Nhà biên kịch Quý Dũng: Không đổi mới, nghệ thuật sẽ chết
- Nhà biên kịch Xuân Trình: Sân khấu là duyên mệnh
- Nhà biên kịch Đoàn Tuấn: Sống và viết để trả ơn ký ức
- Nhà thơ, nhà biên kịch Văn Trọng Hùng: Hơn cả “ ôn cố tri tân”
Với anh, nghệ thuật là sự khám phá, sáng tạo không ngừng nên anh vẫn luôn tìm kiếm những lối viết mới, những thử nghiệm mới. Anh quan niệm, nghệ thuật mà rơi vào lối mòn thì sẽ cáo chung. Sau đây là những chia sẻ về nghệ thuật của anh trong bài phỏng vấn với Văn nghệ Công an.
Nhà biên kịch Quý Dũng (người đứng giữa) đoạt giải Cánh diều vàng năm 2014. |
Nghệ thuật sáo mòn, sẽ dẫn đến cáo chung
- Xin được bắt đầu bằng những thử nghiệm mới trong những kịch bản của anh. Cụ thể, đó là gì?
+ Cũng giống như người họa sĩ luôn tìm tòi những chất liệu mới để vẽ, tôi cũng đang tìm kiếm những đề tài mới, làm mới lạ hơn cách viết những thể loại kịch bản hiện đang bị rơi vào lối mòn. Nghệ thuật không đổi mới, sẽ chết. Nhưng những cái mới bao giờ cũng phải chịu thử thách.
Những thử nghiệm về kịch bản của tôi cần có ba yếu tố thì mới thành công. Đó là tài chính, nhân sự làm phim có năng lực (bởi vì làm phim là cả một ê kíp đồng bộ và hiểu nhau, kịch bản chỉ là một khâu trong đó) và thị hiếu khán giả. Tôi sẽ đưa những thử nghiệm đó (thủ thuật viết kịch bản mới) vào trong những thể loại phim khác nhau. Chẳng hạn như phim lịch sử.
Lịch sử chúng ta vô cùng hay. Phim lịch sử Trung Quốc còn phải hư cấu mới hay chứ phim lịch sử chúng ta không cần hư cấu vẫn hấp dẫn, nhưng chúng ta chưa làm được phim lịch sử hay. Nguyên nhân thì nhiều, trong đó có yếu tố kinh phí làm phim dạng này tốn kém.
Tôi đã và đang viết những kịch bản phim lịch sử mà khi thực hiện sẽ ít tốn kém hơn, phù hợp với điều kiện Việt Nam như chưa có phim trường. Phim lịch sử của tôi sẽ mang yếu tố đời thường hơn, nhưng phải hấp dẫn. Hiện tôi đã có một số kịch bản loại này và đã có nơi sản xuất, như phim “Ngai vàng và ảo vọng”, “Cô Ba Đề Thám”…
Tôi cũng muốn áp dụng thủ thuật viết kịch bản chú trọng đến yếu tố hấp dẫn, mở đầu câu chuyện là phải hấp dẫn, lôi kéo khán giả ngay để tránh rơi vào sự nhàm chán. Một trong những dạng kịch bản tôi rất chú trọng đó là kịch bản “Đường đến kinh đô vàng”.
Với thể loại phim hài cũng thế, hiện chúng ta làm phim hài theo “công thức” là phải có danh hài đóng, và diễn viên chủ yếu gây cười cho khán giả bằng kiểu diễn hài hình thể, tấu hài. Kịch bản hài của tôi cố gắng tìm tòi hướng khác.
Nó gây cười bằng câu chuyện hài, tình huống hài và không nhất thiết phải có diễn viên hài đóng. Tôi đang hợp tác cùng danh hài Hoài Linh để làm một phim hài chiếu trong dịp Tết sắp tới, nhưng do yêu cầu của nhà sản xuất nên chưa thể tiết lộ.
Thị hiếu khán giả xuống cấp
- Như anh vừa nói, phim truyện chúng ta, đặc biệt là phim truyền hình, đang rơi vào lối mòn. Theo anh vì sao như thế? Vì sao chúng ta ngày càng ít có phim hay?
+ Phim không hay vì nhiều yếu tố. Nó phụ thuộc thị hiếu người xem, nhà sản xuất và nhà quản lý làm ảnh hưởng tới người viết kịch bản. Thị hiếu người xem tác động rất lớn đến điện ảnh, phim truyền hình (vì phải có người xem thì mới có doanh thu). Mà nói thẳng, đa số thị hiếu người xem bây giờ là dễ dãi. So với trước đây thì thị hiếu của công chúng hiện đang xuống cấp.
Khán giả Việt Nam thường có tư tưởng vọng ngoại, thích phim Hàn, phim Tàu mà chê phim Việt Nam. Họ chê phim nội dở nhưng vẫn bỏ tiền ra rạp để xem phim dở của ta làm. Điều đó, thay vì từ chối xem phim dở, đã vô tình khuyến khích cho phim dở bùng nổ, chất lượng phim đi xuống.
Đối với người làm phim thì họ chạy theo lợi nhuận không phải từ nội dung phim mà dựa trên tên tuổi diễn viên và những scandal để câu khán giả. Điều đó đưa đến một hệ lụy là những người làm nghệ thuật lấy doanh số để khẳng định tài năng của những người viết kịch bản.
Nghĩa là họ thấy ai viết kịch bản mà có doanh số cao thì cho là tài năng và đặt hàng người đó viết. Điều này là thiếu cơ sở, bất hợp lý, bởi lẽ phim hay, phim giá trị, chưa hẳn đã có doanh thu cao. Và nếu chỉ dựa vào tiêu chí doanh số và kiểu làm phim như trên thì sẽ làm thui chột tài năng, thụi lùi sự phát triển của nghệ thuật.
Yếu tố thứ ba là nhà quản lý và biên tập phim. Tôi cho rằng cần phải chuyên môn hóa đội ngũ biên tập phim. Bởi vì hiện nay quy trình duyệt phim của chúng ta, nói ví von, là giống như quy hoạch đô thị, anh kỹ sư, kiến trúc sư phải đi xin giấy phép của anh trung cấp xây dựng.
Cảnh trong bộ phim “Vật chứng mong manh” của biên kịch Quý Dũng. |
- Trong giới làm phim truyện và nói rộng ra là sáng tác nghệ thuật, luôn than phiền về chuyện quản lý, kiểm duyệt tác phẩm nghệ thuật ở ta có phần khiến cho người nghệ sĩ thiếu tự do để sáng tạo. Anh có thể chia sẻ những suy nghĩ của mình về chuyện này?
+ Tôi nghĩ, cơ quan quản lý nghệ thuật ngoài những chuẩn mực phải có thì cũng nên thoáng hơn mới mong có tác phẩm nghệ thuật độc đáo, có giá trị lâu bền. Từ đó mới mong quảng bá nghệ thuật của ta ra thế giới, mong hội nhập và có nội lực văn hóa để “tự vệ” được trước làn sóng văn hóa ngoại nhập, ngoại lai khiến văn hóa nội (trong đó có nghệ thuật, có điện ảnh…) đang bị lấn át đến lép vế, lu mờ… như hiện nay.
Khơi gợi cái thiện
- Quay trở lại với chuyện làm phim lịch sử. Trong khi phim lịch sử Trung Quốc và Hàn Quốc ồ ạt phát trên truyền hình“bao vây” khán giả thì phim lịch sử của ta chỉ lèo tèo vài bộ và phát xong thì không ai còn nhớ tới nữa. Phim truyện, trong đó có phim lịch sử chúng ta hiện nay hầu hết là nhạt, chỉ mang yếu tố giải trí mà ít có tính giáo dục. Theo anh vì sao?
+ Phim lịch sử của ta hiện nay không hấp dẫn, thậm chí có phim bị nhạt nhẽo là vì chúng ta làm vội vã, sơ sài quá. Nội dung câu chuyện, tình tiết và nhân vật còn mang tính minh họa, chưa sâu. Chủ đề tư tưởng còn mờ nhạt, dù những câu chuyện lịch sử (mà chúng ta đem ra làm phim) đều rất hay, giàu ý nghĩa.
Bởi lẽ chúng ta chưa khai thác sâu về mặt hình ảnh, tình tiết của câu chuyện. Phim là hình ảnh và âm thanh, kịch tính, xung đột và mâu thuẫn cao. Phim lịch sử của ta còn đơn điệu và ít sinh động. Do vậy, phải tạo được những khuôn hình ấn tượng, những xung đột, tình huống gay cấn mới có thể ám ảnh khán giả.
Phim lịch sử Trung Quốc, như đã nói, phần nhiều là hư cấu, nhưng họ hư cấu với ý đồ là tìm mọi cách để gieo vào trí não của người xem những thông điệp, tư tưởng của họ. Họ hư cấu sao cho nhân vật ăn sâu vào trí não người xem, buộc người xem phải nhớ.
Chẳng hạn, phim về Hoắc Nguyên Giáp. Thực ra, nhân vật này không giỏi võ như trong phim. Ông ta chỉ lập ra Tinh võ thể dục hội để vừa dạy võ, dạy cả hội họa, thêu thùa, thơ ca, kinh kịch… và lồng vào đó đánh thức lòng yêu nước của người Trung Quốc lúc bấy giờ. Nhưng khi lên phim thì ông ta là một người giỏi võ và là anh hùng của nước họ. Vấn đề nằm ở cách làm, cách tư duy. Chúng ta có nhiều nhân vật còn hay hơn ông này nhiều. Tại sao chúng ta không làm phim về họ? Tôi đang ấp ủ một số kịch bản dạng này nhưng chưa thể tiết lộ.
- Những bộ phim hình sự của anh: “Vật chứng mong manh”, “Vườn đời”, “Hoa xương rồng”… có thể nói là thổi một luồng gió mới vào dòng phim này, bởi cách nhìn mới lạ. Những phim hình sự của anh đều toát lên thông điệp mong con người tính hướng thiện. Nhân vật trong những phim đó của anh dù là Công an hay tội phạm, trẻ em, đều có số phận, có cá tính. Hình tượng Công an sinh động và hấp dẫn hơn, đời hơn, không mô phạm, cứng nhắc. Có được điều đó là nhờ đâu, thưa anh?
+ Tôi từng làm nhiều nghề để mưu sinh, rồi có thời gian làm Báo Công an nhân dân, điều đó cho tôi một vốn sống khá đầy đặn để tôi đưa vào kịch bản. Trong kịch bản hình sự, tôi muốn nói một điều là: ai trong chúng ta cũng đều có thể phạm tội ác, bởi ranh giới giữa cái ác và cái thiện là rất mong manh. Con người có thể vì một phút giây vô tình mà trở thành tội phạm.
Thế nhưng, nẻo về với cái thiện, với sự hoàn lương, lại không hề dễ dàng. Cạm bẫy luôn chực chờ để lôi kéo họ trở lại con đường tội lỗi. Do đó, chúng ta phải bao dung hơn với những người lầm lỗi, khơi gợi cái thiện trong họ, đứng bên họ để giúp họ trở về với cái tốt đẹp của bản tính con người.
- Xin cảm ơn anh!