Họa sĩ Lê Thiết Cương:

Người nghệ sĩ luôn dành cho Tết tình yêu đặc biệt

Thứ Ba, 22/01/2019, 19:08
Bản chất của đời sống vốn vô thường. Vì vô thường nên phải quý cái thường trong hiện tại. Một ngày bình thường còn đáng quý nữa là ngày Tết, những ngày đặc biệt. Tết là kết một năm, là dừng lại, là nghỉ ngơi, là tĩnh tâm, là lắng lại, là “vô dụng” để đối diện với mình...


Tết Nguyên đán là một khoảng thời gian đặc biệt trong năm. Với những người Á Đông, đặc biệt là người Việt, đây chính là khoảnh khắc mà hầu như mọi người con trên dải đất hình chữ S đều nặng lòng thành kính hướng về. Mỗi người có một cách đón nhận Tết, và "tiếp đãi" Tết, hành xử với Tết khác nhau. Nhưng tựu trung lại, trong nét riêng - chung đan xen, Tết Việt mang đến thông điệp về cội nguồn tâm linh, về đạo hiếu thảo với cha mẹ và lễ nghĩa với tổ tiên ông bà.

Nhân dịp đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, Văn nghệ Công an có cuộc trò chuyện với họa sĩ Lê Thiết Cương xung quanh câu chuyện Tết và làm gì để đón Tết.

- Thưa họa sĩ Lê Thiết Cương, anh quan niệm về Tết như thế nào? Anh có thường xuyên chờ đón nó như một sự kiện quan trọng nhất trong năm không, và anh thường làm gì để đón Tết?

+ Tết như ý nghĩa của nó là kết lại một năm cũ, đón một năm mới. Cái gì thì cũng qua đi từ ngày tháng năm đến đời người, thậm chí giây phút vừa xong khi bắt đầu đọc câu hỏi của chị đã chẳng bao giờ quay lại nữa. Ta và ta của ngay ngày hôm qua và hôm nay cũng không phải là một, đã có biết bao tế bào chết đi và thay bằng tế bào mới.

Bản chất của đời sống vốn vô thường. Vì vô thường nên phải quý cái thường trong hiện tại. Một ngày bình thường còn đáng quý nữa là ngày Tết, những ngày đặc biệt. Tết là kết một năm, là dừng lại, là nghỉ ngơi, là tĩnh tâm, là lắng lại, là “vô dụng” để đối diện với mình. Soi mình để biết quý những gì đã làm được trong năm qua, để biết ngượng với những gì mình sai trong việc này việc khác, với người này người kia (điều này cũng là bình thường trong cuộc sống).

Đón Tết, với cá nhân tôi trước tiên là vậy. Phổ quát nhất, tôi luôn hướng đến sự cân bằng, giữa làm việc và chơi, giữa làm nghệ thuật và kiếm sống, yêu thương bản thân mình và yêu thương mọi người, nỗ lực trong công việc khó nhưng cũng biết bằng lòng với mình. Tuần trước, đi thăm mộ thầy, nghĩ mãi chả biết khấn xin gì, thôi thì xin thầy cho con sự cân bằng và thanh thản là đủ rồi.

-  Hình như Lê Thiết Cương là một người yêu Tết kinh khủng, bởi ngay từ khi thời gian chưa chạm vào tháng Chạp thì trên facebook của anh đã đánh thức mọi người một miền tâm cảm vừa thương nhớ, vừa háo hức rộng ràng với Tết bởi những dự án nghệ thuật mà anh sắp sửa triển khai để đón Tết. Anh có thể chia sẻ một chút về những dự án nghệ thuật đón Tết mà anh thích nhất, và dày công chuẩn bị nhất. Tôi nhớ năm nào đó, anh có hẳn một hội chợ Tết ở chợ Hàng Da, ở đó có đủ tất cả những hoạt động văn hóa thủ công cổ xưa nhất như vẽ tranh Đông Hồ, làm cốm, nặn Tò he chơi Tết...

+ Năm 2018, chào đón "chú" Mậu Tuất, tuần lễ “Tuất Dome 2018” tại Trung tâm Thương mại Hàng Da đã triển lãm các tác phẩm tranh, tượng, đồ gốm gồm nhiều chất liệu và kích cỡ của gần 20 họa sĩ nhóm G39.

Đặc biệt ngoài các tác phẩm tranh còn có các tác phẩm tượng, đĩa gốm vuốt tay và vẽ độc bản trực tiếp tại hai làng gốm có lịch sử lâu đời  là Hương Canh, Bát Tràng. “Tuất Dome 2018” đã tạo một không gian nghệ thuật có đủ cung bậc, vừa tươi sáng, thanh tân, vừa êm đềm, náo nức và cũng đầy huyền ảo, mê hoặc để làm nổi bật hình tượng “Tuất” - con giáp thứ 11 trong vòng tuần hoàn thập nhị địa chi. Các tranh, tượng, gốm thể hiện con giáp này chủ yếu khai thác đặc tính của loài là sự thân thiện, lòng trung thành bên cạnh vẻ ngộ nghĩnh, lém lỉnh… thay vì tả thực một cách chi tiết như thông thường.

Trước đó, Tết năm con gà 2017, chương trình nghệ thuật “Dậu Dome” chào đón năm Đinh Dậu lấy hình tượng gà - 1 trong 12 con giáp của “vòng tuần hoàn thập nhị địa chi” để khơi nguồn cảm hứng sáng tạo. Các tác phẩm tại triển lãm "Dậu Dome" đã tạo ra “ngôi nhà” nghệ thuật thực sự cho con giáp thứ 10 trong một không gian sinh động, giàu màu sắc. Là cách nối dài hình ảnh gà trong đời sống thường ngày bằng đời sống nghệ thuật, là sáng tạo nối tiếp truyền thống in - vẽ tranh gà chơi Tết - thờ Tết mà một số dòng tranh dân gian ở Việt Nam như Đông Hồ hay Kim Hoàng tiến hành.

Còn "Tết DOME 2016" là hội chợ nghệ thuật và đồ thủ công mỹ nghệ lớn nhất Việt Nam với chủ để “Tết trong ngôi nhà Việt”. Với mong muốn góp một phần vào việc giữ gìn hương Tết xưa trong sự giao hòa với Tết nay, Tết "DOME 2016" là một không gian đượm màu Tết với khoảng 200 tác phẩm tranh, 200 tác phẩm gốm, 50 bộ sưu tập áo dài và hàng trăm mặt hàng thủ công mỹ nghệ tinh xảo rất phù hợp với việc trang hoàng và làm mới ngôi nhà Tết của mỗi gia đình.

Tết là dịp người người, nhà nhà quần tụ sum vầy. Mái nhà, gia đình là nơi chốn để mọi bước chân quay về sau những bôn ba ngang dọc. Sẽ ấm áp hơn, hạnh phúc hơn khi ngôi nhà Tết của bạn được chăm chút, làm mới bởi những món đồ tinh túy mang theo hồn cốt dân tộc. Những dự án nghệ thuật dành cho Tết chính là nơi mang tới cho bạn những món đồ đượm màu Tết như vậy, giúp công chúng yêu nghệ thuật và người tiêu dùng dễ dàng nhận ra Tết xưa không ở nơi đâu quá xa xôi, dĩ vãng.

Tết vẫn ở đây trong một thoáng áo dài thướt tha bên trường kỷ. Tết vẫn ngời lên trong màu sắc của tranh. Tết vẫn in hình trong từng đường vân, men gốm. Và Tết tỏa mùi qua mâm cúng gia tiên.

- Và đón Tết Kỷ Hợi 2019, anh sẽ có dự án nghệ thuật gì cho Tết?

+ Như mọi năm, bao giờ tôi cũng muốn tổ chức một sự kiện nghệ thuật gì đó để chia tay năm cũ, chào năm mới. Năm nay sẽ là tiễn Tuất đón Hợi. Có nhiều việc phải làm, tìm chọn địa điểm triển lãm, mời các nghệ sỹ…

Để cho đặc biệt, tôi đã liên hệ với một lò gốm ở Bát Tràng đưa 10 họa sỹ sang vẽ lên lọ và đĩa gốm hình con lợn, con vật biểu tượng của năm Kỷ Hợi, 2019. Triển lãm năm nay sẽ hấp dẫn vì có cả tranh, tượng và gốm.

Triển lãm Hợi Dome năm 2019 là một trong những hoạt động nghệ thuật đặc sắc chào Tết Kỷ Hợi.

Được làm nghệ thuật, được sáng tạo, được làm cái đẹp và chia sẻ cái đẹp với cộng đồng thông qua những triển lãm như thế này vào dịp Tết là cách thưởng Tết trân trọng và thiêng liêng nhất. Chưa hết, riêng năm nay tôi còn phối hợp với Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ thuộc quận Hoàn Kiếm tổ chức một sự kiện nữa để tôn vinh hai nghề, hai làng nghề thủ công truyền thống là gốm sành Hương Canh và giấy dó (Dương Ổ, Hà Bắc).

Thời buổi nhôm nhựa, inox và túi nilon lên ngôi thì những chum vại sành, những tờ giấy dó mỏng manh kia làm gì còn đất sống. Nhưng tôi tin rằng trong cái chum tương gốm sành, trong cái vại muối dưa cà, trong tờ giấy dó ấy chứa đựng bản sắc Việt, truyền thống Việt, tâm tính của người Việt, văn hóa Việt. Tôi muốn níu giữ những nét đẹp ấy.

- Trong khi người trẻ thờ ơ với Tết, người trung niên tất bật lo toan với Tết, người già nhớ thương Tết thì Lê Thiết Cương đối xử với Tết hình như bằng tất cả những trân trọng và thiêng liêng. Rõ ràng những dự án nghệ thuật chuẩn bị đón Tết của anh bao giờ cũng đánh thức và hướng con người về với văn hóa cội nguồn, về với những hoạt động nghệ thuật truyền thống mà đang dần mai một trong đời sống hiện tại. Điều gì khiến anh hành xử với Tết vừa văn minh, vừa cầu toàn, vừa đẹp đẽ như vậy?

+ Trong cơn lốc của “tiến lên”, “đổi mới” phát triển kinh tế thì đi kèm với nó là sự mất mát của văn hóa, của truyền thống, của ký ức, của di sản. Trải dài từ Lạng Sơn đến Cà Mau, không có vùng nào mà không có làng nghề thủ công truyền thống, ấy thế nhưng nhiều nghề, nhiều làng nghề đã chết hoặc phần lớn đều thoi thóp.

Tôi là nghệ sĩ, tôi chỉ biết làm nghệ thuật và dùng nghệ thuật để đánh thức mọi người đừng đua chen chạy theo vật chất mà quên đi tinh thần, quên truyền thống, quên văn hóa. Tết ngoài thịt mỡ dưa hành còn có câu đối, câu đối là chữ nghĩa, là lời hay ý đẹp, chữ là văn, là văn hóa. Tết là dịp để dừng lại, để ngưng nghỉ, để nhìn lại, để chúc nhau, nhắc nhau rằng văn là gốc, văn hóa là gốc, là giá trị cốt lõi của quốc gia, của dân tộc cũng như mỗi người.

Sau 1000 năm Bắc thuộc với chính sách đồng hóa của nhà Hán nhưng nước Việt vẫn còn vì văn hóa Việt còn, thậm chí còn phát triển rực rỡ ngay sau khi giành độc lập - đó là văn hóa nghệ thuật Lý, Trần. Sau 20 năm bị giặc Minh đô hộ và bị tận diệt văn hóa, nhưng văn hóa Việt, nước Việt vẫn còn.

Văn hóa Việt chính là sức mạnh của người Việt. Quân dân nhà Trần 3 lần đánh thắng quân Nguyên, đuổi được quân Nguyên ra khỏi bờ cõi là thắng bằng văn hóa chứ không chỉ bằng quân sự. Văn hóa là bàn thờ của một quốc gia, là cửa chính, là mặt tiền của ngôi nhà - quốc gia. Năm mới hãy xông ngôi nhà - quốc gia này bằng văn hóa. Đã đến lúc cần phải coi khái niệm biên giới mở hơn, văn hóa cũng là biên giới. Nếu không giữ được văn hóa, để mất văn hóa thì cũng là mất nước.

- Xin chân thành cảm ơn anh.

Như Bình (thực hiện) - Xuân 2019
.
.