Phim ca nhạc: Vẫn chưa thành đường
- Làn sóng phim ca nhạc triệu view “đổ bộ”showbiz Việt
- Ca sỹ Thu Phương về nước làm phim ca nhạc về Nam Phương hoàng hậu
Khi nghe đến phim ca nhạc, nhiều người liên tưởng đến những phim ca nhạc có độ dài 10 - 15 phút của các ca sĩ xuất hiện nhan nhản trên YouTube. Thật ra đó là phim ngắn ca nhạc hay gọi cho đúng hơn là MV (music video). Phim ca nhạc đích thực là một thể loại điện ảnh mà cốt truyện dày dặn được các nhân vật dẫn dắt bằng loạt bài hát và vũ đạo phong phú, không bị bó buộc trong một chủ đề chung.
Nội dung có đủ kịch tính cao trào, nhân vật có hành động, tâm lý và dung lượng chẳng khác gì một bộ phim điện ảnh hay phim truyền hình dài tập thông thường. So với các thể loại khác như kinh dị, hành động, tâm lý xã hội..., phim ca nhạc có nội dung không quá phức tạp nhưng thường tạo nên nhiều cung bậc cảm xúc nhờ những bài hát, vũ đạo của diễn viên.
Ở Hollywood, dòng phim này tung hoành màn ảnh rộng với các bộ phim đình đám như: "Chicago", "Mamma Mia", "High School Musical", "La la Land"… Bollywood của điện ảnh Ấn Độ thì luôn xuất hiện hàng loạt kiểu phim tưng bừng hát múa này.
"Mùa viết tình ca" là phim ca nhạc "made in Việt Nam" hiếm hoi ra rạp vào tháng 9. |
Trên thế giới, phim ca nhạc đã quá quen thuộc thì ở Việt Nam, nó vẫn là thể loại khá xa lạ. Có thể đếm trên đầu ngón tay một vài phim như: "Lương tâm bé bỏng", "Em còn nhớ hay em đã quên", "Em muốn làm người nổi tiếng", "Những nụ hôn rực rỡ", "Sài Gòn Yo", "Vũ điệu đam mê" ... (điện ảnh); "Cho một tình yêu", "Hạnh phúc quanh ta", "Hát ca bềnh bồng", "Vết xước", "Bếp hát"... (truyền hình), "Glee" (web drama - phim phát hành online).
Danh sách là thế nhưng nhắc tới phim thành công, người ta chỉ nhớ tới duy nhất đại diện: "Những nụ hôn rực rỡ" của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng. Ra mắt mùa Tết 2010, bộ phim là quả bom phòng vé, thu đến 20 tỷ - một con số "khủng" tại thời điểm đó. Phim thu hút giới trẻ - đối tượng chính của rạp phim - vì dàn trai xinh gái đẹp trẻ trung, năng động có khả năng ca hát, nhảy nhót và diễn xuất tốt. Ca sĩ Minh Hằng, người mẫu Thanh Hằng, bốn thành viên nhóm 4U, ca sĩ Phương Thanh... đều ca hát ổn và cách thể hiện cảm xúc tròn trịa.
Tháng 9 này, người hâm mộ đứng ngồi không yên khi "Mùa viết tình ca" trình làng. Đây là bộ phim ca nhạc mà người ta kỳ vọng nó sẽ thành công như "Những nụ hôn rực rỡ" bởi tạo hình, nội dung, bối cảnh và cách chọn diễn viên. Dàn diễn viên điển trai, xinh đẹp như Isaac, Suni Hạ Linh, Puka, Chí Tài... có người vốn là ca sĩ - diễn viên, có người từng tham gia ca hát chuyên nghiệp nên khả năng ca - diễn của họ được khán giả đặt nhiều niềm tin.
Trong đó, vai chính không khác gì đo ni đóng giày cho Isaac (cựu thành viên của nhóm 365) để anh phát huy tối đa điểm mạnh từ ngoại hình, diễn xuất đến khả năng ca hát, vũ đạo. Phim kể về anh chàng nhạc sĩ lãng tử (ca sĩ Isaac đóng) rời xa phố thị ồn ào để về miền biển vắng tìm cảm hứng sáng tác. Tại đây anh đã gặp gỡ nàng thơ và tình yêu của đời mình để cho ra đời những tình ca nồng nàn, da diết.
Phim ca ngợi tình yêu, âm nhạc và khát vọng tuổi trẻ giữa biển trời phóng khoáng không khác gì thông điệp mà "Những nụ hôn rực rỡ" đã mang đến cách đây 8 năm. Cách dàn dựng bối cảnh, tạo hình chỉn chu, âm nhạc đầu tư... có thể khiến phim làm nên chuyện ở phòng vé.
Dù mới tung trailer và được đón nhận nồng nhiệt nhưng đạo diễn Lý Minh Thắng vẫn thừa nhận rằng phim ca nhạc "Mùa viết tình ca" là thử thách vô cùng mạo hiểm đối với anh. Bởi dòng phim này luôn là bài toán khó nhằn từ khâu cốt truyện, chọn bài hát, vũ đạo đến khâu chọn diễn viên, đầu tư kinh phí... Vì là phim ca nhạc nên phần ca khúc được đầu tư rất kỹ lưỡng.
Nếu chọn toàn bài cũ thì dễ nhàm tai lại khó chọn được bài hợp tình huống hoặc tâm lý nhân vật để thay cho lời thoại, còn bài mới thì không dễ để khán giả chấp nhận ngay. Làm cố vấn cho một số dự án phim ca nhạc, nhạc sĩ Huy Tuấn cho rằng nhạc Việt hầu như chỉ viết về tình yêu, còn về trạng thái tâm lý khác thì rất ít.
Nên phân cảnh nào có sự khó khăn khi truyền tải tâm lý bằng bài hát thì anh và ekip sẽ sáng tác bài mới. Thậm chí, ekip còn sửa nội dung một số bài hát cũ (đương nhiên phải xin phép tác giả) để phù hợp với tình huống.
Dù được đầu tư hoành tráng về âm nhạc nhưng "Glee" phiên bản Việt vẫn không thành công như mong đợi. |
Lượng bài hát dùng trong phim khá nhiều. Riêng "Mùa viết tình ca", nhạc sĩ Cao Trung Hiếu cho hay có đến 15 bài đủ cung bậc cảm xúc để nhân vật thể hiện. Ở phim truyền hình dài tập, số lượng còn khủng hơn. Chẳng hạn, "Hạnh phúc quanh đây" đầu tư tới 160 ca khúc, "Hát ca bềnh bồng" có 120 ca khúc. Đạo diễn Vương Quang Hùng cho biết: "Số lượng bài hát nhiều, phải thu âm, phối khí riêng và trả tác quyền từng bài (dù mỗi bài chỉ hát có vài câu) nên kinh phí đầu tư cho phần âm nhạc của dòng phim này tốn kém rất nhiều so với các thể loại như tâm lý tình cảm, hài hước...".
Khó khăn thứ hai và không kém phần nan giải chính là lực lượng diễn viên. Phim ca nhạc đòi hỏi diễn viên vừa phải ca tốt, diễn tốt lẫn nhảy ổn. Tuy nhiên, những diễn viên như vậy khá hiếm hoi. Sự thất bại của phim ca nhạc "made in Việt Nam" nằm chủ yếu ở chỗ này. Chọn diễn viên chuyên nghiệp thì lo họ ca hát không hay. Mời ca sĩ đóng phim thì nơm nớp sợ họ diễn xuất kém. Cú "ngã ngựa" rõ ràng và ê chề nhất là phim ca nhạc truyền hình "Cho một tình yêu" và "Bếp hát".
Việc mời Mỹ Tâm, Quang Dũng, Tuấn Hưng, Lam Trường ... đảm nhiệm vai chính là sai lầm nghiêm trọng. Tính cách nhân vật không hề phù hợp với vẻ ngoài chững chạc của các ca sĩ. Chưa kể, họ diễn gượng gạo, thiếu biểu cảm khiến mạch phim bị đơ và buồn cười. "Glee" phiên bản Việt phát hành online mới đây cũng khiến khán giả thất vọng vì dàn diễn viên "đá lộn sân" như Angela Phương Trinh, Cindy, Hữu Vi...
Ngay cả bộ phim ca nhạc do người Hàn phối hợp với ekip Việt sản xuất mang tên "La la: Hãy để em yêu anh" cũng khiến khán giả thất vọng dù có sự xuất hiện của Chi Pu. Bộ phim nhạt nhòa đến mức nó bị cho là MV ca nhạc hơn 90 phút vì nội dung rời rạc, khó hiểu cộng với diễn xuất dở tệ. Bởi mặt được nhất của bộ phim là hình ảnh lung linh kèm phần âm nhạc có giai điệu bắt tai qua sự thể hiện của dàn ca sĩ Việt Nam như Jaykii, Min, Erik… Hotgirl Chi Pu và hai ca sĩ Hàn Quốc là San E và Jung Chae Yeon đều là tay ngang trong lĩnh vực điện ảnh. Do đó, dù ở phần âm nhạc, họ đóng góp khá nhiều nhưng vai trò diễn viên đều không để lại ấn tượng gì. Lỗi một phần do diễn viên, phần do đạo diễn Han Sang Hee. Bởi ông là đạo diễn chuyên trị MV chứ không phải phim điện ảnh. Ông từng thực hiện rất nhiều MV đình đám cho các nghệ sĩ Hàn Quốc nổi tiếng như Bi Rain, Baby VOX...
Nhìn lại thành công của "Những nụ hôn rực rỡ", ngoài việc các ca sĩ chuyên nghiệp như Minh Hằng, Phương Thanh trau dồi thêm kỹ năng diễn xuất thì người mẫu như Thanh Hằng phải bỏ ra nhiều tháng liền đi học thanh nhạc, tập vũ đạo để đảm nhận tốt vai diễn của mình. Thậm chí, sau tiếng vang của bộ phim, cô nàng còn nuôi mộng làm ca sĩ.
Phần ca hát, vũ đạo, diễn xuất phải hài hòa nhưng nhiều phim chỉ chú ý đến ca - diễn chứ không mấy chú tâm vào vũ đạo. Về sau, một số bộ phim như "Sài Gòn Yo", "Vũ điệu đam mê" chú tâm hơn ở mảng nhảy nhót nhưng nó bị cho là bắt chước phim "Step up" của Mỹ. Đây là thực trạng chung khi phim ca nhạc Việt vẫn đang trong quá trình mò mẫm, chủ yếu góp nhặt, bắt chước "bom tấn" của nước ngoài.
Những thách thức khó khăn trên khiến phim ca nhạc vẫn là một mảnh đất trống trải dù rằng nó khá hấp dẫn và lôi cuốn khán giả. "Phim ca nhạc cần đầu tư lớn, ekip sản xuất phải tập trung trong thời gian dài. Nhìn qua nhìn lại thì tính khả thi, hiệu quả kinh tế của phim ca nhạc vẫn chưa cao. Các nhà sản xuất, nhà làm phim đương nhiên sẽ chọn cái gì an toàn hơn cho mình. Vì ít người đi mà nó mãi chưa thành đường"- đạo diễn Nguyễn Quang Dũng thừa nhận.