Làn sóng phim ca nhạc triệu view “đổ bộ”showbiz Việt

Chủ Nhật, 09/04/2017, 08:06
Thay vì đầu tư MV (music video), một số nghệ sỹ Việt đã đầu tư xây dựng phim ca nhạc. Đặc điểm chung của những bộ phim ca nhạc này là có cốt truyện, với nhiều tình huống cụ thể hài hước hoặc hành động. Điều đáng quan tâm là, không ít phim ca nhạc đã thu hút hàng trăm triệu lượt xem trên youtube, không thua kém bất kỳ sản phẩm âm nhạc của nghệ sỹ tên tuổi nào.


Phim ca nhạc triệu view

Một trong những cái tên gây chú ý nhất trong dòng phim ca nhạc hiện nay là nhạc sĩ, ca sĩ Hồ Việt Trung. Có thể nói rằng, chính hướng đi làm phim ca nhạc đã định hình, khẳng định tên tuổi của Hồ Việt Trung trong làng nhạc Việt sau quãng thời gian khởi đầu không mấy thành công. Những bộ phim ca nhạc của Hồ Việt Trung luôn có sức hút khán giả trẻ với lượng người xem từ vài chục triệu cho đến hàng trăm triệu lượt.

Nổi bật nhất trong số này là series phim ca nhạc “Giải cứu tiểu thư” đã “trình làng” đến phần thứ ba. Những ca khúc được yêu thích của Hồ Việt Trung như  “Em là của anh”, “Gượng cười”, “Yêu từ xa”, “Yêu anh em nhé”, “Không đẹp mà độc”, “Mãi là em” “Anh đơn giản lắm”… đã được sử dụng trong các phần của bộ phim ca nhạc.

Xoay quanh chủ đề chính của series phim là “giải cứu” nên trong phần phim nào, nhân vật chính của phim cũng đảm nhiệm vai trò là anh hùng giải cứu mỹ nhân bị bắt cóc. Tất nhiên, câu chuyện, tình tiết của mỗi tập phim khác nhau. “Giải cứu tiểu thư” phần 1 ra mắt trên kênh Pops Music vào tháng 2/2015, hiện có số lượng người xem đông đảo nhất trong các phần với 101 triệu lượt. Phim có sự tham gia của Hồ Việt Trung, Hồ Quang Hiếu cùng các diễn viên như Cát Phượng, Hứa Minh Đạt, Quách Ngọc Tuyên…

Một cảnh trong phim ca nhạc “Giải cứu tiểu thư” phần 3 của nhạc sĩ, ca sĩ Hồ Việt Trung.

Nội dung phim kể về câu chuyện của hai chàng trai nghèo chuyên bán nồi, chảo ở vỉa hè đem lòng yêu hai chị em là Xuân và Mai. Để chinh phục trái tim hai cô nàng tiểu thư xinh đẹp, Hiếu và Trung phải giả danh làm doanh nhân thành đạt. Những tình huống hài hước cũng bắt đầu từ đây.

Tuy nhiên, hành động giả dối của hai chàng trai không qua mắt được mẹ của Xuân và Mai. Để thử lòng Trung, Hiếu, mẹ của Xuân và Mai đã xây dựng kịch bản gia đình bị bắt cóc và Hiếu, Trung trở thành “hiệp sĩ bất đắc dĩ” giải cứu tiểu thư.

Tình huống trong “Giải cứu tiểu thư” phần 2, ra mắt tháng 10/2015 cũng khá hấp dẫn và hài hước. Để giải cứu cô người yêu cũ Ngọc Lan – một nhà thiết kế thời trang trước ý đồ đen tối của Sành Đại Gia, Hồ Việt Trung đã phải giả gái với cái tên ca sĩ Hồ Diễm Trinh, em gái của ca sĩ Hồ Việt Trung để tiếp cận và thực hiện thử thách.

Trong khi đó, trong “Giải cứu tiểu thư” phần 3, ra mắt tháng 6/2016, Hồ Việt Trung lại hóa thân vào chàng trai dân tộc Tây Nguyên xuống Sài Gòn kiếm sống, tham gia vào nhóm giang hồ và giải cứu con gái của vợ chồng Trùm giang hồ.

Phần 2 của bộ phim có sự tham gia của các diễn viên như Vinh Râu, Hứa Minh Đạt cũng đã có đến 34 triệu lượt người xem và phần 3 có sự tham gia của cặp vợ chồng danh hài Thu Trang, Tiến Luật cũng đã có gần 50 triệu lượt xem.

Lâm Chấn Khang, người được mệnh danh là “Ông vua miền Tây” cũng là một trong những ca sĩ tiên phong trong việc xây dựng phim ca nhạc. Series phim “Người trong giang hồ” của chàng ca sĩ này đã ra mắt đến phần thứ 5 và phần phim nào cũng “gây bão” trên cộng đồng mạng. Phần 1 của series phim có tên là “Thời niên thiếu của Trần Hạo Nam” “trình làng” vào năm 2015 thu hút gần 45 triệu lượt xem. “Đỉnh cao” nhất của series phim ca nhạc “Người trong giang hồ” là phần 4 mang tên “Luật nhân quả” ra mắt năm 2016 với 113 triệu lượt xem. Phần mới nhất của phim, “Thần thám Trần Hạo Nam” ra mắt hồi đầu năm 2017 cũng đã thu hút gần 45 triệu lượt xem.

Ngoài series phim “Giải cứu tiểu thư”, “Người trong giang hồ”, có thể “điểm danh” những MV được xây dựng dưới hình thức phim ca nhạc ngắn, thu hút không ít người xem. Hồ Việt Trung còn có “Anh  nguyện chết vì em” với23 triệu lượt xem, “Người quan trọng nhất” với 12 triệu lượt xem, “Đại náo võ đường” với 25 triệu lượt xem, “Rượu cưới ngày xuân” với 12 triệu lượt xem, “Chuyện tình facebook” với 21 triệu lượt; Lâm Chấn Khang có “Tatoo Girl” hợp tác với nhóm HKT với 16 triệu lượt xem; Nhóm HKT có “Thử thách cuối cùng – Tiếng chày trên sóc Bom bo” với hơn 20 triệu lượt xem, MV “Hot boy hột vịt lộn” của Phạm Trưởng với 16 triệu lượt xem…

Tài năng đơn thuần chưa đủ để giúp nghệ sỹ tỏa sáng

Trong thời buổi công nghệ số hiện nay, có sản phẩm âm nhạc triệu view là ước mơ của tất cả các nghệ sỹ mỗi khi giới thiệu “đứa con tinh thần” của mình đến công chúng. Nhiều người xem, điều đó đồng nghĩa với việc danh tiếng của nghệ sỹ được nâng lên, kéo theo đó là các hợp đồng biểu diễn, quảng cáo và thù lao. Có thể thấy rằng, phim ca nhạc hay MV xây dựng theo phong cách phim được nhiều ca sĩ khai thác và khá thành công. Thực tế cho thấy, số lượng người xem phim ca nhạc đông không thua kém bất cứ một sản phẩm của nghệ sỹ danh tiếng nào.

Theo thống kê trên mạng, trong số những sản phẩm âm nhạc ra mắt đầu năm 2017, “Người trong giang hồ” của Lâm Chấn Khang đứng ở vị trí thứ hai về lượt người xem, chỉ sau MV “Nơi này có anh” của Sơn Tùng M-TP và “xếp trên” nhiều sản phẩm âm nhạc được quảng bá rầm rộ như “Anh thì không” của Mỹ Tâm, “Em không là duy nhất” của Tóc Tiên…

Tạo hình của nhóm HKT trong phim ca nhạc “Thử thách cuối cùng – Tiếng chày trên sóc Bom bo”.

Điều đáng quan tâm là, trong khi những sản phẩm đình đám của Sơn Tùng M-TP bị giới truyền thông “bóc mẽ” là có một hệ thống fan trung thành (sky) “cày view”, quên ăn, quên ngủ để nghe, xem, download các sản phẩm của thần tượng thì những sản phẩm phim ca nhạc hài lại thuộc dạng “hữu xạ tự nhiên hương”, có lượng view khủng mà không phải quảng bá rầm rộ.

Công thức chung dễ nhận thấy của những phim ca nhạc là yếu tố hài hước và hành động được khai thác rất mạnh mẽ. Vì là phim ca nhạc nên các nghệ sỹ chú trọng đến phần kể chuyện hơn là các sản phẩm âm nhạc. Kịch bản phim ca nhạc không “lắt léo” mà đơn giản, dễ đoán ý đồ của đạo diễn. Không ít khán giả cho rằng, tiếng cười, yếu tố hành động trong phim đôi khi dễ dãi, mang tính giải trí đơn thuần và “không mấy liên quan” đến nội dung ca khúc được sử dụng trong phim.

Sản phẩm âm nhạc “Thử thách cuối cùng – Tiếng chày trên sóc Bom bo” của HKT - Ban nhạc từng được gắn mác “thảm họa” là một ví dụ. Trình bày ca khúc “Tiếng chày trên sóc Bombo” đã gắn liền với nhiều thế hệ người Việt nhưng nội dung phim lại “chẳng liên quan”. MV lấy bối cảnh cuộc sống của một bộ tộc trong rừng.

Các thành viên của nhóm nhạc là Lý Tuấn Kiệt, Ti Ti, Hồ Gia Hùng hóa thân thành con của tộc trưởng và phải trải qua những thử thách như “leo cây hái trứng”, “mò kim đáy bể”, “kiếp đỏ đen” để cha lựa chọn làm người thừa kế xứng đáng. Dù thu hút hơn 20 triệu lượt xem nhưng cũng có ý kiến cho rằng, “Thử thách cuối cùng – Tiếng chày trên sóc Bom bo” đã làm “biến dạng” ca khúc “Tiếng chày trên sóc Bom bo” mà mọi người đã biết đến lâu nay. Tương tự như vậy, một số tình tiết trong series phim “Giải cứu tiểu thư” hay “Người trong giang hồ” cũng bị đánh giá là “lố”, “nhàm” và “nhạt”.

Thị trường giải trí Việt vẫn bị đánh giá là “vàng thau lẫn lộn” giữa những nấc thang giá trị. Có sản phẩm âm nhạc được đầu tư nghiêm túc, bải bản, PR rầm rộ lại không được công chúng đón nhận. Bên cạnh đó, có những sản phẩm âm nhạc bị gắn mác “nhảm” lại được tìm kiếm nhiều, thậm chí dẫn đầu xu hướng tìm kiếm trên youtube.

Chất lượng sản phẩm âm nhạc là một chuyện nhưng rõ ràng, khán giả Việt đang có những phân khúc khác nhau. Trong thời kỳ hiện nay, tài năng đơn thuần chưa đủ để giúp nghệ sỹ tỏa sáng mà thêm vào đó là sự nhạy bén với thời cuộc, biết “chiều lòng” khán giả và kiên trì xây dựng lượng khán giả trung thành cho mình.

Tường Phạm
.
.