Nữ giảng viên Nhật mê áo dài và đàn bầu Việt Nam

Thứ Bảy, 28/12/2019, 17:43
Chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên cho hành trình làm tình nguyện viên giảng dạy tiếng Nhật của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Shuto Mika cho biết, khi sang Việt Nam, cô không thấy có sự khác biệt với Nhật Bản, mà ngược lại, cuộc sống và con người nơi đây đã đem lại cho cô nhiều niềm vui và tiếng cười...


"Te tò te đây là ban kèn hơi
Tò tò tò te có anh nào muốn chơi
Mau vào đây có cái kèn te tí
Tò tò tò te tí bước đều chân cùng đi"...

Sân trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng giữa trưa vắng bỗng vang lên giai điệu vui nhộn của bài hát mà lứa học trò nào cũng biết "Đội kèn tí hon". Đang trò chuyện dưới sân trường, chúng tôi cùng nhóm sinh viên năm cuối vội chạy lên tầng 2, vào thư viện văn hóa Việt - Nhật để được tận mắt chứng kiến nữ giảng viên người Nhật Shuto Mika gảy đàn bầu.

1.Đứng cạnh tôi, ngẩn người nghe tiếng đàn, một sinh viên năm 3 của trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng cho biết, tuy không học tiếng Nhật nhưng em biết khá rõ về nữ giảng viên Shuto Mika, về cách cô giảng dạy trên lớp cũng như sở thích đặc biệt là đánh đàn bầu: "Cô Shuto Mika khiêm tốn lắm. Cô vẫn hay chơi đàn bầu ở trường nhưng thường chọn một góc khuất để tránh bị người khác phát hiện. Em tình cờ một lần đi qua và nghe thấy tiếng đàn bầu. Lạ cái là vừa nghe em đã cảm tình luôn nên mỗi khi cô Shuto Mika đàn là em phải chạy đến ngay".

Một giờ giảng của cô Shuto Mika tại Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng.

Quanh tôi, các sinh viên năm 2 khoa tiếng Nhật cũng đang chen nhau lại gần để được nghe đàn bầu. Trần Ngọc Phương Linh, một sinh viên năm 2, người đã được cô Shuto Mika dạy bảo tiếng Nhật trong gần 1 năm qua nói nhỏ với tôi: "Khi đàn, cô Shuto Mika trông như đang phiêu du ở một nơi nào đó, khác với hình ảnh cô trên bục giảng. Chúng em vẫn thường được nghe cô kể về cuộc sống và văn hóa ở Nhật Bản. Cô còn lồng ghép các câu chuyện về nước Nhật thông qua bài giảng giúp chúng em thêm hiểu hơn về xứ sở mặt trời mọc. Rất nhiều điều thú vị".

Cũng theo lời của Trần Ngọc Phương Linh, Shuto Mika thường giảng bài rất kỹ, tỉ mẩn từng chi tiết nhỏ để học sinh có thể hiểu một cách cặn kẽ, tường tận. Phương pháp dạy của cô thường là kết hợp chủ đề câu chuyện trong tiết học hoặc đưa ra những tình huống cụ thể, áp dụng bài học trong thực tế. "Học với giảng viên Nhật là một trải nghiệm thú vị. Chính cô Shuto Mika đã thúc đẩy trong chúng em tình yêu nước Nhật, sự ham học hỏi và hiểu biết. Thậm chí, cô còn lồng ghép cả văn hóa Việt Nam trong những bài học tiếng Nhật", Trần Ngọc Phương Linh nói thêm.

Tiếng đàn bầu chợt ngừng lại, Shuto Mika ngẩng lên mỉm cười với chúng tôi rồi xin phép đi về lớp học. Đã đến giờ cô giảng tiếng Nhật cho các bạn sinh viên năm thứ 2. Bài học hôm nay là một câu chuyện về nhóm ngư dân đi trên biển bị gặp nạn. Shuto Mika đã chia lớp ra thành các nhóm nhỏ để học sinh tự thảo luận về bài học, tự tưởng tượng ra những gì mà nhóm ngư dân sẽ làm sau khi thuyền bị đắm và bị trôi dạt vào một hòn đảo hoang vu.

Trong lúc sinh viên làm việc nhóm với nhau, Shuto Mika vẫn cần mẫn đi đến từng nhóm, hỏi sinh viên và giảng giải những gì họ chưa hiểu hoặc đưa ra các gợi ý... Nhìn cách mà cô hướng dẫn sinh viên, không ai nghĩ đó là một giảng viên đại học. Họ trò chuyện, trao đổi như những người bạn. Có lẽ đó cũng là một cách để Shuto Mika mang đến sự thú vị cho sinh viên trong những giờ giảng của mình.

2. 50 phút của tiết học trôi đi thật nhanh. Hoàn thành vai trò giảng viên trên lớp, Shuto Mika mới có thời gian dành cho nhóm phóng viên chúng tôi. Cô cười hiền khi mọi người hỏi về đàn bầu, về chiếc áo dài có thêu hình hoa sen cô đang mặc. Shuto Mika tâm sự rằng, trước khi sang Việt Nam, cô đã mong muốn sẽ học một nhạc cụ nào đó của Việt Nam.

"Ở thành phố Himeji quê hương tôi có rất nhiều người Việt Nam sinh sống. Tôi đã dạy tiếng Nhật cho một số người Việt tại Trung tâm xúc tiến định cư Himeji. Có lần tôi trò chuyện rất lâu với hai chị em nhà nọ. Họ đã kể cho tôi nghe câu chuyện cuộc sống ở Việt Nam, về những nỗi buồn và hậu quả chiến tranh ở Việt Nam, về sự vươn lên của người Việt Nam...

Đối với người chưa từng biết đến chiến tranh như tôi thì đây thực sự là câu chuyện khiến tôi sửng sốt. Không lâu sau đó, họ cùng gia đình đến Mỹ. Tôi muốn được nói chuyện với họ nhiều hơn nữa nhưng khoảng cách địa lý quá xa. Sau đó, tôi trở thành giáo viên tiếng Nhật. Tôi có thể dạy tiếng Nhật cho người Việt Nam làm việc tại các công ty Nhật Bản. Khi thấy nhiều người nước ngoài luôn luôn lạc quan, tôi lúc nào cũng ngưỡng mộ rằng làm thế nào mà họ có thể sống nhiệt huyết như thế ở một đất nước không phải là quê hương. Tôi thực sự muốn thử làm giáo viên dạy tiếng Nhật ở nước ngoài một lần để gặp được những người như thế, nên tôi nghĩ mình nhất định muốn dạy học ở Việt Nam.

Thực ra, trước khi sang Việt Nam, tôi đã mong muốn là sẽ học một nhạc cụ nào của Việt Nam để sau khi về Nhật, có thể chơi nhạc cụ đó cho người Việt Nam đang sống ở Himeji. Vì thế, khi sang đây, tôi đã tham dự buổi hòa tấu nhạc cụ dân tộc và bị đàn bầu cuốn hút. Tôi thấy dáng nghệ sĩ ngồi đánh đàn bầu thật đẹp.

Thêm vào đó, đàn bầu chỉ có một dây thôi nhưng âm thanh lại rất hay và khác lạ. Và khi nghe tiếng đàn bầu réo rắt, có cái gì lắng đọng sâu trong tâm hồn rất khó diễn tả. Thế là tôi quyết định chọn học đàn bầu. Với tôi, ai chơi đàn bầu cũng đáng yêu dù là nam hay nữ", Shuto Mika kể.

Khi được hỏi về chiếc áo dài màu thiên thanh có họa tiết thêu hoa sen, nữ giảng viên người Nhật bẽn lẽn cười: "Tôi thích hoa sen Việt Nam. Các bạn thấy đấy, hoa sen luôn vươn thẳng mình từ đầm lầy. Khi hoa sen nở thì ở dưới có lá nhưng cái hay của hoa sen là nó mọc thẳng lên từ bùn, vượt qua mặt nước và nở sáng lấp lánh. Chỉ nhìn hoa sen nở thôi tôi cũng thấy cả một triết lý trong đấy. Hơn nữa, hoa sen là biểu tượng của Việt Nam và đó chính là điều tôi yêu thích nhất. Việt Nam luôn luôn cố gắng và vươn mình".

Cô Shutomika chơi đàn bầu.

3. Chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên cho hành trình làm tình nguyện viên giảng dạy tiếng Nhật của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Shuto Mika cho biết, khi sang Việt Nam, cô không thấy có sự khác biệt với Nhật Bản, mà ngược lại, cuộc sống và con người nơi đây đã đem lại cho cô nhiều niềm vui và tiếng cười.

"Đây là lần đầu tiên tôi làm tình nguyện viên ở nước ngoài. Rất may là lần này tôi được dạy trong một trường đại học, nơi mà công tác giảng dạy không có nhiều sự khác biệt. Điểm chung của tất cả các em sinh viên trên thế giới là em nào cũng chăm chỉ, chịu khó. Sinh viên Việt Nam lại càng có tiếng là cần cù. Các em đều mong muốn học giỏi tiếng Nhật và sau này có thể sử dụng được tiếng Nhật một cách tốt hơn. Tất nhiên, cũng có những khó khăn. Chẳng hạn như việc học tiếng Việt. Có lúc tôi định nói cái này nhưng vô tình phát âm từ khác nên thành ra đôi khi không truyền tải được những gì tôi muốn nói. Thông qua việc học tiếng Việt, tôi càng thêm hiểu về sự vất vả của sinh viên khi học một ngoại ngữ mới.

Quả thực là tôi không nghĩ mình làm được gì đặc biệt cả, mà ngược lại tôi cảm thấy mình học hỏi được rất là nhiều từ các em sinh viên cũng như đồng nghiệp. Mỗi ngày, mỗi ngày ở Việt Nam đối với tôi ngập tràn những điều mới mẻ và bất ngờ. Tất cả những điều đó đều là kỷ niệm mà tôi ấn tượng. Các tiết học với sinh viên, các buổi trò chuyện với đồng nghiệp, những buổi gặp gỡ giao lưu với người lạ... Tất cả những trải nghiệm này đều là kỷ niệm đáng trân trọng của tôi. Đặc biệt, tôi muốn học theo cách sống lạc quan của người Việt Nam. Suy nghĩ không bó buộc với tiểu tiết, luôn hướng về phía trước chính là điều to lớn nhất mà tôi có được tại Việt Nam”.

Về kỷ niệm Tết Nguyên đán đầu tiên tại Việt Nam, Shuto Mika cho biết, cô cũng mua bánh tét và bánh chưng để ăn ở nhà. "Theo phong tục, ngày đầu tiên của năm mới, tôi cũng đi chùa để cầu xin một năm mới an khang, thịnh vượng, cầu chúc sức khỏe cho mọi người trong gia đình. Tôi thích tản bộ tới cầu Rồng, đi thăm con đường hoa, ngắm hoa đào, cành quất ở Việt Nam, ngắm phụ nữ Việt mặc áo dài du xuân, tay trong tay cùng chồng con cảm nhận sức sống của mùa xuân và tình đầm ấm hạnh phúc của gia đình gắn kết...

Tôi thấy người Việt Nam làm gì cũng mang tâm thái tận hưởng công việc của mình. Ví dụ như hàng xóm của tôi ở Đà Nẵng, chỉ chơi trò chơi thôi họ cũng hết mình với trò chơi đó. Người xung quanh thì chỉ chỏ, cổ vũ...

Rõ ràng là mọi người luôn  tận hưởng công việc mà mình đang làm cho dù đấy là công việc gì. Và mặc dù có những việc còn khó khăn, nhưng mà mọi người vẫn bằng lòng với từng việc nhỏ nhất, lúc nào cũng vui vẻ.  Tôi thấy mình cần học hỏi điều này và chia sẻ với những người Nhật hay người nước ngoài về tinh thần lạc quan của người Việt Nam", Shuto Mika nói.

Shuto Mika năm nay 54 tuổi và là tình nguyện viên cao cấp của JICA tại Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng, nhiệm kỳ từ 16-10-2018 đến 15-10-2020. Cô là Thạc sỹ về Nghiên cứu đào tạo ngôn ngữ học tại Đại học Himeji Dokkyo và có 17 năm kinh nghiệm giảng dạy đào tạo tiếng Nhật. Trước khi đến Việt Nam, cô là giảng viên tiếng Nhật tại các trường đại học, trường dạy tiếng Nhật, doanh nghiệp, các lớp bồi dưỡng giáo viên Nhật ngữ, Hiệp hội giao lưu quốc tế tại thành phố Himeji.
Huyền Chi
.
.