Một năm tụt dốc của gameshow truyền hình
Những gameshow lớn "ngậm ngùi" nhìn rating sụt giảm
Những ngày gần đây, "Ơn giời cậu đây rồi" mùa thứ 5 trở thành tâm điểm trên các diễn đàn với nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh chất lượng chương trình. Phần lớn khán giả bày tỏ sự thất vọng về "Ơn giời cậu đây rồi" 2018 và cho rằng, chương trình năm nay thật sự nhạt nhòa.
Các tình huống không tạo được ấn tượng mạnh mẽ, các trưởng phòng cũng như người chơi không mang lại tiếng cười, sự bất ngờ, thông minh, dí dỏm cần thiết. Thật đáng tiếc khi trước đó, "Ơn giời cậu đây rồi" đã đi được chặng đường khá dài, từng là một trong những chương trình hot nhất của VTV.
Vì sao "Ơn giời cậu đây rồi" 2018 giảm nhiệt sâu đến vậy trong khi chương trình vẫn quy tụ những gương mặt diễn viên hài được yêu thích nhất hiện nay như Hoài Linh, Trấn Thành, Trường Giang, Lâm Vỹ Dạ, Xuân Bắc, Tự Long…
"Gương mặt thân quen" 2018 giảm nhiệt đáng kể. Một trong những nguyên nhân được cho là do dàn giám khảo năm nay thiếu sức hút. Trong ảnh (từ trái sang): ca sĩ Quang Linh, diễn viên Kim Oanh, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng. |
Một trong những nguyên nhân được nhắc đến chính là thí sinh tham gia chương trình. Rất nhiều khách mời tham gia chương trình năm nay đều là gương mặt cũ, từng tham gia "Ơn giời cậu đây rồi" những mùa trước như Hòa Minzy, Thiên Vương, Hoàng Oanh, Phương Trinh Jolie, Kim Tử Long, Lê Phương, Thiên Vương, Phi Nhung…
Yếu tố hấp dẫn nhất của "Ơn giời cậu đây rồi" chính là sự bất ngờ được tạo ra từ sự thông minh, khả năng xử lý tình huống, ứng biến giữa người chơi và các trưởng phòng. Người chơi không biết trước tình huống nên đòi hỏi sự nhanh nhẹn, linh hoạt để ứng phó với tình huống đặt ra nhưng phải tạo được tiếng cười dí dỏm, hài hước. Không phải nghệ sĩ nào cũng đủ "dũng khí" để tham gia chương trình nên chắc chắn, Ban Tổ chức sẽ gặp khó khăn nhất định khi lựa chọn, mời nghệ sĩ tham gia "Ơn giời cậu đây rồi".
Tất nhiên, với những gương mặt cũ thì khó tạo ra sự bất ngờ, hấp dẫn người xem như lần đầu xuất hiện. Điều này đã được minh chứng trong chương trình "Ơn giời cậu đây rồi" mùa thứ 5 vừa qua. Những nghệ sĩ như Hòa Minzy, Kim Tử Long, Lê Phương, Thiên Vương, Phi Nhung vẫn thể hiện khá tốt khả năng của mình nhưng sức hút thì giảm đáng kể. Bên cạnh đó, những gương mặt mới của chương trình năm nay bị đánh giá là mờ nhạt.
Format chương trình, vị trí trưởng phòng của "Ơn giời cậu đây rồi" hầu như không có sự thay đổi qua các năm. So với các mùa trước, nội dung kịch bản bị đánh giá là thiếu chất lượng và bị lặp lại. Với 13 số phát sóng mỗi mùa, điều này cũng đồng nghĩa rằng, các trưởng phòng sẽ phải làm việc, sáng tạo cật lực cho mỗi tập phát sóng. Sức sáng tạo có dồi dào đến đâu thì sau 5 mùa phát sóng với tần suất làm việc như vậy thì tình trạng thiếu kịch bản hay, lặp lại là điều khó tránh khỏi.
Một chương trình hot khác của VTV cũng rơi vào tình trạng tương tự là "Gương mặt thân quen" mùa thứ 6. Bắt đầu từ mùa giải 2017, "Gương mặt thân quen" đã có dấu hiệu cho thấy sự tụt dốc. Chiến thắng của Jun Phạm với ngôi vị quán quân đã châm ngòi cho những tranh luận trên các diễn đàn.
Nhiều khán giả cho rằng, Jun Phạm không xứng đáng với vị trí quán quân vì các phần hóa thân của chàng ca sĩ này không ấn tượng. Bên cạnh đó là những lùm xùm khi ca sĩ Tố Ny "tố" Ban tổ chức chèn ép thí sinh và cô không được tôn trọng.
"Gương mặt thân quen" 2018 gây thất vọng ngay từ giàn giám khảo khi Kim Oanh - một diễn viên được lựa chọn ngồi ghế nóng cùng với Đàm Vĩnh Hưng và Quang Linh. Không ít nhận xét của Kim Oanh bị đánh giá là thiếu kiến thức âm nhạc, cảm tính, có phần sai lệch.
Sự xuất hiện của Quang Linh, Kim Oanh bị so sánh với hai giám khảo trước đó là nhạc sĩ Đức Huy và ca sĩ Mỹ Linh. Với gameshow như "Gương mặt thân quen", ngoài yếu tố chuyên môn, sự hài hước, hoạt ngôn, phối hợp ăn ý, tung hứng của các giám khảo đóng vai trò hết sức quan trọng. Tuy nhiên, bộ ba giám khảo năm nay không làm được điều này.
"Gương mặt thân quen" 2018 tụt dốc còn do dàn thí sinh năm nay là những tên tuổi không mấy nổi bật trong làng giải trí. Ngoài Duy Khánh và Hùng Thuận ít nhiều được khán giả biết đến, những cái tên như Kim Thành, Hà Thu, Anh Tú, Đỗ Phú Quý vẫn còn khá xa lạ với công chúng.
Bên cạnh đó, phần hóa thân thành các nghệ sĩ nổi tiếng của những thí sinh này cũng không thực sự xuất sắc. Thiếu vắng những nhân tố như Khởi My, Thanh Duy, Hoài Lâm ở những mùa trước nên "Gương mặt thân quen" 2018 chìm trong không khí buồn tẻ, không được quan tâm như trước.
Sự "tụt hạng" rõ nhất của "Gương mặt thân quen" 2018 thể hiện ở mức giá quảng cáo trong chương trình. Được biết, ở những mùa đầu tiên, khi "Gương mặt thân quen" trở thành một trong những gameshow có lượng rating cao nhất trên sóng VTV, mức giá quảng cáo có thời điểm lên đến 370 cho một block quảng cáo thời lượng 30 giây thì giờ đây, con số này giảm xuống gần một nửa, ở mức 200 triệu đồng.
Hệ quả từ sự phát triển gameshow "nóng"?
"Ơn giời cậu đây rồi", "Gương mặt thân quen" chỉ là hai trong số rất nhiều gameshow giải trí một thời đình đám ở nước ta rơi vào tình trạng thoái trào. Các cuộc thi tìm kiếm tài năng trên truyền hình như "Giọng hát Việt", "Giọng hát Việt nhí", "Gương mặt thân quen nhí", "Thần tượng Bolero", "Dự án số 1", "Giọng ca bất bại"… cũng dần trở nên bão hòa, không hấp dẫn người xem. Sự chuyển dịch của các gameshow truyền hình từ những chương trình tìm kiếm tài năng đến các chương trình hài, chương trình về gia đình, chương trình khai thác góc khuất, đời tư nghệ sĩ cũng không đủ lực để lôi kéo khán giả.
Nhiều khán giả cho rằng, "Ơn giời cậu đây rồi" mùa thứ 5 thực sự nhạt nhòa, kém xa so với chương trình các mùa trước. |
Lý giải vấn đề này, nhiều người cho rằng, gameshow Việt đã qua thời hoàng kim và tình trạng thoái trào tất yếu sẽ xảy ra. Một thời, gameshow Việt phát triển ồ ạt để đáp ứng thị hiếu của khán giả. Hàng loạt gameshow đình đám ở nước ngoài được mua bản quyền, "Việt hóa" trên sân khấu Việt. Yếu tố mới, lạ trong các gameshow chỉ có thể thu hút được khán giả ở một, hai mùa đầu tiên, càng về sau, sức hút của chương trình càng giảm.
Gameshow được Việt hóa nhiều nhất là tìm kiếm tài năng, những sân chơi mà người chơi là các nghệ sĩ. Điều này dẫn đến tình trạng các cuộc thi ngày càng vắng bóng thí sinh tài năng, các sân chơi "nhẵn mặt" một số nghệ sĩ tham gia hết gameshow này đến gameshow khác. Ngay cả đội ngũ giám khảo, những người "cầm cân, nảy mực" trong các sân chơi tìm kiếm tài năng cũng rơi vào tình trạng "khủng hoảng". Có nghệ sĩ một buổi tối xuất hiện cùng lúc ở vài ba chương trình trên các kênh sóng khác nhau.
Trong khi đó, một số gương mặt vừa mới bước ra từ cuộc thi ca hát chưa có nhiều kinh nghiệm chuyên môn, trải nghiệm cuộc sống cũng được mời ngồi ghế nóng. Nhà sản xuất buộc phải sử dụng đến các chiêu trò để "câu view", "câu like". Một số gameshow còn gây bức xúc người xem khi nghệ sĩ lạm dụng quá đà ngôn ngữ, hình ảnh dung tục, giả gái thô thiển…. khiến khán giả cảm thấy chương trình nhảm nhí, vô bổ.
Một điều dễ nhận thấy là trong thời đại công nghệ số, truyền hình không còn là kênh giải trí duy nhất mà khán giả có nhiều lựa chọn hơn trong thực đơn giải trí của mình. Sự phát triển của những gameshow phát sóng trên mạng internet là xu thế nhận thấy rõ trong năm 2018.
Mặc dù không ít chương trình giải trí trên mạng bị "ném đá" vì tục tĩu, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam nhưng lại thu hút rất đông lượng khán giả trẻ theo dõi chương trình. Các chương trình giải trí trên mạng là một trong những "đối thủ" cạnh tranh trực tiếp với gameshow trên truyền hình.
Theo đúng quy luật của sự phát triển, cái gì hợp lý thì tồn tại và cái gì không hợp lý chắc chắn sẽ bị thay thế. Sự phát triển nóng, thiếu chọn lọc của các gameshow tất yếu xuất hiện các gameshow nhảm nhí, kém chất lượng. Sớm hay muộn, các gameshow này sẽ bị đào thải. Tôi vẫn tin rằng, những gameshow được đầu tư bài bản, nghiêm túc với những nhà sản xuất có tâm, có tầm sẽ có được chỗ đứng trong lòng công chúng. Chắc chắn giá trị nghệ thuật đích thực và những người làm nghệ thuật chân chính sẽ được trả về đúng vị trí vốn có của nó.