Nhà văn trinh thám Na Uy: Jo Nesbo: Có thể sống được nếu mỗi năm xuất bản... 1 cuốn sách

Thứ Sáu, 21/10/2011, 08:00
Nhà văn trinh thám Na Uy nổi tiếng thế giới Jo Nesbo vừa đến Moskva để giới thiệu cuốn tiểu thuyết mới nhất của ông "Con báo". Chỉ riêng ở Na Uy, tác phẩm này đã được xuất bản 1,5 triệu cuốn, còn ở nước ngoài là 11 triệu cuốn bằng 40 thứ tiếng. "Con báo" là cuốn tiểu thuyết thứ 8 của Nesbo về thanh tra Harry Hole. Nhân dịp này, nhà văn có cuộc trò chuyện với phóng viên báo điện tử Nga Lenta.ru. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

- Mọi người đều biết câu nói của Flaubert "Bà Bovary đó là tôi", và Conal Doyle thừa nhận rằng Sherlock Holmes chính là ông ta. Trong chừng mực nào Harry Hole chính là ông?

+ Khi bắt đầu viết về Harry, tôi nghĩ rằng anh ta là mặt đối lập hoàn toàn của tôi. Ngoại hình anh ta khác, nói năng cũng khác. Nhưng thời gian trôi đi và tôi nhận ra rằng nhân vật chính không thể không kế thừa những nét nào đó của tác giả. Harry chia sẻ phần lớn những giá trị đạo đức cơ bản của tôi, niềm say văn hóa pop của tôi. Chúng tôi có cùng thị hiếu âm nhạc. Giữa tôi và nhân vật, rõ ràng, có cái gì đó chung.

- Ở Nga, người ta không thể hình dung được rằng tiểu thuyết trinh thám tham gia vào một cuộc thi văn học danh giá, kiểu như "Booker". Còn ở Na Uy thì sao?

+ Hiện nay cả ở Na Uy lẫn nhiều nước trên thế giới tồn tại một xu thế là tiểu thuyết trinh thám đã nhảy từ các kiốt vào các cửa hiệu sách. Và nhiều nhà văn tài năng "nghiêm túc" thử sức mình trong thể loại này.

- Mấy năm gần đây, ở Nga và trên thế giới người ta nói về "sự bùng nổ của văn học Scandinavia". Chính phủ các nước Scandinavia, trong đó có Na Uy, tích cực ủng hộ nền văn học của mình, tài trợ cho các nhà văn, nhà xuất bản, dịch giả. Có đúng vậy không?

+ Đúng thế. Vậy, xin hỏi ở Nga có bao nhiêu nhà văn chuyên nghiệp sống được bằng tác phẩm?

- Tôi nghĩ rằng khoảng 3 - 4 người. Cùng lắm là 6 người. Còn lại họ là các nhà báo, nhà biên kịch, thậm chí doanh nhân.

+ ở Na Uy, với dân số 5 triệu người, có khoảng 150 nhà văn sống được bằng lao động văn học. Tôi đã đặt câu hỏi như vậy ở Pháp, nơi có số dân hơn 60 triệu và được trả lời là chỉ có khoảng 50 - 60 nhà văn làm được như vậy. Ở Na Uy cũng có ngần ấy nhà văn nhận được sự hỗ trợ của nhà nước, sau khi tác phẩm của họ đã được kiểm tra chất lượng tại Hội đồng nhà văn. Cụ thể, trước khi xuất bản cuốn sách, các nhà văn được đặt hàng 2.000 bản để phân phối cho 15.000 thư viện. Vì vậy, nếu mỗi năm anh xuất bản 1 cuốn sách thì có thể sống được. Còn nếu mỗi năm không ra được 1 cuốn thì... phải có một người vợ biết cảm thông.

- Xin hãy quay lại cuốn sách mới nhất của ông: "Con báo". Cuốn sách bắt đầu từ việc nhân vật chính trở về nhà sau nửa năm sống ở Hồng Kông và nghĩ rằng: "Na Uy rất hay vì nó chẳng bao giờ thay đổi". Nếu trở về Na Uy bây giờ, sau "vụ Anders Breivik" - liệu anh ta có thể nhận ra những thay đổi không?

+ Nếu như được hỏi cách đây một tháng, tôi có thể trả lời: "Tất cả đã thay đổi". Nhưng bây giờ, tôi sẽ trả lời: "Chẳng có gì thay đổi". Hiện nay, những gì xảy ra ở Na Uy được coi như một thiên tai hơn là sự biểu hiện của một phong trào chính trị nào đó trong xã hội Na Uy. Đó không phải là một vụ khủng bố từ nước ngoài, như ở Mỹ, để rồi sau ngày 11-9, người ta ngạc nhiên phát hiện ra rằng: "Thế giới căm thù chúng tôi! Vì sao?". Đó là một bi kịch vô nghĩa. Vì vậy, tôi không tin rằng xã hội Na Uy sẽ thay đổi nhiều: Nó không cảm thấy sự cần thiết phải thay đổi

Trần Thanh Hằng
.
.