K-ICM và ước mơ mang nhạc Việt đi xa
- Nhạc trẻ Việt Nam: Con thuyền không người lái
- Người trẻ thắp hy vọng cho nhạc Việt
- Bức tranh âm nhạc Việt Nam đương đại
Cậu bé đến từ facebook
K-ICM là nghệ danh của chàng trai sinh năm 1999 Nguyễn Bảo Khánh. Sinh ra và lớn lên tại Sóc Trăng, Khánh may mắn được kế thừa niềm đam mê âm nhạc từ những người ruột thịt. Bố mẹ và 2 anh trai của Khánh không phải nghệ sĩ chuyên nghiệp, nhưng họ dành tình yêu lớn cho các loại nhạc cụ, Khánh cũng vậy.
Những ngón tay nhỏ nhắn của cậu bé 4 tuổi ngày nào mặc định “nhảy nhót” trên những phím đàn, say sưa, mê mải, và những bản nhạc cứ thế vang lên. Chưa từng trải qua trường lớp đào tạo âm nhạc nào, khả năng thiên bẩm chính là yếu tố đưa Khánh vào nhóm tài năng hiếm gặp.
Chưa từng trải qua trường lớp đào tạo âm nhạc nào, khả năng thiên bẩm chính là yếu tố đưa K-ICM vào nhóm tài năng hiếm gặp. |
Năm 12 tuổi, Khánh đã có thể chơi organ cực kỳ thành thạo theo phong cách không giống ai. Khánh vui vẻ với công việc đánh đàn trong những đám cưới để hỗ trợ phần nào tài chính cho gia đình. Đó là một bầu trời tuổi thơ cậu không bao giờ quên, là “ngọn lửa” âm ỉ nhưng chưa bao giờ tắt, đam mê trong cậu không ngừng lớn lên theo năm tháng.
Không ít người gọi Khánh là “cậu bé đến từ Facebook” khi năm 2016, cậu quyết định livestream chơi đàn trên mạng xã hội này. Khi ấy, mong muốn giản dị của Khánh là mang âm nhạc đến gần với khán giả. Nhưng có lẽ, thành công thường đến vào lúc người ta ít sự đề phòng nhất. Những buổi livestream của Khánh thu hút đông đảo người xem cùng vô vàn bình luận ca ngợi tài năng chơi đàn. Đây chính là động lực để Khánh viết tiếp ước mơ.
Định hướng đúng đắn
Năm 2017, người ta không gọi cậu là Bảo Khánh hay “thánh nện đàn” nữa, thay vào đó là một nghệ danh thời thượng và bắt tai hơn rất nhiều: K-ICM. Bước qua giai đoạn mông lung với chính tài năng của mình, K-ICM nhận ra anh cần rẽ sang con đường âm nhạc chuyên nghiệp.
Trở thành một nhà sản xuất âm nhạc chính là sự định hướng cực kỳ đúng đắn. “Buồn của anh” - sản phẩm chào sân của K-ICM khi bắt tay cùng Đạt G và Masew đã “gây bão” V-pop trong thời gian dài, nhanh chóng đạt trăm triệu view trên YouTube dù chỉ là một bản audio thuần túy.
Sau “Buồn của anh”, K-ICM tiếp tục cho khán giả thấy đôi tay “phù thủy” của mình khi mang đến một bản hòa âm phối khí hoàn hảo cho “Con trai cưng” – sản phẩm kết hợp với rapper B Ray. Khách quan mà nói, V-pop hiếm có bản rap nào mượt mà, tinh tế và dễ tạo thiện cảm nơi người nghe như “Con trai cưng”. Bắt đầu từ sản phẩm này, K-ICM định hình được dấu ấn riêng trong lòng khán giả.
Năm 2019, K-ICM và Jack là 2 cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong làng nhạc trẻ Việt cùng những thành tích vượt trội mà bộ đôi này tạo nên. Họ “làm mưa làm gió” trên bản đồ V-pop với những siêu hit như “Bạc phận”, “Sóng gió”, “Em gì ơi”… Thời điểm này, phong cách hòa âm phối khí của K-ICM càng rõ nét hơn: nhạc cụ dân tộc kết hợp EDM.
Trong tư duy âm nhạc của K-ICM, chất liệu truyền thống chính là kho báu để anh khai phá, bên cạnh việc tìm tòi, chinh phục những gam màu hiện đại để bắt kịp nền âm nhạc không ngừng phát triển của thế giới.
Tất nhiên, đây là một lựa chọn thông minh, bởi chỉ có chất liệu dân tộc mới tạo nên bản sắc riêng cho nhạc Việt, và chắc chắn đây chính là “điểm cộng” hoàn hảo để một ngày nào đó, nhạc trẻ Việt đủ tầm vóc chạm tới khán giả quốc tế.
Không có thất bại, tất cả là thử thách
Cuối năm 2019, thời điểm không còn hoạt động chung với Jack, K-ICM gặp rất nhiều bất lợi từ những câu chuyện ngoài lề. Có lúc tưởng như anh gục ngã vì áp lực quá lớn từ búa rìu dư luận và những thị phi của showbiz.
Việc một nhà sản xuất âm nhạc làm chủ sản phẩm, đứng trên sân khấu biểu diễn, làm chủ dàn âm thanh, bỗng nhiên trở thành điều không thể chấp nhận đối với một bộ phận khán giả bảo thủ. Trong khi hình thức này đã quá phổ biến trên thế giới.
Công việc của một nhà sản xuất âm nhạc thường diễn ra trong thầm lặng. |
Đầu năm 2020, làn sóng tẩy chay những sản phẩm của K-ICM lan rộng chưa từng có trong showbiz Việt. Các sản phẩm âm nhạc của anh ra mắt đều bị lượng anti- fan công kích dữ dội. Thay vì gục ngã bởi những khắc nghiệt của showbiz, càng bị chỉ trích, K-ICM càng kiên định với đam mê của mình.
Anh dần cho khán giả thấy công việc, vai trò và trách nhiệm của nhà sản xuất đối với một sản phẩm âm nhạc. Thực tế, đây là công việc rất khó khăn, tỉ mỉ, đòi hỏi nhiều chất xám. Nhà sản xuất âm nhạc không chỉ giỏi chuyên môn, kỹ thuật, mà còn phải sáng tạo, nhanh nhạy để nắm bắt thị trường, định hướng phong cách ca sĩ. Nhưng công việc của họ diễn ra trong thầm lặng nên không mấy ai chú ý, trừ người trong giới và những khán giả có kiến thức chuyên môn.
Con đường K-ICM lựa chọn quá đỗi bình thường so với chuẩn mực và xu hướng chung của âm nhạc thế giới, nhưng vẫn hơi kỳ lạ đối với một vài quan điểm cũ kỹ tại thị trường nhạc Việt. Tuy nhiên, không vì thế mà K-ICM từ bỏ, anh biến áp lực thành động lực để tiếp tục tiến về phía trước.
Tháng 7 vừa qua, K-ICM khẳng định tài năng thông qua sản phẩm “Túy họa” do chính anh sáng tác, phối khí và sản xuất. “Túy họa” khiến người nghe mãn nhĩ bằng tổng thể âm thanh gây nghiện được kết hợp bởi rất nhiều loại nhạc cụ truyền thống. Ngay cả những khán giả từng “ghét” K-ICM cũng phải thừa nhận tài năng của anh.
Tiếp nối thành công của “Túy họa”, tháng 8 vừa qua, K-ICM lại khiến anti-fan phải ngả mũ thán phục khi tung “Ai mang cô đơn đi”, một sản phẩm kết hợp cùng cộng sự mới APJ. Thành tích ấn tượng mà “Ai mang cô đơn đi” đạt được kể từ thời điểm ra mắt đến nay chính là sự đón nhận của khán giả.
Sau nhiều ngày bền bỉ ở top 8, top 5 Zingchart, cuối cùng “Ai mang cô đơn đi” cũng vươn lên vị trí thứ 1 trong vài ngày và tiếp tục trụ vững ở vị trí thứ 2 trong thời gian dài, tạo nên một cuộc “cạnh tranh” thú vị trên bảng xếp hạng âm nhạc trực tuyến cực hot này.
Trong khi đó, bản audio của “Ai mang cô đơn đi” chỉ chịu rời khỏi top trending YouTube khi đã phát hành được hơn 3 tuần. Chưa kể, sản phẩm này còn tạo được hiệu ứng lan tỏa khắp mạng xã hội Tik Tok.
Dường như, thử thách càng lớn, cường độ làm việc của K-ICM càng cao và tần suất ra sản phẩm càng dày hơn. Ngoài vai trò nhà sản xuất âm nhạc, K-ICM còn là “ông bầu” trẻ khi đang dẫn dắt những tài năng trong công ty của mình như Ryo, Huyền Tâm Môn,… Anh liên tục hỗ trợ họ ra mắt sản phẩm mới nhằm thỏa mãn đam mê.
Bên cạnh đó, K-ICM cũng cho thấy tiềm năng lớn của mình ở mảng sáng tác với những sản phẩm chạm đến cảm xúc người nghe như “Em đã từng”, “Tình ca em đến”, “Túy họa”, “Mình đi cùng nhau”, “Một chiều mưa bất ngờ”,…
Viết tiếp ước mơ
Với một nhà sản xuất âm nhạc còn quá trẻ như K-ICM, mọi thứ còn ở phía trước và anh cần phải chứng minh được khả năng đi đường dài của mình. Tài năng có lẽ chưa đủ. Để trở thành một người truyền cảm hứng, cá tính và năng lượng của nghệ sĩ phải đủ mạnh để khuấy đảo đám đông, K-ICM đang cố gắng làm được điều này.
Đầu năm 2020, cái tên K-ICM từng xuất hiện trong dàn nghệ sĩ biểu diễn tại đại nhạc hội EDM lớn nhất Thái Lan. Tiếc rằng, đại dịch Covid-19 khiến chương trình này phải tạm hoãn.
Tiếc nuối vì chưa thể chạm tới ước mơ lớn, K-ICM dồn hết tâm sức cho công việc hiện tại. Anh không cho phép bản thân ngơi nghỉ, mà liên tục sáng tạo, cống hiến nhằm đáp lại sự ủng hộ của khán giả trong suốt thời gian cùng anh trải qua “sóng gió”.
Một điều đặc biệt khác ở K-ICM là sự thay đổi trong tư duy âm nhạc. Thay vì cố gắng tạo ra những sản phẩm chiều thị hiếu số đông, sắp tới, nhà sản xuất âm nhạc 21 tuổi sẽ liên tục mang đến những sản phẩm thực sự chất lượng, chứa đựng nhiều giá trị nghệ thuật, hướng tới những khán giả yêu nhạc thuần túy.
Niềm khao khát chưa bao giờ nguôi ngoai trong anh chính là trân trọng chất liệu truyền thống, và một ngày nào đó mang được âm thanh của Việt Nam đến với khán giả quốc tế.