Từ những vai diễn bị "ném đá" trên phim truyền hình: Kẻ vui, người buồn

Thứ Bảy, 19/09/2020, 12:00
Việc nhân vật được yêu, ghét là điều diễn ra hết sức bình thường lâu nay. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, sự bức xúc của khán giả là căn cứ cho thấy nhân vật chưa đạt được như kỳ vọng.


Những bình luận trái chiều trên các trang mạng xã hội về nhân vật Phan Hoàng Linh (phim "Tình yêu và tham vọng"), những phản ứng gay gắt dành cho một loạt các nhân vật như Linh (phim "Đừng bắt em phải quên"), Trà (phim "Hoa hồng bên ngực trái"), Nhã (phim "Về nhà đi con")... cho thấy phim truyền hình luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của khán giả. 

Việc nhân vật được yêu, ghét là điều diễn ra hết sức bình thường lâu nay. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, sự bức xúc của khán giả là căn cứ cho thấy nhân vật chưa đạt được như kỳ vọng.

Diễn xuất một màu của Diễm My trong phim “Tình yêu và tham vọng” chưa chinh phục được khán giả.

Nhân vật Phan Hoàng Linh do diễn viên Diễm My 9X thủ vai trong bộ phim "Tình yêu và tham vọng" có lẽ là một trong những nhân vật gây được sự quan tâm nhiều nhất của khán giả và cư dân mạng thời gian gần đây. Tuy nhiên, có lẽ sự chú ý này lại không phải là điều mà Diễm My hay những người làm phim mong muốn. 

Phan Hoàng Linh được xây dựng là một nhân vật chính diện thông qua hình ảnh một cô gái trẻ trên con đường khẳng định năng lực và đi tìm hạnh phúc cho mình. Nhưng đáng tiếc là hơn 50 tập phim trôi qua, nhân vật Linh vẫn không chinh phục được khán giả ở khía cạnh ấy. Thậm chí, cô còn bị khán giả phản ứng gay gắt trên diễn đàn phim của VFC, fanpage phim "Tình yêu và tham vọng" cũng như trên các trang mạng xã hội. Nhiều khán giả bày tỏ sự bức xúc trong xây dựng tính cách nhân vật. Và những điều khán giả đưa ra không phải là vô lý. 

Phim xây dựng Phan Hoàng Linh là một cô gái giỏi giang, người mà "bất cứ công ty nào cũng muốn có", tuy nhiên, tới khi phim gần kết thúc, Phan Hoàng Linh vẫn chưa thể hiện được chút năng lực chuyên môn nào. Thậm chí, cô còn gây ra nhiều rắc rối, thiệt hại trong công việc. Một cô gái thông minh nhưng mỗi khi có chuyện xảy ra, cũng chỉ biết nói "Tôi xin lỗi, tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm"... Nhưng cuối cùng, đều là người khác giải quyết những rắc rối ấy.

Không chỉ có vậy, về mặt tình cảm của nhân vật, thậm chí khán giả còn "ném đá" khi cho rằng cô là người thứ 3 xấu xí xen vào chuyện tình cảm của Tổng Giám đốc Minh và Tuệ Lâm khi cả hai người đã có hôn ước. Phần cuối phim, khi các nhà làm phim cố gắng để cho tình cảm của Minh - Linh gắn kết nhanh nhất. Nếu như thông thường, số đông khán giả sẽ mong muốn cái kết đẹp cho cặp nam - nữ chính của phim nhưng trong trường hợp này, không ít khán giả phản đối. 

Điều đáng nói, bộ phim "Tình yêu và tham vọng" được chuyển thể từ bộ phim truyền hình Trung Quốc "Thế lực cạnh tranh" nên khán giả càng có cơ hội so sánh Phan Hoàng Linh với nhân vật ở phiên bản gốc. Họ cho rằng, Phan Hoàng Linh kém duyên và thua xa nhân vật gốc. Cô yếu đuối, nhu nhược và khao khát yêu quá độ đến mức đánh mất cả tự tôn của một cô gái đẹp và tài giỏi.

Có thể nói, để phần đông khán giả không yêu mến, không ủng hộ nhân vật chính diện của phim thì nguyên nhân đầu tiên thuộc về biên kịch, đạo diễn. Họ đã không dụng công để xây dựng được nhân vật chân thực và logic trong tính cách. Tức là phim đã thiếu những chi tiết đắt giá, những câu thoại đắt giá để nâng tầm nhân vật. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, sự bức xúc của khán giả còn đến từ khả năng diễn xuất của diễn viên. 

Với nhân vật Phan Hoàng Linh, Diễm My 9x bộc lộ nhiều hạn chế trong diễn xuất. Cô luôn giữ đúng một kiểu gương mặt thiếu biểu cảm trong mọi tình huống. Ở những phân cảnh cần có sự biểu đạt cảm xúc một cách tinh tế cô chưa làm được. Chưa kể, chất giọng đều đều, rề rà của cô cũng là một điểm trừ ở vai diễn này. Cách diễn một màu, thiếu cảm xúc của Diễm My đã không lột tả được tính cách nhân vật khiến khán giả không thể đồng cảm.

Tạo hình và tính cách của nhân vật Linh trong phim “Đừng bắt em phải quên” khiến khán giả phản ứng.

Trước Phan Hoàng Linh, một nhân vật cũng nhận được không ít "gạch đá" của khán giả chỉ ngay sau khi phim phát sóng được vài tập đó là nhân vật Linh "em gái mưa" do NSƯT Kim Oanh thủ vai trong phim "Đừng bắt em phải quên". Bên cạnh lý do khán giả "ghét" Linh vì cô là người thứ 3 xen vào cuộc hôn nhân hoàn hảo giữa Luân và Ngân thì cũng có nguyên nhân từ cách diễn xuất của nghệ sĩ Kim Oanh. 

Về cách xây dựng tính cách nhân vật, nhiều khán giả cho rằng, phim xoay quanh vấn đề ngoại tình trong hôn nhân nhưng tình tiết thiếu kịch tính hoặc xa vời thực tế. Nhân vật Linh ngang nhiên bày đủ mọi thủ đoạn để được ở cạnh Luân một cách khá lộ liễu mà Ngân coi đó là điều bình thường rất khó xảy ra trong đời sống thực. Những hình huống tạo thành sự thân thiết giữa Luân và Linh cũng phi thực tế. Nhưng trên hết, cách nhập vai của nghệ sĩ Kim Oanh cũng là điều đáng bàn. 

Mặc dù là một nghệ sĩ quen thuộc trên sân khấu kịch và truyền hình nhưng trên nhiều diễn đàn về phim, không ít nhận xét gay gắt dành cho vai diễn này của Kim Oanh như "Diễn viên Kim Oanh đóng vai này không phù hợp, quá cứng nhắc", "Nhân vật Linh kém duyên vì giọng cười của Kim Oanh", "Vô duyên như vậy rất khó có thể chinh phục được người đàn ông thành đạt, chu đáo như Luân"... Tuy nhiên, sau những đóng góp của khán giả, về cuối phim, nhân vật Linh của Kim Oanh đã có những thay đổi từ ngoại hình và cách diễn để phù hợp hơn.

Tương tự, khi phim truyền hình "Về nhà đi con" tạo được hiệu ứng tốt trong lòng khán giả thì sự trở lại của diễn viên Quỳnh Nga "cá sấu chúa" bằng vai Nhã cũng trở thành đề tài của không ít sự bàn tán trên các trang mạng. Ở thời điểm phim phát sóng, có ý kiến cho rằng, Nhã là nhân vật phản diện nhận nhiều gạch đá nhất. Việc Nhã không từ mọi thủ đoạn để được kè kè bên Trường nhằm phá vỡ hạnh phúc của anh. Thậm chí, cô còn công khai thách thức với vợ của Trường... Sự vô liêm sỉ của Nhã khiến nhân vật bị vùi dập tơi tả trên mạng xã hội. 

Ghét nhân vật, nhiều người còn ghét lây sang cả diễn viên Quỳnh Nga khiến cô phải đăng đàn mong cư dân mạng tha cho mình. Những nhân vật khiến khán giả phản ứng gay gắt còn khá nhiều như Trà (Lương Thanh thủ vai trong phim "Hoa hồng trên ngực trái", Thúy Ngân (trong phim "Gạo nếp gạo tẻ") thủ vai Hân đanh đá đáng ghét trong phim đến mức nhiều khi không dám ra đường vì sợ bị mắng.

Không chỉ nhân vật nữ, một số nhân vật nam trong các phim gần đây cũng khiến cư dân mạng "dậy sóng". Vào vai Phong, con trai ông chủ động Thiên Thai trong phim "Quỳnh Búp bê", Trọng Lân khắc họa thành công một nhân vật ngông nghênh, điên khùng bất chấp khiến khán giả vô cùng khó chịu. 

Trọng Lân chia sẻ, anh đọc được khá nhiều bình luận khán giả mắng nhiếc nhân vật thậm tệ, thậm chí có cả những tin nhắn dọa nạt. Dù bị "chửi" nhưng anh lại thấy vui vì khán giả đón nhận vai diễn của mình và như vậy có nghĩa mình đã hóa thân được đúng tính cách nhân vật. Sự "khó chịu" mà Trọng Lân tạo được với khán giả đã khiến anh được mời tham gia một loạt dự án phim nổi tiếng như "Người phán xử", "Về nhà đi con", "Tình yêu và tham vọng"...

Việc nhân vật của phim trở thành đề tài bình luận ngay cả khi phim đang phát sóng cho thấy sự tương tác giữa đoàn làm phim và khán giả ngày càng nâng cao. Thậm chí, có những nhân vật mà diễn biến cuộc đời được xây dựng theo theo mong muốn của khán giả đã được đoàn làm phim lấy ý kiến trước đó. 

Thời gian gần đây, các nhân vật trong những bộ phim truyền hình được  người xem bình luận rôm rả trên các trang fanpage của phim hay trang mạng xã hội chứng tỏ phim truyền hình Việt đang lấy lại được vị trí của mình trong lòng công chúng. Nhiều bộ phim truyền hình đã trở thành món ăn tinh thần quen thuộc trong đời sống của nhân dân. 

Khi những nhân vật trong phim nhận sự phản ứng mạnh mẽ của công chúng tức là bộ phim đã nhận được sự quan tâm lớn. Có nhân vật bị khán giả "ghét" đồng nghĩa với việc diễn viên đã hóa thân xuất sắc vào nhân vật đó. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, sự phản ứng trái chiều của khán giả cho thấy những bất cập trong khâu kịch bản, xây dựng tính cách nhân vật, diễn xuất. 

Rõ ràng, một nhân vật có thể được yêu hay ghét là bình thường nhưng xây dựng nhân vật chính diện mà vẫn không chạm được tới trái tim khán giả thì rõ ràng các nhà làm phim phải rút kinh nghiệm. Trình độ khán giả ngày càng cao, tự nâng cao chất lượng sản phẩm phim ảnh là điều quan trọng để giữ chân khán giả ở lại với mình.

Khánh Thảo
.
.