Thời đại nào, sân khấu ấy

Thứ Năm, 28/05/2020, 09:22
Tất cả mọi thể loại sân khấu dân tộc đã từng phát triển mạnh mẽ, từng tạo ra những "căn cứ địa" vững chắc trong lòng dân ở các khu vực phù hợp. Vậy mà giờ đây, tuy chưa hẳn đã mai một nhưng đã hiển hiện ra sự suy giảm trầm trọng người xem, người thưởng thức…


Tất cả mọi thể loại sân khấu dân tộc đã từng phát triển mạnh mẽ, từng tạo ra những "căn cứ địa" vững chắc trong lòng dân ở các khu vực phù hợp. Như chèo ở vùng đồng bằng Bắc bộ với các tỉnh lúa trung tâm của châu thổ sông Hồng là Thái Bình, Hưng Yên, Bắc Giang… Tuồng tung hoành ở miền Trung với Bình Định, Phú Yên. Còn cải lương là món ăn không thể thiếu của người dân Nam Bộ - miền Tây đồng bằng sông Cửu Long, trước sau 1954 còn lan tỏa ra Hà Nội và một vài thành phố khác. Vậy mà giờ đây, tuy chưa hẳn đã mai một nhưng đã hiển hiện ra sự suy giảm trầm trọng người xem, người thưởng thức…

Chính những người làm nghệ thuật truyền thống, dù đam mê, có ý thức nuôi dưỡng giữ gìn bao nhiêu cũng ngày càng tỏ ra bi quan và cảm thấy bất lực trong sự duy trì chứ chưa nói có định hướng phát triển. Vì sao vậy?

Cắt nghĩa điều này có thể dẫn lại một định ngữ gần như được coi là quy luật "thời đại nào có sân khấu ấy".

Do hình thành và phát triển trên nền tảng nền kinh tế và xã hội lấy nông nghiệp làm chủ đạo nên chèo, tuồng, cải lương… nhìn chung có tốc độ nghệ thuật chậm. Tiết điệu, nhịp độ từ diễn biến chuyện đến làn điệu, động tác, cách biểu diễn khoan thai, nhịp nhàng, từ tốn, chậm rãi. Người thưởng thức và người biểu diễn đều hòa đồng trong mối tương quan của nhịp điệu thong thả đó.

Đến nay, bước sang thế kỉ 21, tốc độ cuộc sống trong thời đại công nghiệp, kĩ thuật đã nhanh dần và tăng vọt so với mấy chục năm trước đây. Suy nghĩ và lối sống cũng từ đó mà biến chuyển theo hoàn cảnh, môi trường kinh tế, tâm sinh lý con người. Vì thế, nghệ thuật truyền thống càng ngày càng trở nên lạc lõng trong xu thế thẩm mỹ nghệ thuật.

Một cảnh trong vở “Chu Văn An - người thầy của muôn đời” do Nhà hát chèo quân đội dàn dựng.

Sự kể, sự diễn chậm rãi, ê a trong các làn điệu của nghệ thuật truyền thống không còn phù hợp với khán giả, nhất là khán giả trẻ. Sự quan tâm của người xem trước đây khoanh vùng làng xã với đồng ruộng và thôn quê gần như bất biến với mối quan tâm duy nhất là kết quả của lúa và cây trồng nông nghiệp. Thì giờ đây với sự phát triển của kĩ thuật thông tin khiến môi trường sống thay đổi đến chóng mặt, mỗi cá nhân trở thành một thành viên hòa đồng trong một thế giới phẳng.

Tầm nhìn đã vươn rộng và mối quan tâm cũng vươn ra khỏi làng quê để đến những lĩnh vực khác của nhân loại. Chính tốc độ cuộc sống đã tạo ra yêu cầu đòi hỏi nghệ thuật sân khấu phải đáp ứng được tốc độ này.

Trong một lần nói chuyện với NSND Quốc Trượng - một trong những diễn viên gạo cội của nghệ thuật chèo, ông cho biết: "Chèo muốn thu hút khán giả phải thay đổi tốc độ, diễn biến của câu chuyện, của cách diễn. Ví dụ tình tiết chàng trai ngồi trên xe máy đã khởi động mà lại hát mấy trổ xa mạc, đường trường tạm biệt người yêu thì quả là không ổn, nếu không muốn nói là dị thường".

Về nội dung, nếu chèo thường khai thác truyện nôm khuyết danh thuần Việt để làm nên các vở diễn hấp dẫn như "Quan Âm Thị Kính", "Phan Trần", "Súy Vân"… thì tuồng và cải lương một thời chủ yếu là lấy các tích có nguồn gốc Trung Quốc. Trong tiểu thuyết cổ như "Tam Quốc", "Thủy hử", "Phong thần diễn nghĩa", "Thuyết đường", "Tây du kí"… Đến những sách dịch cuối thế kỉ 19 đầu 20 như "Long đồ án", "Phấn trang lâu", "Tống Từ Vân", "Quần anh kiệt", "Tiết San chinh tây"…

Trong các chuyện dân gian, các điển cố như "Thanh xà Bạch xà", "Chiêu Quân", "Tây Thi"… để soạn ra kịch bản. Chính vì thế, giai đoạn này, tác giả kịch bản sân khấu thường được gọi là soạn giả. Số lượng kịch bản từ nguồn Trung Quốc chiếm tới 80% kịch bản được dàn dựng trên sân khấu cải lương và ít nhiều của tuồng. Vì thế nên hàng loạt các tích Trung Quốc đã được khán giả Việt Nam am tường thông qua các kịch bản nổi tiếng như "Bao công xử án Quách Hòe", "Lã Bố hí Điêu Thuyền", "Bạch xà Nương", "Tần Hương Liên", "Chiêu Quân cống Hồ", "Tây Thi Phạm Lãi"…

Các cặp đối giữa chính và tà của Trung Quốc như "Nhạc Phi - Tần Cối", "Bàng Quyên - Tôn Tẫn"… đã từng là niềm say mê của bao thế hệ khán giả Việt Nam… thì hiện nay, với không khí của xã hội đương đại, các "tích kiểu này để dịch nên trò" đã mất đi tính hấp dẫn đối với khán giả.

Nguyên nhân nữa cũng cần phải nói thuộc về sân khấu hiện nay quá thiếu vắng các tác giả chuyên nghiệp, biết sử dụng thành thạo các làn điệu chèo, cải lương , tuồng nên vài ba thập niên này số lượng tác giả viết kịch bản dành cho các loại hình sân khấu truyền thống chỉ đếm trên đầu ngón tay và dần dần mai một. Tình trạng kịch bản kịch nói được chuyển thể rồi "cắm các làn điệu cho chèo, cải lương" đã trở thành phổ biến.

Đứng về mặt chuyên môn nghệ thuật thì kết cấu kịch bản chèo lấy phong cách tự sự, gián cách thuần Việt làm chủ đạo khác hẳn kết cấu mâu thuẫn, xung đột theo kịch phương Tây trong kịch nói. Chính sự khập khiễng, ép duyên này thêm một lần tạo ra những vở diễn "ngô không ra ngô, khoai không ra khoai" làm suy giảm rất nhiều tính hấp dẫn đối với người xem.

Tôi theo dõi khán giả nhiều lứa tuổi, kể cả khán giả trẻ thì thấy một hiện tượng đáng để các nhà chuyên môn lưu ý. Đó là sự hấp dẫn thực sự của các vở chèo kinh điển như "Thị Kính", "Súy Vân"… đối với khán giả. Họ hầu như bị mê hoặc cuốn hút vì tính hài, tính tự sự và phương pháp biểu hiện gián cách của nghệ thuật chèo mà không mặn mà gì với những kịch bản kịch nói cắm làn điệu chèo. Sự mai một dần các tác giả chuyên của các loại hình sân khấu truyền thống cần nhấn mạnh một lần nữa cũng là nguyên nhân quan trọng làm mất khách ở các thể loại này. Vì nếu không có tác giả chèo thực thụ am hiểu và sử dụng thành thục làn điệu chèo phù hợp cho nhân vật, cho tình huống kịch thì khó có một kịch bản chèo hay, hấp dẫn được khán giả.

Cuối năm 2019, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam (NSSKVN) tổ chức trại viết kịch bản truyền thống thì trong 15 tác giả dự trại, chỉ có hai tác giả chèo đích thực, một tác giả tuồng trẻ từ quê tuồng Quy Nhơn còn lại đều là tác giả kịch nói mang kịch bản kịch nói viết thành thơ đến dự trại. Và tín hiệu đáng mừng là trại sáng tác kịch bản sân khấu đầu tiên của nhiệm kì khóa 9 Hội NSSKVN tổ chức ở Đà Lạt trung tuần tháng 5 này, số tác giả viết kịch truyền thống đã vượt qua con số 6 trong tổng số 20 tác giả, trong đó có bốn tác giả trẻ, có tác giả viết cải lương ở Bến Tre mới 25 tuổi.

Sơ bộ chỉ ra một số nguyên nhân làm cho các loại hình sân khấu truyền thống đang mất dần khán giả để thấy, về chuyên môn thì biện pháp bức thiết nhất theo tôi là đào tạo các tác giả chuyên cho sân khấu truyền thống. Việc này không chỉ dừng ở các khoa dạy sáng tác mà ngay Hội NSSKVN cũng nên có những lớp bồi dưỡng cho những tác giả nào muốn làm chủ phương pháp viết kịch bản chèo, cải lương, tuồng.

Điều thứ hai: Các loại hình sân khấu truyền thống dù ở góc độ nào cũng là di sản quý báu của cha, ông để lại… Nên chăng Bộ Văn hóa, nhà nước cần có những trung tâm bảo tồn, giữ gìn các thể loại này bằng nhiều hình thức sinh động như đưa vào các trung tâm nghiên cứu, bảo vệ các hình thức mẫu mực của các thể loại sân khấu này, quảng bá rộng rãi hình thức sân khấu đến người xem, kể cả đưa vào dạy trong nhà trường phổ thông kiến thức các loại hình này. Song trước hết tôi vẫn lưu ý việc đào tạo ra lực lượng sáng tác kịch bản cho các thể loại này cần được coi trọng và xem như một trong những biện pháp hữu hiệu để duy trì, phát triển các loại hình sân khấu truyền thống .

Đà Lạt, 15/5/2020

Nguyễn Hiếu
.
.