Cánh diều vàng 2016: Cuộc đua thuần túy của các phim tư nhân

Thứ Ba, 04/04/2017, 08:15
Lễ trao giải thưởng Cánh diều vàng 2016 sẽ diễn ra vào ngày 9 - 4 tại Nhà hát Quân đội (Thành phố Hồ Chí Minh), ghi dấu một năm khởi sắc của điện ảnh Việt Nam. Cho đến thời điểm này, mọi khâu chuẩn bị đã bước vào giai đoạn hoàn thiện để tiến tới lễ vinh danh những cá nhân, tác phẩm điện ảnh xuất sắc nhất trong năm. Có những hy vọng nhưng cũng không ít băn khoăn từ giải thưởng.


Ra đời từ năm 1994, giải thưởng thường niên của Hội Điện ảnh Việt Nam đã được đổi tên thành giải thưởng "Cánh diều vàng" từ năm 2001 nhằm tôn vinh, khuyến khích lao động sáng tạo của giới điện ảnh cả nước trong một năm. Năm nay, Lễ trao giải Cánh diều hướng tới tiêu chí: "Đề cao tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình có dấu ấn sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện, mang đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và đạt hiệu quả xã hội tích cực".

Theo quy định tổ chức luân phiên giữa hai thành phố lớn trong nước, năm nay, giải thưởng "Cánh diều vàng" được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh. Nghệ sĩ Quyền Linh tiếp tục được tin tưởng với vai trò đạo diễn cho lễ trao giải.

Chia sẻ trên báo chí, nghệ sĩ Quyền Linh cho biết: "Mục đích chính của giải thưởng vẫn là trao giải, tôn vinh các tác phẩm, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh. Về ý tưởng, tôi muốn thiết kế cảnh đẹp, hoành tráng để thành nơi kết nối, giao lưu giữa các nghệ sĩ và khách mời. Lễ trao giải cánh diều 2016 hứa hẹn sẽ ấm cúng, trang trọng và hấp dẫn...". Chương trình sẽ được truyền hình trực tiếp trên VTV1 trong một không khí được hứa hẹn là đậm chất điện ảnh với sự góp mặt của hàng trăm nghệ sĩ và giới truyền thông.

Cánh diều vàng năm nay ít phim nghệ thuật như “Cha cõng con”.

Như mọi năm, giải thưởng Cánh diều vàng, cánh diều bạc và Bằng khen sẽ được trao cho các tác phẩm xuất sắc nhất trong mỗi thể loại. Ngoài ra là giải thưởng cá nhân cho các khâu quan trọng trong quá trình sản xuất phim như đạo diễn, biên kịch, diễn viên, họa sĩ, nhạc sĩ... Được biết, người Việt mang quốc tịch nước ngoài và người nước ngoài mang quốc tịch Việt Nam nhưng tham gia thực hiện các phim có chủ sở hữu (hoặc đồng sở hữu) thuộc Việt Nam sản xuất đều được xét giải.

Theo Ban tổ chức, Giải thưởng Cánh diều vàng 2016 đã thu hút 118 phim tham gia. Trong đó có 19 phim điện ảnh, 20 phim truyền hình (523 tập), 13 phim hoạt hình, 39 phim tài liệu, 11 phim khoa học, 16 phim ngắn, 5 công trình nghiên cứu, lý luận phê bình điện ảnh.

Như bất cứ sự kiện nào của lĩnh vực điện ảnh, thể loại phim truyện nhựa luôn được giới truyền thông, công chúng và giới làm nghề quan tâm nhất. Nó cũng phản ánh khá rõ nét thực trạng, diện mạo của điện ảnh Việt Nam. Không khó để nhận ra, trong số 19 bộ phim truyện nhựa tranh giải Cánh diều năm nay hoàn toàn thuộc về các nhà sản xuất tư nhân và vắng bóng những bộ phim do các đơn vị nhà nước sản xuất.

Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử trao giải của Hội Điện ảnh Việt Nam sân chơi hoàn toàn thuộc về tư nhân. Mặc dù, trong kế hoạch của ngành Điện ảnh có tới 4 phim truyện điện ảnh được đặt hàng trong năm 2015 - 2016. Cụ thể là "Không ai bị lãng quên", "Người yêu ơi", "Địa đạo" và "Xã tắc".

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, 4 dự án phim ấy vẫn án binh bất động và chưa được sản xuất. Phía cơ quan quản lý thì cho rằng, nguồn ngân sách làm phim nhà nước chưa được thông suốt, các đơn vị sản xuất phim cũng đang gặp khó khăn ở lĩnh vực này nên phim chưa được đưa vào thực hiện.

Tuy nhiên, không lo ngại hay bi quan về sự vắng bóng của dòng phim nhà nước, NSND Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho rằng: "Các bộ phim xã hội hóa ngày càng lan rộng, thị trường điện ảnh trở nên phong phú, đa dạng. Đó là xu hướng phát triển tất yếu của chủ trương xã hội hóa điện ảnh. Muốn có nền điện ảnh phong phú, đa dạng, phát triển phải có sự góp sức của các đơn vị sản xuất phim và huy động vốn sản xuất phim trong cả nước".

Với chủ trương này, ở dòng phim ngắn tham gia giải thưởng Cánh diều sẽ mở rộng tới các trường đại học, cá nhân (không phải là hội viên Hội Điện ảnh). Nếu ai có tác phẩm tốt, đúng tiêu chí hoàn toàn có thể gửi đăng ký dự thi.

Được đánh giá là một trong những thị trường điện ảnh phát triển nhất trong khu vực và trên thế giới, điện ảnh Việt Nam một vài năm trở lại đây đã thực sự sôi động. Số lượng phim ra rạp mỗi năm ngày một nhiều. Một số phim đã tạo được những cơn sốt tại phòng vé, mang lại doanh thu khủng cho nhà sản xuất. Ngoài số lượng đạo diễn Việt kiều về nước tham gia sản xuất phim này càng nhiều thì số lượng các gương mặt đạo diễn trẻ cũng tăng dần theo từng năm.

Hầu hết những phim tham dự Cánh diều vàng vẫn thuộc dòng phim giải trí.

Ngoài những cái tên quen thuộc như NSND Trần Ngọc Giàu, Dustin Nguyễn, Charlie Nguyễn, Lê Bảo Trung, Đỗ Đức Thịnh... Cánh diều vàng năm nay điểm danh những gương mặt đạo diễn mới như Nam Cito - Bảo Nhân, Lý Minh Thắng, Lê Khắc Hoài Nam, Nguyễn Hoàng Phúc... Số lượng phim cũng nghiêng hẳn về các nhà sản xuất phía Nam - nơi lâu nay vẫn được đánh giá là không khí làm phim sôi động và chuyên nghiệp hơn cả. Đặc biệt, Cánh diều vàng năm nay có sự góp mặt của "Cha cõng con" - một bộ phim mới của đạo diễn Lương Đình Dũng từng đi chinh phạt tại các Liên hoan phim quốc tế trước khi công chiếu tại Việt Nam vào đầu tháng 4.

Nhìn vào danh sách các phim tham gia giải thưởng cánh diều lần này như "Bao giờ có yêu nhau", "Tấm Cám - Chuyện chưa kể", "Chạy đi rồi tính", "Fan cuồng", "Sứ mệnh trái tim", "Bảo mẫu siêu quậy", "Phim trường ma"... thấy rằng phần lớn các phim đều thuộc dòng giải trí, hài hước xen lẫn lãng mạn. Rất ít phim là phim nghệ thuật như "Cha cõng con". Điều này cho thấy, các nhà làm phim vẫn nhắm vào thị trường giải trí của giới trẻ thay vì đầu tư cho những bộ phim thiên về giá trị nghệ thuật hay có những thử nghiệm táo bạo trong nghề.

Ban tổ chức Cánh diều vàng năm nay cũng đã tiếp tục giữ vững quan điểm nói "không" với những kịch bản phim được Việt hóa. Năm ngoái, cũng tại lễ trao giải Cánh diều, mặc dù "Em là bà nội của anh" là bộ phim có doanh thu cao nhất trong lịch sử nhưng cũng đã không được tham gia vì có kịch bản gốc của Hàn Quốc.

Không thể phủ nhận, hiện nay điện ảnh Việt Nam đang xuất hiện trào lưu Việt hóa kịch bản phim nước ngoài. Trào lưu này đã mang đến những bộ phim ăn khách, mang đến sự đa dạng, phong phú cho điện ảnh, góp phần đưa điện ảnh tới gần khán giả hơn.

Mặc dù, chỉ khâu kịch bản là của nước ngoài, còn lại hầu hết mọi công việc đều được thực hiện bởi người Việt Nam nhưng dòng phim này sẽ vẫn đứng ngoài các giải thưởng nghề nghiệp. Phía ban tổ chức cho rằng: "Nếu để các phim Việt hóa tranh giải sẽ không cân sức, không công bằng với những sản phẩm điện ảnh thuần Việt. Hơn nữa, mục tiêu của giải thưởng Cánh diều là khích lệ phim dân tộc, tôn vinh những đóng góp trong nghề của những người làm điện ảnh trong nước nên sẽ ưu tiên những sản phẩm điện ảnh "nội địa".

Cụ thể hơn, kịch bản gốc là của nước ngoài, khi đưa về Việt Nam thực hiện, kịch bản sẽ được điều chỉnh, nâng lên rất nhiều. Ngoài ra, kinh phí thực hiện những bộ phim này cũng có sự chênh lệch so với các tác phẩm trong nước. Như vậy sẽ không công bằng, cân sức với những tác phẩm thuần Việt.

Tuy nhiên, trong khuôn khổ Cánh diều vàng lần này, phim "Vệ sĩ Sài Gòn" là bộ phim Việt Nam nhưng có đạo diễn là Ken Ochiai (người Nhật Bản) thực hiện. Phim vẫn đang được cân nhắc liệu có được tham gia hay không. Ông Đặng Xuân Hải cho rằng: "Nếu được, "Vệ sĩ Sài Gòn" chỉ có thể tham gia tranh giải thưởng cá nhân như nam/nữ chính xuất sắc nhất, diễn viên phụ xuất sắc nhất, quay phim, âm nhạc... chứ chắc chắn không tranh giải phim truyện hay đạo diễn xuất sắc nhất".

Mỗi mùa giải thưởng Cánh diều vàng là cơ hội để nhìn rõ diện mạo của Điện ảnh Việt Nam trong một năm hoạt động. Nhìn vào số lượng những tác phẩm điện ảnh tham gia giải thưởng ngày càng nhiều, cho thấy một không khí làm phim sôi động, háo hức. Tuy nhiên, điện ảnh Việt vẫn chờ mong những tác phẩm xuất sắc, có giá trị nghệ thuật gây tiếng vang trong và ngoài nước hơn là những tác phẩm giải trí đơn thuần có phần nhạt nhẽo lâu nay.

Khánh Thảo
.
.