Đấu giá tác phẩm nghệ thuật ở Việt Nam:

Nỗi ám ảnh “tranh giả, tranh nhái”

Thứ Sáu, 13/10/2017, 08:02
Hoạt động đấu giá tác phẩm nghệ thuật trong hơn 1 năm qua chủ yếu thông qua các phiên đấu giá của các nhà tổ chức đấu giá như Lạc Việt, Lythi Auction, Chọn Auction House... Thế nhưng thực tế, ở cả 3 đơn vị này đều đã xảy ra các sự cố trong các hoạt động đấu giá của mình, trong đó đã vài lần xảy ra sự cố liên quan đến tranh giả, tranh nhái xảy ra Chọn Auction House...


Kể từ phiên đấu giá các tác phẩm nghệ thuật được tổ chức lần đầu tiên (tháng 5-2016) đến nay, đã có hàng chục phiên đấu giá của các đơn vị chuyên tổ chức đấu giá là Lạc Việt, Lythi Auction, Chọn Auction House, Vietnam Art Space, Công ty Cá Sấu Việt Nam. Việc đấu giá thành công nhiều tác phẩm, trong đó có những bức tranh được chốt giá cao ngất ngưởng đã mở ra niềm hi vọng mới về một thị trường mỹ thuật chuyên nghiệp. Song, những "sự cố" trong một số phiên đấu giá gần đây đã cho thấy, hi vọng này vẫn còn rất... mong manh.

Từ ngày 1-7-2017, “Luật đấu giá tài sản” đã chính thức có hiệu lực thi hành. Luật này quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục đấu giá tài sản, đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản, xử lý vi phạm, hủy kết quả đấu giá tài sản, bồi thường thiệt hại, quản lý nhà nước về đấu giá tài sản... được kỳ vọng là sẽ tạo ra hành lang pháp lý cơ bản để điều chỉnh các hoạt động đấu giá tài sản nói chung, trong đó bao gồm cả hoạt động đấu giá tác phẩm nghệ thuật. Vì thế, các sai phạm của các bên tham gia hoạt động đấu giá nếu có, có thể bị “áp” để xử lý một cách triệt để hơn.

Vướng phải nghi án "tranh giả", nhưng bức "Phố cũ" của Bùi Xuân Phái vẫn được bán cho nhà sưu tầm trẻ Phùng Quang Việt với giá 12.500USD.

Thế nhưng, nhiều vụ "lùm xùm" liên quan tới các tác phẩm nghệ thuật trong các phiên đấu giá gần đây đã cho thấy, mặc dù đã kịp có “Luật đấu giá tài sản” để... "chống lưng", tuy nhiên hoạt động đấu giá nghệ thuật ở Việt Nam được một số chuyên gia đánh giá là manh nha và vẫn đang ở buổi bình minh mà thôi.

Với những sự cố liên tục xảy ra qua các phiên đấu giá như: công bố đấu giá thành công nhưng không thanh khoản được (vụ bức tranh “Cẩm chướng” của họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan được Lythi Auction công bố đấu giá thành công ở mức 65 triệu đồng nhưng người mua không đến nhận, khiến nhà đấu giá phải trả lại tranh cho tác giả); người đấu giá thành công chịu phạt  đặt cọc để "bỏ của chạy lấy người" (cặp chóe “Tứ Linh” được đấu giá bởi công ty Lạc Việt có giá khởi điểm là 900 triệu đồng đã được đại gia Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh trả mức giá cao kỷ lục 6 tỷ 50 triệu đồng nhưng sau đó lại từ chối không mua tài sản trúng đấu giá, chịu phạt 50 triệu đồng).

Bên cạnh đó, phải kể đến "đám mây đen u ám" vẫn lơ lửng treo trên bầu trời mỹ thuật Việt, đó chính là vấn nạn tranh giả, tranh nhái. Đặc biệt là sau sự kiện quá nửa số tranh trong triển lãm "Những bức tranh trở về từ châu Âu" (tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh hồi cuối năm ngoái) được cho là tranh giả đã thực sự như một "gáo nước lạnh" giội vào niềm tin của người yêu hội họa Việt Nam.

Quả vậy, hoạt động đấu giá tác phẩm nghệ thuật trong hơn 1 năm qua chủ yếu thông qua các phiên đấu giá của các nhà tổ chức đấu giá như Lạc Việt, Lythi Auction, Chọn Auction House... Thế nhưng thực tế, ở cả 3 đơn vị này đều đã xảy ra các sự cố trong các hoạt động đấu giá của mình, trong đó đã vài lần xảy ra sự cố liên quan đến tranh giả, tranh nhái xảy ra Chọn Auction House.

Cụ thể, trước phiên đấu giá lần thứ 5 của Chọn Auction House diễn ra vào ngày 30-7-2017 với 12 tác phẩm nghệ thuật của 2 bộ "tứ trụ" của hội họa Việt Nam là Trí - Lân - Vân - Cẩn và Nghiêm - Liên - Sáng - Phái. Bức "Phố cũ" của Bùi Xuân Phái được công bố giá khởi điểm cao nhất trong phiên: 8.000USD.

Nhưng trước đó, họa sĩ Bùi Thanh Phương - con trai cố họa sĩ Bùi Xuân Phái đã lên tiếng cho rằng: Đó là... tranh giả. Bởi lẽ, trước đây nhà đấu giá Sotheby's (Singapore) từng bán đấu giá một bức "Phố cũ" tương tự với giá 11.443USD và nhà đấu giá Christie's (Hồng Kong) sau đó cũng bán một bức "Phố cũ" vào ngày 25-5-2014 với giá 12.804USD. Sau những tranh cãi không có hồi kết và cũng không đủ căn cứ thể xác định được bức tranh nào trong 3 bức kể trên là tranh thật - tranh giả, cuối cùng bức "Phố cũ" vẫn được bán cho một một người Việt yêu nghệ thuật trẻ tuổi với giá 12.500USD - cao hơn 2 bức "cùng tên" từng được đấu giá ở nước ngoài.

Cũng vẫn với nhà đấu giá Chọn Auction House, ở phiên đấu giá số 6 diễn ra ngày 27-8-2017 có bức "Rồng thức tỉnh" được chú giải là của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ với mức giá khởi điểm cao: 9.600USD. Nhưng trước khi phiên đấu giá diễn ra ít lâu, con gái của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ đã lên tiếng khẳng định rằng, đó không phải là tác phẩm của cha mình!

Khẳng định này khiến dư luận thêm một lần choáng hoang mang. Bởi lẽ, nếu cứ liên tục có những sự cố như thế này xảy ra trong làng mỹ thuật Việt khiến cho người ta có cảm giác không biết tin tưởng vào đâu và tâm lý đề phòng việc "bị lừa" sẽ trở thành tâm lý thường trực và thật khó để có thể tin tưởng vào bất kỳ đơn vị tổ chức đấu giá nào.

Bởi lẽ, không ai khác mà chính những người đại diện cho Chọn Auction House từng rất "to còi" khẳng định với báo chí rằng: "Chúng tôi xây dựng nhà đấu giá Chọn - Chọn Auction House theo tiêu chuẩn của các nhà đấu giá nghệ thuật hàng đầu thế giới như Sotheby's, Christie's... Hội đồng thẩm định của chúng tôi là những chuyên gia hàng đầu đến từ Việt Nam, Ấn Độ, Pháp, Hàn Quốc. Đặc biệt, chúng tôi nhận được sự ủy thác rất lớn của các nhà sưu tập nghệ thuật danh giá trong nước và quốc tế".

Thế nhưng, danh tính của thành viên Hội đồng thẩm định - vốn được coi là một "đảm bảo" cho các hoạt động thẩm định nghệ thuật - lại không được nhà đấu giá công bố bởi lý do "thành viên hội đồng thẩm định ở Việt Nam thường phải chịu rất nhiều áp lực không mong muốn" khiến người ta hoàn toàn có quyền nghi ngờ tính xác thực của những phát ngôn trên.

Không chỉ có tranh giả, hiện tượng "tranh nhái" được đem ra bán đấu giá cũng không phải chưa từng xảy ra. Bức tranh "Cô gái thỏ" của họa sĩ Nguyễn Phan Bách (con trai nhà văn Nguyễn Huy Thiệp) được đấu giá thành công tại phiên đấu giá thứ 2 của Chọn Auction House với mức giá 25.000USD được mua bởi ông Christopher - Tổng Giám đốc điều hành Playboy tại Việt Nam. Thế nhưng sau đó, người ta đã tìm thấy "bức tranh gốc" được vẽ bởi họa sĩ Pháp Louis Treserras mà Nguyễn Phan Bách được cho là đã "đạo", "nhái" với tỉ lệ rất cao mà Nguyễn Phan Bách có cố công bào chữa thế nào cũng vẫn rất khó tin.

Những sự việc đáng buồn này chỉ bị phát hiện sau khi đã đấu giá thành công sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của nhà đấu giá và sự suy giảm lòng tin của các "nhà đầu tư" nước ngoài khi có ý định nhắm đến thị trường mỹ thuật trong nước.

Bức tranh "Cô gái thỏ" (bên phải) của họa sĩ Nguyễn Phan Bách được bán đấu giá thành công có giá lên tới 25.000USD và bức tranh được vẽ bởi họa sĩ Pháp Louis Treserras (bên trái).

Theo chia sẻ đầy tâm tư và chất chứa sự lo ngại của họa sĩ Lương Xuân Đoàn thì: "Hiện nay đã và đang tồn tại những đường dây làm tranh giả xuyên quốc gia và ngoài tầm kiểm soát của những người chuyên trách. Điều này làm tổn hại đến hình ảnh đẹp đẽ của các danh họa Việt Nam, cũng như đã xóa sạch hoàn toàn khuôn mặt của mỹ thuật Đổi mới".

Vì thế, để các hoạt động đấu giá nghệ thuật minh bạch, đem lại hiệu quả và trở thành kênh đánh giá, thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật thì cần thiết phải có những chế tài nghiêm ngặt hơn, quy định điều kiện hoạt động hay các cơ sở pháp lý cần thiết, khắt khe hơn trước khi đem các tác phẩm ra phục vụ hoạt động đấu giá.

Cũng với những băn khoăn, trăn trở xung quanh các hoạt động đấu giá tác phẩm nghệ thuật gần đây, theo nhận định rất đáng lưu tâm của họa sĩ Lê Thiết Cương - người từng tham gia hoạt động giám tuyển cho buổi đấu giá của Công ty cổ phần bán đấu giá Lạc Việt, hiện nay có ba biến dạng đáng ngại trong hoạt động đấu giá là: Mượn đấu giá tác phẩm để "đấu giá" bản thân; giá giả, nhà sưu tập giả; tranh giả, tranh nhái, tranh không rõ nguồn gốc.

Trong xã hội hiện đại, thông qua các phiên đấu giá, không chỉ giúp cho người mua hiểu hơn về giá trị của những tác phẩm nghệ thuật, mà còn giúp người bán bán được tác phẩm với mức giá phù hợp hơn, góp phần nâng tầm giá trị của các tác phẩm nghệ thuật tại Việt Nam.

Nhiều ý kiến chuyên gia cũng cho rằng, để tiến lên chuyên nghiệp, các công ty hoạt động đấu giá trong lĩnh vực nghệ thuật cũng cần có một đội ngũ chuyên gia thẩm định, giám tuyển chuyên nghiệp có trình độ cao, đáng tin cậy để thẩm định chất lượng của tác phẩm và những người này cần thiết phải được công khai danh tính.

Hoạt động kinh doanh nghệ thuật cũng phải có sự "tập dượt" và vượt qua những đòi hỏi nghiêm ngặt, điều kiện khắt khe thì mới tồn tại được lâu bền. Như vậy là, vẫn còn quá nhiều việc phải làm, phải hoàn thiện trước khi muốn hướng đến một thị trường mỹ thuật chuyên nghiệp. Trong đó, yếu tố minh bạch cần được đưa lên hàng đầu trong bối cảnh thị trường mỹ thuật Việt Nam có nhiều biểu hiện lộn xộn, nếu không muốn nói là "thật - giả lẫn lộn", "chẳng biết đàng nào mà lần"...

Nguyệt Hà
.
.