Giải thưởng âm nhạc Việt: Chưa xứng tầm và “bao quát” được thị trường?

Thứ Sáu, 26/04/2019, 08:31
Trong hệ thống giải thưởng âm nhạc thường niên, không thể không nhắc tới những giải thưởng âm nhạc chính thống, có lịch sử tồn tại khá lâu như "Làn sóng xanh", "Mai vàng", "Sao Mai", "Cống hiến"... Trong đó, lâu năm nhất phải kể tới "Làn sóng xanh" của Đài Tiếng nói nhân dân TP Hồ Chí Minh với lịch sử hơn 20 năm...


Hằng năm, mỗi khi giải thưởng âm nhạc Cống hiến được công bố cũng là lúc mùa giải thưởng trong năm của âm nhạc Việt Nam tạm thời khép lại. Sự xuất hiện của hàng loạt giải thưởng trong thời gian qua khiến thị trường âm nhạc trở nên rộn ràng, nhưng dường như cũng tạo nên một bức tranh giải thưởng xô bồ và thiếu chuyên nghiệp. Giấc mơ về một giải thưởng âm nhạc tiệm cận những giá trị bền vững, có khả năng bao quát thị trường vẫn còn là một giấc mơ xa.

Có thể nói, cho đến thời điểm này, trong đời sống văn học nghệ thuật, âm nhạc là lĩnh vực có nhiều giải thưởng nhất. Điều này không khó hiểu vì âm nhạc là một trong số những lĩnh vực có sức ảnh hưởng, lan tỏa sâu rộng trong đời sống tinh thần của con người. Mỗi cá nhân ở lứa tuổi khác nhau, với trình độ văn hóa khác nhau lại có một nhu cầu thưởng thức âm nhạc khác nhau. Vì thế mà bức tranh giải thưởng âm nhạc cũng vô cùng đa sắc.

Trong hệ thống giải thưởng âm nhạc thường niên, không thể không nhắc tới những giải thưởng âm nhạc chính thống, có lịch sử tồn tại khá lâu như "Làn sóng xanh", "Mai vàng", "Sao Mai", "Cống hiến"... Trong đó, lâu năm nhất phải kể tới "Làn sóng xanh" của Đài Tiếng nói nhân dân TP Hồ Chí Minh với lịch sử hơn 20 năm.

Một số nghệ sĩ tại Lễ trao giải “Cống hiến” 2019.

Trong quá trình tồn tại của mình, đã có những thời điểm, giải thưởng "Làn sóng xanh" có vị trí quan trọng trong đời sống âm nhạc. Những nghệ sĩ được vinh danh ở giải thưởng này vô cùng vinh dự, tự hào, vì giải thưởng khẳng định tài năng, sự đóng góp cũng như sức hút của các ca sĩ.

Ngoài ra, nó còn phản ánh khá chính xác đời sống âm nhạc Việt. Sở dĩ "Làn sóng xanh" có được vị thế ấy bởi giải thưởng có nền tảng lâu đời là một kênh phát thanh âm nhạc. Nhiều ca sĩ của làng nhạc Việt thành danh từ giải thưởng này như Hồng Nhung, Phương Thanh, Mỹ Tâm, Đan Trường...

Sau 20 năm, giải thưởng này có những thay đổi đáng kể trong cách thức tổ chức và tiếp cận công chúng. Từ "Làn sóng xanh" trở thành "Làn sóng xanh Next step" với sự phối hợp tổ chức cùng với một đơn vị ngoài. Phương án này là giải pháp cho bài toán kinh tế trong bối cảnh hiện nay nhưng nó lại khiến giải thưởng mang trên mình có một điểm trừ. Sự thương mại hóa ở một giải thưởng có thâm niên 20 năm là điều ai cũng dễ nhìn ra.

Cùng với "Làn sóng xanh", giải "Mai vàng" của báo Người Lao động, HTV Awadrs cũng đã từng thu hút sự quan tâm của khán giả và những người làm nghề. Được xướng tên ở giải thưởng này cũng đã từng là sự mong mỏi của không ít ca sĩ. Với các giải thưởng âm nhạc trên truyền hình thì "Sao Mai" (tiền thân là giải Tiếng hát Truyền hình) được tổ chức lần đầu năm 1997, sau đó là "Sao Mai điểm hẹn" (tổ chức năm 2004) là những giải thưởng tạo sức ảnh hưởng lớn trong dư luận.

Không thể phủ nhận, những ca sĩ vinh danh ở những mùa đầu tiên đều trở thành ca sĩ tên tuổi của đời sống âm nhạc. Sau này, mặc dù "Sao Mai" vẫn bài bản, chất lượng thí sinh tốt, nhưng sự quen thuộc trong khâu tổ chức đã khiến giải thưởng này kém dần sức hấp dẫn.

Một số lùm xùm xung quanh giải thưởng cũng là điều khiến giải thưởng kém thiêng. Ngoài ra, sự đổ bộ ồ ạt của một loạt cuộc thi ca nhạc trên truyền hình như "Sao Mai điểm hẹn, "Vietnam Idol", "Tìm kiếm tài năng Việt", "Giọng hát Việt", "Bài hát yêu thích", "Ban nhạc Việt"... đã khiến giải thưởng âm nhạc được trao thường xuyên như cơm bữa.

Có những giải thưởng mà sau một thời gian, đến hẹn lại lên, những cái tên như Đan Trường, Lam Trường, Phương Thanh, Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm... cứ lần lượt được xướng tên ở hạng mục cao nhất đã khiến một số ca sĩ quyết định xin rút khỏi giải thưởng. Sự nhường ngôi một mặt là động thái tích cực để các ca sĩ trẻ có cơ hội tỏa sáng, nhưng một mặt cũng cho thấy thực tế, các ca sĩ thành danh không mặn mà với giải thưởng nữa

Khi mới ra đời, giải thưởng âm nhạc "Cống hiến" (tổ chức lần đầu năm 2005) là giải thưởng âm nhạc duy nhất có kết quả từ các nhà báo theo dõi mảng âm nhạc được kỳ vọng như "Grammy Việt Nam". Giải thưởng được xây dựng với mục đích để giới báo chí tích cực tham gia xây dựng vào sự nghiệp phát triển âm nhạc Việt Nam, đồng thời động viên, khuyến khích và thúc đẩy lĩnh vực sáng tạo âm nhạc đại chúng và góp phần nâng cao thẩm mỹ âm nhạc của công chúng.

Tuy nhiên, sau 14 năm ra đời, giải thưởng vẫn chưa thể hiện được sức ảnh hưởng với đời sống âm nhạc như kỳ vọng. Thậm chí, ở giải thưởng này ngày càng thấy sự phân hóa rõ nét giữa những người cầm cân nảy mực ở 2 miền Nam - Bắc.

Từ khi trào lưu nghe nhạc trực tuyến bùng nổ, cũng là lúc các giải thưởng âm nhạc thuộc phương thức này ồ ạt xuất hiện. Trong đó phải kể tới "Zing Music Awards" (ZMA), "Pops Awadrs", Keeng Music Awards (KMA). Sau gần chục năm ra đời, giải thưởng ZMA vốn được coi như phản ánh khá chính xác thị trường âm nhạc trực tuyến đã có những thay đổi. Ví như gần đây, giải thưởng này không dựa vào chỉ số tổng hợp từ xem, nghe, tải... như mọi năm, mà dựa vào bảng Zing Chart.

Những nghệ sĩ mùa đầu tiên của Làn sóng xanh cũng có mặt trong lễ trao giải năm nay.

Được biết, Zing Chart đo lượng sức ảnh hưởng của tác phẩm hay nghệ sĩ dựa trên người nghe thật. Còn KMA là giải thưởng của mạng xã hội Keeng và dịch vụ nhạc chờ Imuzik tổ chức, nhằm tôn vinh những nghệ sĩ trẻ dưới 30 tuổi có cống hiến cho âm nhạc. KMA phụ thuộc nhiều vào lượt người xem, nghe, tải của người dùng.

Còn giải thưởng POPS của mạng lưới đa kênh tổ chức ở năm thứ 4 này cũng có nhiều thay đổi, bên cạnh những hạng mục giải thưởng cho các nhóm/nhà sáng tạo dựa trên lượt xe, nghe, tải thì thời gian gần đây đã hướng đến vinh danh các sản phẩm, nghệ sĩ đi sâu chuyên môn, tạo được xu hướng thị trường trong năm.

Như vậy, đếm sơ sơ đã có hơn 10 giải thưởng âm nhạc thường niên góp mặt trong làng giải trí Việt. Mặc dù các giải thưởng cũng đã có những sự thay đổi, ví dụ như những giải thưởng của các cuộc thi chính thống cũng quan tâm nhiều hơn đến khán giả trực tuyến. Các giải thưởng của các mạng xã hội chú trọng thêm vào những khán giả thật sự. Tuy nhiên, sự xuất hiện tràn lan của các giải thưởng cũng đã khiến chất lượng các giải thưởng không được như kỳ vọng.

Ở bất kỳ lĩnh vực nào, giải thưởng luôn là điều khích lệ tinh thần, ghi nhận những nỗ lực bền bỉ của các nghệ sĩ đích thực. Mục đích của những giải thưởng là để tôn vinh giá trị những cống hiến của các nghệ sĩ, cũng như khuyến khích sự sáng tạo của họ thì giải thưởng ấy mới được công chúng cũng như người làm nghề mong đợi.

Tuy nhiên, với nhạc Việt, dường như chúng ta đang có quá nhiều giải thưởng nhưng chưa có được giải thưởng có tầm quan trọng như mong muốn nên số lượng lại không đi kèm với chất lượng. Giải thưởng ít nhưng có giá trị và chính xác sẽ tạo được niềm tin tuyệt đối cho nghệ sĩ. Nhiều ý kiến cho rằng, mỗi năm, làng giải trí Việt ồn ào với hàng loạt lễ trao giải âm nhạc. Mỗi giải đều tham gia vào bức tranh âm nhạc với một màu sắc khác nhau đã tạo thành một bức tranh đa sắc cho thị trường âm nhạc.

Nhưng, vẫn thường xuyên xuất hiện tình trạng, ở một số giải thưởng âm nhạc có ngôi vị cao nhất, những tên tuổi khi được xướng tên lại khiến khán giả và người làm nghề nhạc nhiên, thậm chí thất vọng.

Sự lệch pha giữa yếu tố chuyên môn và sở thích của khán giả cũng là điều dễ nhận thấy ở một số giải thưởng khiến kết quả giải thưởng gây nhiều tranh cãi trong dư luận. Chính vì vậy, sau một thời gian, các giải thưởng dù truyền thống hay trực tuyến đều có những điều chỉnh với mong muốn phản ảnh thực chất hơn sự phát triển của thị trường âm nhạc.

Ví dụ, giải "Mai vàng" cũng có sự đan xen giữa phiếu bình chọn của bạn đọc và tư vấn của hội đồng chuyên môn, giải thưởng âm nhạc trực tuyến thì không chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào lượt nghe, xem trên mạng như ngày đầu.

Điểm hạn chế lớn nhất trong các giải thưởng âm nhạc ở Việt Nam vẫn là khó tìm được điểm chung giữa yếu tố chuyên môn, nghệ thuật và thị trường. Các giải thưởng mới chỉ phản ánh được thị hiếu thưởng thức âm nhạc của khán giả trẻ, chưa phản ánh đúng thực chất sự phát triển của thị trường, khó có sự bao quát tổng thể diện mạo thị trường. Giấc mơ về một giải thưởng xứng tầm, là niềm mong đợi và ngưỡng vọng của bất kỳ ca sĩ nào trong làng nhạc Việt có lẽ vẫn xa vời ở thời điểm này.

Khánh Thảo
.
.