Nhạc sĩ Dương Cầm: Cánh cửa phát triển của âm nhạc Việt không quá hẹp...

Thứ Năm, 18/03/2021, 15:09
Dương Cầm nằm trong số không nhiều nhạc sĩ lựa chọn một lối đi riêng, dấn thân và cống hiến cho cộng đồng. Bandland, dự án quy tụ các ban nhạc của anh được lọt vào đề cử giải Âm nhạc Cống hiến năm 2020, mang lại những hứng khởi mới cho đời sống âm nhạc.


Anh cho rằng, cánh cửa phát triển của âm nhạc Việt Nam không quá hẹp nếu chúng ta có sự đầu tư mang tầm chiến lược của Nhà nước.

Nhạc sĩ Dương Cầm

- Năm 2020 có lẽ là một năm ấn tượng khi Nhà hát Nhạc Vũ kịch và Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long cho ra đời các vở nhạc kịch và thu hút sự quan tâm của khán giả. Là một người đóng vai trò quan trọng trong dự án này, anh có thể chia sẻ gì?

+ Đó không chỉ là mong muốn của cá nhân tôi mà của cả tập thể Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, nơi có nhiều gương mặt triển vọng, có tiềm năng muốn mang lại những sản phẩm có giá trị cho khán giả Thủ đô. Một vở nhạc kịch thể nghiệm nhận được sự đánh giá tích cực của khán giả, giới chuyên môn sẽ là tiền đề để làm những cái lớn hơn, thúc đẩy nền nghệ thuật phát triển. 

Thực tế, sản xuất một vở nhạc kịch tốn kém, thuê sân khấu biểu diễn cũng rất khó khăn. Chúng tôi cần sự hỗ trợ của thành phố, của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tạo điều kiện cho nghệ sĩ có bước đột phá. 

Hà Nội đang thiếu những điểm thưởng thức nghệ thuật. 5 năm trở lại đây ở Hà Nội những live show ca nhạc tổ chức nhan nhản, từ nhạc bolero, đến nhạc nhẹ, nhưng những chương trình nghệ thuật lại quá ít. Những chương trình nhạc kịch, ballet không đủ kéo lại để tạo sự cân bằng. Cần có nhiều chương trình như thế hơn nữa.

- Khác với Nhà hát Nhạc Vũ kịch, Dương Cầm có chia sẻ mong muốn dàn dựng những vở nhạc kịch Việt Nam. Dự án dài hơi này sẽ được triển khai như thế nào?

+ Chúng tôi muốn mang đến những sản phẩm "made in Việt Nam", những câu chuyện của người Việt được kể bằng nhạc kịch. Nhiều người cho rằng, nhạc kịch là thứ gì đó quá xa lạ, kinh điển, nhưng tôi sẽ khai thác theo một chiều hướng khác. 

Tôi dùng âm nhạc kể câu chuyện đời sống, văn hóa Hà Nội, qua đó tuyên truyền về dịch bệnh, môi trường, thiên tai, lũ lụt. Bên cạnh giải trí, tôi muốn lồng ghép những thông điệp gần gũi, đời sống, đặc biệt đó là câu chuyện Việt Nam. Mỗi năm, chúng tôi sẽ có một tác phẩm ra mắt khán giả, hy vọng sẽ có một lịch diễn định kỳ để tạo thói quen cho người xem.

- Có vẻ như Dương Cầm đang đi theo thiên hướng của một nhà sản xuất hơn là một nghệ sĩ sáng tác?

+ Tôi muốn cống hiến cho khán giả ở góc độ sản xuất, đóng góp cho đời sống âm nhạc những chương trình tốt. Hiện nay có rất nhiều chương trình nhưng không phải chương trình nào cũng cân bằng được giữa nghệ thuật và giải trí. Năm 2021, này tôi có rất nhiều kế hoạch phải làm, tôi muốn đưa dự án Bandland đi Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, tổ chức những live show  ngoài trời... Đời sống âm nhạc cần được kích hoạt bởi những dự án sáng tạo, mới mẻ hơn. 

- Anh bây giờ là một cái tên "hot" trong làng sản xuất âm nhạc. Vậy tiêu chí chọn chương trình của anh là gì để luôn giữ được sự cân bằng và không bị cuốn theo "cơm áo gạo tiền"?

+ Tôi cho rằng, nghệ sĩ không phải ai cũng đi được con đường của mình, có giai đoạn tôi phải làm nhiều chương trình, lo cơm áo gạo tiền qua ngày. Nhưng đến bây giờ, tôi hoàn toàn chủ động lựa chọn, bỏ show này đi chỉ làm show kia để định hình con đường. Nghệ sĩ để đi con đường của mình phải có sự đánh đổi để đến cái đích của mình, cho đến hôm nay tôi nghĩ sự đánh đổi đó là xứng đáng. 

Nhiều người gọi tôi là nhạc sĩ trẻ của dòng chính thống. Con đường tôi đi được định hình như vậy, tôi may mắn được gặp các ngôi sao âm nhạc của Việt Nam, được làm việc với họ và được ghi nhận. Tôi không có gì hối tiếc, tôi vui vì mình không giàu nhưng có những thành công nhất định trên con đường của mình.

Dự án Bandland của nhạc sĩ Dương Cầm góp phần kích hoạt đời sống âm nhạc Việt Nam.

- Sau thế hệ của nhạc sĩ Quốc Trung, Huy Tuấn, thì người được kể đến phải là Dương Cầm. Điều gì giúp anh có một tâm thế làm nghề ung dung, tự tại như thế?

+ Có thể tôi bị già trước tuổi, những suy nghĩ, cảm nhận về cuộc sống của tôi luôn già hơn bạn bè. Tôi mong muốn cuộc sống và con đường đi của mình như vây. Và âm nhạc luôn gắn liền với đời sống của con người. Tôi sống già dặn, nội tâm nên âm nhạc của tôi thế, sâu hơn, chín hơn. Tôi không thể nói các bạn sai hay đúng. Phải đi một chặng đường rất dài, 10-20 năm mới biết mình sai hay đúng.

- Dự án Bandland của anh đã đi được chặng đường một năm và nhận được nhiều phản hồi tích cực. Anh có mơ ước sẽ đưa Bandland đi ra thế giới?

+ Tôi nghĩ, đó không phải là ước mơ quá xa xôi. Thực tế đã có nhiều ban nhạc tham gia Bandland họ đã tham gia các festival âm nhạc khu vực rồi, việc mình mở rộng vùng đất của mình ra khu vực lân cận như Thái Lan, Philippines không xa vời. 

Khi tiếp cận các bạn, tôi có niềm tin, các bạn trẻ chơi nhạc tốt, kỹ năng, trình độ kém không quá xa các nước trong khu vực, thậm chí so với vài nước chúng ta còn nhỉnh hơn. Bước một chân ra khu vực như Đông Nam Á, hay châu Á là hoàn toàn có thể. 

Nhạc sĩ Quốc Trung đã từng đưa nghệ sĩ của chúng ta biểu diễn ở các festival âm nhạc trong khu vực. Tôi mong một ngày Bandland sẽ đưa ban nhạc đi biểu diễn trong khu vực và đưa các ban nhạc nước ngoài về Việt Nam. Nó góp phần kích hoạt đời sống âm nhạc Việt Nam phát triển.

- Nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng, đời sống âm nhạc Việt Nam cần sự dấn thân, sáng tạo của những nghệ sĩ trẻ, chúng ta đang đứng trong ao làng và tự khen nhau?

+ Sau nhiều năm hoạt động nghệ thuật, vừa làm Nhà nước vừa tư nhân, tôi thấy đời sống đời sống âm nhạc nghệ thuật ở nước ta gần như chưa nhận được sự quan tâm đúng mức từ phía Nhà nước. Chúng ta có nghệ sĩ cá tính, tài năng nhưng cần có sự khích lệ, đầu tư xứng đáng hơn. Nếu không tạo sân chơi để các bạn sáng tạo thì mãi mãi các bạn chỉ loanh quanh chơi một mình, không phát triển được. Nếu Nhà nước không làm thì các tổ chức tư nhân cần vào cuộc. 

Nhạc sĩ Quốc Trung là người đi đầu trong việc đưa nghệ sĩ Việt Nam ra thế giới, sau đó là nhạc sĩ Huy Tuấn. Hai anh đã đặt nền tảng rồi thì thế hệ chúng tôi càng cố gắng, đưa nghệ sĩ trẻ Việt Nam ra thế giới. 

Nhưng tôi nhắc lại, đó chỉ là nỗ lực của từng cá nhân chúng tôi. Nếu muốn sự thay đổi mang tính tổng thể hơn, chúng ta cần các chiến lược mang tầm quốc gia. 

Tôi cho rằng, cánh cửa không quá hẹp đâu, trong 5 năm tới sẽ có rất nhiều cơ hội. Các bạn trẻ có sức mạnh, có tiềm năng nhưng cần 5 năm định hướng, đầu tư để các bạn sáng tạo, phát triển và bước ra thế giới.

- Chúng ta đang đưa ra mục tiêu phát triển âm nhạc nghệ thuật để thúc đẩy nền công nghiệp sáng tạo của Việt Nam. Vậy theo anh, chúng ta cần sự đầu tư như thế nào?

+ Hãy nhìn vào câu chuyện của Hàn Quốc, để có một nền âm nhạc phát triển mạnh mẽ như vây giờ, để có một ban nhạc Kpop BTS khuynh đảo cả thế giới, họ đã có một chiếc lược đầu tư tổng thể từ chính phủ. Chính phủ Hàn Quốc đầu tư cho một thế hệ nghệ sĩ đi học ở Mỹ và chính các nghệ sĩ đó về đào tạo cho thế hệ sau. 

Tôi hay theo dõi các kênh giáo dục âm nhạc Hàn Quốc, bây giờ, các nghệ sĩ Hàn Quốc làm âm nhạc không khác gì Mỹ. Hàn Quốc bây giờ như Mỹ còn chúng ta đang chạy theo Hàn Quốc cách đây mấy chục năm. 

Việt Nam hoàn toàn có thể làm được, chúng ta đầu tư cho một thế hệ trẻ sang Hàn Quốc học, chỉ cần 5 đợt cho học sinh đi, mỗi đợt 20 người, từ sáng tác, biểu diễn, sản xuất chương trình... Sự đầu tư bài bản sẽ tạo nên những thay đổi tích cực và tạo ra sự cộng hưởng chung của cả một thế hệ. 

Tôi cho rằng đầu tư không khó, chi phí cũng không quá lớn so với chúng ta đang đầu tư vào quá nhiều lễ hội. Những chính sách mang tầm chiến lược của một quốc gia sẽ thúc đẩy và làm thay đổi đời sống âm nhạc Việt một cách mạnh mẽ. Còn chúng tôi, dù vẫn đầy hứng khởi để thực hiện các dự án của mình, nhưng rõ ràng đó chỉ là những nỗ lực của cá nhân, rất bé nhỏ.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh. 

Việt Hà (thực hiện)
.
.