Triển lãm “Lê Thiết Cương & Bạn” - Thiện lương từ hội họa
- Đấu giá tác phẩm tâm đắc của họa sĩ Lê Thiết Cương làm từ thiện
- VCCA giới thiệu triển lãm "Bóng và Hình" của họa sĩ Lê Thiết Cương
- “Múa đôi” Lê Thiết Cương - Đinh Công Đạt
- Họa sĩ Lê Thiết Cương : Sắc sắc, không không...
Buổi đấu giá chính thức diễn ra vào ngày 4/7 tại Hàng Da Galleria, Hà Nội, trích từ 60-100% số tiền thu được giúp đỡ các em bé mắc bệnh hiểm nghèo hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Ngoài hai tranh minh họa bằng mực nho của họa sĩ Lê Thiết Cương, các bức còn lại đều được vẽ bằng chất liệu sơn dầu, thời gian 2 năm trở lại đây. Mục đích chủ đạo của Triển lãm - đấu giá là làm từ thiện, nhưng tâm thế và chất lượng nghệ thuật không vì thế mà “hạ giá”.
Từ thiện không có nghĩa là đưa ra những tranh vẽ chất lượng kém hoặc nâng giá tranh bất thường. Những bức vẽ đều nằm trong mạch sáng tác của các họa sĩ thời điểm hiện tại, do vậy người mua tranh, trước tiên là người thưởng thức nghệ thuật đón nhận một lát cắt trong con đường sáng tạo của nghệ sĩ.
Bức tranh “Mẹ” của họa sĩ Lê Thiết Cương. |
Đề tài mỗi bức tranh là chất liệu, hình thức để họa sĩ thể hiện chính mình. Theo lối vẽ phong cảnh có tranh của họa sĩ Phạm Trần Quân, Nguyễn Minh Hiếu, Nguyễn Quốc Thắng. Vẽ tĩnh vật hoa có tranh của họa sĩ Ngô Bình Nhi, Nguyễn Hồng Phương.
Khai thác chất biểu cảm người có tranh của họa sĩ Lê Thiết Cương, Lê Thị Minh Tâm. Họa sĩ Nguyễn Tất Long chọn một cách thể hiện khác là tranh trừu tượng. Đặt các bức tranh lẫn cạnh nhau không khó nhận ra tạng tính tranh của từng họa sĩ.
Một điểm chung có thể nhận ra, dù tranh vẽ theo lối nào, dù đơn giản hay phức tạp thì mỗi bức đã hàm chứa sự nương tựa, song hành. Con người và con người; con người và tự nhiên; núi và bóng núi, núi và mây; phố và phản chiếu phố; hoa và ánh sáng; hoa sen và thế giới côn trùng, lưỡng cư; bến nước và con đò; ông bình vôi và hoa đa sắc. Sở dĩ vẻ đẹp có được một phần lớn nhờ việc đặt các yếu tố đó cạnh nhau để cùng tôn nhau trong bức tranh.
Tuy đều vẽ người song họa sĩ Nguyễn Thị Minh Tâm có cách khai thác khác họa sĩ Lê Thiết Cương. Nếu như tranh của Lê Thiết Cương ít màu, trầm màu thì ngược lại, tranh của Minh Tâm nhiều màu và tươi tắn. Người xem luôn cảm giác thấp thoáng những cô Lan giông giống nhau, hiền lành, lương thiện; thấy rõ ràng người mẹ và cô gái, đàn ông và đàn bà trong tranh của Lê Thiết Cương nhưng lại khó đoán định nhân vật trong tranh của Minh Tâm, mặc dù chị đặt tên là “Thiên thần”.
Bức tranh “Thiên thần 2” của họa sĩ Lê Thị Minh Tâm. |
Hoàn toàn không giống hình dung thông thường của mọi người về thiên thần, người xem không biết “Thiên thần” của chị trong hình dáng nào mới đúng. Một cô bé, một thiếu nữ hay người đàn bà hay tất cả? Rõ ràng nữ nhân của chị có nét ngây thơ nhưng lại từng trải; lúc giận dỗi, lúc tươi cười; vừa tự do vừa ràng buộc; vừa mơ mộng khao khát lại vừa thách thức…
Dù thiên về nét nào hay là tất cả theo cách cảm của từng người xem, Minh Tâm vẫn là một họa sĩ trung thực trong tranh, chị “cảm thấy nghệ thuật của mình phù hợp với tính cách của mình, có thể đi tiếp và không hổ thẹn”.
Một bức tranh đẹp, trước hết bởi tinh thần người tạo ra vốn đẹp. Thế giới hội họa, nói như chị, nó giống như cõi mộng của người họa sĩ. “Khi người ta thôi lương thiện, thôi mơ mộng thì sẽ tích lũy năng lượng xấu và tự hủy hoại chính mình”.
Tính đến nay, Quỹ từ thiện “Những trái tim ấm áp” (Warm Hearts) đã hoạt động được 4 năm. Mỗi năm Quỹ tổ chức 3 chương trình thiện nguyện đến tận giường bệnh, hỗ trợ trực tiếp các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Quà tặng chủ yếu là tiền mặt (từ 100 triệu đến 170 triệu) tuỳ khả năng vận động, đóng góp của các cá nhân, thành viên tự nguyện. Họa sĩ Lê Thiết Cương tặng toàn bộ số tiền đấu giá 3 bức tranh cho Quỹ, các họa sĩ còn lại sẽ dành tặng Quỹ 60% số tiền các tranh đấu giá được. Triển lãm kéo dài từ 4/7 đến 11/7/2018. |