Tình yêu và trách nhiệm của các cây bút trẻ

Thứ Năm, 06/07/2017, 08:19
Hội nghị Những người viết văn trẻ TP Hồ Chí Minh lần thứ IV mở rộng khu vực Nam Bộ diễn ra trong 3 ngày cuối tháng 6-2017 tại TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Long và Cần Thơ. Hơn 100 cây bút trẻ của TP Hồ Chí Minh và đại diện các tỉnh, thành ở Nam Bộ đã về tham dự. Đây là sự kiện văn hoá 5 năm tổ chức một lần, cơ hội cho các bạn văn trẻ giao lưu, gắn kết, tạo thêm động lực để sáng tác. Từ hội nghị này, chúng tôi đã trò chuyện, ghi lại tâm tình của một số bạn văn trẻ.


Nhà thơ trẻ Minh Đan (TP Hồ Chí Minh):

Tôi xem văn chương là mối duyên lớn. Văn chương kéo tôi ra khỏi bản tính rụt rè năm xưa, thay vào đó, giúp tôi thêm tự tin, bản lĩnh hơn trong cuộc sống.

Thật nhàm chán, buồn tẻ nếu chỉ quanh quẩn ở việc nói quá nhiều, viết quá nhiều đến đời sống cá nhân mình, tôi chọn con đường dấn thân vào đề tài thơ thế sự. Với lối đi chông gai này, tôi thấy tính dân chủ trong thơ được đề cao hơn, và bản thân tôi thể hiện trách nhiệm công dân trước những vấn đề mà xã hội đòi hỏi nhiều hơn.

Tôi viết là tìm về với văn hóa cội nguồn, nhận thức về bản thân mình, chia sẻ những phận đời phận người...

Nhà thơ trẻ Phan Duy (Bạc Liêu):

Tôi tìm thấy ở văn chương những giá trị trải nghiệm đúng với đam mê, sở thích. Dù biết văn chương trong đời sống hiện nay đang đối mặt với nhiều vấn đề, nhưng tôi vẫn tin tưởng và chọn văn chương là con đường để dấn thân.

Đề tài tôi thường chọn để sáng tác là thế sự và quê hương. Thế sự là mảng không gian thơ nói lên được những tiếng nói cá nhân, giúp nhận ra những khát khao, kìm nén trước muôn mặt của đời sống, từ đó thức tỉnh, cảnh tỉnh về ý thức con người đối với xã hội. Quê hương là đề tài cho phép ta tìm lại những gần gũi, thân thuộc đã ăn sâu trong tiềm thức mỗi người, giúp ta tìm được sự yên bình và lắng dịu trước nhịp sống hối hả, bon chen hôm nay.

Với tôi, danh và lợi không quan trọng hơn việc mình đem lại niềm vui, sự thích thú cho bản thân mình và bạn đọc. Mục đích sáng tác chính của tôi là để giãi bày, sẻ chia và học hỏi, để nhận diện được trách nhiệm của mình trước cuộc sống.

Nhà văn trẻ Đoàn Thị Diễm Thuyên (Bến Tre):

Tôi yêu thích khám phá vẻ đẹp ngôn ngữ của tiếng Việt. Văn chương đưa người ta đến gần nhau hơn, không kể không gian thời gian, cho người ta rất nhiều vốn sống, trải nghiệm thú vị. Văn chương là nơi để tôi trải lòng và giao thoa với cuộc đời. Đối với bản thân tôi, đôi khi văn chương "cứu rỗi" tâm hồn ghê lắm!

So với các thế hệ trước, người cầm bút trẻ bây giờ được hỗ trợ bởi nhiều phương tiện hiện đại, nhưng điều đó cũng chi phối khiến cho họ bị hạn chế tầm nhìn và chiều sâu trên trang viết. Tôi thường sáng tác về tình yêu, hôn nhân, tình cảm gia đình, vì nó gần với cuộc sống thường ngày và nó ảnh hưởng nhiều đến tôi nhất. Tôi sống bình dị, nên văn thơ tôi cũng vậy. Tuy có nghĩ đến sự nổi tiếng và sách được bán chạy, nhưng tôi trân trọng ngôn ngữ và cảm xúc của mình trước tiên, và khi viết tôi viết bằng tất cả khả năng tôi có.

Các cây bút trẻ tặng hoa cho các nhà văn lão thành tại Hội nghị những người viết văn trẻ TP Hồ Chí Minh lần thứ IV.

Nhà thơ trẻ Huệ Thi (Cần Thơ):

Văn chương đã mang lại cho tôi nhiều niềm vui, thêm một lần để yêu và sống, cho cuộc sống đầy sắc màu và thoả chí được tô vẽ. Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ nổi tiếng để bán sách. Tôi viết nhằm cân bằng công việc bận rộn của mình sau những giờ phút căng thẳng.

Tôi thường tự động viên mình viết ngay khi có cảm xúc: gặp một sự việc, thấy một cảnh đẹp khơi gợi, đọc một bài báo... chứ làm thơ thường khó hoạch định. Tuy nhiên, tôi cũng mơ ước và cố gắng mỗi năm ra một cuốn sách theo mỗi chủ đề khác nhau, nhằm đáp ứng nhu cầu của độc giả yêu mến mình.

Đôi khi tôi viết bằng cảm xúc nhiều hơn sự trau chuốt. Kinh nghiệm và sự từng trải ướp vào tâm hồn thêm nhiều sự trải nghiệm và tôi viết bằng trách nhiệm tự mình trao: viết để gửi đi nhiều thông điệp yêu thương.

Nhà thơ trẻ Nguyễn Đức Phú Thọ (An Giang):

Những người viết trẻ được thừa hưởng tinh hoa của các thế hệ đi trước, nhưng đồng thời theo cách nào đó cũng chính là những áp lực. Chúng tôi có thần tượng của riêng mình, nhưng không muốn là bản sao lặp lại hay trở thành phiên bản lỗi.

Tôi nghĩ đã gắn mình với công việc sáng tạo thì không nên tự giới hạn bản thân ở bất cứ thể loại, đề tài nào. Từ quê hương con người sẽ có những chuyến đi xa hơn. Tôi có viết về quê hương, nhưng không nhiều. Không phải vì tôi không yêu nữa. Nhưng tôi ngại lối viết ca ngợi, kể lể chung chung, lặp lại những hình ảnh, câu chuyện của thế hệ trước.

Sự nổi tiếng và bán sách chạy là mơ ước của nhiều người cầm bút, cho dù với một số người khác, nó gần như là một thành kiến, rằng cứ sách bán chạy và nổi tiếng là… sách thị trường, ít giá trị. Tôi không nghĩ vậy. Để tồn tại, hẳn nhiên phải có giá trị. Được yêu thích vì "chạm" được đến số đông. Không phải nhà văn nào cũng có… duyên.

Nhà văn trẻ Đoàn Phương Huyền (TP Hồ Chí Minh):

Tôi đến với văn chương một cách tự nhiên rồi "quấn quýt" lúc nào cũng không biết. Gần như chẳng có sự lựa chọn nào giữa tôi và văn chương cả. Chỉ là thấu cảm lẫn nhau và đến với nhau. Văn chương giúp tôi có cảm quan tốt hơn về cuộc sống. Tôi chạm đến được nhiều trái tim, nhiều phận người nhờ văn chương.

Tôi không viết vì sự nổi tiếng. Tôi viết vì sự thôi thúc từ bên trong mình. Và sự thôi thúc đó làm sao có thể chạm đến trái tim, chạm đến nỗi đau của bạn đọc để thấu hiểu và xoa dịu là điều tôi quan tâm nhất. Đương nhiên nhà văn nào cũng mong sách mình bán chạy. Bởi sách bán chạy tức là đến được với nhiều bạn đọc. Nhưng đó không phải mục đích cuối cùng.

Đề tài tôi quan tâm nhất thân phận con người. Với tôi văn chương là những thân phận.

Nhà văn trẻ Nguyễn Đình Minh Khuê (Cần Thơ):

Đọc sách của những người trẻ Việt, ta dường như bị kéo vào trong một mớ bòng bong của những cảm xúc tuổi trẻ, từ say nắng, yêu thầm đến tuyệt vọng, thất tình, cô đơn rồi hoang mang tìm cách buông bỏ những hỗn độn trong tình cảm. Văn chương "đại chúng" Việt Nam đầu thế kỷ XXI, vì thế, gần như có thể được tóm gọn trong một mệnh đề: xuýt xoa cho vết thương tình yêu và loay hoay tìm cách để chữa lành vết thương riêng tây ấy….

Mấy năm nay, người ta hớn hở vui mừng vì nhu cầu đọc của giới trẻ Việt đã tăng lên đáng kể. Nhưng số lượng liệu có phản ánh được chất lượng và thị hiếu bạn đọc, nhất là khi thị trường văn học hiện nay đang sôi động với những tác phẩm được viết ra chỉ để theo đuổi mối quan tâm, tìm kiếm sự đồng cảm từ phía bạn đọc đại trà? Thiết nghĩ, một nhà văn chân chính và bản lĩnh phải có khao khát làm một "kẻ mạnh" nâng người đọc trên đôi vai mình, hay nói cách khác, phải giúp nâng tầm thị hiếu, sức vóc thẩm mỹ và nền tảng dân trí của dân tộc, dù đôi lúc phải chịu thiệt thòi về tiền bạc, phải hy sinh cả địa vị và tiếng tăm.

Tất nhiên, nói như thế không có nghĩa vơ đũa cả nắm, cho văn học của những người trẻ hiện nay hoàn toàn chỉ chăm chăm nói về chuyện tình yêu và những đau đớn riêng tây. Văn học ngày nay vẫn còn đó những Du Nguyên, Kiều Maily, Nguyễn Thị Kim Hòa, Huỳnh Trọng Khang, Tru Sa, Đinh Phương, Minh Moon, Nhật Phi,… - những cái tên mà tôi cho rằng có thể khiến người ta yên tâm và chờ mong về một sự khởi sắc của văn chương trẻ Việt. 

Nhà phê bình trẻ Trần Xuân Tiến (TP Hồ Chí Minh):

Hiện nay, nhiều bạn trẻ thường xem các sách bán chạy trên thị trường là đích đến của việc đọc. Không khó để thấy cảnh tượng độc giả chen chúc nhau xin chữ ký của tác giả chẳng khác gì "fan cuồng" xin chữ ký của ngôi sao âm nhạc, điện ảnh. Điều đó cho thấy bối cảnh của văn hóa đọc đã và đang thay đổi từng giờ trong sự tác động của văn hóa xã hội đương đại. Một số cây bút trẻ nắm bắt được tâm lý của độc giả trẻ và đã xây dựng hình ảnh người sáng tác như thể một phong cách sống, đại diện của thái độ sống. Đây không khác gì một con dao hai lưỡi đối với người viết lẫn người đọc. Bởi vì, để chịu được sự thử thách của thời gian, để tác phẩm đứng lâu trong lòng độc giả thì còn là câu chuyện dài.

Một cách công bằng, những người viết trẻ cũng cần ý thức hơn nữa về những sản phẩm của mình thông qua những phản hồi của cả độc giả lẫn các nhà nghiên cứu văn học. Không thể cứ dựa dẫm mãi vào hai chữ "giải trí" để tự cho phép mình cái quyền làm nhạt nhòa dần những giá trị cốt lõi của văn chương như giá trị thẩm mỹ, giá trị nhận thức… Nếu cứ giữ mãi "một màu" như hiện tại, các tác phẩm văn chương trẻ sẽ làm hạ thấp dần phông nền của văn hóa đại chúng vốn đã chịu nhiều ý kiến phản hồi từ dư luận.

Nhiều biên tập viên các đơn vị xuất bản đã không ngại ngần chia sẻ với nhau trong lúc trà dư tửu hậu về những khó khăn khi biên tập các tác phẩm của các cây bút trẻ. Tràn lan những lỗi câu từ, những lỗi diễn đạt là chuyện thường ngày ở huyện khi các biên tập viên này được giao biên tập một đầu sách của tác giả trẻ. Rõ ràng, không chỉ là sáng tạo, không chỉ là phù hợp, là chiều lòng theo thị hiếu số đông, những cây bút trẻ còn cần xác định cho mình một lối viết có trách nhiệm hơn để người đọc cảm thấy hài lòng khi cầm trên tay một ấn phẩm văn chương mà họ chờ đợi.

Đặng Tường (ghi)
.
.