Phim về đề tài lịch sử rơi vào yếm thế
- Sân khấu với đề tài lịch sử: Nền tảng tinh thần cần chăm sóc
- VTV1 phát sóng 4 bộ phim đặc sắc về đề tài lịch sử trong tháng 4
- Sáng tác về đề tài lịch sử: Không thể trông chờ sự "ăn may"
- Đề tài lịch sử trong điện ảnh - phim truyền hình
Điện ảnh Trung Quốc nổi bật nhờ các bộ phim lịch sử. Từ hàng chục năm nay, nhiều người Việt đã thuộc làu các câu chuyện lịch sử Trung Quốc qua phim. Tuy nhiên, điện ảnh Việt Nam đã hơn 60 năm hình thành phát triển, mới chỉ có ngót hơn 20 phim đề tài lịch sử, nhưng những phim nổi bật để gây ấn tượng mạnh và từng được công chúng quan tâm thì rất ít, chỉ có thể đếm đầu ngón tay những phim từng gây sốt và bán được vé như: "Tráng sĩ Bồ đề", "Đêm hội long trì", "Thăng Long đệ nhất kiếm", "Phạm Công-Cúc Hoa"...
Thảm hại do đâu?
Phía Hiệp hội Điện ảnh Việt từng thừa nhận, phim về đề tài lịch sử đang thiếu và yếu. Nhiều phim gần đây được đầu tư hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng nhưng doanh thu thảm hại, hòa vốn đã khó, để có lãi thì chỉ là mơ. Có phim không được ra rạp ngày nào, thậm chí biếu nhà đài cũng không xong do…. bị "Trung Quốc hóa". "Sống cùng lịch sử" - bộ phim lịch sử được hãng phim nhà nước đầu tư khá công phu và mạnh tay chi tới 21 tỷ đồng.
Phim ra rạp đúng dịp 2-9, nhưng phải nói là thảm bại về doanh thu, có ngày không bán nổi lấy một vé. Tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia và rạp Kim Đồng, các nhà quản lý hai rạp này đã phải liên tục hủy các buổi chiếu vì số lượng khán giả tới xem chỉ từ 2 đến 3 người. Phim sau đó được trình chiếu tại các trường đại học, cao đẳng.
Đây là phim do NSND Thanh Vân đạo diễn, nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn viết kịch bản. Phim xoay quanh nhóm bạn trẻ đi phượt qua những chiến tích Điện Biên Phủ năm xưa. Suốt hành trình, họ mơ thấy mình xuất hiện trong những trận chiến của ông cha, gặp các anh hùng lịch sử và hóa thân thành những dân công kéo pháo, đào hầm trong 56 ngày đêm.
Từ những con người của thế giới hiện đại, sống ích kỷ và thiếu trách nhiệm với xã hội, họ dần thay đổi theo hướng tích cực. "Sống cùng lịch sử" ban đầu được kỳ vọng tạo ra bước đột phá cho mảng phim lịch sử. Tác phẩm từng được chọn mở màn đợt phim kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và chiếu miễn phí cho học sinh, sinh viên trên cả nước từ ngày 26-30/4.
Phim "Sống cùng lịch sử" bị khán giả thờ ơ. |
Đạo diễn Thanh Vân chia sẻ, ông hoàn toàn hài lòng về nội dung và cách thể hiện của bộ phim của ông không quá coi trong yếu tố kinh doanh mà tập trung truyền tải các thông điệp lịch sử đến khán giả. Vị đạo diễn khẳng định, ê-kíp đã cố liên lạc với các rạp nhà nước lẫn tư nhân. Tuy vậy, không phải chủ rạp tư nhân nào cũng đồng ý bởi họ còn phải tính đến bài toán kinh doanh khi trình chiếu bộ phim.
Một lý do khác khiến "Sống cùng lịch sử" không được công chúng biết đến rộng rãi là khâu quảng bá phim kém. Các đại diện của một số nhà phát hành và hệ thống rạp lớn tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, họ đều khẳng định không nhận được bất kỳ lời đề nghị hợp tác phát hành, quảng bá hay đề xuất trình chiếu nào từ phía đoàn phim "Sống cùng lịch sử" của đạo diễn Thanh Vân trong khi đó phim của các hãng tư nhân được rầm rộ PR từ khi còn viết kịch bản.
NSND Thanh Vân thừa nhận đơn vị sản xuất của Hãng phim truyện Việt Nam không có bộ phận chuyên nghiệp để giúp dự án đến với nhiều khán giả. "Không thể nói phim nào về lịch sử cũng dở, nhưng lại có thể nói phim nào về lịch sử cũng lỗ. Một trong những lý do dẫn đến sự thờ ơ của khán giả là vấn đề PR phim. Hầu hết phim lịch sử là phim nhà nước nhưng trong phần duyệt kinh phí lại không có phần quảng bá phim, hay du di được như "Những người viết huyền thoại" thì chỉ được tầm 10 triệu để làm PR”.
Tư nhân không mặn mà
Đối với những phim của tư nhân, áp lực lợi nhuận luôn là điều đè nặng lên vai nhà sản xuất. Nhưng, để biến một bộ phim lịch sử thành một phim có doanh thu cao không phải là việc dễ dàng, và cho đến nay vẫn chưa có một bộ phim lịch sử nào được liệt vào danh sách phim có doanh thu lớn nếu không muốn nói là hầu như phim nào cũng thua lỗ. Thế nên, đối với dòng phim về lịch sử Việt Nam, có thể thấy các nhà làm phim chủ yếu làm theo đơn đặt hàng của nhà nước hoặc ăn theo sự kiện.
Điển hình như trong đợt kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, hàng loạt phim ra đời như "Long thành cầm giả ca", "Huyền sử thiên đô", "Thái sư Trần Thủ Độ" (dài 33 tập, có kinh phí 57 tỷ đồng), "Khát vọng Thăng Long", "Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long" (kinh phí siêu khủng 100 tỷ đồng), "Tây Sơn hào kiệt",... Hay như kỷ niệm chiến thắng Điện Biên có hàng loạt phim được nhà nước đặt hàng như "Hoa ban đỏ", "Ký ức Điện Biên", "Đường lên Điện Biên" dù được đầu tư lớn về kinh phí nhưng vẫn thua lỗ hàng chục tỷ do không hút được khán giả tới rạp hoặc không hút quảng cáo.
Một trong những lý do khiến các nhà làm phim không mặn mà với dòng phim lịch sử là về trang phục và bối cảnh. Không phải đoàn làm phim nào cũng dám mạnh tay chi hàng tỷ đồng để may sắm đến hơn 10.000 bộ trang phục theo mẫu tại bảo tàng lịch sử như "Tây Sơn hào kiệt".
Phim lịch sử "Phạm Công-Cúc Hoa" từng một thời gây sốt. |
Trang phục của phim thường được thuê ở các đoàn kịch hoặc thuê từ Trung Quốc, bối cảnh của rất nhiều bộ phim cũng phải sang nước bạn để quay vì các di tích lịch sử tại Việt Nam hiện còn rất ít. Thế nên, không khó hiểu khi mà hàng loạt bộ phim lịch sử Việt Nam lại mang đậm dấu ấn của... "nhà anh hàng xóm". Mà phần đông người Việt lại vốn "kỵ" hàng Trung Quốc.
Đầu tư lớn nhưng không hy vọng có lãi. Như Lý Hùng từng chia sẻ, anh chỉ mong "Tây Sơn hào kiệt" ra rạp có thể huề vốn mà còn khó. Ngay cả với phim dài tập được phát sóng trên VTV như "Huyền sử thiên đô", nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn cũng chia sẻ rằng mỗi tập chi ra mất 1,5 tỷ nhưng quảng cáo thu về có tầm 800 triệu, mất 40% cho nhà đài, còn lại trên 400 triệu doanh thu từ quảng cáo tính ra chưa bằng con số lẻ của tiền sản xuất.
Đối với dòng phim lịch sử về hai cuộc kháng chiến chống Mỹ, chống Pháp được khai thác nhiều hơn bởi chất liệu làm phim có nhiều hơn và bối cảnh thực tế cũng nhiều hơn. Thế nhưng chủ yếu những bộ phim này cũng đều là "phim nhà nước" chứ tư nhân ít ai dám bỏ tiền ra sản xuất phim để hy vọng kiếm lời ở phòng vé hay quảng cáo trên truyền hình. Bởi, những phim chiến tranh đã được khai thác quá nhiều, nếu không có những yếu tố "tưởng tượng", không có những "đại cảnh hoành tráng" thì khó mà hút được khán giả. Nhưng để làm được những cảnh chiến đấu có thể làm mãn nhãn khán giả thì vô cùng tốn kém và khó khăn, bởi kỹ xảo ở Việt Nam còn yếu, phim trường chưa có mà nếu tưởng tượng quá đà thì rất dễ bị cho là làm sai lệch lịch sử.
Khán giả thẳng thừng không mua vé
Làm kinh doanh thì khách hàng luôn là thượng đế, tìm hiểu nghiên cứu, đánh trúng gu khách hàng rất quan trọng, các hãng phim tư nhân làm được điều này vì từng bạc cắc đều do họ bỏ tiền túi ra, nhưng với các bộ phim lịch sử thì không. Thành ra, những sản phẩm làm ra cho có, cho mục đích tuyên truyền là chính, nhà quản lý, đơn vị sản xuất ít chú ý tới điều này.
Không phải chỉ đến phim "Sống cùng lịch sử", khán giả mới thờ ơ, thậm chí quay lưng lại với phim lịch sử Việt. Từ trước đến nay, không ít khán giả đã thẳng thừng từ chối bỏ tiền mua vé vào xem nếu biết đó là phim theo dòng lịch sử vì họ cho rằng những phim này thường nhạt, kém hấp dẫn hơn rất nhiều so với hàng loạt phim bom tấn nhan nhản ở các rạp. Ngay cả đến những phim "đại hạ giá" chỉ còn 30.000 đồng/vé, thậm chí còn giảm giá nếu mua theo số lượng lớn như "Huyền sử thiên đô" thì cũng thất bại thảm hại tại phòng vé.
"Người viết huyền thoại" của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng đã nhận được những "cơn mưa" lời khen từ báo chí và còn đoạt đến 6 giải thưởng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 18. Vậy mà khi ra rạp, các suất chiếu dù ít nhưng chỉ sau một tuần, nhà phát hành BHD đành rút phim khỏi lịch chiếu vì không có người mua vé.
Riêng "Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long" thảm bại hơn, tặng không cho Đài Truyền hình Việt Nam cũng không được chiếu vì trang phục, bối cảnh, cách làm phim bị "Trung Quốc hóa".
Có lẽ bởi vì đây là những phim nhà nước, có kinh phí thì làm phim, làm xong phim là xong trách nhiệm, phim có được phát hành hay không, có thu về cho nhà nước được đồng nào hay không cũng chẳng cần phải bận tâm đến nữa. Chính các nhà làm phim còn thờ ơ với đứa con tinh thần của mình thì sao trách khán giả quay lưng.
Một lý do khác không thể phủ nhận là không phải khán giả Việt không ủng hộ phim lịch sử Việt, mà bởi họ đã quá nhiều lần phải thở dài ngao ngán vì chất lượng của những bộ phim lịch sử khi rời khỏi rạp. Đừng nói rằng chỉ vì "Sống cùng lịch sử" không được quảng cáo, không nhận được nhiều lời khen ngợi mà thua lỗ vì ngay đến "Người viết huyền thoại" được đưa lên tận mây xanh mà cũng không trụ nổi quá một tuần trong rạp.