Sáng tác về đề tài lịch sử: Không thể trông chờ sự "ăn may"

Thứ Hai, 04/03/2013, 08:11
Lịch sử và văn học nghệ thuật là vấn đề ngày càng lôi cuốn giới sáng tác, phê bình, nghiên cứu. Sau cuộc hội thảo do Hội Nhà văn tổ chức, mới đây Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cũng tổ chức một cuộc hội thảo tương tự tại Hà Nội. Tại những cuộc hội thảo này, không khí có phần "u ám" từ một số ý kiến đã khiến không ít người trong giới băn khoăn. Trong khi đó, cần thừa nhận trong văn học, các tác phẩm về lịch sử ngày càng nhiều. Hàng chục tác giả đã hoặc đang định hình như những cây bút chuyên viết về lịch sử...

Văn học đã thế, đề tài lịch sử cũng nở rộ trong sân khấu, điện ảnh, múa. Có thể nói đó là đề tài đang được mùa ở nhiều loại hình nghệ thuật. Điều đó càng rõ hơn ở báo chí. Trong báo chí, rõ nhất là truyền hình. Nhưng dù đã có rất nhiều cố công, tâm trạng người trong cuộc cũng không vì vậy mà hào hứng hơn. Vì sao có sự trái chiều như vậy? Câu trả lời có thể có được nếu tìm về những căn cỗi sâu xa.

Trong khi với văn chương, đề tài lịch sử đang thức giấc thì ngược lại, với xã hội, đây lại là lĩnh vực đang gặp nhiều khủng hoảng. Điểm sử luôn thấp trong mọi kỳ thi tuyển. Kỳ thi tuyển đại học và cao đẳng một số năm gần đây, điểm sử thấp nhất so với các môn khác và luôn ở chiều đi xuống, năm sau thấp hơn năm trước. Đến kỳ thi tuyển 2011-2012 mới đây, đã có hàng nghìn thí sinh đạt điểm 0 về môn sử. Không chỉ điểm thi thấp, nhiều ngành khoa học xã hội, trong đó có khoa học lịch sử ở hàng chục trường đại học, cao đẳng không tuyển đủ chỉ tiêu sinh viên, những người sau này sẽ là công chúng và một số người sẽ là tác giả của các tác phẩm lịch sử. Thực trạng đó phản ánh xu hướng ngại sử, chán sử là có thật.

Công chúng của văn chương ngại sử, chán sử thì làm sao những tác phẩm nghệ thuật về đề tài lịch sử có đất sống, cho dù người nghệ sĩ có cố gắng đến đâu. Vậy thì đừng hô hào chung chung về sự cần thiết của đề tài lịch sử. Đừng chỉ biết trách cứ nhau chưa làm tròn trách nhiệm. Hãy bắt đầu từ việc xem xét lại cách nghĩ của chúng ta về lịch sử. Xã hội là mảnh đất ươm mầm cho tác phẩm. Đó là nơi đủ nước, đủ ánh sáng và khí trời, đủ dinh dưỡng để mọi hạt mẩy khát vọng sáng tạo gieo xuống sẽ nảy mầm, sẽ được nuôi dưỡng để lớn lên thành tác phẩm. Xã hội không hiểu lịch sử hoặc hiểu chúng một cách sai lạc, xã hội không cần lịch sử sẽ không bao giờ có những tác phẩm nghệ thuật lớn về lịch sử. Sẽ là không đáng công sức bỏ ra nếu chúng ta cứ đóng cửa cật vấn nhau. Hãy bắt đầu từ cách ta nhìn nhận về lịch sử, đầu tư cho việc nghiên cứu và làm sáng tỏ lịch sử, làm cho toàn xã hội đừng thỏa mãn với những gì đã biết về lịch sử, mọi người đều có lịch sử như một công cụ để khám phá cuộc sống và đoán định tương lai. Lúc đó sẽ có tác phẩm khiến không chỉ giới nghệ sĩ tự hào.

Quang cảnh buổi hội thảo "Sáng tác văn học về đề tài lịch sử" do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức (tháng 9/2012).

Khi đã nói đến mảnh đất ươm mầm cho tác phẩm, tức là nói đến bối cảnh xã hội, thị hiếu của công chúng, tầng văn hóa sâu dày cội nguồn của cảm hứng. Vậy với đề tài lịch sử, những cội nguồn cốt lõi ấy đang trong thực trạng nào? Thú thực, đó là một thực trạng đáng thất vọng.

Đáng lo ngại nhất là tầng văn hóa về lịch sử khơi nguồn cho cảm hứng sáng tạo của nghệ sĩ vừa mỏng vừa thiên lệch. Tìm hiểu, nghiên cứu, tổng kết quá khứ là để phục vụ cho những vấn đề bức xúc, cần có lời giải đáp của hiện tại là chính. Điều ấy ai cũng biết. Hàng thế kỷ nay, vấn đề bức xúc nhất của dân tộc ta là vùng lên, thoát khỏi ách ngoại xâm và bảo vệ chủ quyền đất nước. Để phục vụ cuộc đấu tranh ấy cần khơi gợi và phát huy cao nhất lòng yêu nước, truyền thống quật cường của cha ông. Vì lý do ấy, lịch sử nước ta chủ yếu được nghiên cứu, mô tả như lịch sử của các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm. Thế hệ này qua thế hệ khác, các nhà nghiên cứu chỉ chuyên chú về các cuộc chiến tranh, quên dần các mặt khác. Được tiếp thu những kiến thức ấy, những người quan tâm đến lịch sử Việt Nam có thể kể rành rẽ trận đánh trên sông Bạch Đằng, cuộc tập kích chiến lược ải Chi Lăng… nhưng lại rất khó hình dung vào thế kỷ đầu công nguyên hoặc thế kỷ thứ X sau công nguyên tổ chức xã hội trên mảnh đất Đại Việt ra sao; con người trong xã hội Đại Việt sống ra sao, ăn mặc, nói năng thế nào, nghĩ cái gì trong đầu, thậm chí hình dạng người Việt thời đó ra sao. Lịch sử đã trở thành lịch sử quân sự một cách thiên lệch, phiến diện. Các danh nhân cũng thiên về các danh nhân quân sự. Người ta biết nhiều về An Dương Vương xây thành Ốc và phát minh ra nỏ thần. Trần Quốc Toản với huyền thoại bóp nát quả cam vì căm thù giặc. Trần Hưng Đạo "ngày quên ăn, đêm quên ngủ, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa" vì "sứ giặc đi nghênh ngang ngoài đường. Uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình. Mang thân dê chó mà bắt nạt tể phụ" và rất nhiều võ tướng, võ công khác nhưng sẽ mù mịt khi hỏi đến những điều đơn giản như nghề gốm, nghề dệt lụa, nghề rèn sắt ra đời và phát triển như thế nào, những nghề gì, con gì, cây gì ta lấy được từ Trung Quốc sau những lần cha ông đi sứ…Đấy là nói về kinh tế, còn rất nhiều lĩnh vực khác về tư tưởng, tôn giáo, phong tục tập quán, văn học nghệ thuật… hết sức lý thú bị bỏ qua hoặc nghiên cứu sơ sài. Gần đây, qua chương trình "Danh nhân đất Việt" trên truyền hình, người ta biết thêm nhiều danh nhân, kể cả những người từng phò Nguyễn Ánh chống Tây Sơn đang được hậu thế thờ phụng. Trước đây, vì lý do bài Nguyễn, họ không được nhắc đến. Với những chất liệu cuộc sống nhiều khoảng trống như thế, lấy đâu những trang miêu tả chi tiết, sống động về cuộc sống của những con người đã cách ta hàng mấy trăm năm, có khi hàng ngàn năm. Xem một vài phim lịch sử, đọc một vài tiểu thuyết lịch sử của nước ta, cứ đến những đoạn cần mô tả chi tiết là các nhà văn, các nghệ sĩ của ta né tránh, tìm cách chạy lướt. Công chúng bực dọc nhưng cũng phải thông cảm cho tác giả. Có ai cung cấp tư liệu cho họ đâu. Nhớ tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng "Ivanhoe" của Walter Scott, mọi chi tiết sao mà ngồn ngộn sức sống, được khắc họa tỉ mỉ đến như vậy, càng đọc càng ham.

Nền tảng xã hội thay đổi, từ chiến tranh sang hòa bình, kinh nghiệm chiến tranh trở nên ít cần thiết hơn trong khi những điều có thể một thời gian dài ta quên nay trở nên bức xúc. Chúng ta có rất nhiều kinh nghiệm và từ đó là cảm xúc thẩm mỹ với chiến tranh trong rừng, nhưng lại gần như không biết gì về chiến tranh trên biển, rất khó chia sẻ cảm xúc với những người lính biển là một thí dụ. Độc giả muốn biết qua các tác phẩm văn học nghệ thuật sự mở rộng đất nước này theo hướng từ Bắc vào Nam, sự hình thành tập đoàn cư dân Nam Bộ, cuộc chinh phục biển Đông, những cuộc cải cách kinh tế trong lịch sử như cải cách của Trần Thủ Độ, của Hồ Quí Ly, của Quang Trung, của Minh Mạng, của Nguyễn Trường Tộ nhưng tìm được tư liệu là vô cùng khó khăn, mà có tìm được cũng không dám tin ngay. Xem phim, đọc văn nước ngoài đến thuộc lòng nhiều tích truyện, nhiều mối tình anh hùng thuyền quyên, muốn tìm trong văn học, nghệ thuật nước nhà một cái gì tương tự thế hoặc hơn thế nhưng cũng khó tìm ra, trong khi chúng ta có vô số chuyện còn éo le, bi tráng hơn. Chỉ riêng nói về những mối tình trong lịch sử thôi, chúng ta có chuyện về công chúa Huyền Chân, Thái hậu Dương Vân Nga, Nguyên phi Ỷ Lan, học sĩ Nguyễn Thị Lộ, công chúa Ngọc Hân, Thái hậu Từ Cung… đủ chất liệu để có hàng trăm tập phim, nhiều trang tiểu thuyết. Nhưng có sao được khi chính các nhà văn, nghệ sĩ cũng đói lịch sử, cũng có cách nhìn định kiến, trơ mòn về lịch sử không thua gì công chúng của mình.

Có lẽ cũng nên nói đến việc dạy lịch sử trong nhà trường vì không chỉ công chúng mà các nhà văn, các nghệ sĩ cũng phần nhiều từ nhà trường mà ra. Như đã trình bày, đã có lúc cả xã hội bàng hoàng trước thực trạng điểm thi môn sử quá thấp. Để tìm nguyên nhân, có người đã đọc một cách hệ thống các sách giáo khoa về môn sử qua các bậc học. Tỷ lệ các bài học về lịch sử không phải ít nhưng ngoài việc thiên lệch như đã nói, phần nhiều các bài học đều là tóm tắt các sự kiện, ngày tháng xảy ra sự kiện (trong đó có điều sai hoặc nhiều điều còn phải tiếp tục tranh cãi) do những người không chuyên về sử viết. Ít thấy một bài học lịch sử nào mô tả sống động, có cảm xúc, khơi gợi suy nghĩ hoặc đọng lại tình cảm về một thời đã qua. Không chỉ như vậy, phần nhiều các giờ học sử là học chay, không hiện vật, thậm chí đến sa bàn, bản đồ cũng không có. Chất lượng dạy như thế thật đáng báo động. Nên nhớ số người biết chữ ở nước ta là trên 90%, trong đó  học sinh, sinh viên là 22 triệu. Những người này không được dạy dỗ nghiêm chỉnh về lịch sử, không mê sử thì mọi cố gắng để nâng cao chất lượng cho các tác phẩm nghệ thuật về lịch sử là vô ích.

Các cụ xưa nói "dục tốc bất đạt" (càng muốn nhanh càng khó tới), phải chăng điều ấy cũng ứng với các tác phẩm về lịch sử. Có lẽ để có những tác phẩm nghệ thuật bề thế, dày dặn về lịch sử, chúng ta phải cố gắng bền bỉ nhiều thế hệ nữa, trước hết là toàn tâm toàn ý cho cái nền, đó là một cuộc cách mạng to lớn trong giáo dục, trong khoa học lịch sử, không thể đốt cháy giai đoạn, ăn may, kỳ vọng ở những tác phẩm đột xuất

Vũ Duy Thông
.
.