Nỗi buồn sau những cánh diều

Thứ Năm, 25/04/2019, 08:11
Lễ trao Giải thưởng Cánh Diều Vàng năm 2018 đã khép lại nhưng khán giả vẫn chưa thôi bàn tán về các hạng mục giải thưởng cũng như sự phát triển của điện ảnh Việt trong tương lai. Nhiều khán giả đặt câu hỏi rằng, điện ảnh Việt sẽ ra sao khi thiếu vắng những tác phẩm nghệ thuật xứng tầm để vẽ nên diện mạo đầy đủ của điện ảnh Việt?


Giải thưởng chưa thuyết phục?

Hạng mục giải thưởng được mong chờ nhất của Cánh Diều Vàng chính là điện ảnh. Năm nay có 14 phim điện ảnh trên tổng số gần 40 phim ra rạp trong năm 2018 tham gia tranh tài. “Chàng vợ của em” giành giải thưởng Cánh Diều Vàng ở hạng mục phim điện ảnh, đồng thời, đạo diễn của phim - Charlie Nguyễn cũng nhận giải đạo diễn phim điện ảnh xuất sắc nhất.

Không phủ nhận thành công của “Chàng vợ của em” nhưng nếu đưa lên bàn cân để so sánh với “Song Lang” (đạo diễn Leon Quang Lê, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân) thì có lẽ “Song Lang” xứng đáng nhận giải thưởng này hơn.

“Song Lang” là bộ phim điện ảnh nghệ thuật hiếm hoi được sản xuất trong năm 2018. Phim được giới chuyên môn đánh giá cao khi kể câu chuyện cảm động về thân phận con người, số phận bộ môn nghệ thuật cải lương bằng ngôn ngữ điện ảnh giàu tính thẩm mỹ. “Song Lang” mang đến cho khán giả nhiều cảm xúc, đó là nỗi buồn day dứt, sự ám ảnh về những nhân vật, những câu hát cải lương… Đạo diễn trẻ Leon Quang Lê đã khẳng định được tài năng, sự tinh tế của mình qua “Song Lang”.

Phim “Song Lang” không giành được giải thưởng Cánh Diều Vàng 2018 khiến nhiều khán giả tiếc nuối.

Tuy nhiên, giống như nghịch lý vốn tồn tại ở nhiều nền điện ảnh trên khắp thế giới, rất khó để tìm tiếng nói chung giữa phim nghệ thuật và phim giải trí. Phim nghệ thuật được giới chuyên môn đánh giá cao nhưng lại không mấy thành công, thậm chí là “ảm đạm” khi xét ở góc độ doanh thu phòng vé. “Chàng vợ của em” - ngay cả cái tên cũng đã thấy rõ “tính giải trí” của phim. Charlie Nguyễn là một đạo diễn tài năng và “Chàng vợ của em” dưới “bàn tay” của vị đạo diễn này đã mang đến cho khán giả một bộ phim giải trí, rất đáng xem.

Qua theo dõi giải thưởng Cánh Diều Vàng các năm, có thể thấy rằng, tiêu chí chấm giải là nhân văn, dân tộc và mang tính nghệ thuật cao luôn đặt lên hàng đầu. Điều đó có nghĩa rằng, giải trí không phải yếu tố ưu tiên khi xét giải thưởng Cánh Diều Vàng. Chính vì vậy, khi “Song Lang” “ngậm ngùi” nhận Cánh Diều Bạc, xếp sau “Chàng vợ của em” đã gây nên những ý kiến trái chiều. Nhiều khán giả bày tỏ sự nuối tiếc cho một bộ phim nghệ thuật đáng xem và suy ngẫm như “Song Lang”. Bên cạnh đó, việc “Chàng vợ của em” - một bộ phim chuyển thể từ kịch bản nước ngoài được vinh danh cũng là điều hết sức đáng suy ngẫm.

Những tưởng sau khi “mất” giải thưởng Cánh Diều Vàng ở hạng mục phim truyện điện ảnh “vào tay” “Chàng vợ của em”, “Song Lang” sẽ được “bù” bằng giải thưởng về biên kịch. Tuy nhiên, thật đáng tiếc khi giải Biên kịch xuất sắc lại thuộc về phim “Siêu sao siêu ngố” của đạo diễn, biên kịch NSƯT Đỗ Đức Thịnh.

Điều đáng quan tâm là mặc dù đạt doanh thu phòng vé ấn tượng nhưng “Siêu sao siêu ngố” là phim mang tính giải trí đơn thuần, không được đánh giá cao về mặt nội dung. “Siêu sao siêu ngố” và “11 niềm hy vọng” là hai phim điện ảnh được trao Giải thưởng của Ban Giám khảo. Điều này làm không ít người cảm thấy thất vọng bởi lẽ bởi cả hai phim đều không thực sự xuất sắc. Trong đó, “11 niềm hy vọng” từng bị báo giới gọi là “11 niềm thất vọng” vì nội dung phim khai thác chủ đề thể thao nhưng rất nhạt nhòa.

Giải thưởng Nam diễn viên chính xuất sắc nhất được trao cho Liên Bỉnh Phát (vai Dũng Thiên Lôi trong “Song Lang”) và giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất thuộc về Hoàng Yến Chibi vai Hiểu Phương (hồi nhỏ) trong phim “Tháng năm rực rỡ”. Nhiều khán giả thắc mắc khi Kaity Nguyễn, phim “Hồn Papa da con gái” không có tên trong bảng đề cử ở hạng mục giải thưởng này. Tương tự như vậy, giải thưởng ở hạng mục âm thanh, nhạc phim, hạng mục thiết kế cũng chưa làm khán giả hài lòng.

Bản sắc dân tộc tạo nên diện mạo nền điện ảnh Việt

Cánh Diều Vàng là giải thưởng thường niên của Hội Điện ảnh Việt Nam. Thực chất đây là giải thưởng mang tính nội bộ nằm trong hệ thống giải thưởng chung của Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật, gồm các hội văn học, âm nhạc, sân khấu, mỹ thuật, nhiếp ảnh, kiến trúc, điện ảnh. Nhà nước hỗ trợ kinh phí để các hội trao giải thưởng nhằm khuyến khích các nghệ sĩ trong sáng tác nghệ thuật.

Nhiều khán giả cho rằng, trong nhiều năm qua, tiêu chí chấm giải Cánh Diều vàng thiếu sự thống nhất, thậm chí là rơi vào tình trạng thỏa hiệp theo kiểu “cả làng cùng vui”. Điều này trái với mục đích của giải thưởng là thẩm định, vinh danh các tác giả, tác phẩm thực sự giá trị.

Rõ ràng, Cánh Diều Vàng cần phải đánh giá, lựa chọn những tác phẩm thực sự có giá trị, ý nghĩa về góc độ chuyên môn, nghệ sĩ xứng đáng để trao giải, cho dù sự lựa chọn của Ban Giám khảo không phải lúc nào cũng tương đồng với sự lựa chọn của số đông. Sự thỏa hiệp, dễ dãi theo kiểu phát giải thưởng, “cả nhà cùng vui” sẽ làm mất giá trị giải thưởng. Nếu việc trao giải thưởng thiếu chính xác thì sẽ không thúc đẩy sáng tạo, giảm sức hút với người làm nghề.

Năm 2018, phim Việt tiếp tục chứng sự phát triển mạnh mẽ về số lượng. Điều đáng mừng là ít xuất hiện “phim thảm họa”, nhiều phim đạt doanh thu “khủng” khi ra rạp. Tuy nhiên, các chuyên môn cho rằng, hầu hết phim truyện Việt ra rạp, trong đó có phim dự giải Cánh Diều Vàng năm nay đều thiếu bản sắc văn hóa dân tộc. Ngoại trừ “Song Lang”, số còn lại gồm một chút hài, một chút trinh thám, một chút phiêu lưu, có phim làm lai từ kịch bản nước ngoài.

Phát biểu khai mạc lễ trao giải, NSND Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam nói rằng, điện ảnh Việt năm 2018 có nhiều bước tiến đáng khích lệ nhưng việc thiếu vắng các phim về đề tài cách mạng, mang hơi thở cuộc sống thời kỳ hội nhập, phản ánh những vấn đề nóng bỏng của xã hội hiện nay đặt ra nhiều trăn trở. Màu sắc văn hóa dân tộc ít được chú trọng, các phim chủ yếu đề cập đến những vấn đề vụn vặt trong cuộc sống và dừng lại ở mô tả hình thái thay vì đi sâu bên trong để truyền tải thông điệp lớn.

Diễn viên Kiều Trinh (giữa, nhận giải thay cho Liên Bỉnh Phát) và Hoàng Yến Chibi (ngoài cùng bên phải) nhận giải thưởng Nam/Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất hạng mục phim truyện điện ảnh.

Câu hỏi khiến nhiều người trăn trở là diện mạo của điện ảnh Việt Nam hiện nay là gì? Thú thực là rất khó để trả lời câu hỏi này. Điện ảnh của mỗi quốc gia sẽ được định danh bằng chính những tác phẩm mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Nhìn lại chặng đường phát triển của điện ảnh Việt có thể thấy rằng, dòng phim về chiến tranh cách mạng - những bộ phim ra đời trong điều kiện khó khăn về mọi mặt đã từng trở thành niềm tự hào của điện ảnh Việt, được bạn bè quốc tế biết đến. Tuy nhiên hiện nay, chúng ta đang thiếu vắng những tác phẩm xứng tầm như thế.

Câu chuyện đã trở thành tâm điểm của báo chí trong thời gian qua là sự “lất át” của các nhà làm phim tư nhân trong cuộc cạnh tranh thị phần phim. Với các nhà sản xuất phim tư nhân, bài toán kinh tế luôn được đặt lên hàng đầu. Và tất nhiên, các đề tài đánh trúng tâm lý, thị hiếu khán giả sẽ được ưu tiên đầu tư sản xuất. Dù có tâm huyết với điện ảnh đến đâu nhưng có lẽ, các nhà làm phim tư nhân cũng không dám liều mình đầu tư vào cuộc chơi phim nghệ thuật đầy may rủi.

Cánh Diều Vàng xét cho cùng cũng chỉ là một giải thưởng nghề nghiệp, là cái mang tính “hiện tượng”, phản ánh “bề nổi”, cho dù chưa thật đầy đủ của nền điện ảnh nước nhà. Từ giải thưởng Cánh Diều Vàng 2018 có thể thấy rằng, điện ảnh Việt còn rất nhiều điều phải làm mà điều trước tiên cần phải nhận diện lại chính mình. Cánh diều không thể bay nếu không có một điểm tựa vững chắc ở dưới mặt đất…

Phạm Thiên Giang
.
.