Giải thưởng Âm nhạc cống hiến lần thứ 15:

Bức tranh âm nhạc Việt Nam đương đại

Thứ Năm, 05/03/2020, 08:39
Đầu tháng 2 vừa qua, Ban Tổ chức Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến lần thứ 15 năm 2020 chính thức công bố danh sách các hạng mục đề cử. Cũng như những năm trước, giải thưởng nhận được nhiều sự quan tâm của giới nghệ sĩ cũng như khán giả trên khắp mọi miền Tổ quốc. Nhìn lại chặng đường dài đã đi qua, có thể thấy, giải thưởng đang ngày càng phản ánh chân thực hơn bức tranh âm nhạc Việt Nam đương đại.


"Sự chuyển giao thế hệ" trong làng nhạc Việt

Thực tế cho thấy, các giải thưởng âm nhạc Việt thường diễn ra rầm rộ vào thời điểm cuối năm cũ nên sự trở lại của giải thưởng được coi là "Grammy nhạc Việt" vào thời điểm này nhận được sự quan tâm của dư luận cũng là điều dễ hiểu. Ngoài ra, cũng phải thừa nhận rằng, Cống hiến là một trong những giải thưởng âm nhạc uy tín, gây được tiếng vang mà giới nghệ sĩ mong chờ, khát khao được vinh danh.

Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến lần thứ 15 có 9 hạng mục đề cử, bao gồm: "Nhà sản xuất của năm", "Bài hát của năm", "Music Video của năm", "Nghệ sĩ mới của năm", "Album của năm", "Chương trình của năm", "Chuỗi chương trình của năm", "Nhạc sĩ của năm" và "Ca sĩ của năm". Nhìn vào bảng đề cử năm nay có thể thấy rằng, những gương mặt trẻ, tài năng đang chiếm lĩnh thị trường âm nhạc. Nhiều người nói vui rằng, nhạc Việt đang "thay máu" hay có "sự chuyển giao thế hệ" trong làng âm nhạc.

Ca khúc “Để mị nói cho mà nghe” của ca sĩ Hoàng Thùy Linh.

Ca sĩ Hoàng Thùy Linh với những nỗ lực, sáng tạo mang đậm dấu ấn cá nhân qua loạt sản phẩm âm nhạc khai thác chất liệu dân gian dân tộc đã có mặt trong 4 hạng mục đề cử quan trọng là "Ca sĩ của năm", "Album của năm", "Bài hát của năm" và "MV của năm". Ca khúc "Để Mị nói cho mà nghe" được đánh giá là "mảnh ghép hoàn hảo" để Hoàng Thùy Linh khẳng định tài năng, con đường âm nhạc của mình.

Ngay từ khi ra mắt, "Để mị nói cho mà nghe" đã tạo nên hiện tượng, xu hướng âm nhạc, trở thành "bài hát quốc dân" len lỏi vào khắp ngõ ngách đời sống. Ca khúc này đã "càn quét" nhiều bảng xếp hạng âm nhạc trực tuyến và chắc chắn một lần nữa sẽ "làm nên chuyện" tại Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến 2020.

Cùng với Hoàng Thùy Linh, cái tên Sơn Tùng M-TP cũng xuất hiện trong 4 hạng mục đề cử, bao gồm: Ca khúc "Hãy trao cho anh" (Sơn Tùng M-TP phối hợp với rapper Snoop Dogg) được đề cử hạng mục "MV của năm", "Bài hát của năm", "Liveshow Sky

Tour" được đề cử hạng mục "Chương trình của năm" và Sơn Tùng M-TP là một trong những ca sĩ nổi bật được đề cử ở hạng mục "Ca sĩ của năm". Sơn Tùng M-TP hiện là ca sĩ trẻ có lượng fan hâm mộ hàng đầu trong showbiz Việt. Mỗi sản phẩm âm nhạc của chàng ca sĩ trẻ gốc Thái Bình này khi xuất hiện, đều tạo nên hiện tượng, cơn sốt trong giới trẻ Việt.

Một gương mặt nữ trẻ khác vinh dự được xuất hiện trong ba hạng mục đề cử là ca sĩ Phạm Thùy Dung. Năm 2019 là một năm thành công của Á quân Sao Mai 2013 khi phát hành 2 MV, 1 CD và 1 Concert. Tất cả các sản phẩm âm nhạc đều được đầu tư bài bản, nghiêm túc, được giới chuyên môn đánh giá cao và khán giả nồng nhiệt đón nhận.

Ca sĩ Phạm Thùy Dung vui mừng chia sẻ rằng, việc có tên trong các hạng mục đề cử, được đứng cùng bảng đề cử với các bậc đàn anh, đàn chị trong nghề là nguồn động lực để cô không dừng lại, tiếp tục cho ra đời những sản phẩm âm nhạc chất lượng và sáng tạo hơn nữa.

5 cái tên được đề cử hạng mục "Nghệ sĩ mới của năm" là Đạt G, LyLy, Thịnh Suy, Amee, Kata Trần - Thịnh Kainz có thể còn xa lạ với một số người nhưng lại rất "hot", được yêu mến trên cộng đồng mạng. Đây là những gương mặt mới, còn trẻ tuổi đời, ít tuổi nghề và đa phần đều thành công nhờ nhạc số. Điều đáng quan tâm là những gương mặt này chưa từng tham gia và đạt giải tại các cuộc thi ca hát. Họ là "minh chứng sống" rằng, trong thời kỳ hiện nay, bệ phóng để người nghệ sĩ tỏa sáng có thể là không gian mạng chứ không phải chỉ có các cuộc thi ca hát trên truyền hình như một vài năm trở về trước.

Ngoài những gương mặt mới, trong các hạng mục đề cử còn có các nghệ sĩ "gạo cội" như Quốc Trung, Huy Tuấn, Hồ Hoài Anh (đề cử hạng mục "Nhà sản xuất của năm"), Nguyễn Văn Chung, Nguyễn Vĩnh Tiến (đề cử hạng mục "Nhạc sĩ của năm"), Thu Minh, Hà Anh Tuấn, Tân Nhàn (đề cử hạng mục "Ca sĩ của năm")...

Điều này cho thấy, "tre già, măng mọc" là điều tất yếu và đang có sự chuyển giao thế hệ trong làng nhạc Việt. Sự xuất hiện đan xen giữa những cái tên cũ, mới sẽ tạo nên sự hấp dẫn, khó đoán định ai sẽ được vinh danh tại lễ trao giải thưởng năm nay.

Tìm tiếng nói chung với phần đông khán giả

Một số nhà phê bình âm nhạc cho rằng, các hạng mục đề cử Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến đã phản ánh khá chân thực bức tranh nhiều màu sắc cũng như xu hướng phát triển, thị hiếu thưởng thức âm nhạc ngày càng đa dạng của khán giả Việt. Nghệ sĩ tên tuổi hay nghệ sĩ mới đều có thể được yêu thích và có đối tượng khán giả riêng của mình.

Ca khúc "Hãy trao cho anh" của Sơn Tùng M-TP phối hợp với rapper Snoop Dogg được đề cử hạng mục "MV của năm", "Bài hát của năm".

Tuy nhiên, xung quanh đề cử giải thưởng cũng có không ít ý kiến trái chiều cho rằng, Ban Tổ chức đã "bỏ sót" một số gương mặt nổi bật đang rất được giới trẻ, cộng đồng mạng yêu thích. Theo đó, hai gương mặt nghệ sĩ là Jack và Đen Vâu hoạt động khá tích cực, có nhiều sản phẩm âm nhạc "gây bão" cộng đồng mạng nhưng hoàn toàn vắng mặt trong các hạng mục đề cử. Nếu Jack có "Hồng nhan", "Bạc phận", "Sóng gió"… thì Đen Vâu có hàng loạt MV triệu view, thậm chí có liveshow thu hút rất đông khán giả.

Lý giải về vấn đề này, Ban Tổ chức cho biết, tiêu chí để đưa vào đề cử các hạng mục của giải Cống hiến là nghệ sĩ, tác phẩm phải có khám phá, đóng góp mới mẻ vào sự phát triển của âm nhạc nói chung. Theo đó, hoạt động của rapper Đen Vâu chưa đủ nổi bật so với các đề cử khác, những bài hát của Jack không có giá trị nghệ thuật cao.

Theo dõi Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến từ những mùa đầu, tôi thấy rằng, giải thưởng đang có những bước chuyển dịch đáng ghi nhận khi ngày càng tìm được tiếng nói chung với phần đông khán giả, tức tìm kiếm những cống hiến, sáng tạo vừa có giá trị nghệ thuật, đồng thời được nhiều khán giả đón nhận. Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến không mang tính hàn lâm như giải thưởng âm nhạc chuyên ngành, cũng không giống như giải thưởng âm nhạc trực tuyến phụ thuộc vào các chỉ số "cứng" như lượt người nghe, người xem, download. Giải thưởng đang ngày càng tiếp cận gần hơn với giá trị thực của đời sống âm nhạc Việt.

Bản chất của nghệ thuật là sáng tạo và người nghệ sĩ phải không ngừng tìm tòi để tạo ra những giá trị nghệ thuật mới. Trên con đường sáng tạo nghệ thuật, có nghệ sĩ khẳng định mình bằng tài năng và sự lao động nghệ thuật bền bỉ, nghiêm túc nhưng cũng có người tỏa sáng nhờ sức mạnh của công nghệ số hay "đúng thời điểm". Họ có thể tạo ra cái mới, lạ nhưng đôi khi đó chỉ là cái nhất thời, không có giá trị bền vững hay giá trị nghệ thuật cao.

Đây là điều hết sức quan trọng, đòi hỏi những nhà báo theo dõi mảng âm nhạc -người có trong tay lá phiếu bình chọn phải hết sức sáng suốt, công tâm để vinh danh sáng tạo, cống hiến có giá trị thực sự. Giải thưởng không chỉ tìm tiếng nói chung với số đông mà còn phải định hướng số đông đến với những giá trị nghệ thuật đích thực. Đây cũng là "mấu chốt" để "giữ lửa", tạo nên sức hấp dẫn cho giải thưởng.

Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến do Báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) tổ chức lần đầu tiên vào năm 2005. Theo Ban Tổ chức, các sự kiện trong khuôn khổ giải thưởng Âm nhạc Cống hiến lần thứ 15 - 2020 gồm: Lễ bầu chọn: ngày 11/3/2020 tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh (họp báo trực tuyến). Lễ trao giải diễn ra vào hồi 20h00, ngày 22/3 tại Nhà hát TP. Hồ Chí Minh, được truyền hình trực tiếp trên VTV.
Phạm Thiên Giang
.
.