NSND Thanh Tâm: Giọt đàn bầu trong vắt

Thứ Sáu, 02/03/2012, 08:00

Hơn 40 năm gắn bó với cây đàn bầu giữa cuộc đời đầy buồn vui và biến động, NSND Thanh Tâm vẫn giữ được cho riêng mình từng giọt đàn bầu trong vắt làm mê hoặc lòng người. Đàn bầu - một nhạc cụ đặc biệt của người Việt và tiếng đàn bầu cũng chính là tiếng lòng của người Việt, tiếng lòng của NSND Thanh Tâm - một trong số những nữ nghệ sĩ đầu tiên của Việt Nam được đào tạo bài bản và thành danh với "độc huyền cầm"...

NSND Thanh Tâm tiếp tôi trong căn gác nhỏ ở khu tập thể Nhạc viện Hà Nội. Dù đã nghỉ hưu nhưng bà vẫn giữ được vóc dáng gọn gàng, thanh thoát và sự nhanh nhẹn ít thấy ở những phụ nữ tuổi lục tuần. Ở con người bà toát lên sự hiền hậu, mực thước, đúng chất một nhà giáo lại có thêm nét thanh tao của một nghệ sĩ luôn biết chăm chút cho mình có một đời sống tinh thần phong phú. Bà bảo: "Đó chính là "cái được" lớn nhất của người làm nghệ thuật thực sự. Phải có một tâm hồn đẹp thì mới biết yêu cuộc sống, mến yêu cuộc đời".

NSND Thanh Tâm kể rằng, khi đăng ký học bộ môn đàn bầu của Trường Âm nhạc Việt Nam - tiền thân của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam hiện nay, bà còn chưa biết cây đàn bầu hình dáng thế nào. Các thầy giáo lúc bấy giờ cũng rất ngạc nhiên khi thấy có một bé gái đăng ký học đàn bầu, bởi xưa nay đàn bầu vẫn được xem là loại nhạc cụ "độc quyền" của cánh mày râu. Bởi vậy, cô bé Thanh Tâm ngày ấy phải mất đến 2 năm đầu tiên để vượt qua những lời trêu ghẹo của các anh chị, các bạn học để tiếp tục theo học và trưởng thành. Ngày mới vào trường, cô bé vùng quê lụa Hà Đông không thể quen được với những lời chọc ghẹo của cánh con trai trường Nhạc: "Chúng mày ơi, ra đây mà xem này, có một con bé xinh quá mà lại đi học đàn bầu", rồi "Con gái mà lại đi học đàn bầu kìa...". Đến những năm Trường Âm nhạc Việt Nam sơ tán về Bắc Giang, mỗi lần đi học, bao giờ Thanh Tâm cũng phải ngó trước ngó sau, nếu không có ai mới quẳng cây đàn qua bờ dậu rồi chui tọt theo sau và nhanh chóng chạy đến nhà thầy dạy để tránh những lời trêu ghẹo phía sau. Sự xấu hổ của cô bé tuổi mới lớn đã nhanh chóng chuyển thành sự mặc cảm, khiến nhiều lần Thanh Tâm phải khóc một mình và có ý định từ bỏ đàn bầu. Song mỗi lần như vậy, thầy Bá Sách - người có nhiều ảnh hưởng nghề nghiệp tới Thanh Tâm nhất - lại mang đàn ra đánh. Những âm thanh thánh thót đầy quyến rũ và mê hoặc từ cây đàn một dây mộc mạc đã giữ Thanh Tâm ở lại.

NSND Thanh Tâm tâm sự rằng, bà phải cảm ơn cây đàn bầu. Nhờ nó, bà được công chúng không chỉ trong nước mà cả ngoài nước biết đến. Nhờ nó bà được chia sẻ tiếng lòng mình, tiếng hồn dân tộc với công chúng. Cây đàn bầu đúng là người bạn tri kỷ đã cùng bà vượt qua những ngày tháng khó khăn gian khổ, với những chuyến lưu diễn dài ngày ở nơi tuyến lửa Quảng Bình, Quảng Trị, các chốt ở biên giới phía Nam năm 1978, biên giới phía Bắc năm 1979, cũng như niềm vui hạnh phúc khi được ôm cây đàn dân tộc đi biểu diễn hàng trăm chuyến ở nước ngoài. Những bản nhạc như "Ru con" (dân ca Nam Bộ), "Cung đàn đất nước", "Buổi sáng sông Hương" của nhạc sĩ Xuân Khải do NSND Thanh Tâm độc tấu hoặc hòa tấu cùng dàn nhạc suốt nhiều năm đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng. Và khi CD cá nhân đầu tiên của nghệ sĩ Thanh Tâm mang tên "Tiếng đàn bầu Thanh Tâm" được NXB Âm nhạc thu âm và phát hành, nó đã trở thành một trong những đĩa nhạc bán chạy nhất những năm 1990.

NSND Thanh Tâm.

NSND Thanh Tâm bộc bạch: "Ngày ấy, chúng tôi không biết làm kinh tế, chứ như bây giờ thì đã giàu rồi. Lúc ấy, chỉ riêng tiền bán đĩa đã có thể mua được mấy cái nhà ấy chứ!". Không mua được nhà to, nhưng CD ấy giống như một tấm "giấy thông hành" của NSND Thanh Tâm: Nó khẳng định tài năng, tình yêu của bà đối với cây đàn. Không phải ai khác mà chính cây đàn bầu đã dìu bà ra khỏi nỗi buồn đau sau sự đổ vỡ của cuộc hôn nhân lần thứ nhất, trước khi "con tim vui trở lại" cùng người chồng hiện tại. Và đến tận bây giờ, lúc nắn dây đàn ngân lên những âm điệu trầm bổng cũng chính là lúc NSND Thanh Tâm thấy lòng mình thanh thản, bình yên nhất. Bà đặc biệt có cảm hứng đối với những bài hát ru soạn cho đàn bầu và cũng từng cho ra mắt công chúng CD độc tấu đàn bầu mang tên "Ru con" gồm những bài hát ru nổi tiếng như "Ru con Bắc Bộ", "Ru con Nam Bộ", "Ru em" (dân ca Xê đăng), "Mẹ yêu con" (Nguyễn Văn Tý)... Bởi theo bà, bản thân giai điệu của những khúc hát ru đã rất tha thiết, qua tiếng đàn bầu lại càng tha thiết, đi vào lòng người...

NSND Thanh Tâm là một trong số không nhiều nữ nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên học và biểu diễn đàn bầu chuyên nghiệp, cũng là nữ nghệ sĩ đầu tiên được phong danh hiệu NSƯT rồi NSND với loại nhạc cụ đàn bầu. Đặc biệt hơn, đàn bầu lại chính là một loại nhạc cụ độc đáo thuần Việt, bởi vậy mà trong những chuyến đi biểu diễn, giao lưu văn hóa với khán thính giả nước ngoài, tiết mục biểu diễn với cây đàn bầu thường là tiết mục không thể thiếu. Chính bởi vậy, NSND Thanh Tâm vốn là "của hiếm" đã có mặt trong rất nhiều chuyến lưu diễn. Bà cũng là người có cơ hội được biểu diễn trước Tổng thống Mỹ Bill Clinton cùng phu nhân trong chuyến ông tới thăm Việt Nam, cũng như biểu diễn trong các tiệc chiêu đãi cấp Nhà nước dành cho Thủ tướng Nga V.Putin, Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào... Đó là niềm vui, niềm vinh dự lớn của người nghệ sĩ khi được đem "tiếng lòng của người Việt" đến với những chính khách nổi tiếng của thế giới.

Nhiều người bạn của NSND Thanh Tâm khuyên rằng, bà nên viết một cuốn hồi ký về những chuyến đi biểu diễn ở nước ngoài. Nhưng NSND Thanh Tâm phần còn ngần ngại, phần muốn giữ nó làm kỷ niệm của riêng mình. Với bà, mỗi chuyến đi đều có nhiều kỷ niệm đẹp, trong đó có một điểm chung. Ấy là khi nghe tiếng đàn của bà, nhiều thính giả nước ngoài đã phải thốt lên: "Đất nước của các bạn chắc phải đẹp lắm mới có cây đàn đẹp thế, giai điệu, ngôn ngữ âm nhạc đẹp thế?" hoặc "Đất nước có cây đàn này, có tiếng đàn này chắc chắn là đất nước của hòa bình chứ không thể là đất nước chỉ có chiến tranh...".

Trong ký ức của NSND Thanh Tâm có một câu chuyện xúc động mà bà không bao giờ quên: "Đó là vào năm 1974, tôi sang biểu diễn tại quảng trường ở Lêningrát trong một chương trình giao lưu nghệ thuật. Ngay khi những nốt nhạc đầu tiên của bản nhạc Nga "Vonga xinh đẹp" vang lên trên cây đàn bầu Việt Nam thì trời bỗng đổ mưa. Nhưng vì đang biểu diễn rồi nên tôi không thể rời vị trí mà vẫn tiếp tục đánh cho đến hết bài và khán giả cũng đứng im xem chứ không ai bỏ chạy. Tôi chỉ lờ mờ cảm nhận hình như có ai đó đã đến che ô cho mình nên tôi đã không bị ướt. Khi bản nhạc kết thúc, tôi ngẩng lên thì thấy có các cựu chiến binh Liên Xô ngực đeo đầy Huân chương đứng chụm lại che cho tôi và cây đàn của tôi khỏi ướt để tiếp tục biểu diễn. Lúc ấy tôi xúc động đến rơi nước mắt và không bao giờ quên được cảm xúc ấy...".

NSND Thanh Tâm nguyên là Trưởng khoa Nhạc cụ dân tộc của Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Nghỉ hưu, rời cương vị công tác ở nhiệm sở nhưng công việc giảng dạy bộ môn đàn bầu vẫn luôn là một phần cuộc sống của bà. Suốt mấy chục năm qua, chưa lúc nào NSND Thanh Tâm rời xa cây đàn và bục giảng. Điều này không phải nghệ sĩ nào cũng làm được, bởi thông thường khi đã gắn bó với công việc giảng dạy, quản lý thì dễ rời xa sân khấu hoặc ngược lại. Với học trò, bà luôn tận tụy truyền thụ những kiến thức cũng như tình yêu sâu nặng của mình đối với cây đàn bầu. Suốt mấy chục năm qua, nhiều thế hệ học trò đã trưởng thành với sự dìu dắt của cô giáo Thanh Tâm như NSƯT Hoàng Anh Tú, NSƯT Phan Kim Thành, nghệ sĩ Nguyễn Kim Anh... Cũng không ít lần NSND Thanh Tâm phải ngậm ngùi nhìn học trò của mình rời xa cây đàn bầu dù họ học giỏi, tài năng, chỉ bởi một lẽ: "Dù yêu đàn bầu vô cùng, nhưng nó không nuôi sống được em cô ạ..." (như lời chia sẻ của một cô học trò cưng).

Như con ong cần mẫn góp chút mật ngọt xây đời, NSND Thanh Tâm vẫn đêm ngày miệt mài bên trang giấy soạn giáo án, viết tham luận, tiểu luận, viết sách... về cây đàn bầu - cây đàn đặc biệt có một không hai trên thế giới mà bà đã gắn bó trọn cuộc đời...

Nguyệt Hà
.
.