Những thay đổi của đời sống âm nhạc nhìn từ giải thưởng
- Trao giải thưởng âm nhạc 2017: Nhạc hàn lâm “mất mùa”
- Giải thưởng âm nhạc Cống hiến 2018: Cuộc so găng của những đối thủ nặng kí
- Sôi động giải thưởng âm nhạc cuối năm
- Giải thưởng âm nhạc
Có thể nói, ở lĩnh vực văn học nghệ thuật, âm nhạc vẫn đang là một trong những loại hình sở hữu nhiều giải thưởng nhất hiện nay. Điều đó cho thấy sự quan tâm của công chúng đối với lĩnh vực này, cũng như khả năng kêu gọi tài trợ cho việc tổ chức những giải thưởng khá dễ dàng hơn so với các lĩnh vực khác. Tập trung trong một khoảng thời gian từ cuối năm cũ và đầu năm mới đã có hàng chục giải thưởng âm nhạc thường niên góp mặt trong làng giải trí Việt.
Bên cạnh những giải thưởng truyền thống vốn quen với nhiều khán thính giả trong và ngoài nước thì ngày càng xuất hiện nhiều giải thưởng âm nhạc trực tuyến, làm cho bức tranh đời sống âm nhạc thêm xôm tụ. Những giải thưởng âm nhạc thường niên, có tính chất truyền thống phải kể tới "Làn sóng xanh", "Mai vàng", "Cống hiến"...
Những giải thưởng âm nhạc trực tuyến thì không thể không nhắc tới những cái tên như "Zing Music Awards", "Pop Awards"... Mùa giải thưởng năm nay còn ghi dấu sự xuất hiện của một giải thưởng âm nhạc trực tuyến mới, đó là giải thưởng "Keeng Young Awards".
Ca sĩ Mỹ Tâm không chỉ luôn tạo sức hút trên sân khấu mà còn là chủ nhân của nhiều giải thưởng âm nhạc danh giá. |
Đây là giải thưởng của mạng xã hội âm nhạc Keeng và dịch vụ nhạc chờ Imuzick tổ chức nhằm tôn vinh những nghệ sĩ trẻ từ 16 đến 30 tuổi có nhiều cống hiến trong âm nhạc. Giải thưởng này phụ thuộc nhiều vào lượt nghe, xem, tải của người sử dụng. Mỗi mùa giải thưởng đều có một chủ đề và chủ đề của giải thưởng năm nay là "Âm nhạc thử thách".
Theo đó, giải thưởng sẽ bao gồm 16 hạng mục trong đó 3 giải thưởng lớn nhất là 3 hợp đồng sản xuất âm nhạc trị giá 500 triệu đồng 1 giải thưởng, để ca sĩ đầu tư sản xuất những sản phẩm âm nhạc chất lượng trong năm tiếp theo.
Có hai loại hình giải thưởng: giải do công chúng yêu nhạc bình chọn và giải do Hội đồng nghệ thuật bình chọn. Giải thưởng trao gần như muộn nhất trong năm nhưng cũng thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng là giải thưởng "Cống hiến". Năm nay, giải thưởng âm nhạc "Cống hiến" có 9 hạng mục: Nhà sản xuất của năm, Music video của năm, Bài hát của năm, Nghệ sĩ mới của năm, Album của năm, Chuỗi chương trình của năm, Chương trình của năm, Nhạc sĩ của năm, Ca sĩ của năm.
Các giải thưởng âm nhạc là sự phản ánh rõ nhất gương mặt của đời sống âm nhạc Việt hiện nay. Nó thể hiện xu hướng thưởng thức âm nhạc của công chúng cũng như tư duy của những người làm nghề. Sự thay đổi của một vài giải thưởng có tính chất truyền thống như việc "Làn sóng xanh" kết hợp với một đơn vị truyền thông khác để tổ chức đã cho thấy giải thưởng có thâm niên này chưa chắc đã giữ được tiêu chí của riêng mình như nhiều năm trước đây. Vì rõ ràng là nhà tài trợ, đồng tổ chức thì hoàn toàn có thể có tham gia vào yếu tố chuyên môn, cách thức tổ chức giải thưởng.
Thực tế, thời gian trở lại đây, những giải thưởng truyền thống này đã giảm sức hút trong lòng công chúng và ngay cả với nghệ sĩ. Đã có một số nghệ sĩ tỏ ra thờ ơ trước sự vinh danh có tính chất thường niên này.
Các giải thưởng trực tuyến ngày càng nhiều, kéo theo cuộc chạy đua của những cú nhấp chuột vi tính. Đơn cử như tại giải thưởng Pop Awards 2017 đã công bố 8 giải thưởng dành cho các nghệ sĩ trên thị trường giải trí kỹ thuật số. Với hơn 200 triệu lượt người xem cho các MV chính thức của mình, giải thưởng "Nhạc sĩ của năm" thuộc về Mr Siro (tên thật là Vương Quốc Tuân). Tương tự, với hơn 50 triệu lượt người xem chỉ sau chưa đầy 2 tháng ra mắt, MV ca nhạc "Sống xa anh chẳng dễ dàng" của Bảo Anh đã nhận được giải thưởng "Video của năm".
Tương tự, ở giải thưởng "Làn sóng xanh", ca khúc "Em gái mưa" của Mr Siro do Hương Tràm thể hiện cũng nhận giải "Bài hát hiện tượng" sau khi đã "làm mưa làm gió" trên khắp trang nghe nhạc trực tuyến. Giải "Đĩa đơn" được trao cho "Lạc trôi" của Sơn Tùng - MTP sau khi ca khúc này cũng đã gây bão trong cộng đồng người trẻ yêu nhạc. Năm ca sĩ của giải thưởng này cũng thuộc về những cái tên mà giới trẻ thuộc nằm lòng như Hương Tràm, Sơn Tùng MTP Soobin Hoàng Sơn, Noo Phước Thịnh và Tóc Tiên.
Ở giải thưởng "Keeng Young Awards" cũng đã gọi tên ca sĩ Soobin Hoàng Sơn ở 3 giải quan trọng nhất là "Ca khúc của năm" với "Xin đừng lặng im" và “Nghệ sĩ xuất sắc”, còn lại là một giải trong hệ thống giải phụ là "Nghệ sĩ được yêu thích nhất".
Và giải thưởng "MV của năm" thuộc về "Bao giờ lấy chồng" của ca sĩ Bích Phương. Sự lên ngôi của các tân binh gắn liền với các ca khúc hit cho thấy những ca sĩ nắm được khán giả trẻ đồng nghĩa với việc bài hát có lượt nghe cao sẽ có cơ hội chiến thắng chắc chắn tại các giải thưởng.
Những bài hát, MV có lượt nghe, lượt xem cao gần như cầm chắc cơ hội nhận được giải thưởng trong thời đại công nghệ số lên ngôi như hiện nay nhưng liệu đó có phải là ca khúc hay không lại là một điều phải bàn cãi. Đơn cử như trường hợp Chi Pu. Tại "Zing Music Awards" năm nay Chi Pu đã vô cùng thành công khi nhận được tới 4 đề cử bao gồm "Video của năm", "Nghệ sĩ mới của năm", "Ca khúc nhạc điện tử được yêu thích" và "Nữ ca sĩ được yêu thích nhất".
Ngoài ra, 4 ca khúc của cô đều có lượng người tương tác khá lớn trên các trang nghe, xem nhạc trực tuyến. Với xuất thân là một cô gái với thành tích vừa phải ở một cuộc thi dành cho lứa tuổi teen, việc Chi Pu bước chân vào lãnh địa âm nhạc hoàn toàn không có gì đáng nói nếu như cô sở hữu một giọng hát tốt.
Nhưng với tuyên bố "Từ nay hãy gọi tôi là ca sĩ" đi kèm với tiết mục hát live không thể dở hơn thì Chi Pu quả là một hiện tượng lạ. Bất chấp mọi quan điểm trái chiều, cái tên Chi Pu xuất hiện trong các bảng đề cử đã cho thấy cứ sản phẩm nào nhiều người nghe là thắng bất luận dở hay. Hay ca sĩ Bích Phương, vốn cũng không được đánh giá cao về chất giọng nhưng bản hit "Bao giờ lấy chồng" cũng đã mang về cho cô giải thưởng tại "Keeng Young Awards".
Một số giải thưởng đã gọi tên những nghệ sĩ trẻ như Lê Thiện Hiếu. |
Hóa ra, chính ồn ào và thị phi cùng những ý kiến trái chiều trong dư luận lại khiến Chi Pu gặt gái được nhiều giải thưởng khi mới bắt đầu bước vào lãnh địa âm nhạc chỉ vừa 3 tháng của mình. Trên thực tế, số lượng khán giả tìm nghe nhạc Chi Pu phần lớn là do tò mò chứ không phải là yêu thích. Nhưng giải thưởng thì chỉ đếm lượng nghe, không quan tâm họ nghe vì sao?
Sự áp đảo của những giải thưởng trực tuyến với tiêu chí là lượt người nghe, xem trên mạng mang đến một thực tế là không phải giải thưởng nào cũng đi liền với tiêu chí chất lượng. Cho đến thời điểm này, dường như chỉ có giải thưởng âm nhạc "Cống hiến" mới xem tiêu chí bài "hit", ca khúc có nhiều người truy cập như một tiêu chí tham khảo khi xét giải.
Bởi theo nhà báo Đức Trịnh, Phó Ban tổ chức giải thưởng bày tỏ quan điểm, không phải ca khúc nào được nhiều người nghe thì có giá trị nghệ thuật. Ngược lại, nhiều ca khúc có giá trị nghệ thuật nhưng lại ít người nghe. Và quan trọng nhất, giải thưởng phải đánh giá được mức độ sáng tạo, sự đóng góp có tính chất chuyên môn nghề nghiệp của nghệ sĩ với đời sống âm nhạc.
Sự nở rộ của nhạc số cũng kéo theo hệ quả là sự vắng mặt của hạng mục Album xuất sắc, hay album của năm tại các giải thưởng âm nhạc thường niên. Theo quan điểm của giới chuyên môn thì nghệ sĩ phải ra album mới khẳng định được tài năng, những sáng tạo mới hay bước tiến của mình trong tư duy âm nhạc. Các ca sĩ, nhạc sĩ giờ đây khi có được bài hát, hay MV của mình là ngay lập tức tung ra thị trường để tận dụng lượt truy cập. Tư duy ăn xổi không phải là điều khó thấy ở các nghệ sĩ trẻ hiện nay.
Rõ ràng, các giải thưởng âm nhạc một mặt góp phần cho đời sống âm nhạc sôi động hơn nhưng cũng đồng thời phản ánh khá rõ thị trường giải trí này. Từ đó, nghệ sĩ có cơ hội khẳng định tên tuổi và tài năng của mình. Nhưng để mỗi giải thưởng tồn tại lâu dài trong lòng công chúng với uy tín, thương hiệu của mình cần có được những tôn vinh xứng đáng.