Vấn nạn tranh giả: Họa sĩ loay hoay “tự bơi”

Thứ Tư, 10/08/2016, 08:01
Dù đã có kết luận tất cả tranh ở triển lãm “Những bức tranh trở về từ Châu Âu”  là giả mạo nhưng cuối cùng chúng lại trở về với chủ nhân bộ sưu tập. Sự việc ầm ĩ này đứng trước nguy cơ chìm xuồng để lại nỗi lo lắng, bức xúc trong dư luận.  


Bất lực trước tranh giả?

Sáng 19-7, một hội đồng thẩm định được thành lập để đưa ra kết luận cuối cùng về những lùm xùm xung quanh 17 bức tranh trưng bày trong triển lãm “Những bức tranh trở về từ Châu Âu” (kéo dài từ ngày 10-7 đến ngày 21-7 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh). Hội đồng gồm ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm; ông Lương Xuân Đoàn, Phó chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam; họa sĩ Uyên Huy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh; họa sĩ Quách Phong; nhà phê bình Nguyễn Trọng Chức; điêu khắc gia Phan Gia Hương... và lãnh đạo Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh (gọi tắt là Bảo tàng).

Trước đó, ngay ngày khai mạc triển lãm, các họa sĩ, nhà phê bình... phản ứng vì cho rằng hầu hết các tranh đều là giả. Đặc biệt, điều đáng lên án là đa số tác phẩm được gán tên của tứ trụ danh họa Nghiêm – Liên – Sáng – Phái (Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái). Họa sĩ Thành Chương cũng lên tiếng và đưa ra chứng cứ xác nhận bức tranh “Trừu tượng” ký tên Tạ Tỵ là của mình, được vẽ trong khoảng thời gian 1970 – 1971. Riêng ông Vũ Xuân Chung - chủ nhân của 17 bức tranh trên - vẫn khẳng định 17 tranh được mua từ ông Jean Francois Hubert – chuyên viên thẩm định tranh Việt Nam của Nhà đấu giá nghệ thuật Christies Hong Kong - là thật.

Bức “Vườn chuối” của Nguyễn Sáng tại triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” là tranh giả.

Chiều 19-7, sau cuộc họp kín của hội đồng thẩm định, đại diện Bảo tàng đã có phát ngôn chính thức. Cụ thể, 15 trong số 17  bức tranh không phải bản vẽ do tác giả đứng tên thực hiện. Riêng hai bức tranh ký tên họa sĩ Tạ Tỵ và họa sĩ Sỹ Ngọc đã mạo danh chữ ký tác giả. Hội đồng thẩm định kiến nghị tạm giữ tất cả 17 bức tranh để phục vụ công tác điều tra.

Đại diện Bảo tàng cũng gửi lời xin lỗi đến công chúng vì đã cho phép triển lãm diễn ra khi các thông tin chưa đủ tính xác thực.  Thế nhưng, thật bất ngờ, đến cuối ngày 21-7, đại diện Bảo tàng cho hay hội đồng thẩm định chỉ có chức năng chuyên môn, không có thẩm quyền thu giữ hoặc xử lý tranh giả. Tất cả tranh cuối cùng đều phải giao lại cho ông Vũ Xuân Chung.

Rõ ràng, Luật Sở hữu trí tuệ có quy định cụ thể về hành vi xâm phạm quyền tác giả, trong đó có: chiếm đoạt quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; mạo danh tác giả; sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả… Ngoài ra, Nghị định 131/2013 về xử phạt hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan có quy định mức xử phạt hành vi vi phạm quyền tác giả với số tiền không hề nhỏ. Đồng thời, cá nhân, tổ chức vi phạm còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả.

Dù luật đã quy định khá đầy đủ để đảm bảo việc bảo hộ quyền tác giả, nhưng khi phát hiện ra những trường hợp vi phạm như trên thì không có một cơ quan nào xử lý rốt ráo, họa sĩ cũng không biết kêu ai. Bởi nếu để ý một chút sẽ thấy có nhiều vụ bắt sách lậu, hàng giả… nhưng hiếm thấy vụ bắt bớ hay kiện tụng nào liên quan đến tranh giả, tranh chép.

Và sự việc ầm ĩ chưa từng thấy lần này là một minh chứng sống động. Dù giới chuyên môn vào cuộc quyết liệt, dư luận lên án gay gắt nhưng mọi việc đâu lại vào đấy. Vụ tranh giả chấn động làng mỹ thuật này vẫn có nguy cơ rơi vào quên lãng như hàng loạt vụ phát hiện tranh giả, tranh nhái trước đây.

Mạnh ai nấy “bơi”

Trước tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, các họa sĩ đành tự tìm “phao” bảo vệ mình nếu muốn “sống chung với lũ”. Họa sĩ Đặng Phương Việt thường sử dụng loại sơn dầu lạ, khó kiếm ngoài thị trường. Anh còn sử dụng kỹ thuật vẽ nhiều lớp màu, nếu muốn bắt chước cũng rất khó. Họa sĩ Tôn Thất Bằng cũng có kỹ thuật vẽ độc đáo. Anh đưa vào tranh một loạt ký hiệu triết lý như chiếc lá, viên xúc xắc... được vẽ tỉ mỉ và phân bố nhiều trong tranh.

Trên mỗi tác phẩm, đi kèm chữ ký, anh còn vẽ logo “Khởi nguồn sự sống” mà mình sáng tạo và đã đăng ký bản quyền từ năm 2006. Vậy nên, tranh Tôn Thất Bằng hiếm gặp hàng giả. Một ca khó nữa với giới chép tranh là họa sĩ Uyên Huy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Ông có cách pha để tạo ra mảng màu rất khó bắt chước.

Tranh bị làm giả quá nhiều nên khi điện thoại thông minh nở rộ, họa sĩ Nguyễn Thanh Bình nghĩ ra cách cấp giấy chứng nhận in mã Q.R (quick response code) cho người mua. Đây là loại mã ma trận do Công ty Denso Wawe (Nhật Bản) phát minh năm 1994 nhằm chống hàng giả cho xe hơi. Nhận thấy tính hiệu quả, về sau loại mã này được nhiều người tin tưởng dùng trong nhiều lĩnh vực khác. Người mua chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét qua thì thông tin đầy đủ của tác phẩm và tác giả sẽ xuất hiện. Đây là cách hữu hiệu mà họa sĩ kêu gọi đồng nghiệp nên áp dụng đại trà để bảo vệ đứa con tinh thần của mình.

Một bức tranh chứa nhiều ký hiệu và in logo nhằm chống sao chép của họa sĩ Tôn Thất Bằng.

 Sàn Art là nơi giới thiệu rất nhiều tranh của các danh họa lẫn họa sĩ đương đại có tiếng thu hút bạn bè quốc tế. Cách mà nơi đây chống tranh giả, tranh chép là cấp giấy chứng nhận bản gốc cho tác phẩm làm ra ở đây. Bà Nguyễn Bích Trà, quản lý Sàn Art cho biết: “Chất liệu của tấm giấy này rất đặc biệt, gần như không tẩy xóa được. Do đó, nơi đây gần như chưa gặp trường hợp tranh giả nào. Chúng tôi còn tham gia vào quá trình họa sĩ tạo ra tác phẩm. Nhờ chứng kiến như vậy, chúng tôi dễ dàng kiểm chứng”.

Nhưng rất hiếm gallery sẵn sàng bảo trợ cho họa sĩ như Sàn Art. Nếu muốn bảo vệ đứa con tinh thần của mình, các họa sĩ phải đăng ký tác quyền. Nhưng mức phí bảo trợ cao lẫn vấn đề thủ tục khiến họa sĩ e dè, đặc biệt là người có nhiều tranh. Họa sĩ Uyên Huy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh thừa nhận: “Đa số anh em không hề đăng ký bản quyền cho tác phẩm. Họ không quan tâm vì tính tình quá nghệ sĩ, không thích những thứ tủn mủn, giấy tờ rắc rối”. Đến lúc xảy ra chuyện thì họ chỉ bức xúc bằng miệng chứ đa phần ngại đụng tay đụng chân.

Nói như họa sĩ Nguyễn Thị Hiền: “Các họa sĩ thường là những người ngẫu hứng, tính chất công việc độc lập và gần như tự do tuyệt đối, không phụ thuộc vào một ekip nào. Chúng tôi thích lên là làm. Nên mấy chuyện kiện tụng chúng tôi  rất ngại vì nó nhiêu khê, mất thời giờ, không đủ kiên nhẫn để theo”.

Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền từng mở gallery bán tranh của các họa sĩ trẻ. Gallery hoạt động rất tốt nhưng ngại vấn đề tranh giả tranh thật nên bà đóng cửa cho êm chuyện. Bởi có đụng chuyện cũng không biết kêu ai, đề nghị cơ quan nào giải quyết. Kêu rồi thì việc xử lý cứ kéo dài, không đi tới đâu, chỉ gây thêm phiền hà. Cho nên có người cứ “lạc quan mếu”: tranh mình đẹp, có giá thì mới “vinh dự” bị chép.

Để nạn tranh giả không còn đất sống, làm ảnh hưởng đến uy tín nền mỹ thuật Việt Nam, ngoài việc nâng cao ý thức về bản quyền, sự tự trọng của họa sĩ thì cần một hành lang pháp lý chặt chẽ giải quyết đến nơi đến chốn các vi phạm. Đặc biệt, từ đỉnh điểm vụ việc “Những bức tranh trở về từ Châu Âu”, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đề xuất cần thành lập ngay trung tâm giám định và đấu giá mỹ thuật ở cả ba miền (cụ thể là tại Bảo tàng Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh).

Việc kiện toàn cơ sở vật chất, kỹ thuật và nhân lực cần thúc đẩy nhanh chóng để có được đội ngũ thẩm định giỏi chuyên môn, uy tín với trang thiết bị hiện đại. Thứ hai, phải tiến hành thu thuế của họa sĩ và nhà sưu tập khi giao dịch tác phẩm. Điều này buộc họ phải có hóa đơn chứng từ có giá trị của Nhà nước. Đây là cơ sở quan trọng làm chứng cứ chứng minh nguồn gốc tác phẩm, tránh những rủi ro về sau.

Mai Quỳnh Nga
.
.