Nhà văn trinh thám Dan Brown: Tình yêu nhiều hơn lòng thù hận

Thứ Ba, 30/01/2018, 13:32
Mới đây, Nhà xuất bản ACT Nga đã cho ra mắt cuốn tiểu thuyết trinh thám mới của Dan Brown "Nguồn gốc". Đây là cuốn tiểu thuyết thứ 5 về Giáo sư Đại học Harvard Robert Langdon.


Cũng như trong các cuốn sách trước, chuyên gia về hình tượng và ký tượng tôn giáo lại buộc phải "cứu" thế giới, lần này ở Tây Ban Nha. Sau đây, xin trân trọng giới thiệu bài trả lời phỏng vấn của nhà văn tại buổi giới thiệu sách trong khuôn khổ Hội chợ sách quốc tế ở Frankfutr.

- Ông còn chưa chán Robert Langdon hay sao? Sau 5 cuốn sách, ông vẫn quan tâm tới vị giáo sư này như một nhân vật, hay dần dần ông nghĩ:"Tôi không muốn nhìn mặt con người này nữa"?

+ Không, tôi yêu chàng trai này. Mà tại sao tôi không yêu anh ta cơ chứ. Langdon là con người mà tôi muốn trở thành. Anh ta dũng cảm và mạo hiểm hơn tôi nhiều, cuộc đời anh ta rất phong phú.

- Câu chuyện trong các cuốn sách của ông luôn diễn ra ở châu Âu. Vì sao cựu thế giới lại hấp dẫn như vậy, và vì sao Langdon luôn luôn hướng tới đó?

+ Langdon mê châu Âu, bởi vì tôi cũng mê châu Âu. Nói tóm lại, tôi phải lòng châu Âu vì lịch sử của nó, kiến trúc và mối liên hệ kỳ lạ với quá khứ mà tôi hoàn toàn không cảm thấy ở đất nước trẻ tuổi của tôi. Hơn nữa, Mỹ là đất nước của những kẻ tiêu thụ. Chúng tôi là nạn nhân của xã hội tiêu thụ đó. Có thể, bạn cảm thấy điều này là kỳ quặc, nhưng ở châu Âu, tôi ngưỡng mộ những điều rất đơn giản. Bạn vào nhà hàng, gọi một món ăn, và người ta mang đến cho bạn một món ăn vừa phải. Chạy trên đường phố là những chiếc xe tương xứng với con người, chứ không phải những chiếc limousine sang trọng được mua với số tiền khủng khiếp.

Mặc dù vậy, tôi không muốn sống ở bất cứ nước nào trên thế giới ngoài Mỹ. Tôi tự hào về đất nước mình, ngay cả hiện nay. Và một trong những nguyên nhân khiến tôi tự hào nhất về nền dân chủ Mỹ là hệ thống quản lý nhà nước khiến cho Tổng thống hiện nay, cho dù rất muốn, cũng không thể phạm sai lầm quá nhiều. Chính tôi đã chuẩn bị viết "Mật mã Trump", nhưng điều đó giống thật quá, ngay cả đối với tôi, vì vậy, tôi không viết.

Nhà văn trinh thám Dan Brown.

- "Nguồn gốc" được xuất bản vào đầu tháng 10 năm 2017 bằng 6 thứ tiếng và đến cuối năm sẽ xuất bản thêm bằng một số thứ tiếng nữa. Ông có hy vọng vào thành công lớn không?

+ Bạn biết không, tôi nhớ rất rõ nhiều năm trước, khi cuốn sách đầu tay của tôi được xuất bản. Chúng tôi chỉ bán được 98 bản, hơn nữa 15 bản do mẹ tôi mua vì bà muốn ủng hộ tôi. Vì vậy, tôi cảm ơn số phận và độc giả về tất cả những gì đang diễn ra hiện nay với các cuốn sách của tôi. Trước khi tiểu thuyết "Nguồn gốc" ra đời, chúng tôi đã nhận được hơn một triệu đơn đặt hàng.

-  "Nguồn gốc" là cuộc phiêu lưu thứ 5 của Robert Langdon. Lần này câu chuyện diễn ra ở Tây Ban Nha, và giáo sư đến bảo tàng Guggenheim ở Bilbao. Ông trực tiếp làm việc bao lâu ở các bảo tàng Tây Ban Nha để thu thập tài liệu cho cuốn sách mới?

+ Tôi đã sống ở Tây Ban Nha hồi bé, nghiên cứu lịch sử nghệ thuật ở Đại học Siviglia, và học trường cao đẳng. Sau này tôi cũng nhiều lần trở lại Tây Ban Nha. Để viết cuốn sách này, tôi phải đến Tây Ban Nha ba lần và sống ở đấy tổng cộng một vài tháng. Tôi tham quan Bảo tàng Guggenheim với người hướng dẫn của tôi về nghệ thuật hiện đại Tây Ban Nha. Bạn biết đấy, giống như tôi, Langdon nghiên cứu nghệ thuật cổ điển, nghệ thuật thời Phục hưng, vì vậy, đối với hai chúng tôi, nghệ thuật hiện đại là một khu rừng rậm, một thế giới kỳ lạ và không nhận thức được.

Tôi nghĩ, tất cả chúng ta không lạ gì cảm giác kỳ quặc này, khi bạn đứng trong bảo tàng, nhìn lên một tấm toan rất lớn toàn màu trắng, trừ một chấm đỏ ở góc, và người ta nói với bạn rằng bức tranh này giá 17 triệu USD. Tôi vừa gãi gáy vừa nói với người hướng dẫn: "Ồ, cái này tôi cũng có thể vẽ được!". Anh ta từ tốn trả lời: "Vâng, nhưng ông đã không làm điều đó". Vậy nên, ở Bilbao, tôi cũng như Langdon biết rằng nghệ thuật hiện đại trước hết là một quan niệm, chứ không phải tác phẩm. Một thế giới hấp dẫn cho việc nghiên cứu.

- Xin ông cho biết một vài nét về nội dung, vì nhiều người chưa có điều kiện đọc cuốn sách. Ý tưởng về một nhà khoa học vô thần phát hiện ra một điều gì đấy có thể phá vỡ niềm tin tôn giáo của mỗi người xuất hiện như thế nào?

+ Thật buồn cười, nhưng phần lớn các cuốn sách của tôi hoặc trực tiếp gắn liền với những cuốn sách tôi đã đọc, hoặc với những tác phẩm nghệ thuật tôi đã nhìn thấy. Cụ thể, ý tưởng này ra đời từ âm nhạc mà tôi đã được nghe. Đó là khúc nhạc có tên gọi "Missa Charle Dawin", vốn là tác phẩm của một nhạc sĩ chuyên nghiệp đương đại. Khi nghe bản nhạc này, tôi bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về sự sáng tạo, về những hành động sáng tạo của thượng đế và về sự tiến hóa. Tôi bắt đầu suy ngẫm, chúng ta từ đâu đến và chúng ta đang đi về đâu. Và cuối cùng tiểu thuyết "Nguồn gốc" thực sự trả lời một câu hỏi hết sức đơn giản: "Thượng đế có sống lâu hơn khoa học không?". Tôi nghĩ rằng đây là một trong những câu hỏi mang tính khiêu khích và tranh luận nhất của thời đại chúng ta.

Bạn hãy nhìn vào lịch sử: không một vị thần nào sống lâu hơn sự phát triển của khoa học. Vào thời cổ đại, chúng ta có cả một đền Panteon dành cho các vị thần cần thiết để giải thích tất cả những gì chúng ta không hiểu, từ thủy triều đến mặt trời mọc. Dần dần khoa học vào cuộc, và chúng ta biết rằng thủy triều chẳng liên quan gì tới thần Poseidon, còn sấm chớp không liên quan gì tới thần Sấm. Và những vị thần này bắt đầu biến mất. Cuốn tiểu thuyết của tôi đặt ra vấn đề: liệu có phải chúng ta đang ngây thơ tin tưởng rằng các vị thần hiện nay sẽ tồn lại và nắm giữ quyền lực đối với loài người sau 100, 500, 1.000 năm nữa?

- Nhân vật Edmund Kirsch của ông đã thực hiện một phát minh liên quan tới nguồn gốc loài người và trả lời câu hỏi chính của cuốn sách. Nhưng còn một câu hỏi chưa được trả lời. Bao giờ Robert Langdon gặp một phụ nữ đẹp tóc đen và nàng sẽ ở lại lâu dài với anh ta?

+ (cười) Bạn biết không, tất cả mọi người phàn nàn rằng Langdon không có bạn gái. Nhưng điều quan trọng cần phải hiểu về cuốn sách này như sau: câu chuyện diễn ra trong 24 tiếng đồng hồ. Tôi không biết bạn sống trong thế giới nào, nhưng trong thế giới của tôi, khoảng thời gian đó quá ngắn cho tình yêu (cười). Tuy nhiên, chúng ta sẽ xem điều gì sẽ xảy ra.

- Ông nghiên cứu tài liệu như thế nào khi viết cuốn sách? Ông có đọc các tài liệu quan trọng không?

+ Điều đầu tiên tôi làm là đọc sách. Không ngừng nghỉ và hầu như không phải sách văn học. Chẳng hạn, sau khi tôi quyết định viết về sự sáng tạo, về tương lai của Thượng đế, về trí tuệ nhân tạo, và về nghệ thuật hiện đại, tôi bắt đầu đọc. Tôi đọc như vậy từ 6 tháng đến một năm. Tôi vừa đọc vừa đặt ra những câu hỏi mà tôi muốn hỏi các nhà chuyên môn. Sau đó tôi chuyển sang giai đoạn tiếp theo: gặp các nhà khoa học nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo, trò chuyện với những người hướng dẫn nghệ thuật hiện đại, với các chức sắc tôn giáo, tôi đến Tây Ban Nha…

Và khi chưa kết thúc giai đoạn nghiên cứu này, tôi không thể bắt tay viết. Chính tôi không biết tôi thiếu điều gì khi chưa tìm ra. Xin đơn cử một ví dụ nhỏ: Tôi biết rằng trong "Nguồn gốc" sẽ có một cảnh bên trong nhà thờ Saganda Familia. Tôi biết rất rõ ngôi nhà thờ ấn tượng này của Gaudi ở Barcelona và đã nghĩ ra rất tỉ mỉ một cảnh mà tôi chuẩn bị viết ở đấy. Nhưng bỗng nhiên trong chuyến đi Tây Ban Nha lần thứ ba, tôi phát hiện ra trong nhà thờ một thang gác xoắn ốc tối rất nguy hiểm. Và khi leo lên thang gác này, tôi chợt hiểu ra rằng có ai đó phải chết ở đây. Đó là ví dụ trực quan về việc cốt truyện được hình thành và thay đổi như thế nào.

- Một trong những nhân vật của "Nguồn gốc" - nhà tương lai học ra sức đi tìm lời giải đáp cho những câu hỏi bức thiết. Ông có thể đưa ra dự báo của mình về tương lai gần không?

+ Khi viết "Nguồn gốc", tôi đã dành không ít thời gian để khảo sát các dự báo và trò chuyện với các nhà tương lai học như Edmund Kirsch. Có một số giả thuyết chủ yếu về việc nhân loại sẽ đi về đâu. Một số nhà tương lai học cho rằng sự phát triển của công nghệ, cụ thể là trí tuệ nhân tạo, sẽ cứu loài người. Trí tuệ nhân tạo sẽ giải quyết các vấn đề liên quan tới môi trường, sự khan hiếm tài nguyên thiên nhiên, sự quá tải dân số trên thế giới.

Tất  cả những vấn đề này đã được đặt ra trước nhân loại, và càng ngày càng trở nên gay gắt hơn. Những người ủng hộ trí tuệ nhân tạo và các chuyến viễn du vào vũ trụ cho rằng chúng ta thực sự đang bước vào thời đại Phục hưng mới, rằng tương lai sẽ sáng sủa hơn so với những gì chúng ta nghĩ.

Nhưng có một số người khác cho rằng sự tiến bộ và thời đại Phục hưng mới tiềm ẩn mặt trái của chúng. Họ đưa ra bằng chứng không thể chối cãi trong lịch sử loài người, đồng thời chỉ ra rằng không một phát minh quan trọng nào không bị sử dụng vào mục đích quân sự. Khi những người cổ đại vừa tìm ra lửa để nấu thức ăn, thì hóa ra, lửa cũng có thể dùng để đốt ngôi làng bên cạnh. Chúng ta giải phóng năng lượng hạt nhân, chế tạo lò phản ứng hạt nhân và học được cách sử dụng chính năng lượng này làm vũ khí.

Thật là ngây thơ khi nghĩ rằng trí tuệ nhân tạo sẽ không bị sử dụng như một công cụ của cái ác. Mặt khác, nếu nhìn vào thế giới đương đại, chúng ta sẽ thấy: chúng ta có tất cả công nghệ cần thiết để hủy diệt hành tinh, nhưng dù sao con người vẫn không làm điều đó. Tôi nghĩ rằng năng lượng sáng tạo trên thế giới nhiều hơn năng lượng hủy diệt, còn tình yêu nhiều hơn lòng hận thù. Bẩm sinh tôi là người lạc quan.

Trần Hậu (dịch)
.
.