Họa sĩ Thu Trần: Giăng tơ để kể câu chuyện của mình
- Họa sĩ Hiền Nguyễn: Sơn mài là nguồn sống của tôi
- Họa sĩ Hùng Lân: Đưa Hesman tìm lại ký ức tuổi thơ
- Có một ranh giới mong manh của họa sĩ Lê Huy Hòa...
- Người họa sĩ tật nguyền chuyên vẽ tranh truyền thần ở phố biển
- Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền: Đi tìm sự hoàn hảo của viên ngọc
Bà chúa Tằm Tang đã tạo nên một huyền thoại, một "con đường tơ lụa trên biển" nổi tiếng đi khắp thế giới chính từ cảng thị Faifo Hội An. Và chính "Con đường tơ lụa" đã dẫn lối họa sỹ Thu Trần tìm hiểu vẻ đẹp của những người phụ nữ Việt từ ngàn xưa. Triển lãm “Giăng tơ” kể lại cho người xem những vẻ đẹp xưa ấy qua ngôn ngữ hội họa với 3 phần: phần sắp đặt; phần tranh và đặc biệt hơn nữa là phần thời trang được kết hợp với nhà thiết kế Phạm Hồng - một nghệ sĩ đương đại với nhiều tác phẩm có giá trị về thân phận người phụ nữ Việt.
Trên nền chất liệu vải tự nhiên truyền thống như tơ tằm sống, đũi, lụa, hoạ sỹ sử dụng màu nước và Acrylic đi nhẹ nhàng và mạnh mẽ tạo cảm giác nhiều biến ảo về không gian, khi thật gần khi thật xa như những sự kết nối của tiếng tơ hay sợi tơ kết nối con người xích lại gần nhau. Từ thế kỷ XVII, khi cảng thị Faifo là một trong những nơi sầm uất bậc nhất châu Á, lụa của xứ Đàng Trong đã theo “con đường tơ lụa trên biển” nổi tiếng thời bấy giờ đi khắp thế giới.
Đó cũng chính là lý do để Thu Trần trưng bày triển lãm độc đáo của mình tại Hội An, nơi nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa đã trở nên quen thuộc từ bao đời nay. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Thu Trần về triển lãm của chị.
- Chị có thể chia sẻ về cảm hứng từ con đường tơ lụa, từ những sợi tơ để làm nên triển lãm này?
+ Cảm hứng từ sợi tơ trời mà tạo hóa ban tặng cho con người đã đi vào câu chuyện nghệ thuật của biết bao đời nay. Những giá trị ấy giữ lại cho biết bao thế hệ trong dân ca Việt Nam hình ảnh con nhện giăng mùng, hay con tằm nhả tơ ấy dường như là một sợi dây vô hình tạo nên những câu chuyện văn hoá kết nối với nhau, tạo nên rất nhiều động lực để thúc đẩy khoa học kĩ thuật, giao thương buôn bán, thám hiểm giúp con người có cái nhìn mới về tự nhiên, địa lý, chính trị…
Một tác phẩm trong triển lãm “Giăng tơ” của họa sỹ Thu Trần. |
Trên cả những điều đẹp đẽ đó là hiện thân trong suy nghĩ của mỗi nghệ sĩ khi tìm cho mình một hướng đi, một nguồn cảm hứng để biến những hiểu biết của mình thành câu chuyện nghệ thuật. “Giăng Tơ” được hình thành rất vô hình, từ những tháng năm nghiên cứu về lụa, về màu trên vải. Bà chúa Tằm Tang xứ Đàng Trong khiến tôi trở lại tìm hiểu về lịch sử của “Con đường tơ lụa trên biển” - một bề dày về văn hoá của cha ông khiến tôi khó lòng cưỡng lại để thực hiện một dự án cho riêng mình, để ca ngợi những điều kì diệu đó bằng ngôn ngữ hội họa của riêng mình!
- Sợi tơ, con tằm, con nhện đã đi vào nghệ thuật, trở thành một hình ảnh quen thuộc. Thu Trần khai thác chất liệu dân gian đó như thế nào để tạo nên sự khác biệt?
+ Chất liệu là một câu chuyện cho mỗi nghệ sĩ tìm hiểu và hoá thân vào chất liệu để nói những điều mình mong muốn, đặc biệt một chất liệu rất mong manh, được kết nối từng sợi, từng sợi qua rất nhiều công đoạn của con người, của tự nhiên mới có được những sợi tơ trong veo.
Đứng trước tư liệu dân gian đó, tôi suy nghĩ rất nhiều, quá trình thử nghiệm đến trong những khoảnh khắc rất nhanh, rất ảo nhưng rất cần năm tháng để ghép những suy nghĩ đó thành hiện thực. Đến khi thực hiện dự án cho triển lãm, tôi vẫn luôn hỏi tôi thế nào là dân gian, thế nào là truyền thống để thực hiện cái nhìn đương đại tạo nên sự khác biệt?
Đó thực sự là một câu hỏi cho mỗi cá nhân nghệ sĩ, tôi cũng không ngoại lệ, tưởng như rất dễ nhưng hành trình đến với nó có làm được không hay vẫn ở ngoài cuộc với câu hỏi ấy.
Tạo sự khác biệt đó cũng không hẳn là tiêu chí của tôi. Tôi có một mong muốn dùng chính những ngôn ngữ hội hoạ của mình để thực hiện quá trình kể chuyện, cũng khá băn khoăn, làm sao để có thể kết nối thành cây cầu giữa truyền thống và hiện đại? Ngôn ngữ hội hoạ của tôi có phù hợp không? Tôi thường xuyên trao đổi quá trình làm việc với hoạ sĩ Lý Trực Sơn về ngôn ngữ hội họa của mình, kết hợp những khuynh hướng hội hoạ để thực hiện trên mỗi phần của tác phẩm. Bản thân tôi mượn ngôn ngữ hội hoạ của Phương Tây để kể câu chuyện của người Việt, đó là lý do để tạo sự khác biệt.
“Người về, để cho con nhện ơ… nó mấy giăng hự hư mùng, là giăng hự hư mùng…”
Đã có lần tôi vừa vẽ vừa lẩm nhẩm bài hát đó và dần như cái đêm năm canh của những người phụ nữ Việt ở những nơi nào đó vẫn đang giăng "hự hư mùng"… Câu hát như mong chờ, như nhắn nhủ, những người phụ nữ ấy không ngồi im mà hát, họ đang quay tơ dệt vải, họ đang xay lúa, giã gạo đêm thâu và họ cất lên lời hát để trải lòng.
Những người làm nghệ thuật đều dựa vào cấu tứ từ thiên nhiên và con người để có những câu chuyện nghệ thuật. Tôi là người phụ nữ Việt may mắn thấm thía và thấu hiểu, tôi cũng giăng tơ trên câu chuyện của mình, lấy cảm hứng từ những tình yêu muôn thuở đó.
- Sau câu chuyện của những sợi tơ, chị muốn chia sẻ điều gì với khán giả?
+ Tôi muốn nói câu chuyện này là một hệ thống, hình thành như một con đường, không rẽ ngang, không chia cắt, không đứt đoạn. Cho nên sau câu chuyện tơ vương này, tôi vẫn kể câu chuyện của mình và vẫn học hỏi không ngừng, vẫn vun xới cánh đồng màu sắc của mình để tìm một nhân duyên mới cho tình yêu vô tận bên “Hội hoạ”.
- Triển lãm của Thu Trần gợi cho tôi nhớ rất nhiều vẻ đẹp của ký ức, trong đó có những vẻ đẹp đã lụi tàn. Truyền thống, ký ức có ý nghĩa như thế nào trong những sáng tác của chị?
+ Truyền thống với tôi là một điều hết sức quan trọng, tôi nghĩ bất cứ một điều gì xuất hiện trên trái đất này đều có một lý do, một lịch sử của sự hình thành để hoàn thiện và phát triển. Ký ức là một thứ chứa trong bộ nhớ của chúng ta, khi gặp dịp sẽ hiện lên trong ta, ký ức sẽ gợi cho ta biết bao kỉ niệm và những kỉ niệm đó sẽ nuôi dưỡng chúng ta. Với tôi ký ức dù buồn vui hay hạnh phúc đều là những điều kỳ diệu
Ký ức của tôi luôn bao trùm đời sống làm nghệ thuật, từ mái nhà tranh vách đất, nơi tuổi thơ trong rừng đại ngàn… những quan sát, những thứ mặc nhiên in đậm trong rừng, ký ức cho ta sự tổng quan qua cái nhìn của quá trình làm việc, mỗi một quá trình làm việc ký ức lại mở ra và khám phá được những yếu tố khác nhau hơn.
Tôi nhớ những bậc đàn anh đi trước trong nghệ thuật, luôn kể cho tôi nghe, làm nghệ thuật phải kể câu chuyện của mình, thế nào là kể câu chuyện của mình một cách chân thực nhất, không sáo rỗng, không lừa dối ai, đó chính là ký ức riêng biệt của mỗi cá nhân.
Ký ức là một hành trang cho ta kết nối giữa quá khứ và hiện tại, ký ức cho ta những trải nghiệm sâu sắc, từng bậc, từng bậc, đó là giá trị của ký ức!
- Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện.
Họa sĩ Lý Trực Sơn: Thu Trần trải qua tuổi trẻ ở vùng cao - nơi người ta sống như ngàn năm trước. Phụ nữ xe tơ dệt vẽ, trên những hình trang trí nhiều màu có lề luật mà không bao giờ giống nhau. Thần thoại, thi ca và đời sống thâm nhập vào nhau, quá khứ cũng không rời bỏ hiện tại. Thu Trần tiếp nhận cái di sản trường tồn này, nuôi dưỡng và giữ gìn một cách tự nhiên. Việc vẽ mà nhuộm lên vải lụa là một nhu cầu tự nhiên như một cô gái miền cao tiếp tục làm việc mà mẹ và bà đã làm. Điểm đáng nói là Thu Trần được đào tạo mỹ thuật một cách bài bản và trở thành một trong những hoạ sĩ xuất sắc. Hội hoạ giúp chị tự do và có nhiều giải pháp cho việc vẽ và nhuộm vải. Vẽ và nhuộm vải lại mở ra cho chị con đường rộng hơn ở hội hoạ. Vải và tranh khác nhau nhưng nương nhau mà thành vải tơ mang muôn vàn màu sắc, hình nét mà hài hoà trong nhịp điệu tạo hình. Khi được nhà thiết kế thời trang sử dụng, hội hoạ đi vào đời sống. Trang phục mang trong nó tính tạo hình là một hiện tượng mới ở Việt Nam. Được hứa hẹn một tương lai nở rộ, tinh thần hội hoạ trên vải tơ đến lượt nó tạo ra cảm hứng cho tranh của Thu Trần. Kinh nghiệm trong thao tác vẽ và nhuộm vải tơ cung cấp cho hội hoạ của chị những ý tưởng đặc sắc và riêng tư. Tranh lụa hai mặt là một ý tưởng lạ, nhưng cách tạo dựng nó còn đáng bàn hơn. Sự phong phú và tính ngẫu hứng của màu sắc và hoạ tiết bỗng dưng im bặt, chỉ còn lại cấu trúc dọc ngang của những vệt màu làm cho bức tranh tựa như những tấm lụa đang lặng lẽ tự dệt bằng ánh sáng trên nền thời gian. Với một hoạ sĩ trừu tượng tìm được cấu trúc riêng là chạm tới thành công, tìm được lý do sâu xa của cấu trúc đó thì sẽ là chính mình. Thu Trần đã cùng hội hoạ của mình đi qua tính thẩm mỹ quy ước, đang đến với cái riêng biệt. |