“Kinh Thi Việt Nam”: Đường kiếm đầu tiên – đường kiếm bậc thầy

Thứ Sáu, 14/12/2018, 08:48
Câu nói trên vốn xuất phát từ lời đối thoại của Rodrigue với Bá tước Don Gormas: “Et pour leurs coups d'essai veulent des coups de maitre” (Tạm dịch: Đường kiếm đầu tiên sẽ là đường kiếm bậc thầy) trong vở bi kịch “Le Cid” (Thủ lĩnh - 1636) của nhà viết kịch người Pháp Pierre Corneille (1606 - 1684). Câu này vốn bắt nguồn từ câu ngạn ngữ Pháp: “Coup dessai coup de maitre” (Thử nghiệm đồng thời là thành công).


Đường kiếm bậc thầy

“Kinh Thi Việt Nam” được Trương Tửu (1913 - 1999) hoàn thành và ra mắt bạn đọc lần đầu tiên năm 1940. Nhưng ngay sau đó cuốn sách bị chính quyền thực dân Pháp thu hồi. Năm 1945, sau khi Nhật đảo chính Pháp, nắm quyền cai trị Đông Dương, cuốn sách trở lại với bạn đọc (Hàn Thuyên xuất bản cục - Tạp chí Văn Mới, số 53, ngày 5-7-1945). Từ đó về sau, “Kinh Thi Việt Nam” được tái bản nhiều lần.

Trong một cuộc trò chuyện song đôi, Nguyễn Mạnh Tiến - chàng du tử của “Những đỉnh núi du ca - Một lối tìm về cá tính HMông” và tôi đã cùng bình luận về một công trình khác đương thời. Đó là luận án Văn chương “Hát đối đáp nam nữ thanh niên ở An Nam” của Nguyễn Văn Huyên (1908 - 1975) được bảo vệ tại Đại học Sorbonne (Pháp) cũng là đường kiếm đầu tiên - đường kiếm bậc thầy của vị Tiến sĩ người Việt Nam. Luận án sau đó được xuất bản tại Pháp.

Tọa đàm ra mắt sách “Kinh Thi Việt Nam” của GS Trương Tửu tại Trường ĐHSP Hà Nội.

“Kinh Thi Việt Nam” nếu so sánh về quy mô nghiên cứu thì chưa thể vươn đến vị trí của “Hát đối đáp nam nữ thanh niên ở An Nam” nhưng vẫn có chỗ đứng riêng biệt. Đối với nghiên cứu Văn học ở Việt Nam, “Kinh Thi Việt Nam” có tầm vóc lớn với tương quan thành tựu nghiên cứu trong nước và đương thời.

Nguyễn Mạnh Tiến bình luận trong chủ đề chủ nghĩa dân tộc lãng mạn - trưng dụng các thành tố folklore mà nhất các bài ca dân gian để định dạng bản sắc dân tộc Việt Nam vốn phổ biến đầu thế kỷ XX và cả sau này, thì: “Kinh Thi Việt Nam" là cuốn sách tốt nhất được viết bằng tiếng Việt. Còn "Hát đối đáp nam nữ thanh niên ở An Nam” là cuốn sách tốt nhất được viết bằng tiếng Pháp”.

Song ảnh hưởng của Trương Tửu trong nghiên cứu văn học Việt Nam từ thập niên 40 (của thế kỷ trước) trở đi rộng rãi hơn cuốn sách nói trên của Nguyễn Văn Huyên bởi vì rất ít người biết đến những công trình nghiên cứu viết bằng tiếng Pháp của Nguyễn Văn Huyên. Mạch ngầm nghiên cứu về Trương Tửu sau 1975 vẫn âm thầm và bất ngờ trỗi dậy ở Trịnh Bá Đĩnh và Nguyễn Hữu Sơn, dẫu rằng, họ kế thừa thành tựu nghiên cứu của các bậc tiền bối.

Còn Nguyễn Văn Huyên thì ngoài khối học giả đọc Pháp ngữ, chỉ được người Việt Nam phát lộ trong khoảng hơn 20 năm trở lại đây sau khi các công trình của ông được dịch ra chữ Việt và in trong bộ sách hai tập với tên gọi khá khiêm tốn và đồng phục lúc đó “Góp phần nghiên cứu Văn hóa Việt Nam” (Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 1994).

Trong tiểu luận “Tiếp nhận và chuyển đổi hệ hình phê bình phân tâm học văn học ở Việt Nam” (Đỗ Lai Thúy (chủ biên): "Những cạnh khía của Lịch sử Văn học", Nhà xuất bản Hội Nhà văn - SongThuy bookstore, 2016), Nguyễn Mạnh Tiến đánh giá: “Có thể nói "Kinh Thi Việt Nam" là chuyên luận đầu tiên của Trương Tửu với tư cách nhà nghiên cứu khảo cứu, giữ một vị trí quan trọng trong tư tưởng học thuật Trương Tửu”.

Về mặt phương pháp, Nguyễn Mạnh Tiến bình luận “Kinh Thi Việt Nam" được tiến hành phân tích dựa trên nhiều khoa học, mang tính liên ngành, phù hợp với tạng “bách khoa” của học giả Trương Tửu, trong đấy, thuyết Mácxít và thuyết Freud là hai trụ đỡ chính”.

Tìm đến cội rễ tinh thần dân tộc

Nhà nghiên cứu Văn Tâm (1933-2004) trong Từ điển Văn học (bộ mới) cho rằng: “Trương Tửu - Nguyễn Bách Khoa là một trong những cây bút ở Việt Nam sớm vận dụng chủ nghĩa duy vật biện chứng. Phương pháp khoa học này khiến ông khá thành công ở một số sách biên khảo sử học, nhất là trong tác phẩm nghiên cứu văn học dân gian chứa đựng không ít tổng kết chính xác có ích lâu dài: "Kinh Thi Việt Nam”.

Nghiên cứu ca dao Việt Nam theo tinh thần mác xít, Trương Tửu cho rằng: Chúng ta có một Kinh Thi quý giá không kém gì Kinh Thi của người Trung Quốc. Bổn phận chúng ta ngày nay là phải ghi chép nó, san định nó, chú thích nó. Đọc ca dao là chúng ta tìm đến cội rễ tinh thần của dân chúng Việt Nam. Ca dao Việt Nam ngoài là những tài liệu xã hội học quan trọng, còn có giá trị nghệ thuật không kém giá trị nghệ thuật của bất kỳ nền văn nghệ bình dân ở một dân tộc nào trên thế giới.

Còn Tiến sĩ Phan Mạnh Hùng (Khoa Văn học - Trường Đại học Khoa hoạc Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) bình luận: Trong công trình "Kinh Thi Việt Nam", Trương Tửu đã đề xuất và thảo luận hai vấn đề lớn mang tính khoa học và thực tiễn: Mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị; văn nghệ là sản phẩm của xã hội phản ánh cá tính riêng của tác giả và tâm lý dân tộc. Nhiều luận điểm ông đưa ra được đúc kết từ tư liệu thực tế đến nay còn có giá trị tham khảo.

Sách “Kinh Thi Việt Nam”.

Viết "Kinh Thi Việt Nam", Trương Tửu mong muốn: Đọc "Kinh Thi Việt Nam" bây giờ sẽ là tìm trong quá khứ của dân chúng Việt Nam cái sức mạnh để đảm bảo cho lòng tin của chúng ta ở tương lai của dân chúng Việt Nam. Đọc nó sẽ còn tìm đến cái hay, cái đẹp, cái khéo của âm điệu và tiếng nói Việt Nam là tìm đến cái hương hoả văn chương của cha ông để lại, do đó mà kiến thiết nền thi ca Việt Nam hiện đại. Đọc nó còn là tìm cho mình một gốc rễ tinh thần, một lạc thú tinh thần hiếm có”.

“Kinh Thi Việt Nam” trở lại văn đàn

Với một bản in độc lập ở Nhà xuất bản Thế giới (1951), Hoa Tiên xuất bản (1974), Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin (2000), từ năm 2002, “Kinh Thi Việt Nam” được in trong các tuyển tập “Nguyễn Bách Khoa: Khoa học & Văn chương” (Trịnh Bá Đĩnh tuyển chọn, Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin, 2002); “Trương Tửu: Tuyển tập Lý luận Phê bình” (Trịnh Bá Đĩnh - Nguyễn Hữu Sơn tuyển chọn, Nhà xuất bản Lao động - Trung tâm VHNN Đông Tây, 2007).

Năm 2014, Hội Nhà văn Hà Nội đã vinh danh Trương Tửu với Giải thưởng trọn đời cho cả bộ 3 Tuyển tập: “Trương Tửu - Tuyển tập Nghiên cứu Phê bình” (2007), “Trương Tửu - Tuyển tập Văn xuôi” (2009) và “Trương Tửu - Tuyển tập Văn hóa” (2013). Đó là 3 mảng hoạt động nghiên cứu, sáng tác và phê bình của nhà văn - Giáo sư Trương Tửu cho văn học nước nhà. Tất nhiên, “Kinh Thi Việt Nam” gặp mặt trong Giải thưởng trọn đời.

Năm 2018, “Kinh Thi Việt Nam” - Đường kiếm đầu tiên - đường kiếm bậc thầy trở lại với bạn đọc ở hình thức một tác phẩm độc lập, đúng vào dịp 105 năm Ngày sinh nhà văn - Giáo sư Trương Tửu (18/11/1913 - 16/12/1999).

Giáo sư - nhà nghiên cứu phê bình Văn học Trương Tửu (1913-1999) còn có các bút danh khác là Nguyễn Bách Khoa, Mai Viên… Ông từng làm Giám đốc Văn chương Nhà xuất bản Hàn Thuyên, Ủy viên Hội Văn hóa Việt Nam, tham gia Bí thư Ðoàn Liên đoàn Văn nghệ kháng chiến Liên khu IV; giảng dạy tại Trường Dự bị đại học Liên khu IV và hai trường Đại học Sư phạm, Đại học Văn khoa Hà Nội.

Cái “nháy mắt” với Khổng Tử

“Ngay từ tiêu đề, cuốn sách đã không hề giấu giếm cảm hứng và tham vọng về sự xác lập các giá trị mang tính cách đặc trưng dân tộc. "Kinh Thi Việt Nam" học theo nhưng cũng là cái “nháy mắt” với đức Khổng Khâu, người san định Kinh Thi Trung Hoa, rằng Việt Nam cũng hoàn toàn có một mạch nguồn phong dao phong phú, sinh động và đủ sức tồn tại trong vị thế riêng, góp phần tạo dựng nền văn hiến nước Nam lâu đời” (Tiến sĩ Văn học Mai Anh Tuấn).
Kiều Mai Sơn
.
.