Họa sĩ Lê Thiết Cương : Sắc sắc, không không...

Thứ Bảy, 01/10/2016, 10:03
Sau bao nặng lòng, trăn trở và miệt mài tìm kiếm trong suốt 20 năm để lần đầu tiên một triển lãm điêu khắc mang tên "MẶT" của Lê Thiết Cương được trình làng. Như mọi hoạt động thuộc về nghệ thuật của mình, Cương không thể làm gì khác ngoài tối giản. Nhưng lần này, trong sự tối giản của điêu khắc, Cương có cái nhìn lạ hơn về Phật pháp, về âm dương, về cõi vô thường...


"Triển lãm điêu khắc lần đầu tiên.

Tác phẩm đầu tiên làm cách đây 20 năm.

Điêu khắc tối giản chính là "như nhất". Tôi không thể làm gì khác ngoài tối giản".

Đó chính là lời tự bạch của họa sĩ Lê Thiết Cương với bạn bè, với báo giới tại khai mạc triển lãm "Mặt" và ra mắt cuốn sách cùng tên trong một không gian đặc biệt ấm cúng ở Gallery 39A Lý Quốc Sư. "Mặt" của Lê Thiết Cương là một sự kiện độc đáo trong cuộc đời của người họa sĩ đa tài này. 16 tác phẩm điêu khắc với nhiều chất liệu như đồng, sắt, composite, gỗ, kính và gương được sắp đặt ấn tượng. Các tác phẩm này xoay quanh 5 đề tài chính: Hạt gạo, Âm - Dương, Chân dung, Phật và Cầu nguyện.

16 tác phẩm là 16 mặt phẳng gần như chỉ có hai chiều được nối với nhau, xếp lại, ghép lại và đặc biệt là uốn cong để tạo thành khối, thành ba chiều. Chúng là những mặt được cắt, bổ ngang dọc, xẻ, ghép lệch, ghép so le để mở rộng không gian, thêm chiều cho khối.

Tác phẩm Hạt gạo.

Trong 16 tác phẩm, Lê Thiết Cương dành 7 tác phẩm mô tả về hạt gạo, thóc. Gạo được làm bằng chất liệu đồng, đá, với sắc vàng tượng trưng cho hạt thóc. Đen tượng trưng cho hạt gạo thô sơ. Xanh là khi hạt gạo non được giã thành cốm. Trắng, là khi "gạo đem vào giã bao đau đớn, gạo giã xong rồi trắng tựa bông" ...

Lê Thiết Cương đã táo bạo với những nét cắt trên hạt gạo cũng như trong chân dung. Những nét cắt sâu, xẻ đôi hạt gạo, chân dung rất ấn tượng... cho ta những liên tưởng sâu sắc về gạo, về phận người, về đời sống.

Phần "âm - dương" với 4 tác phẩm có tính chất trừu tượng, chứa đựng những ý tưởng mới lạ về âm dương, về trời đất và người trong vũ trụ. Chân dung chỉ có 2 tác phẩm với những đường cắt ngang mặt và thân, hay xẻ đôi mặt táo bạo. Nhưng chính những mặt cắt ở đầu và mặt của bức tượng đã xóa đi ý niệm thân xác cụ thể mà chỉ giữ lại sức sống kỳ diệu từ cội rễ thẳm sâu, cho ta thấy một tinh thần sống là vĩnh viễn.

Trong cuốn sách in tất cả những tác phẩm của "Mặt", Lê Thiết Cương để 5 tác phẩm về Phật sau cùng của cuốn sách như một ẩn ý của Cương. Cuối cùng thì ta tìm thấy Phật, trú ngụ trong thế giới Phật pháp để lòng bình yên, để được sẻ chia an ủi. Những "Phật đàn" bằng gỗ, "Phật kính" bằng kính, "Phật gương" bằng gương đã khẳng định sự tìm tòi và thể hiện lại đề tài Phật trong các tác phẩm điêu khắc của Lê Thiết Cương luôn hướng tới sự lạ và độc đáo.

Mỗi tác phẩm đều ẩn chứa và chuyển tải những thông điệp về tư tưởng, quan điểm nghệ thuật của tác giả. Đó là tinh thần thiền định sâu sắc, tựa như một triết lí sống, một lẽ sống mà người nghệ sĩ ngộ ra trong quăng quật thời gian sống, trải nghiệm và sáng tạo.

Họa sĩ Trịnh Tú đã nhận xét: "Cùng với hội họa, Lê Thiết Cương nặng lòng với điêu khắc từ đã lâu, ủ kín trong lòng, nhặt nhạnh dần những phát hiện từ hội họa đến đời sống, cho đầy ắp nội tâm để tìm riêng cho mình thứ ngôn ngữ tạo hình đủ diễn tả một quan niệm, một cách hành xử.

Ở lần ra mắt đầu tiên này, chúng ta có thể thấy được sự vận động của thế giới tạo hình mà Lê Thiết Cương đã thu nạp được rồi chia đều cho từng tác phẩm. Triển lãm "Mặt" chính là tuyên ngôn về phong cách tối giản của họa sỹ Lê Thiết Cương.  Đây là điểm tựa cho mọi ý tưởng của Lê Thiết Cương.

Một phát hiện đáng kể trong điêu khắc của Lê Thiết Cương là từ chối hình khối để bước sang diện cắt và nhịp điệu của khối, của mảng, hướng cái nhìn vật thể vào nhiều không gian, thoát ra những quy định cụ thể. Với 16 tác phẩm được trưng bày, dường như Lê Thiết Cương đã khẳng định được, trọn vẹn, ngôn ngữ điêu khắc của riêng mình, như anh đã làm trong hội họa".

Trong số 15 tác phẩm điêu khắc được trình làng lần này, ấn tượng hơn cả với giới họa sĩ, điêu khắc khi đến tham dự triển lãm của Lê Thiết Cương có lẽ là những tác phẩm "Phật kính". Cương tạc những bức tượng Phật bằng kính, trong suốt, sắc lẻm với năm mặt cắt, 5 bức tượng Phật lồng ghép vào nhau trong tác phẩm.

Nhà điêu khắc Lê Đình Nguyên đã có nhận xét: "Đỉnh cao trong triển lãm điêu khắc của Cương đó là "Phật 2" (hay còn gọi là "Phật kính") làm bằng 5 lớp kính trong suốt. "Phật kính" là tác phẩm đắt giá nhất của triển lãm này ở chỗ Cương đã có bước đột phá về điêu khắc.

Bỏ qua những giới hạn, những rào cản, những cái gì đã thuộc về chuẩn mực, cổ kính, Cương làm hình tượng Phật cực tối giản: Sắc sắc, không không... vô hình và vô minh như triết lí của đạo Phật. Một tác phẩm điêu khắc trong suốt với 5 đường Designer giả ảo về Phật giáo trong tâm thức mọi người về Đức Phật tâm sáng trong veo của cõi vô thường...

Tác phẩm “Phật kính'' của họa sĩ Lê Thiết Cương.

Chẳng tạo hình đục đẽo, chạm khắc, sơn son thếp vàng cầu kỳ như hàng trăm pho tượng Phật người xưa và các nghệ nhân ngày nay đang làm, Lê Thiết Cương bằng tài năng thiên phú đã sáng tạo ra một tác phẩm PHẬT đỉnh cao của riêng mình. Tôi rất khâm phục Cương, anh là một nghệ sĩ có tư tưởng trong sáng tạo tác phẩm của mình''.

Họa sĩ Trịnh Tú cũng có những nhận xét về "Phật kính" như sau: "Với tượng Phật, Cương dùng những tấm kính trong suốt với 5 diện cắt đúng với tinh thần sắc sắc, không không. Người xem như được soi mình vào Phật rồi được tan hòa trong sự an ủi. Lê Thiết Cương đã tận dụng triệt để tinh thần Phật giáo ở những tác phẩm này để nâng đỡ cho thân phận mỗi người. Hình như phận người là điều anh quan tâm hơn cả".

Nói về sáng tạo nghệ thuật của Lê Thiết Cương trong triển lãm lần này, họa sĩ Trịnh Tú cũng đã đưa ra những nhận xét rất xác đáng: "Tìm cho mình một ngôn ngữ riêng, một ngữ pháp riêng để truyền tải được ý niệm của mình quả là không dễ, điều đó rõ ràng cao hơn một quan niệm thẩm mỹ theo thước đo quy chuẩn nào đó, nhất là ở những đề tài đã trở nên quen thuộc.

Lê Thiết Cương đã xử lí những đề tài quen thuộc một cách mới mẻ. Luận giải và cảm thụ những tác phẩm trong lòng tôn giáo là việc người xưa đã làm, đã khắc giấu trong lịch sử. Nhưng lấy cảm hứng và xúc động từ đó để tìm cho mình tiếng nói riêng lại là một chuyện khác, ít người thành công. Cương trong số ít đó".

Tại triển lãm, Lê Thiết Cương đã bày tỏ quan điểm nghệ thuật của mình: "Có không, không có xen kẽ. Những mặt phẳng rỗng, nhưng đầy ắp và ngược lại. Chẵng có gì là có, chẵng có gì là không, không ấy bởi trống rỗng nên mới sinh ra; Mặt không. Có tạo ra không, không không phải là không có gì mà những khoảng không có gì ấy. Khoảng trống không ấy mang "tính không".

Tối giản chính là "tính không", "tối không", là có chữ tối giản, không phải ít hay nhiều, hoặc không vẽ, không khắc, không hình khối gì... Mặt chính là tính "như nhất" bởi vì mặt kính, mặt gỗ, mặt gương ấy tuy có hai mặt trên dưới, trước sau phải trái nhưng vẫn là một, người ta không thể bóc tách hai mặt đó ra được. Điêu khắc tối giản chính là "như nhất".

Cảm ơn họa sĩ Lê Thiết Cương với những sáng tạo nghệ thuật độc đáo. Ở Lê Thiết Cương, sáng tạo nghệ thuật là niềm đam mê tối thượng. Anh ít có những khoảng lặng, hay thời gian im vắng. Anh thuộc về con người của sự kiện, của mới mẻ. Quanh năm suốt tháng cho công việc, cho bạn bè, anh coi công việc của bạn bè như là của mình.

Tận tụy, lao lực, sẵn sàng xắn tay dốc sức vào việc của bạn nếu bạn cậy nhờ.  Lê Thiết Cương cũng là cha đỡ mát tay cho những họa sĩ trẻ, giúp đỡ họ trên bước đường đến với nghệ thuật. Cương tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, đó chính là phương châm sống của anh. Và bởi vậy mà trong mệt nhoài của số phận, anh vẫn tìm hái cho mình được những quả lành hạnh phúc.

Thu Hà Nội 2016

Ưu Đàm
.
.