Ngôn ngữ truyền hình – suy nghĩ và định kiến

Thứ Năm, 31/12/2020, 14:00
Báo chí, truyền hình là phương tiện truyền thông có vai trò rất quan trọng, có sự ảnh hưởng, lan tỏa và tác động rất lớn tới công chúng và đời sống xã hội – được mệnh danh là “quyền lực thứ tư”.


Đứng về mặt khoa học, đó là một phương tiện tuyệt vời để chuyển tải thứ ngôn ngữ chuẩn mực, sáng tạo và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. 

Vì vậy, ngôn ngữ báo chí - trong đó ngôn ngữ truyền hình có thế mạnh đặc biệt, bởi ngôn ngữ truyền hình là một phức hợp gồm ngôn ngữ nói, ngôn ngữ viết, ngôn ngữ âm thanh và ngôn ngữ hình ảnh. 

Rút gọn lại ngôn ngữ truyền hình có 2 thành tố cơ bản cấu thành là ngôn ngữ nói và ngôn ngữ hình ảnh. Hình ảnh cần có sự đưa đẩy, dẫn dắt của lời nói để chuyển tải những cảm xúc, suy nghĩ phức tạp, sâu sắc mà hình ảnh không thể hiện được. 

Ngược lại hình ảnh hỗ trợ, bổ sung cho lời nói thêm sinh động, cụ thể - hai thành tố đó tác động tương hỗ tạo nên sự hấp dẫn mà các loại hình báo chí khác không có được. Vì vậy sẽ là tai hại nếu lời nói không ăn nhập, logic và thích hợp với hình ảnh - nhất là những lời nói dễ dãi, bình luận vô lối, vô duyên, “cắt đứt mạch” của hình ảnh?

Nhiều games show truyền hình thiếu sự chuẩn mực trong ngôn ngữ của người dẫn chương trình - ảnh có tính chất minh họa.

Bởi trong ngôn ngữ truyền hình có ngôn ngữ âm thanh nên phát thanh viên, phóng viên, biên tập viên, người đối thoại, người dẫn chương trình... trên truyền hình lời nói, âm thanh phải có tính chuẩn mực cao: không thể chấp nhận người đó nói lắp, nói nhịu, nói đầy lưỡi, nói quá nhanh hoặc ề à đệm nhiều hư từ vô nghĩa, nghe rất khó chịu. 

Dù là trực tiếp đối thoại với một người hay nhóm cộng đồng, hoặc gián tiếp, người nói trên truyền hình phải luôn đặt mình trong tâm thế đang đứng trước công chúng để tự mình có ý thức trách nhiệm về những lời nói của mình. 

Người thực hiện chương trình không thể nói một cách tùy hứng, chen tiếng Anh để tỏ ra hiểu biết, khoe khoang; cũng không thể dùng từ ngữ bay bổng, trừu tượng như thơ ca hoặc ngược lại dùng ngôn từ tự nhiên, trần trụi như văn nói. Không sử dụng những từ ngữ tối nghĩa – đặc biệt kiêng kỵ dùng thứ ngôn ngữ suồng sã, “bỗ bã” của giới kém văn hóa trong xã hội. 

Nói tới ngôn ngữ chuẩn yêu cầu người nói, người viết phải đảm bảo tính chính xác, đúng đắn: tức là phải đúng nghĩa của từ được ghi trong phần từ vựng của từ điển, không để người nghe hiểu sai, hiểu lệch nghĩa của từ đó; trong đặt câu phải có các thành phần câu cốt yếu, cần thiết để làm rõ ý tứ của câu; phát âm phải chuẩn, không làm sai lệch sự lĩnh hội của người nghe. Trong diễn đạt không dài dòng văn tự, “dây cà ra dây muống”, sai chính tả, lủng củng về ngữ pháp. Từ ngữ càng dễ hiểu, câu càng ngắn càng tốt.

Đối với người nói trên truyền hình phải luôn phấn đấu để đạt trình độ cao hơn – đó là sự sinh động, hấp dẫn. Để có được kỹ năng đó, người nói cần phải có thói quen dùng thứ ngôn ngữ trong sáng, có chọn lọc và giàu tính biểu cảm. Đồng thời biết sử dụng các phương pháp ứng khẩu một cách có văn hóa, vừa tinh tế vừa dí dỏm tạo nên sự gần gũi với cộng đồng. 

Ở đây tôi muốn nhấn mạnh rằng, không quá khe khắt một cách cứng nhắc, nhất nhất phải luôn đúng như niêm luật của văn viết - vì như vậy chương trình sẽ khô cứng, thiếu hấp dẫn. Trong ngôn ngữ truyền hình cho phép người nói tung hứng, diễn đạt một cách phóng túng như văn nói trong một văn cảnh, mức độ nào đó thích ứng, nhưng không tới mức sống sượng, thiếu nghiêm túc.

Ở đây, tôi cũng đề cập tới sự thắc mắc của một số người yêu cầu tiếng nói trên truyền hình phải là duy nhất theo chuẩn tiếng phổ thông – mà cụ thể là tiếng Hà Nội. Xin nói ngay đó là một sai lầm, thêm vào đó tiếng Hà Nội cũng không chuẩn 100%. Ví dụ như sự phân biệt giữa âm s và x tr- ch, r - d... thường giống nhau. Truyền hình thuộc lĩnh vực tuyên truyền, văn hóa xã hội, vì vậy cần phải có cách ứng xử công bằng cho mọi ngôn ngữ của dân tộc, vùng miền, không áp đặt lời nói của địa phương này cho địa phương kia. 

Trước hết phải: 

1. Tôn trọng ngôn ngữ của cộng đồng dân cư vùng đó (có lịch sử lâu đời gắn với lịch sử môi trường tự nhiên và xã hội của vùng đất đó); 

2. Phải bình đẳng, không phân biệt Trung ương với địa phương, dân tộc, vùng miền; 

3. Việc cho phép ngôn ngữ cộng đồng dân cư các vùng miền khác nhau trên truyền hình, chấp nhận những phương ngữ để người dân các vùng miền, dân tộc khác làm quen với lời ăn tiếng nói của nhau, để các dân tộc xích lại gần nhau, tạo nên sự đoàn kết, gắn bó, xóa đi những khác biệt, rào cản về ngôn ngữ, tiếng nói, tạo sự đồng cảm, đồng thuận trong xã hội.

Những sai sót, lầm lỗi của người nói trên truyền hình có nguyên nhân sâu xa ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường do lỗi từ người thầy không uốn nắn, chăm chút kỹ lưỡng cho học sinh về ngôn ngữ tiếng Việt; cũng có thể là trình độ của thầy cô có hạn và phương pháp dạy chưa chuẩn mực, chưa đạt yêu cầu. 

Năm 1970, khi thí điểm làm truyền hình và cả một thời gian dài người làm trong truyền hình 100% là từ cơ quan các đài phát thanh, báo chí, công tác xã hội chuyển sang, không được đào tạo bài bản về truyền hình. Mãi sau này, Đại học Báo chí, Tuyên truyền mới có khoa truyền hình non trẻ mà bản thân thầy cũng “tay ngang”, tự mày mò soạn bài giảng. 

Tôi còn nhớ lúc đó, cả Đài Truyền hình Trung ương có mỗi anh Phúc Nguyên từ Liên Xô về là học chính thức ngành Truyền hình, sau này anh chuyển sang Báo Quân đội nhân dân, làm tới chức Tổng Biên tập, có quân hàm Trung tướng. Anh chị em trong Đài Truyền hình tự tìm tòi học hỏi lẫn nhau nên có nhiều hạn chế. Mặt khác, sự luân chuyển nhân sự tùy tiện từ bộ phận này sang bộ phận khác không có sự chuẩn bị chu đáo, đầy đủ về chuyên môn, nghiệp vụ cũng góp phần tạo nên những hạn chế của công việc đặc thù này.

Những ngày qua, trên báo chí xuất hiện nhiều những bài viết về Tiếng Việt trong sách trong chương trình cải tiến dành cho lớp 1. Đồng thời cũng nhắc lại chuyện TS Bùi Hiền đề nghị cải cách tiếng Việt thay các nguyên âm, phụ âm và chữ cái – mà trước đó đã bị nhiều nhà khoa học và báo chí lên tiếng phản đối quyết liệt. 

Trong khi đó, TS Đoàn Thu Hương – người thường lên sóng truyền hình nói về văn học nghệ thuật, văn hóa lại ủng hộ. Vì sự kiện đó, tôi chợt nhớ cách đây 4, 5 năm gì đó, tôi đã viết bài báo “Thảm họa tiếng Việt trên các phương tiện truyền thông đại chúng” đăng trên Văn nghệ Công an và Báo Điện tử CAND đã gây nên sự sôi động được phản hồi bằng hàng trăm ý kiến bình luận, đồng tình. Bài báo đó phê phán và chỉ ra những sai sót rất cụ thể. Tuy nhiên, theo dõi các chương trình truyền hình gần 5 năm qua, tôi thấy sự thay đổi và chưa nhiều. 

Trong thời gian đó, đã có nhiều cuộc hội thảo, trao đổi, nghiên cứu, góp ý về vấn đề ngôn ngữ truyền hình. Những sai sót hiện nay chủ yếu vẫn là những “bệnh” cũ: Sai chính tả, sai ngữ pháp, lạm dụng tiếng Anh, dùng quá nhiều hư từ vô nghĩa, dùng từ đệm “à, vâng, à vâng, ờ...”, dùng tiếng lóng, ngôn ngữ đời thường dễ dãi khá phổ biến, tùy tiện trong sử dụng từ thiếu chuẩn xác làm méo mó tiếng Việt – thậm chí phản cảm – cùng những thêm thắt bình luận vô duyên, lối diễn đạt không thích hợp với bối cảnh thực tiễn...

Đã có nhiều kiến nghị, đề nghị từ phía ngành ngôn ngữ, hội nhà báo và những cơ quan có liên quan, nhưng rồi lại chìm xuống như “ném đá ao bèo”. Vấn đề trầm trọng tới mức, có những ý kiến (trong đó có cả đại biểu Quốc hội) đề nghị đưa ra Quốc hội bàn bạc, xem xét cho ra đời một văn bản quy phạm pháp luật về Ngôn ngữ Tiếng Việt: Luật Ngôn ngữ hay Chính tả gì đó? Thế nhưng cho đến nay, chẳng có văn bản nào ra đời? 

Có ý kiến đề nghị phải ban hành những văn bản quy định có tính chất Chế tài trong việc xử phạt vi phạm các chuẩn mực của Tiếng Việt trên các phương tiện truyền thông đại chúng, để giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt. Kiên quyết loại bỏ các chương trình phát sóng kém chất lượng, vi phạm các chuẩn mực, làm méo mó ngôn ngữ Tiếng Việt, trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc...

Nhưng những đề nghị rất “gan ruột” nhằm cải thiện ngôn ngữ truyền hình chỉ như những khẩu hiệu hô hào; những nhắc nhở, khuyên răn, chê trách hay phê phán nhẹ nhàng không đủ “liều” thuốc chữa trị. Thi thoảng có một vài bài báo “nhặt sạn” chẳng mang lại hiệu quả nào. 

Vì vậy, cần phải mạnh tay và cụ thể hơn nữa bằng các biện pháp hiệu quả thường xuyên hơn. Đó là yêu cầu các cơ quan báo chí, truyền thông cần xây dựng cơ chế, chế độ cụ thể đối với phóng viên, biên tập viên, người nói trên truyền hình trong việc sử dụng tiếng Việt. 

Có chế độ khuyến khích, khen thưởng cho những người viết chuẩn, nói chuẩn có sự sáng tạo trong sử dụng và phát triển ngôn ngữ làm giàu có và phong phú thêm tiếng Việt. Xử phạt nghiêm các cá nhân sử dụng tiếng Việt tùy tiện trên sóng truyền hình, làm méo mó và gây phản cảm... làm hại các thế hệ trong sử dụng Tiếng Việt lệch chuẩn.

Vừa qua, Truyền hình Việt Nam tổ chức kỷ niệm 50 năm Ngày ra đời. Đã nửa thế kỷ đâu có ngắn mà vẫn để tồn tại những sai sót như nêu trên?. Lãnh đạo ngành Truyền hình cần phải ra tay quyết liệt sửa sai để xứng đáng với phần thưởng của Nhà nước trao tặng. 

Chỉ với những giải pháp đồng bộ và mạnh tay, may ra trong một thời gian mới hy vọng sửa chữa, ngăn chặn, đẩy lùi những sai phạm phổ biến trên truyền hình và các phương tiện truyền thông đại chúng hiện nay.

Lưu Chí Thiện
.
.