Văn học thiếu nhi: Mảnh đất màu chờ gieo hạt giống

Thứ Sáu, 18/03/2016, 08:00
Kỷ lục về cuốn sách "Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng" của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là tín hiệu vui cho làng xuất bản Việt những ngày đầu năm 2016. Điều gì đã làm nên thành công của cuốn sách ngay từ khi còn chưa ra mắt? Tên tuổi và giá trị những sáng tác của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã được minh chứng nhưng sự thành công này còn được "cộng hưởng" từ thực tế khách quan là thiếu vắng tác giả, tác phẩm xuất sắc viết cho thiếu nhi. Sau Nguyễn Nhật Ánh, liệu có tên tuổi nào đủ sức tạo nên những kỷ lục như thế?


Mảnh đất màu mỡ bị "bỏ rơi"?

Có thể nhiều người nghĩ rằng, một nhà văn có tuổi như Nguyễn Nhật Ánh khó có thể tạo được sự đồng điệu với độc giả nhí, nhất là trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay. Trẻ em hôm nay nghĩ khác, nhìn cuộc sống khác so với trẻ em thế hệ 7X, 8X nhưng trong sâu thẳm những tâm hồn ấy vẫn là cảm xúc trong sáng, hồn nhiên, mơ mộng, khát khao được khám phá thế giới xung quanh. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh luôn "đón đầu" được tâm lý, cảm xúc của độc giả nhí theo từng thời kỳ. Nguyễn Nhật Ánh là nhà văn thành công nhất về đề tài thiếu nhi trong thời kỳ hiện nay nhưng dường như, ông đang đơn độc trên con đường của mình.

Mảng sách cho thiếu nhi luôn được đánh giá là mảng sách đắt giá, đầy tiềm năng trên thị trường. Điều này có thể lý giải, dù phải cắt giảm chi tiêu trong thời buổi kinh tế khó khăn nhưng hiếm gia đình nào tiếc tiền khi mua sách cho con. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa rằng, mảnh đất tiềm năng sẽ gieo trồng được những cây trái nhiều hoa thơm, quả ngọt.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trong buổi ra mắt cuốn sách tạo kỷ lục trong làng xuất bản "Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng".

Các nhà xuất bản luôn than phiền về tình trạng "đói" bản thảo có chất lượng và văn học dịch vẫn chiếm ưu thế. Ra các hiệu sách, trên kệ văn học thiếu nhi dễ dàng bắt gặp hàng loạt tác phẩm dịch từ nước ngoài trong khi tác phẩm thuần Việt lại khá thưa thớt.

Một trang báo mạng từng làm cuộc khảo sát, thống kê những tác phẩm văn học Việt "kinh điển" cho thiếu nhi. Trong danh sách này, phần lớn là tác phẩm đã ra đời từ rất lâu và tác giả là những "cây đa, cây đề" trong làng văn Việt Nam như: "Dế mèn phiêu lưu ký" (Tô Hoài), "Đất rừng phương Nam" (Đoàn Giỏi), "Quê nội" (Võ Quảng), "Chuyện hoa, chuyện quả" (Phạm Hổ), "Búp sen xanh" (Sơn Tùng), "Kính Vạn Hoa" (Nguyễn Nhật Ánh), "Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ" (Nguyễn Ngọc Thuần)....

Trong văn đàn Việt Nam hiện đại, ngoài Nguyễn Nhật Ánh, số lượng tác giả, tác phẩm viết về đề tài thiếu nhi gây được tiếng vang có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Những tác giả viết về văn học thiếu nhi như Lê Hữu Nam, Phương Huyền, Trương Tiếp Trương, Vũ Hương Nam, Đinh Thị Thu Hằng, Ngọc Linh, Lục Mạnh Cường, Nguyễn Ngọc Hoài Nam, Nguyễn Thị Kim Hòa... Những tác giả nhỏ tuổi như Đan Thy, Ngô Gia Thiên An, Đỗ Nhật Nam,... đã góp phần làm sôi động sân chơi này nhưng chưa có được những tác phẩm thực sự xuất sắc.

Viết cho thiếu nhi khó bởi nhiều nguyên nhân. Trước hết là do phần lớn người viết đã trải qua tuổi thơ nên sẽ gặp khó khăn nhất định trong việc khai thác mảng đề tài này. Khi viết, các tác giả thường có xu hướng "hồi tưởng" về chính tuổi thơ của mình hoặc lấy đó làm chất liệu để sáng tác. Chính điều này dễ tạo ra sự "khập khiễng" về cảm xúc giữa tác giả - tác phẩm - độc giả nhí hiện nay. Bên cạnh đó, viết cho thiếu nhi nhuận bút ít, danh tiếng không nhiều. Có tác giả khởi đầu bằng việc viết truyện cho thiếu nhi nhưng đành phải đổi hướng sang viết cho người lớn để "lấy ngắn nuôi dài". Đây thực sự là một điều đáng tiếc về nhiều mặt.

Cần những "bà đỡ" mát tay cho văn học thiếu nhi

Có sự khác biệt khá lớn giữa khái niệm viết cho thiếu nhi và viết về thiếu nhi. Độc giả nhí luôn mong muốn được tìm thấy mình trong những câu chuyện, được buồn, vui, được sống cùng với nhân vật trong truyện. Theo nhiều nhà nghiên cứu văn học, sở dĩ các tác phẩm văn học thiếu nhi không được công chúng đón nhận là vì chưa tìm được "chìa khóa" để giải mã cánh cửa bước vào thế giới trẻ thơ.

Quan niệm "viết cho thiếu nhi" từ góc nhìn của người lớn, lồng ghép trong truyện những "thông điệp giáo dục" đã khiến tác phẩm trở nên khiên cưỡng, khô cứng, không thu hút được độc giả. Đó là câu chuyện của sáng tác và có thể, về lý thuyết, nhà văn nào cũng nhận thức được điều này nhưng để có tác phẩm thành công, cần có sự hỗ trợ từ nhiều phía.

Sự thiếu vắng những tác phẩm văn học thiếu nhi hay có nguyên nhân do thiếu vắng những "bệ đỡ" từ các cơ quan chức năng. Thực tế cho thấy, những cuộc thi, hội thảo, trại sáng tác chuyên đề văn học thiếu nhi khá thưa vắng. Bên cạnh đó, rất hiếm giải thưởng dành cho văn học thiếu nhi, hay tác phẩm văn học thiếu nhi được vinh danh tại các giải thưởng trong nước. Trong 5 năm trở lại đây, đáng kể nhất là Dự án hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch do Nhà xuất bản Kim Đồng làm cầu nối. Hơn 10 năm qua, Dự án đã tổ chức thành công 8 cuộc vận động sáng tác thu hút đông đảo tác giả ở nhiều lứa tuổi, thành phần tham gia.

Văn học thiếu nhi đang cần những "bà đỡ mát tay" để phát triển. Trong ảnh: Những cuốn sách ra đời từ Dự án hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch.

Theo thống kê, đã có hơn 4.000 tác phẩm được gửi đến Ban Tổ chức cuộc thi. 104 tác phẩm thuộc thể loại truyện và tranh truyện đạt giải cao đã được Nhà xuất bản Kim Đồng in thành sách, giới thiệu đến đông đảo bạn đọc. Trong khuôn khổ của cuộc vận động, nhiều hội thảo chuyên đề có chất lượng, bổ ích về phương pháp sáng tác văn học thiếu nhi đã được tổ chức như hội thảo về chủ đề "Giả tưởng", "Phương pháp sử dụng đối thoại", "Tiểu thuyết có minh họa", "Phương pháp sáng tác tranh truyện cho lứa tuổi 3 - 6"... Điều đáng tiếc là, Dự án này sẽ kết thúc trong thời gian tới.

Từ năm 2013, Hội Nhà văn Việt Nam và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh có ký kết Chương trình hành động đẩy mạnh sáng tác cho thiếu nhi. Đây được coi là tín hiệu tích cực trong bối cảnh hoạt động cho văn học thiếu nhi còn khá thưa thớt hiện nay. Tuy nhiên, chương trình này cũng sẽ kết thúc vào năm 2017.

Thời gian gần đây, các phương tiện truyền thông lên tiếng về tình trạng gia tăng bạo lực của người Việt, trong đó có giới trẻ. Nguyên nhân của vấn đề nằm ở nhiều phía nhưng có lẽ, nếu tâm hồn trẻ thơ được ươm mầm, nuôi dưỡng bằng những tác phẩm văn học thiếu nhi xuất sắc, giàu tính nhân văn chắc chắn sẽ góp phần hình thành nhân cách và lối ứng xử có văn hóa ở trẻ em. Văn học thiếu nhi không đơn thuần thực hiện chức năng giải trí mà còn phải thực hiện một nhiệm vụ rất cao cả cho sự phát triển của xã hội trong tương lai. Đầu tư, tạo "bệ phóng" cho văn học thiếu nhi cũng chính là đầu tư cho sự phát triển của tương lai.

Văn học thiếu nhi rất cần những "bà đỡ" mát tay để cho ra đời những tác phẩm văn học chất lượng. Một mặt, phải có chính sách phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, khuyến khích, thu hút tác giả sáng tác cho thiếu nhi. Mặt khác, phải tạo môi trường, điều kiện để những nhà văn, nhà thơ sáng tác cho thiếu nhi yên tâm sáng tạo nghệ thuật. Ban Văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn đã được tái lập kể từ năm 2015 sau nhiều năm vắng bóng.

Hoạt động của Ban như thế nào, có tạo ra "cú hích" mới cho văn học thiếu nhi hay không đang được rất nhiều người quan tâm. Thiết nghĩ, Hội cần có một quỹ sáng tác dành cho văn học thiếu nhi để hỗ trợ các nhà văn khai thác mảng đề tài này trong việc xuất bản, in ấn. Bên cạnh đó, cần có "ngân hàng" tác phẩm viết cho thiếu nhi. Ở đó, Hội Nhà văn làm cầu nối để tìm đối tác xuất bản, phát hành.

Văn học thiếu nhi là mảnh đất màu mỡ, đầy tiềm năng để gieo trồng những hạt giống tốt, nhưng nếu không được đầu tư, khai thác đúng sẽ là sự lãng phí lớn về tài nguyên và chất xám. Khi đó, Nguyễn Nhật Ánh và kỷ lục của "Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng" cũng chỉ là "một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân" mà thôi...

Tường Phạm
.
.