Sứ mệnh trên vai cây bút trẻ

Thứ Bảy, 01/07/2017, 08:26
Nhìn vào văn chương trẻ bây giờ, đặc biệt là văn chương trẻ TP Hồ Chí Minh – nơi quy tụ một lực lượng tác giả hùng hậu từ mọi miền đất nước đến lập nghiệp – người ta thấy ở họ sáng bừng lên sức sống...


Cây bút trẻ, càng yêu lắm càng thấy không vừa ý

Mai Quỳnh Nga 

“Này cây bút trẻ, anh có còn gây hấn với cuộc đời này dài lâu?
Càng yêu lắm càng thấy không vừa ý
Anh tham lam muốn đời càng thi vị
Trong nghĩa lý cảm từ đâm thọc trái tim tôi
Giữa lòng đêm anh nhóm lửa thắp mặt trời …
Trái tim anh đòi giao cảm thiết tha
Ngay cả lúc treo ngược mình sự sống…".

Những vần thơ của tác giả trẻ Nguyễn Kiên Giang nói lên nỗi trăn trở về sứ mệnh của những cây bút trẻ.

Nhìn vào văn chương trẻ bây giờ, đặc biệt là văn chương trẻ TP Hồ Chí Minh – nơi quy tụ một lực lượng tác giả hùng hậu từ mọi miền đất nước đến lập nghiệp – người ta thấy ở họ sáng bừng lên sức sống.

Chợ văn của người trẻ không hề đìu hiu đến mức không thể in quá 2.000 bản và đứng trước nguy cơ bán không hết như nhà văn Võ Phiến từng lo sợ, mà đầy căng nhựa xanh giữa sự cạnh tranh khốc liệt của các loại hình nghe nhìn khác. Họ chính là nhân tố mới khuấy động bầu không khí văn chương, thúc giục các cây bút khác háo hức viết, khuyến khích công chúng háo hức đọc và chờ đón tác phẩm mới. Chính họ là người tiên phong khiến công chúng hiểu rằng: độc giả cũng cần có thần tượng.

Các cây bút trẻ tại Hội nghị Những người viết trẻ TP Hồ Chí Minh lần thứ 4 - 2017.

Vẫn còn nhiều tranh cãi về khái niệm nhà văn trẻ, nhưng ở đây, có thể hiểu rằng đó là những cây bút còn trẻ về tuổi đời, trẻ về sự trải nghiệm chứ không phải là trẻ về tuổi nghề. Chính sự trẻ trung về tuổi đời khiến trang văn, trang thơ của họ mang dáng dấp mới mẻ, đầy sự thử nghiệm, bứt phá và nổi loạn của thanh xuân.  Nhiều cây bút đã trở thành tên tuổi best seller như Anh Khang, Nguyễn Phong Việt, Hamlet Trương, Gào… mà thế hệ trước đó hiếm người làm được.

Nếu thế hệ cha anh 5x, 6x, 7x là nỗi trăn trở về câu chuyện chiến tranh, là đề tài hậu chiến, là sự giao thời đổi mới của đất nước với ngổn ngang đứt gãy thì văn chương trẻ - thế hệ 8x, 9x lại đối diện với thời đại hội nhập, là phẳng mọi khoảng cách bởi sự bùng nổ ngày càng mạnh mẽ của công nghệ thông tin. Thế giới phẳng ngoài kia kéo họ đi đến bất cứ đâu, bất cứ phương trời nào để ngụp lặn đời sống.

Đứng trên vai người khổng lồ và với mọi điều kiện thuận lợi trong tay, họ thỏa sức tiếp cận và thể nghiệm các thể loại, bút pháp mới mẻ… Thời đại của công nghệ, của trí tuệ nhân tạo, của mạng xã hội…  đưa tác phẩm đến gần công chúng nhưng cũng làm đảo lộn không ít giá trị xã hội.

Mạng xã hội lên ngôi như bước đà đưa chủ nghĩa cá nhân lên đến đỉnh cao. Người ta tìm mọi cách (dù điên khùng nhất) để câu like, tạo sự chú ý để ve vuốt bản ngã. Trong cơn lốc xoáy ấy, cây bút trẻ cũng không là ngoại lệ. Như mọi khi, những tranh cãi nảy lửa vẫn không có hồi kết khi người ta phân định giữa dòng văn học đại chúng và dòng văn học tinh hoa.

Thế nhưng, có một điều không thể phủ nhận rằng, hầu hết tác phẩm của các cây bút trẻ tham gia ở dòng văn học đại chúng đều nép mình vào cái Tôi. Văn chương họ viết là hỉ nộ ái ố của bản ngã, là cảm xúc phơi bày bằng chữ qua thể loại tản văn, tiểu thuyết, truyện ngắn ngôn tình. Những bài thơ, câu chuyện luẩn quẩn trong sự hờn giận, đau đớn thất tình, cảm thức trong đời sống cá nhân như "Buồn làm sao buông", "Đi đâu cũng nhớ Sài Gòn và em", "Tay tìm níu tay", "Yêu đi rồi khóc", “Yêu anh bằng tất cả những gì em có, Mất anh bởi tất cả những thứ em cho”…

Hoặc đó là cái Tôi đầy bản năng, gây sốc như:  “Ai cho em nằm trên”, “Thơ cho gái hư”...  Tiếc rằng, hiếm hoi lắm cái Tôi ấy mới trở thành cái cớ để nói về cái Ta. “Người ngủ thuê” của Nhật Phi, “Urem, người đang mơ” của Phạm Bá Diệp, “Mộ phần tuổi trẻ” của Huỳnh Trọng Khang hay các cây bút trẻ như Du Nguyên, Kiều Mai Ly, Nguyễn Thị Kim Hòa, Trần Minh Hợp… vẫn chỉ là những điểm sáng le lói giữ cơn bung rộ thèm khát đọc của độc giả.

GS Nguyễn Đình Chú cho rằng nhiều tác giả trẻ hiện nay tự coi văn học chỉ còn là sự tự thể hiện không giới hạn cái Tôi vị kỷ, núp dưới luận điểm: đã qua rồi thời đại văn học, nghệ thuật có sứ mệnh nuôi dưỡng và xây dựng nhân cách con người, mà chỉ còn là những "trò chơi" hình thức, trò chơi ngôn ngữ của những cá nhân "tài năng". Chưa bao giờ hiện tượng đó nổi lên rõ rệt như bây giờ.

Ông lo lắng: "Trong đời sống văn học, có hai hiện tượng buộc phải suy nghĩ. Một là, có nhiều nhà thơ trẻ đều tuyên ngôn rằng thơ tôi phải là Tôi, trong thơ tôi tìm Tôi. Hai là, trong lý luận được gọi là hậu hiện đại và hậu hậu hiện đại cũng cộm lên cái Tôi và đã có quan điểm cho rằng không có chân lý của chung, chỉ có chân lý của Tôi hoặc của anh mà thôi. Nó tồn tại dưới trạng thái nồng nhiệt nhưng lại lờ mờ, rất bất lợi cho cuộc sống và cho văn chương".

Tất nhiên, văn học bây giờ không còn là chiếc loa rao giảng đạo đức hoặc đứng cao hơn hiện thực mà quên đi bể khổ lầm than, quên đi cá nhân... Thế nhưng, bản chất truyền thống của văn học dù có “vị nghệ thuật” đến đâu cũng sẽ không bao giờ thay đổi:  đó là đấu tranh với cái xấu, cái ác, phát hiện nhân tố mới và xây dựng những giá trị đạo đức tốt đẹp, vun đắp nhân cách, làm cho con người trở nên người hơn.

Tự hỏi vì sao anh viết? Có phải thực trạng bề bộn của cuộc sống gây hấn buộc anh phải cầm bút? Trong tay nhà văn trẻ có vô vàn phương tiện để tiếp cận độc giả, để thực hiện trách nhiệm cầm bút của mình, nhưng có làm được điều đó không nếu anh hết đứng lại ngồi trên chiếc ghế sofa của mình? Nói như đại thi hào Goethe: “Chỉ những công cuộc nào vì cảnh ngộ mà làm nên thì mới lâu bền được”.

Tác giả Huỳnh Trọng Khang: Văn chương không phải là một cuộc chơi

Khi nói đến văn chương trẻ, tôi nghĩ ngay câu thơ của nhà thơ người Pháp Arthur Rimbaud: “Chẳng nghiêm túc khi anh 17 tuổi/ Dưới cây xanh thơ thẩn dạo trên hè”.  Định nghĩa người viết trẻ không dựa vào tuổi tác, không dựa vào sự mới cũ trong cách viết mà dựa vào một thứ duy nhất thượng đế trao cho tuổi trẻ: sự tự do, không định kiến, sự thẩn thơ như Rimbaud thuở ấy.

Có một điều mà tôi không đồng ý với Rimbaud. Đó là chẳng nghiêm túc gì đâu khi anh còn trẻ. Ừ thì bạn không phải ràng buộc với bất cứ thứ gì, bạn không chịu một trách nhiệm nào nhưng đấy là bạn khi sống đời sống của một người trẻ tuổi bình thường, một người trẻ tuổi không văn chương.

Tôi không thích cách chúng ta lâu nay vẫn thường ca tụng một nhà thơ có thể sáng tác 1.000 bài trong 1 giờ đồng hồ hay những thứ tương tự như vậy. Tôi cũng không thích khi đọc một tờ báo phỏng vấn một tác giả trẻ thì anh ta luôn nói rằng: tôi đến với văn chương như là một cuộc chơi. Sau đó, có vẻ hơi hố, anh ta sẽ nói thêm: nhưng mà nghề chơi cũng lắm công phu. Xem văn chương là một cuộc chơi là cách nói làm nhẹ trách nhiệm của ngòi bút.  Bởi chơi thì phải vui. Đọc lại những trang mà ta viết hôm qua ta thấy có vui hay không?

Tôi muốn thẳng thắn rằng nếu người ta muốn tìm vui người ta có thể đi đến quán rượu, tụ tập bạn bè, đi du lịch chứ không bao giờ tìm vui trong văn chương cả. Văn chương là người vợ không bao giờ kiên nhẫn tồn tại ở xó xỉnh nào đó trên thế gian này chỉ để đón khuôn mặt thất thểu của chúng ta trở về và nghe ta kể lể đủ thứ chuyện trên đời để ta trút hết nỗi mặc cảm trong lòng và rồi ta sẽ tìm vui ở một nơi khác. Văn chương là thế. Văn chương chưa bao giờ là sự lựa chọn đầu tiên nhưng luôn là sự lựa chọn tối hậu của những tâm hồn nhạy cảm.

Tôi tin rằng không có một giọt mực nào rơi trên giấy lại không mang trong mình một sứ mệnh, một trách nhiệm, sự ký thác của tâm hồn người viết gửi lại cho nhân gian. Do đó, mọi tác phẩm được viết ra phải kèm theo đó một sự trân trọng không chỉ vì bản thân mình mà còn trân trọng cả độc giả.

Nhà văn là người tạo ra tác phẩm nhưng nhà văn lớn là người tạo ra độc giả. Trước tác phẩm của anh, có thể lớp độc giả ấy chưa xuất hiện nhưng sau tác phẩm của anh, lớp độc giả ấy được hình thành. Bạn phải luôn đòi hỏi bản thân cao hơn, bước qua những giới hạn của chính mình và cùng lúc đó bạn nâng tầm vóc của độc giả lên. Rồi dần dần một tác phẩm bạn viết ra cũng trở thành lạc hậu, dọn đường cho một tác phẩm khác.

Tôi không tin vào những cảm xúc được biểu đạt quá dễ dàng ra bên ngoài cho người thấy. Tôi tin vào những thứ cuộn tròn trong nỗi đau khổ để giấu mình tránh xa ánh mắt soi mói của người khác. Văn chương là khả thể duy nhất chân thật hiện hữu trong thời gian và giữa thời gian, chỉ văn chương là khả thể duy nhất đối chọi lại với sự tha hóa. Bởi một văn chương chấp nhận sự tha hóa là một văn chương chết, một thứ sinh thể không bản ngã, nó không còn là văn chương nữa khi nó khước từ bản ngã.

Tác giả Nhật Phi: Vắt kiệt cùng sức lực cho cả những điều nhỏ nhoi nhất

Phan Thi Uyên (ghi)

Tham gia vào một số nhóm trên Facebook chia sẻ về nghề viết, thỉnh thoảng có người nhảy vào bình luận rằng: các bạn trẻ sống đi rồi hẵng viết, trải nghiệm đi rồi hẵng viết, hay tìm một công việc gì ổn định để làm đi rồi hẵng viết.

Nghe vậy, tôi chỉ khẽ nhún vai. Những điều người ta nói không phải không có lý. Nhưng tôi nghĩ rằng nếu chúng ta cảm thấy cần viết thì hãy cầm bút lên và viết, thứ mà chúng ta cần có được là cảm hứng. Bởi chúng ta đâu biết được mình còn bao nhiêu ngày mai nữa. Cho nên còn viết được ngày nào thì cứ viết.

Chúng ta viết bằng toàn bộ sức lực của mình, toàn bộ những gì chúng ta có. Chúng ta không cần phải suy nghĩ năm 40, 50 tuổi mình viết như thế nào, mà hôm nay mình 25 tuổi thì hãy viết cho hết sức mạnh tuổi 25, hai năm sau mình viết cho hết năng lượng tuổi 27. Ta chỉ dừng viết khi không còn gì để viết nữa. Biết đâu các tác phẩm rất trẻ như thế sẽ trở thành kinh điển như nhiều vị tiền bối đã làm được hồi họ còn rất trẻ.

Không chỉ người trẻ có quan niệm “nghề văn là một cuộc chơi” mà ngay cả không ít cây bút lão thành và đạt nhiều thành tựu cũng ví von như thế. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từng nói với tôi rằng, văn chương như kiểu vui chơi có thưởng ấy mà. Dù gì nó cũng đáng chơi. Và nếu mà nói chơi là không nghiêm túc thì đó lại là một cách hiểu rất sai lầm trò chơi này. Tôi chơi game rất nhiều, lúc chơi điên máu chửi om sòm, đập chuột,  đấm bàn phím ầm ầm. Ức chế vậy nhưng vẫn chơi. Văn chương cũng không khác lắm. Chúng ta bỏ nhiều thứ ra để viết, niềm vui hiện hữu trong cả những lúc ta bế tắc nhất.

Ở Nhật, có những người làm nghề vẽ giấy vệ sinh, họ làm rất tỉ mỉ và tâm huyết dù rằng cuối cùng cuộn giấy đó cũng chỉ dùng đúng như công dụng bao đời của nó. Nghiêm túc với ngay cả những điều tưởng như nhảm nhí, nhỏ nhoi nhất thì chúng ta sẽ sống cuộc đời nghĩa lý nhất.

Tác giả Nguyễn Đình Minh Khuê: Đừng vùi vào nỗi đau tình yêu, bỏ quên nỗi đau thời đại

Dạo quanh một vòng nhà sách, ta dễ dàng bắt gặp các tựa đề hấp dẫn, bìa sách đẹp mắt của các bạn văn trẻ, trưng trổ sự phát triển khủng khiếp của vũ bão công nghệ và truyền thông. Trong quan niệm cá nhân tôi, hình như vẫn còn điều gì thiếu sót lắm trong những cuốn sách ấy, những cuốn sách của người trẻ, những cuốn sách viết cho và viết về người trẻ. Vậy sự thiếu sót ấy là gì?

Có người bảo văn chương của các bạn trẻ 8x, 9x như Anh Khang, Nguyễn Ngọc Thạch, Hamlet Trương, Gào, Phan Ý Yên, Nồng Nàn Phố… vẫn sa đà vào lối văn chương truyền thống cũ, thiếu sáng tạo, cách tân. Có người lại cho rằng dòng văn chương ấy gần như thiếu hẳn đi những cảm xúc vui vẻ, rộn ràng của tuổi trẻ nhưng lại thừa thãi sự buồn chán, thất vọng và cô đơn. Hoặc cũng có người lên án tính chất nổi loạn, bạo cuồng của dòng văn học này với việc đặt tiêu đề gây sốc, tạo scandal hay sử dụng những chất liệu văn học bị cho là phản cảm.

Vượt lên khỏi những kỹ thuật xơ cứng, những cái nhìn đạo đức cứng nhắc, những xúc cảm bề mặt thoáng qua, tôi cho rằng vấn đề của văn học đại chúng nằm ở chỗ khác. Kỹ thuật viết có thể không cần chạy theo những xu hướng nóng sốt của thế giới. Nổi loạn là yếu tố bất biến của tuổi trẻ ở bất cứ thời đại nào. Còn nỗi buồn, nỗi cô đơn, chán chường, tuyệt vọng trong văn trẻ là một điều tất yếu, thậm chí những vết thương tâm hồn ấy rất cần phải có như một phương diện khác của cái đẹp, cái thiện, một hình thể mỹ học trong văn chương.

Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là vết thương trong văn chương của những người trẻ và cách họ nói về những vết thương ấy thì hiện nay hình như rất có vấn đề. Xuất hiện năm 2014, “Buồn làm sao buông” của Anh Khang đến nay đã in được 70.000 bản. Đây là tập tản văn rất hot của giới trẻ, tập hợp những bài viết có câu từ tỉ mỉ, cầu kỳ, chia sẻ những nỗi buồn, nỗi hoang mang trong tình yêu, từ đó khuyên nhủ các bạn trẻ rằng: bởi buồn hay vui, vui hay dữ đều do ở lòng mình.

Năm 2015, cặp tác giả Hamlet Trương và Iris Cao cho ra đời tập tản văn “Ai rồi cũng khác” cán mốc 20.000 cuốn trong lần xuất bản đầu tiên, thu hút bạn đọc trẻ bởi những câu chuyện giản dị đời thường về quy luật đổi thay của con người trong tình yêu, trong quan hệ gia đình và nhiều tình cảm phức tạp khác của tuổi trẻ.

Khiêm tốn hơn, “Người lớn cô đơn” của Phan Ý Yên xuất hiện năm 2013 không có được những con số xuất bản trong mơ ấy, song vẫn tạo ra được hiệu ứng tích cực trong cộng đồng bởi những truyện ngắn đầy nữ tính kể về những mối tình đổ vỡ và những người trẻ loay hoay trong cô đơn. Và còn hàng ngàn đầu sách khác với tinh thần tương tự đã xuất hiện trong những năm qua, từ “Thương nhau để đó”, “Người yêu cũ có người yêu mới”, “Lưng chừng cô đơn” cho đến “Anh ngủ thêm đi anh, em phải dậy lấy chồng”, “Cà phê với người lạ”…

Sinh ra, lớn lên và thụ hưởng trong một không gian sống đầy đủ tiện nghi, thậm chí là thừa thãi vật chất, sự nâng niu chăm bẵm từ phía gia đình và sự lưu tâm đặc biệt của xã hội, dường như một bộ phận người Việt trẻ ngày nay mà đại diện là những người trẻ viết sách trên chỉ đang phải chịu đựng, mà đúng hơn là chỉ đang nuôi nấng một nỗi đau riêng, một vết thương tình cảm riêng như một cách cân bằng với những cảm xúc có vẻ dư thừa.

Đọc sách của người trẻ Việt, ta dường như bị kéo vào một mớ bòng bong của những cảm xúc tuổi trẻ từ say nắng, yêu thầm đến tuyệt vọng, thất tình, cô đơn rồi hoang mang tìm cách trút bỏ những hỗn độn trong tình cảm ấy. Văn chương đại chúng Việt Nam đầu thế kỷ XXI dường như có thể tóm gọn trong một mệnh đề: xuýt xoa cho những vết thương tình yêu và loay hoay tìm cách chữa lành nó.

Hẳn nhiên, văn học cần hướng đến những vết thương, nỗi đau riêng như thế. Tuy nhiên mọi thứ cần có liều lượng và yêu cầu khe khắt của riêng nó. Trước mắt, tôi cho rằng nếu đã viết về vấn đề tình yêu và những vết thương tình cảm, các cây bút trẻ hãy đầu tư nhiều hơn vào việc xây dựng cốt truyện, tạo lập tính cách nhân vật, phải đọc nhiều hơn để tránh sa vào lối văn réo rắt nhạc tính mà đôi khi rỗng nghĩa, rỗng trải nghiệm, rỗng kiến thức.

Không ai kỳ thị và cấm đoán những người trẻ thấu cảm và lên tiếng vì những vết thương của riêng mình. Nhưng thiết nghĩ, cuộc sống ngoài kia rộng lớn, phức tạp, vốn dĩ có hàng vạn nỗi đau khác ngoài nỗi đau tình yêu luôn cần những người trẻ chia sẻ. Đó là nỗi đau căn tính, nỗi đau lưu vong, nỗi đau tuyệt diệt, nỗi đau văn hóa, nỗi đau bệnh tật, nỗi đau môi trường… Nó kinh hoàng và ám ảnh hơn nhiều nỗi đau tình yêu vốn dĩ là câu chuyện thường ngày và muôn thuở.

Sẽ có người phản biện rằng đấy là vấn đề phát sinh từ tình thế của thời đại, rằng trong một xã hội tiêu thụ có nhịp sống gấp gáp hiện nay, bạn đọc chỉ cần những tác phẩm nhẹ nhàng, tình cảm. Điều đó là hữu lý vì ở bất cứ nước nào cũng tồn tại một dòng văn học như thế, phục vụ một lớp bạn đọc như thế. Song nó đơn thuần cũng chỉ là một dòng trong hàng chục dòng văn học khác để phục vụ cho một trong  rất nhiều thị hiếu khác nhau của công chúng.

Tuy vậy ở ta điều này lại không như thế. Mấy năm nay người ta hớn hở, vui mừng vì nhu cầu đọc của giới trẻ tăng đáng kể nhưng số lượng có phản ánh được chất lượng, nhất là khi thị trường văn học đang sôi động với những tác phẩm được viết ra trên tôn chỉ theo đuổi mối quan tâm, tìm kiếm sự đồng cảm từ bạn đọc đại trà. Thiết nghĩ, nhà văn chân chính và bản lĩnh phải có khao khát là kẻ mạnh nâng người đọc trên đôi vai của mình, hay nói cách khác phải giúp nâng tầm thị hiếu, sức vóc thẩm mỹ và nền tảng dân trí dù nhiều khi nhà văn ấy phải chịu nhiều thiệt thòi. 

PV
.
.