà trường, năm nào cũng thấy có các hoạt động tôn vinh văn hóa đọc, thế nhưng dường như vẫn dừng ở việc hoạt động có “tính chất phong trào” chứ chưa thực sự chú trọng đến chất lượng của việc đọc. Các cô giáo dạy môn Văn trong nhà trường là những “người dẫn đường” tuyệt vời để các con đến với sách. 

Qua các tác phẩm văn học được trích dạy trong nhà trường, các cô khích lệ các con tìm đọc cả tác phẩm hoặc các tác phẩm của một tác giả sẽ tạo nên hiệu ứng rất tốt cho việc hình thành văn hóa đọc cho học sinh. Điều này có ý nghĩa hơn các bài văn phân tích kỹ lưỡng, dài dòng mà học sinh viết ra rồi lại nhanh chóng quên đi.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Coi việc viết cho thiếu nhi là sứ mệnh lớn

- Thưa nhà văn Nguyễn Quang Thiều, ông bắt đầu viết cho thiếu nhi từ tác phẩm nào và đến giờ, những tác phẩm viết cho thiếu nhi có vị trí như thế nào trong hành trình sáng tạo của ông?

+ Tập sách thiếu nhi đầu tiên của tôi đó là truyện vừa "Bí mật hồ cá thần". Tôi viết tác phẩm này cho con gái tôi. Hồi nhỏ, buổi tối tôi thường nằm bên hai đứa con tôi và nghĩ ra những câu chuyện để kể cho chúng. Một ngày con gái tôi nói: "Bố có thể viết một cuốn truyện cho con không?". Tôi đã hứa với con gái tôi và đã thực hiện lời hứa đó. Câu chuyện về một con cá sống trong một đầm nước ở quê tôi. Người lớn thì săn lùng con cá để hưởng thụ khoái cảm ăn uống. Nhưng những đứa trẻ đã tìm cách cứu con cá đó như cứu một người bạn.

Với cá nhân tôi, việc sáng tác các tác phẩm văn học thiếu nhi gắn liền với các con và các cháu tôi. Chỉ đơn giản là tôi muốn kể cho chúng nghe những câu chuyện nào đó mà tôi cảm nhận được quanh đời sống của tôi từ nhỏ đến giờ. Và khi viết bất cứ điều gì cho các con, các cháu mình thì đó là lúc người ta viết trong một tâm thế đặc biệt nhất, cảm xúc nhất và hệ trọng nhất. Bởi biết đâu những trang viết đó sẽ thay đổi một điều gì rất hệ trọng trong tâm hồn những đứa trẻ.

- Vậy còn "Chuyện của anh em nhà Mem và Kya" vừa ra mắt được ông viết trong sự thôi thúc hay niềm cảm hứng nào?

+  Trong cuốn "Chuyện của anh em nhà Mem và Kya", tôi như một thư ký ghi lại những câu chuyện của hai cháu tôi trong năm đầu tiên của cuộc đời các cháu. Mục đích là kể các câu chuyện liên quan đến các cháu và mối quan hệ của các cháu với ông bà, cha mẹ và những người thân yêu hai bên gia đình nội ngoại. Lúc đầu tôi chỉ nghĩ viết cuốn sách này như một món quà cho hai cháu tôi và tự in khoảng trăm cuốn để làm kỷ niệm. Nhưng một biên tập viên NXB Trẻ đọc bản thảo và quyết định in cuốn sách này. Biên tập viên ấy nói với tôi đó là những câu chuyện cụ thể về hai đứa trẻ cụ thể những lại là câu chuyện chung cho những đứa trẻ khác.

- Khi viết cho thiếu nhi, mối bận tâm lớn nhất của ông là gì?

+ Mục đích của tôi trong tất cả những cuốn sách đã viết cho con cháu mình hay thế hệ của các con, các cháu tôi là dựng lên một thế giới đẹp, tinh khiết và nhân văn. Và từ thế giới ấy những vẻ đẹp tâm hồn từng bước được hình thành. Tôi không đồng ý những cuốn sách viết cho trẻ em lại nhằm áp đặt một hình thái đạo đức nào đó. Điều đó có nguy cơ làm "tan vỡ" thế giới tuổi thơ của chúng. Hãy để cho trẻ em được sống trọn vẹn tuổi thơ của mình.

Đến bây giờ tôi vẫn tiếc tại sao mình không dành một thời gian lớn hơn nữa, nhiều hơn nữa để viết cho thiếu nhi. Tôi muốn kêu gọi các nhà văn, ít nhất trong 10 năm cầm bút của mình, hãy dành 1/3 hoặc 1/4 để viết một cuốn sách gì đó. Không cần phải điều gì lớn lao, hãy viết về chính đứa con, đứa cháu mình với sự trung thực và lòng yêu thương chân thật.

- Ông đánh giá như thế nào về tác giả viết cho thiếu nhi ở Việt Nam những năm đầu thế kỷ này?

+  Văn học thiếu nhi trong nhiều năm nay có những khoảng trống. Đội ngũ tác giả viết cho thiếu nhi hiện nay của chúng ta rất mỏng. Thậm chí chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay các tác giả viết thường xuyên. Viết cho thiếu nhi là khó, nhưng việc đặt vấn đề để viết cho thiếu nhi thì các nhà văn chưa thực sự coi đó là một sứ mệnh lớn. 

Lượng sách dành cho thiếu nhi ở các quốc gia trên thế giới rất hệ trọng, thậm chí là thước đo cho sự phát triển, tại Việt Nam chưa làm được điều này. Mỗi ngày tôi cảm thấy ý thức và niềm đam mê viết cho thiếu nhi giảm đi trong các nhà văn. Phải chăng vì đời sống đương đại có qúa nhiều vấn đề làm cho các nhà văn bị cuốn vào đó. Nhưng cho dù với lý do gì thì đó vẫn là một điều bất ổn. 

- Nguyên nhân vì sao thưa ông?

+ Có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc chúng ta chưa nhận thức hết được tầm quan trọng, chưa đầu tư đúng mức và sáng tác cho thiếu nhi thực sự rất khó. Ngoài ra, trẻ em ngày nay có nhiều phương tiện giải trí, học tập nên sách cho trẻ cần phải có tính thời đại, nội dung hấp dẫn, tốc độ và mở rộng hơn. Trong khi, nhiều tác phẩm hiện xa rời thiên nhiên, có xu hướng đạo đức hóa bằng văn chương, khô cứng và kém thu hút.

- Theo ông, tác phẩm viết cho thiếu nhi ở thời điểm này so với những tác phẩm vàng cho thiếu nhi do các nhà văn đi trước đã viết có điểm gì khác biệt?

+ Điểm khác biệt lớn nhất là: các tác phẩm văn học viết cho thiếu nhi hiện nay "trẻ con" hơn. Nhiều tác phẩm viết cho thiếu nhi trước kia bị "áp đặt" tính giáo dục công dân quá cao trong khi theo tôi là phải dựng lên một thế giới tự nhiên nhưng trong sáng và ngập tràn trí tưởng tượng. Thế nhưng những tác phẩm viết cho thiếu nhi trước kia còn lại đến bây giờ lại mạnh hơn các tác phẩm viết cho thiếu nhi hiện nay là vẻ đẹp của ngôn từ. Nghĩa là văn chương ở đó đẹp và đầy xúc động. Điều này vô cùng quan trọng khi viết cho trẻ con.

Chúng ta có thể ồ ạt dịch sách thiếu nhi nước ngoài, nhưng nếu không cẩn trọng, để một đứa trẻ đọc quá nhiều sách dịch thì ở bên trong chúng, mặc dù vẫn có những vẻ đẹp tâm hồn được tạo dựng, nhưng vẻ đẹp ấy bắt đầu rời xa những vẻ đẹp ở chính nơi mà chúng sinh ra và lớn lên. Đó là mảnh đất Việt Nam, văn hóa Việt Nam, thiên nhiên và những giấc mơ khác của người Việt…

 - Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều vừa tham gia trong Ban Giám khảo giải thưởng Dế Mèn để tìm kiếm, tôn vinh những tác phẩm của các em, cho các em. Theo ông, làm thế nào để phụ huynh có thể xây dựng một "thực đơn tâm hồn" cho các em giữa cuộc sống có nhiều xáo động, bất trắc như ngày hôm nay?

+ Điều quan trọng là người lớn phải đồng hành cùng trẻ em như một đứa trẻ lớn tuổi, phải trở thành một người bạn biết trò chuyện với chúng. Một gia đình muốn trẻ con phải đọc sách mà chẳng ai chịu đọc sách mà suốt ngày chơi games thì không thể đồng hành, không thể hiểu và không thể trò chuyện với chúng.

- Xin cảm ơn ông!

Thanh Xuân (thực hiện)

Nguyệt Hà - Hà Anh -Thanh Xuân
.
.